Nguồn Gốc, ý Nghĩa Và Nghi Thức Dựng Cây Nêu Trong Ngày Têt

  • GIỚI THIỆU CHUNG
    • CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ
    • CƠ CẤU TỔ CHỨC
    • THÀNH TÍCH NỔI BẬT
    • CÁC KHỐI TÀI LIỆU LƯU TRỮ
  • TIN TỨC - SỰ KIỆN
    • TIN TỔNG HỢP
    • TIN HOẠT ĐỘNG
  • CHÂU BẢN TRIỀU NGUYỄN
    • GIỚI THIỆU
    • ẤN PHẨM
    • TRIỂN LÃM
    • BÀI VIẾT
  • PHÒNG ĐỌC
    • GIỚI THIỆU PHÒNG ĐỌC
    • NỘI QUY PHÒNG ĐỌC
  • GIỚI THIỆU TÀI LIỆU - NGHIỆP VỤ
  • TRIỂN LÃM
  • ẤN PHẨM
  • HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ
  • LIÊN HỆ
  1. Trang chủ
  2. Giới thiệu tài liệu - nghiệp vụ

Nguồn gốc, ý nghĩa và nghi thức dựng cây Nêu trong ngày têt

Nguồn gốc, ý nghĩa và nghi thức dựng cây Nêu trong ngày têt

08:10 PM 09/02/2021  |  Đọc bài viết

Lễ dựng nêu hay còn gọi là lễ Thượng tiêu (上標) là nghi thức không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán tại Việt Nam. Khi cây nêu được dựng lên là báo hiệu ngày Tết chính thức bắt đầu.

Theo quan niệm truyền thống dân gian, việc dựng cây nêu ngày Tết mang ý nghĩa chính là để xua đuổi ma quỷ và những điều bất hạnh của năm cũ, cầu mong một năm mới tốt lành. Trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam câu truyện Sự tích cây nêu ngày Tết đại ý kể rằng: Do quỷ chèn ép người, hàng năm đều thu hết hoa lợi do con người trồng cấy, Phật thấy vậy bèn giúp người trừ quỷ. Phật bảo người trồng cây nêu (dùng một cây tre thật cao), Phật treo chiếc áo cà sa lên đầu ngọn cây và thỏa thuận với quỷ rằng, bóng chiếc áo phủ đến đâu sẽ là đất do con người quản lý và thu hoạch hoa lợi, phần còn lại sẽ thuộc về quỷ. Quỷ đồng ý, Phật dùng phép cho bóng chiếc áo phủ lên khắp mặt đất khiến quỷ không còn chỗ trú thân, vì vậy bị đuổi ra ngoài biển đông. Nhưng hàng năm mỗi dịp Tết về, quỷ đều muốn trở vào đất liền để tìm tiên tổ và kiếm cái ăn. Để tránh bị quỷ quấy nhiễu, con người bèn dựng cây nêu trên ngọn treo miếng vải, sau đổi thành lá bùa và chiếc khánh bằng đất nung khi gió rung tạo ra tiếng động để xua đuổi quỷ. Trên ngọn cây cũng thường treo bó lá dứa hoặc cành đa mỏ hái, vì con người cho rằng đó là vật mà quỷ rất sợ.

Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, việc dựng nêu và treo các vật phẩm trên ngọn cây có nhiều hình thức khác nhau, tùy theo phong tục và tập quán của từng nơi. Thậm chí việc dựng cây nêu không chỉ có vào ngày Tết mà còn có thể ở một số lễ hội dân gian. Tuy nhiên cây nêu vẫn chủ yếu được dựng lên vào ngày Tết Nguyên đán như một phong tục truyền thống phổ biến ở khắp mọi miền của đất nước.

