Nguồn Lợi Hải Sản Vùng Biển Hải Phòng, Hiện Trạng Khai Thác, Bảo Vệ ...

General Information

Author: Issued date: 24/11/2009 Issued by:

Content

1. Mở đầu

Hải Phòng là một thành phố nằm ở phía Đông Bắc Bắc Bộ, có bờ biển dài trên 125 km kể cả bờ biển quanh các đảo ngoài khơi (www.haiphong.gov.vn) có mạng lưới sông ngòi dày đặc thuộc hệ thống sông Thái Bình, đổ ra biển qua một số cửa sông chính là cửa sông Thái Bình, cửa sông Lạch Tray, cửa Cấm và cửa Nam Triệu. Bờ biển Hải Phòng có hướng một đường cong lõm của bờ vịnh Bắc Bộ, địa hình thấp, nền đáy khá bằng phẳng. Ở khu vực ven bờ cửa sông chất đáy chủ yếu là cát bùn, dọc lên phía Đông Bắc, giới hạn bởi quần đào Cát Bà, nền đáy gồ ghề, chất đáy chủ yếu là cát sỏi. Vùng biển Hải Phòng còn có rất nhiều đảo lớn, nhỏ nằm rải rác, lớn nhất là đảo Cát Bà và xa nhất là đảo Bạch Long Vĩ.

Biển Hải Phòng chịu sự ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, gió Tây Nam thịnh hành từ tháng 3 đến tháng 8 và gió Đông Bắc từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau. Ở mùa gió Tây Nam thời tiết nóng và ẩm ướt, nhiệt độ trung bình khoảng 27-290C (Phạm Thược 2001) , lượng mưa trung bình khá cao, dao động trong khoảng 1500-1800mm, độ mặn thấp. Ở mùa gió Đông Bắc, thời tiết lạnh và khô, nhiệt độ trung bình dao động trong khoảng 16-210C, lượng mưa trung bình 10-120mm. Thuỷ triều vùng ven biển Hải Phòng thuộc chế độ nhật triều không đều, biên độ dao động từ 3,2-3,8 m.

Nguồn lợi tự nhiên ở vùng biển Hải Phòng thể hiện sự đa dạng sinh học của biển nhiệt đới, gồm các hệ sinh thái rừng ngập mặn (D. D. Sam et al. 2005), hệ sinh thái san hô (V. S. Tuan and P. K. Hoang 1996), hệ sinh thái cỏ biển (N. V. Tien et al. 2002). Đó là nơi lưu giữ nguồn lợi sinh vật biển vô cùng phong phú và là nơi sinh cư, sinh sản của rất nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao như tôm he, mực nang, mực ống, cá Hồng, cá Song, cá Mú, cua ghẹ và rất nhiều loài hải đặc sản khác.

Hoạt động khai thác hải sản ở vùng biển Hải Phòng diễn ra nhộn nhịp với cơ cấu ngành nghề khai thác đa dạng, ngư trường khai thác rộng lớn, từ vùng biển ven bờ quanh các quần đảo Cát Bà, Long Châu cho đến đảo Bạch Long Vỹ và vùng đánh cá chung Việt Nam – Trung Quốc. Hải Phòng có hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá khá phát triển với nhiều cảng lên cá hiện đại ở Cát Bà, Đồ Sơn và Bạch Long Vỹ, đáp ứng không những cho ngư dân Hải Phòng mà còn cho ngư dân ở nhiều tỉnh khác. Hệ thống các khu neo đậu tàu thuyền tránh bão an toàn, thuận tiện cho tàu cá ra vào khi gặp điều kiện thời tiết xấu. Tuy nhiên, nghề cá Hải Phòng mang đặc thù của nghề cá vịnh Bắc Bộ, với quy mô nhỏ thời gian hoạt động khai thác ngắn. Tàu thuyền tham gia khai thác chủ yếu có công suất 20-45 CV, số lượng tàu lớn có khả năng tham gia khai thác xa bờ ít. Những năm gần đây, nguồn lợi hải sản ở vùng biển vịnh Bắc Bộ nói chung và vùng biển Hải Phòng nói riêng đã và đang bị khai thác quá mức. Số lượng tàu thuyền tăng cùng với việc quản lý chưa tốt đã dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi, không chỉ giảm về lượng mà cả về chất. Hàng loạt các loài hải đặc sản có nguy cơ biến mất, các loài cá tạp chất lượng thấp đang dần chiếm ưu thế trong sản lượng khai thác của các chuyến biển ở hầu hết các loại nghề khai thác. Trước thực trạng đó, việc nghiên cứu đánh giá hiện trạng nguồn lợi, hoạt động khai thác, ở vùng biển Hải Phòng là cần thiết, góp phần bảo vệ, duy trì và phát triển nguồn lợi hải sản bền vững.