Cây nêu dựng lên là báo hiệu ngày Tết chính thức bắt đầu. Nguồn: sưu tầm

Trong cuốn Hội hè lễ tết của người Việt, Nguyễn Văn Huyên mô tả cây nêu ngày tết khá chi tiết: Đấy là một cây tre dài năm sáu mét, được tước hết các cành, nhưng có để lại ở ngọn những cụm lá hoặc buộc vào đó một túm lông gà trống, một mớ lá đa hay lá cây vạn niên thanh. Gần đỉnh treo một cái vòng tre, có buộc những con cá nhỏ, những chiếc chuông con và khánh bằng đất sét nung phát ra một âm thanh nhẹ và êm khi gió thổi. Dưới cái vòng này có buộc một cái mũ thần, những thoi vàng bằng giấy, những miếng trầu, lá dứa hoặc cành xương rồng gai. Ở đỉnh còn treo một cái đèn thắp ban đêm. Cây nêu được làm như vậy để chỉ đúng đường cho tổ tiên trở về ăn tết.

Sách Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính cho rằng: Nhiều nơi chặt tre dựng cây nêu, kết ba cái lạt ra, buộc một bó vàng. Hoặc lấy cành đa lá dừa cài ngoài cửa ngõ. Hoặc là rắc vôi bột trong sân ngoài ngõ, vẽ bàn cờ cái cung, cái nỏ… cũng là có ý trừ quỷ, kẻo sợ năm mới quỷ vào quấy nhà mình.

Giovanni Filippo De Marini, một Linh mục người Ý đến Bắc kỳ vào thế kỷ 17 thì mô tả: Chiều hôm 30 Tết, mọi người đều trồng trước nhà một cây khô, hoặc một cái sào trên ngọn buộc một cái giỏ bé bé, chung quanh có viền giấy mã, lóng lánh như kim tuyến, cái giỏ và giấy trang kim này buộc ở trên ngọn sào có ý nghĩa là để tiêu trừ tà ma tránh xa chỗ nhà ở…

Dưới thời quân chủ Việt Nam, lễ Thượng tiêu (dựng nêu) được coi là một nghi lễ quan trọng nằm trong những lễ tiết chính yếu do Hoàng thượng đích thân hành lễ. Minh Mệnh năm thứ 8 [1827], Bộ Lễ tâu rằng: Theo lệ một năm có 5 lễ hưởng([1]) cùng với tiết Nguyên đán, Đoan dương, Thượng tiêu đều do Hoàng thượng đích thân đến Thái miếu, Thế miếu làm lễ. Tuy nhiên các lễ tiết đều có ghi chép rõ ràng về nghi thức, riêng lễ Thượng tiêu ngày cuối năm bản thân các quan trong triều cũng lúng túng thừa nhận “không thấy sách vở nào nói rõ”. Nhưng tục nước ta theo làm đã lâu thành nếp, vì vậy các quan bàn xin không nên bỏ lễ này, nhưng có thể cử Hoàng tử hoặc các tước công đi tế thay. Vua cho là phải.

Minh Mệnh năm thứ 16 [1835], trong một lần hội bàn, vua lại hỏi thị thần rằng: Lễ dựng cây nêu trong buổi trừ tịch có nguồn gốc từ kinh điển nào? Quan Nội các Hà Tông Quyền thưa rằng: Thần chỉ nghe tương truyền là từ kinh nhà Phật, nhưng cũng chưa rõ ý nghĩa vì sao. Vua nói: Người xưa đặt ra lễ này với ý nghĩa rằng cây nêu là tiêu biểu cho năm mới. Thế thì lễ là do nghĩa mà sinh ra đó thôi. Vì vậy khi định lại nghi lễ tại các đền miếu, nhà vua quy định lễ Thượng nêu cho dùng hương nến, trầu rượu; lễ Chính đán, thêm bánh chưng và phẩm, quả. Theo quốc tục của bản triều, ngày tuế trừ dựng cây nêu, cũng đều có tế cáo, do Hoàng thượng thân đến miếu sở làm lễ. Nhưng từ năm thứ 18 [1837] lễ trồng cây nêu ở các cung điện, giao cho vệ Cẩm Y và vệ Kim Ngô làm thay.

Thời vua Thiệu Trị, năm Thiệu Trị thứ 5 [1845], định lại ngày tế Hợp hưởng ở các miếu. Vua Dụ rằng: Bản triều trước đây lấy ngày 30 tháng chạp, kính làm lễ Hợp hưởng. Nay quy định lại, lấy trước ngày 30 tháng Chạp 8 ngày, tức là ngày 22, kính làm lễ Hợp hưởng ở các miếu; sau ngày Nguyên đán 8 ngày thì làm lễ Xuân hưởng, với ý nghĩa đầu năm đón điềm lành, cuối năm đáp tạ. Các quan đều thấy hợp tình, vì vậy chuẩn định, bắt đầu từ năm đó đặt làm lệ mãi mãi. Duy chỉ đổi ngày, còn tất cả nghi thức tiết văn đều làm theo lệ từ trước; lại giao cho Bộ Lễ nghiên cứu nghi chú các tiết lễ để thi hành.

Hằng năm, tháng chạp làm lễ Tuế trừ (tháng đủ lấy ngày 30, tháng thiếu lấy ngày 29), trước đó, Tôn nhân phủ hội đồng với Bộ Lễ dâng sớ xin cho các Hoàng tử, Hoàng thân được sung kiêm việc tế. Đến ngày hành lễ, trống canh năm, sau khi bắn súng, Hữu ty bày đặt cỗ bàn, vàng bạc, hương đèn và các hạng lễ phẩm ở các miếu đều đủ cả, biền binh thì bày lỗ bộ, nghi trượng, nhã nhạc ở hai bên tả hữu trước sân miếu. Hoàng tử, Hoàng thân đều mặc áo thêu con mãng, chia đến các miếu đứng chờ làm lễ Tuế trừ (tế một tuần rượu, không có văn khấn). Lễ xong, Hữu ty theo lệ dựng cây nêu, Hoàng tử, Hoàng thân và lỗ bộ, nghi trượng, nhã nhạc, đều lui ra, đến chiều hôm ấy, theo lệ làm lễ Trừ tịch. Theo lệ cũ, các tiết Nguyên đán, Trừ tịch, Thượng tiêu, Hạ tiêu ở sân lầu Ngọ môn đều có bắn 700 phát pháo nhưng từ năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) chuẩn cho đình chỉ.

Thời vua Tự Đức, năm Tự Đức thứ 29 [1876], chuẩn định lệ dựng nêu và hạ nêu. Lệ cũ ngày 30 Tết trồng nêu, mồng 7 tháng giêng năm sau hạ nêu, đều do Khâm thiên giám chọn giờ lành để hành lễ. Từ sau chuẩn cho đều lấy giờ Thìn làm giờ nhất định.

Tại Kinh đô, khi cây nêu trong Hoàng cung được dựng lên, nêu tại các đền miếu và trong dân mới được dựng. Cây nêu được dựng trong hoàng cung không chỉ mang ý nghĩa xua đuổi tà ma mà còn là sự cầu chúc, là sự gửi gắm khát vọng của các bậc đế vương cho một năm mới mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, thái bình thịnh trị. Việc hưởng Tết Nguyên đán từ hoàng cung đến dân gian hầu như đều lấy ngày dựng nêu và hạ nêu làm mốc bắt đầu và kết thúc của Tết. Năm 1874 vua Tự Đức quy định: Từ nay về sau đặt làm lệ, các công sở tại Kinh Tết Nguyên đán nghỉ từ 28 tháng Chạp đến hết mồng 8 đầu xuân mới trở lại làm việc để binh lính thợ thuyền đều được nghỉ ngơi. Nếu có việc công khẩn cấp không thể trì hoãn thì vẫn cho làm việc như bình thường.

Tại Nam bộ, Trịnh Hoài Đức trong cuốn Gia Định thành thông chí cho biết: Ngày Trừ tịch ở trước cửa lớn mọi nhà đều dựng một cây tre, trên buộc cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu cau vôi, ở bên giỏ có treo giấy vàng bạc, gọi là dựng nêu. Việc này không thể khảo cứu nguyên do được… Đến này mùng 7 Tết thì triệt hạ, gọi là hạ nêu. Trong mấy ngày Tết phàm các khoản nợ nần đều không được hỏi, đợi ngày hạ xong cây nêu rồi mới được đòi. Ngày Nguyên đán, bất kể là sang hèn, lớn nhỏ đều no say vui chơi, người nghèo nơi thôn dã cũng đều có đủ lễ. Từ ngày dựng nêu trở đi nhà nào cũng vui chơi ăn uống không ai ngăn cấm, đến ngày hạ nêu mới thôi.