2. Hiện trạng nguồn lợi hải sản

2.1. Thành phần loài

Vùng biển Hải Phòng là một trong những khu có tính đa dạng sinh học cao. Những nghiên cứu gần đây đã thống kê được 124 loài cá biển thuộc 89 giống nằm trong 56 họ phân bố ở vùng biển quanh đảo Cát Bà (Bùi Đình Chung 1999). Các họ phong phú về số lượng loài là cá Khế (Carangidae) với 9 loài; họ cá Liệt (Leiognathidae) với 8 loài; họ cá Đù (Sciaenidae) đã bắt gặp 7 loài; họ cá Bàng Chài (Labridae) bắt gặp 6 loài và họ cá Bống (Gobiidae) bắt gặp 5 loài. Có 15 họ có số lượng loài từ 2 đến 4 loài. Trong các năm 2003 và 2004, (Đỗ Văn Khương và nkk 2005) đã khảo sát thành phần loài hải sản ở vùng biển quanh đảo Cát Bà và đã xác định được 215 loài và nhóm loài hải sản thuộc 72 họ khác nhau. Trong đó có 173 loài cá, 26 loài giáp xác, 14 loài động vật thân mềm và 2 loài sam biển. Cá rạn san hô chiếm ưu thế với 79 loài thuộc 58 giống nằm trong 37 họ cá khác nhau (Đỗ Văn Khương và nnk. 2005). Các họ cá biển bắt gặp nhiều là cá Khế, cá Bống, cá Hồng, cá Phèn, cá Lượng, cá Chai, cá Đù, cá Mối và cá Trích. Ngoài ra còn có một số đối tượng có giá trị kinh tế cao như tôm he, mực nang, mực ống và cua bơi. Nguồn lợi hải sản ở vùng biển Hải Phòng mang đặc điểm nguồn lợi hải sản vịnh Bắc Bộ, với thành phần loài phong phú và không có loài hoặc nhóm loài chiếm ưu thế tuyệt đối trong thành phần sản lượng khai thác. Từ năm 2001 đến năm 2005, dự án đánh giá nguồn lợi sinh vật biển Việt Nam đã thực hiện 4 chuyến khảo sát nguồn lợi hải sản ở vùng biển vịnh Bắc Bộ, khu vực điều tra bao phủ hầu hết vùng biển Hải Phòng, sử dụng lưới kéo đáy (Đặng Văn Thi và nnk. 2005). Kết quả khảo sát đã xác định được 515 loài/nhóm loài thuộc 10 nhóm sinh thái lớn và nhóm loài khác nhau. Trong số này, nhóm cá đáy có số lượng loài cao nhất (234 loài), tiếp theo là nhóm cá rạn san hô (117 loài), cá nổi - 86 loài; nhóm giáp xác - 47 loài, nhóm chân đầu 27 loài, nhóm ốc và hai mảnh vỏ có 6 loài và 1 loài sam biển. Tính chung cho các dải độ sâu và các chuyến điều tra, nhóm cá đáy chiếm tỷ lệ trung bình cao nhất trong sản lượng khai thác (28,8%), tiếp theo là nhóm cá rạn san hô (27,7%) và nhóm cá nổi (10,8%).

- Nguồn lợi cá nổi: Cá trích, cá nục, cá bạc má và cá cơm là những loài cá nổi nhỏ chiếm tỉ lệ cao trong sản lượng khai thác ở vùng biển ven bờ vịnh Bắc Bộ.

- Nguồn lợi cá đáy: cá đáy là nhóm có số lượng loài nhiều nhất. Một số loài chiếm ưu thế trong sản lượng khai thác là cá bánh đường, cá mối, cá phèn, cá trác, cá gúng, cá bơn, cá đù và cá chai. Kết quả nghiên cứu sử dụng lưới kéo đáy của dự án đánh giá nguồn lợi sinh vật biển Việt nam cho thấy năng suất đánh bắt trung bình có xu hướng tăng lên từ vùng biển ven bờ ra vùng biển khơi (Đặng Văn Thi và nnk. 2006).

- Nguồn lợi cá rạn: Cá rạn san hô là một trong những đối tượng chiếm tỉ lệ cao trong sản lượng khai thác ở vùng biển vịnh Bắc bộ, ngư trường khai thác nhóm cá này chủ yếu là vùng biển Cát Bà, Cô Tô. Các loài thuộc họ cá Hồng, cá Mú là những đối tượng có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, những năm gần đây do áp lực khai thác tăng mạnh dẫn đến nguồn lợi các loài cá này giảm sút đáng kể (Đỗ Văn Khương và nnk. 2005)

- Nguồn lợi chân đầu: nhóm chân đầu bao gồm mực ống, mực nang và bạch tuộc, là nhóm có giá trị kinh tế cao trong sản lượng khai thác. Năng suất đánh bắt trung bình của nhóm này khác nhau ở các dải độ sâu khác nhau. Trong những năm gần đầy, năng suất khai thác của nhóm này có xu hướng giảm.

- Nguồn lợi tôm: Thành phần loài tôm ở vịnh Bắc Bộ rất đa dạng và phong phú. Theo thống kê của Phạm Thược (2005) thì ở vịnh Bắc Bộ có 28 loài Tôm. Họ tôm he (Penaeidae) phong phú nhất về thành phần loài và chiếm tỉ lệ cao trong sản lượng khai thác. Kết quả khảo sát bằng nghề lưới kéo tôm tháng 3-4/2002 cho thấy sản lượng khai thác của họ tôm He chiếm khoảng 78,6% tổng sản lượng tôm khai thác được (Nguyễn Công Con 2002). Họ tôm tít (Squillidae), họ tôm lửa (Solenoceidae) và họ tôm gai (Pelaemonidae) cũng xuất hiện thường xuyên trong sản lượng khai thác của nghề lưới kéo tôm, tuy nhiên sản lượng khai thác của những họ này thường chiếm tỉ lệ không cao trong tổng sản lượng đánh bắt.

2.2. Năng suất khai thác

Năng suất khai thác ở khu vực xung quanh đảo Cát Bà - Hải Phòng biến động khá mạnh giữa các năm và các mùa vụ khai thác (Đỗ Văn Khương và nnk. 2005). Đối với lưới kéo cá, năng suất khai thác trung bình đạt 76,8 kg/giờ ở chuyến điều tra tháng 11, 12/2001 đại diện cho mùa gió Đông Bắc; tuy nhiên ở chuyến điều tra tháng 5, 6/2001 đại diện cho mùa gió Tây Nam, năng suất đánh bắt chỉ đạt 26,7 kg/giờ.