Những năm gần đây, phong tục trồng cây nêu ngày Tết đã dần bị mai một, thay vào đó người dân thường chơi hoa, cây cảnh hoặc sắm các loại cây như đào, mai, quất… để bày biện trong nhà với mong muốn một năm mới phát tài phát lộc, sum xuê, đủ đầy. Tuy nhiên tại một số vùng thôn quê hoặc vùng dân tộc thiểu số việc dựng cây nêu ngày tết vẫn diễn ra nhưng ý nghĩa nguyên bản để trấn quỷ trừ ma hầu như không còn nữa. Cây nêu được trồng chủ yếu mang ý nghĩa tượng trưng, cầu chúc những điều tốt đẹp trong năm mới, cũng là sự hoài niệm về một phong tục của tết cổ truyền Việt Nam xưa.

Tài liệu tham khảo:

  1. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn.
  2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục.
  3. Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí.
  4. Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, tập 1, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2000.
  5. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb Văn học, Hà Nội, 2005.
  6. Nguyễn Trọng Phấn, Xã hội Việt Nam từ thế kỷ XVII, NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, tp HCM, 2016.
  7. Nguyễn Văn Huyên, Hội hè lễ tết của người Việt, NXB Thế giới, Hà Nội, 2018.

([1]) Năm lễ hưởng gồm Xuân hưởng, Hạ hưởng, Thu hưởng, Đông hưởng và Hợp hưởng.

Tệp đính kèm

Nguyễn Thu Hoài

  • Từ khóa
  • Tin cùng chuyên mục
Thương cảng Hà Tiên 11:39 PM 25/11/2024 Các dấu mốc thay đổi về tổ chức hành chính của tỉnh Kiên Giang từ khi tái lập năm... 11:49 PM 24/11/2024 Địa giới hành chính tỉnh Hà Tiên và Rạch Giá dưới thời Pháp thuộc 09:44 AM 24/11/2024 Địa giới Kiên Giang dưới Triều Nguyễn 06:48 PM 23/11/2024 Cửu Đỉnh trong nghiên cứu của người Pháp 12:09 AM 23/11/2024 Triển lãm 3D trực tuyến: Giới thiệu hình ảnh, tài liệu lưu trữ về địa giới hành chính... 10:07 PM 21/11/2024
  • Tin cùng chuyên mục
Thương cảng Hà Tiên (11:39 PM 25/11/2024) Các dấu mốc thay đổi về tổ chức hành chính của tỉnh Kiên Giang từ khi tái lập năm... (11:49 PM 24/11/2024) Địa giới hành chính tỉnh Hà Tiên và Rạch Giá dưới thời Pháp thuộc (09:44 AM 24/11/2024) Địa giới Kiên Giang dưới Triều Nguyễn (06:48 PM 23/11/2024) Cửu Đỉnh trong nghiên cứu của người Pháp (12:09 AM 23/11/2024) Triển lãm 3D trực tuyến: Giới thiệu hình ảnh, tài liệu lưu trữ về địa giới hành chính... (10:07 PM 21/11/2024) VIDEO HOT Khơi dòng Lợi Nông dưới thời các vua đầu triều Nguyễn| LTQGI Đình Thương bạc - Biểu tượng của cơ quan ngoại giao nhà Nguyễn| LTQGI Độc đáo đấu trường voi và hổ triều Nguyễn| LTQGI Nghề làm hương ở Bắc kỳ xưa| LTQGI Bình An đường - "bệnh viện" dành cho thái giám, nữ quan triều Nguyễn| LTQGI LIÊN HỆ PHÒNG ĐỌC

Điện thoại: (84-4) 37822545 - Ext: 208

Email: salledelecture1@gmail.com

LIÊN KẾT TRANG -- Chọn liên kết --Google THỐNG KÊ TRUY CẬP

Khách đang online:

Tổng số truy cập:

Từ khóa » Cây Tre Miễu Là Gì