Đối với lưới kéo tôm, năng suất khai thác thấp hơn. Năng suất khai thác trung bình chung dao động trong khoảng 4,6 – 12,4 kg/giờ ở các năm 2002 đến 2004. Năng suất khai thác ở mùa gió Tây Nam thường cao hơn so với ở mùa gió Đông Bắc (Bảng 1)

Bảng 1. Năng suất khai thác trung bình (kg/giờ) của các chuyến khảo sát bằng lưới kéo đáy ở vùng biển Cát Bà (NSTB: năng suất trung bình).

Chuyến điều tra

Tháng

NSTB (kg/giờ)

Dao động (kg)

Ghi chú

2001

5, 6

26,7

19,5-34,0

Lưới kéo đáy cá

11, 12

76,8

27,3-119,3

Lưới kéo đáy cá

2002

4

12,4

4,0-21,2

Lưới kéo đáy tôm

10

4,6

1,4-10,0

Lưới kéo đáy tôm

2003

8

7,7

1,9-13,8

Lưới kéo đáy tôm

5, 6

41,2

16,5-75,7

Lưới kéo đáy cá

2004

4, 5

12,1

7,3-24,4

Lưới kéo đáy tôm

Nguồn: Đỗ Văn Khương và nnk (2005)

2.3. Một số ngư trường khai thác chính

Vùng biển Hải Phòng là một trong những khu vực có mật độ phân bố của các loài hải sản khá cao so với các khu vực khác ở vùng biển vịnh Bắc Bộ. Theo Đào Mạnh Sơn (2005) thì các ngư trường khai thác chính ở vùng biển Hải Phòng và các vùng lân cận là:

+ Ngư trường Bạch Long Vỹ: Đây là ngư trường khai thác truyền thống của nghề lưới kéo đáy. Năng suất khai thác cao tập trung chủ yếu ở vùng biển phía Đông và Đông Bắc đảo Bạch Long Vỹ, độ sâu ngư trường từ 30-50m. Ở mùa gió Đông Bắc, các đàn cá thường tập trung với mật độ cao hơn so với ở mùa gió Tây Nam. Các loài chiếm sản lượng cao trong sản lượng khai thác ở ngư trường Bạch Long Vỹ là: cá miễn sành hai gai, cá nục sồ, cá mối, cá lượng, cá phèn khoai, ngoài ra các loài cá hồng, cá trác, cá bạc má cũng là những đối tượng thường xuyên xuất hiện trong sản lượng khai thác.

+ Ngư trường Cát Bà – Bắc Long Châu: Ở khu vực này đối tượng khai thác chính là các loài tôm, trong đó tôm he, tôm sắt và tôm rảo là những đối tượng chiếm tỉ lệ cao trong sản lượng tôm khai thác được. Ngoài ra, đây cũng là ngư trường khai thác cá hồng, cá song và một số loài cá kinh tế khác. + Ngư trường Nam Long Châu: đây là ngư trường khai thác chính của các loài cá trích, cá hồng, cá mối và cá phèn. Ngư trường này kéo dài suốt từ phía Nam đảo Long Châu đến cửa Ba Lạt. Nghề lưới vây và nghề vó mành được sử dụng để khai thác cá nổi, chủ yếu là nhóm cá trích, cá cơm. Nghề lưới kéo đáy được sử dụng để khai thác cá mối, cá phèn.

3. Hoạt động khai thác hải sản ở vùng biển Hải Phòng

+ Biến động số lượng tàu thuyền và cơ cấu nghề khai thác hải sản Hải phòng có 13 đơn vị hành chính là: các quận Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền, Hải An, Dương Kinh, Đồ Sơn và các huyện: Cát Hải, Kiến Thụy, An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên và Bạch Long Vỹ. Trong đó, hầu hết các quận huyện đều có các đội tàu khai thác hải sản trừ huyện An Lão và huyện Vĩnh Bảo. Tổng số tàu thuyền khai thác của toàn thành phố tính đến tháng 7/2008 là 2.863 chiếc. Trong đó, huyện Thủy Nguyên có số lượng tàu thuyền nhiều nhất, với 1.130 chiếc chiếm 39,5% tổng số tàu thuyền khai thác hải sản của toàn thành phố. Kiến Thụy, Đồ Sơn và Cát Hải cũng là những địa phương có nhiều tàu thuyền tham gia khai thác hải sản. Ngược lại, các quận Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền và Kiến An có rất ít tàu thuyền tham gia đánh bắt hải sản. Tỉ lệ % tàu thuyền của từng địa phương trong thành phố được trình bày ở Hình 1

Hình 1. Tỉ lệ phân bố tàu thuyền khai thác hải sản (% theo tổng số) của thành phố Hải Phòng theo các địa phương (Tổng số tàu của toàn thành phố tính đến tháng 7/2008: 2863 chiếc) Theo báo cáo của Cục Khai thác Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản (2006) thì số lượng tàu thuyền khai thác hải sản của thành phố Hải Phòng là 2.595 chiếc, trong đó nhóm tàu có công suất nhỏ dưới 20 CV là 1.446 chiếc, chiếm 55,7% tổng số tàu thuyền của toàn thành phố. Nhóm tàu có công suất 20-45 CV chiếm 24,7% tổng số tàu thuyền, với 1034 chiếc. Số lượng tàu kích thước lớn chiếm tỉ lệ nhỏ trong cơ cấu tàu thuyền. Như vậy, sau 2 năm, tổng số tàu thuyền khai thác hải sản của Hải Phòng đã tăng thêm 268 chiếc. Ngoài ra, ở các địa phương như Cát Hải và Đồ Sơn có một lượng lớn lồng bè nuôi hải sản. Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản Hải Phòng (2008a) thì huyện Cát Hải hiện có 378 bè nuôi hải sản và huyện Thủy Nguyên có 152 bè nuôi hải sản.

Lưới rê, lưới kéo đáy và chụp mực là những nghề khai thác hải sản chính của ngư dân Hải Phòng. Cơ cấu nghề khai thác hải sản của thành phố được trình bày ở Hình 2. Nghề lưới rê chiếm 43,4% tổng số tàu thuyền trong cơ cấu nghề khai thác, tiếp đến là nghề chụp mực (17,4%) và nghề lưới kéo đáy (13,6%). Nhóm nghề khác bao gồm nhiều loại hình khai thác như: cào nghêu lụa, cào nhuyễn thể, pha xúc, lưới rùng, lồng bẫy, đáy, lặn… chiếm khoảng 23,5% tổng số lượng tàu thuyền trong cơ cấu nghề khai thác hải sản, tuy nhiên nhóm nghề này chủ yếu là những tàu có công suất nhỏ, phần lớn thuộc nhóm dưới 20CV (Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản Hải Phòng 2008a).

Bảng 2. Số lượng tàu thuyền phân theo nhóm công suất các tỉnh ven biển vịnh Bắc Bộ, tính đến tháng 12/2006 (Nguồn: Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản, Bộ NN&PTNT).

TT

Địa phương

Nhóm công suất (CV)

Tổng số

<20

20-45

45-90

>90

1

Quảng Ninh

3.125

1.034

319

101

4.669

2

Hải Phòng

1.446

640

253

256

2.595

3

Thái Bình

817

42

151

81

1.091

4

Nam Định

1.039

440

115

92

1.956

5

Ninh BÌnh

39

10

0

4

53

6

Thanh Hóa

3.034

949

533

504

5.029

7

Nghệ An

1.117

1.499

567

597

3.840

8

Hà Tĩnh

2.036

362

17

32

2.447

9

Quảng Bình

1.614

796

732

172

3.314

10

Quảng Trị

1.301

399

21

36

1.757

Biến động số lượng tàu thuyền khai thác hải sản và tổng công suất máy được trình bày ở Hình 3. Số lượng tàu khai thác hải sản của Hải Phòng tăng liên tục trong những năm từ 1976 đến 1995, sau đó chững lại. Những năm gần đây số lượng tàu thuyền không những không tăng mà giảm đi. Tổng công suất máy tàu tăng đều hàng năm, từ năm 1976 đến 2003, sau đó giảm dần. Giai đoạn 1995 – 2000, số lượng tàu biến động theo chiều hướng giảm về số lượng, tuy nhiên công suất máy tàu tăng liên tục, chứng tỏ trong giai đoạn này có sự chuyển đổi cơ cấu đội tàu khai thác. Các tàu có kích thước nhỏ, công suất máy thấp được dần thay thế bằng tàu có kích thước và công suất máy lớn hơn. Tổng số tàu thuyền khai thác thuỷ sản của Hải Phòng năm 2007 là 3.379 chiếc, trong đó 2.240 tàu lắp máy với tổng công suất 83.316 CV, bình quân chỉ đạt 37,19 CV/tàu, trong đó có 310 chiếc công suất trên 90 CV (Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản Hải Phòng 2008b).

Hình 2. Cơ cấu nghề khai thác hải sản (%) của thành phố Hải Phòng, tính đến tháng 7/2008 (Nguồn: Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản Hải Phòng)

Hình 3. Biến động số lượng tàu thuyền (chiếc) và tổng công suất máy tàu (CV) khai thác hải sản của thành phố Hải Phòng giai đoạn 1976 – 2007. Nguồn: Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản Hải Phòng 2008.

Những năm gần đây, cơ cấu nghề khai thác hải sản của Hải Phòng có những thay đổi rõ rệt (Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản Hải Phòng 2008b). Các họ nghề cố định, vó mành, te ngày càng cú xu hướng giảm dần. Nghề chụp mực kết hợp với ánh sáng giai đoạn 2000-2006 đó phát triển nhanh và hoạt động khai thác quanh năm.

+ Các nghề khai thác hải sản xa bờ

- Nghề lưới giã đôi: Đội tàu khai thác hải sản hoạt động bằng nghề lưới kéo đôi ở Hải Phòng sử dụng tàu có công suất lớn từ 200CV trở lên, phổ biến các các tàu có công suất trên 300CV.Tuy vậy nghề này đòi hỏi chi phí đầu tư cho hoạt động sản xuất lớn, với giá nhiên liệu cao như hiện nay, hiệu quả sản xuất của nghề này giảm

- Nghề câu khơi: chủ yếu là nghề câu rạn, đối tượng đánh bắt chủ yếu là các loài có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên những năm gần đây do diện tích rạn san hô suy giảm dẫn đến nguồn lợi cá bị suy giảm nghiêm trọng do vậy nghề này ít có cơ hội phát triển.

- Nghề chụp mực: nghề chụp mực mới du nhập vào Hải Phòng và phát triển rất nhanh. Nghề chụp mực đánh bắt chủ yếu ở các vùng biển xa bờ cho hiệu quả kinh tế cao, hoạt động quanh năm, ngư trường khai thác chính là vùng biển phía Tây dảo Bạch Long Vỹ.

+ Nghề khai thác hải sản gần bờ

- Nghề lưới giã tôm: nghề lưới giã tôm phát triển với số lượng lớn. Đối tượng đánh bắt chủ yếu là tôm bộp, tôm sắt.

- Nghề lưới rê: chiếm tỉ lệ khá cao trong cơ cấu nghề khai thác hải sản, nghề lưới rê có năng suất không cao nhưng đánh bắt những đối tượng có giá trị kinh tế cao nên có xu hướng ổn định về số lượng nghề nghiệp

- Nghề câu: là nghề chiếm tỉ trọng nhỏ trong cơ cấu nghề khai thác gần bờ

- Nghề đăng đáy: đây là nghề truyền thống của nhiều cộng đồng ngư dân địa phương, chủ yếu đánh bắt cá nhỏ ở vùng vửa sông ven biển.

- Nghề te, xiệp: là nghề khai thác có tính huỷ diệt cao, nghề này thường đánh bắt ở các vùng ven bờ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi và hệ sinh thái.

+ Sản lượng khai thác

Theo ước tính của dự án đánh giá nguồn lợi sinh vật biển Việt Nam (Frank riget 2005) thì tổng sản lượng hải sản khai thác của Hải Phòng năm 2003 khoảng 23.645 tấn, chiếm 5,58% tổng sản lượng khai thác của toàn vùng vịnh Bắc Bộ, đứng thứ 5 trong tổng số 10 tỉnh có tàu khai thác hải sản trong vùng.

4. Định hướng phát triển ngành đến năm 2020

Nguồn lợi hải sản vịnh Bắc Bộ nói chung và biển Hải Phòng nói riêng đang bị khai thác quá mức. Những nghiên cứu về hiện trạng nguồn lợi ở vịnh Bắc Bộ trong những năm gần đây cho thấy năng suất khai thác giảm mạnh (Đào Mạnh Sơn 2005; Đặng Văn Thi và nnk. 2006), những loài cá kinh tế ít xuất hiện trong các mẻ lưới, thay vào đó là những loài cá có giá trị kinh tế thấp, chủ yếu là cá tạp, cá phân chiếm ưu thế trong sản lượng đánh bắt của hầu hết cá nghề khai thác. Bộ Thủy sản, nay là Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có một số chỉ thị nhằm quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là vùng nước ven bờ. Tuy nhiên, để thực hiện nhiệm vụ này, các cơ quan thực thi còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Hải Phòng là một trong những địa phương có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế biển so với các tỉnh, thành phố trong vùng duyên hải Bắc Bộ. Để quản lý, khai thác có hiệu quả nguồn lợi hải sản đảm bảo phát triển bền vững, thành phố Hải Phòng đã có những định hướng phát triển, những quy hoạch điều chỉnh cho phù hợp. Định hướng chung phát triển thủy sản đến năm 2020 của Hải Phòng nêu rõ, đến năm 2020, phát triển Hải Phòng thành một trung tâm nghề cá thương mại phục vụ cho nhu cầu thủy hải sản của các tỉnh Bắc Bộ. Khai thác thủy hải sản gắn liền với bảo vệ nguồn lợi, môi trường sinh thái đảm bảo phát triển bền vững. Các giải pháp nhằm ổn định và phát triển nghề cá Hải Phòng như sau:

+ Giải pháp về thông tin tuyên truyền: Giảm bớt số lượng tàu thuyền đánh cá nhỏ, thuyền thủ công để giảm bớt áp lực khai thác ở vùng lộng. Cấm sử dụng chất nổ, hóa chất để đánh bắt hải sản. Tuyên truyền rộng rãi, thường xuyên, liên tục để người dân nhận thức từ đó tự giác chấp hành các quy định của Nhà nước về bảo vệ và phát triển nguồn lợi.

+ Giải pháp xây dựng nghề khai thác hải sản có tổ chức: Thành phố hải phòng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu khoa học để có đánh giá đầy đủ về nguồn lợi hải sản của địa phương. Trên cơ sở đó xác định cơ cấu nghề nghiệp và số lượng tàu thuyền khai thác phù hợp đảm bảo phát triển bền vững nguồn lợi hải sản.

+ Giải pháp quản lý và tổ chức sản xuất: khai thác phải đi đôi với bảo vệ nguồn lợi, đặc biệt là nguồn lợi hải sản ở vùng biển ven bờ. Mô hình đồng quản lý dựa trên sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý với cộng đồng ngư dân là giải pháp tốt cần được triển khai và áp dụng. Đối với tổ chức sản xuất, phát triển mô hình hợp tác xã khai thác hải sản theo mô hình đã được triển khai tại xã Lập Lễ - Thủy Nguyên.

+ Khuyến ngư: Tổ chức tập huấn cho ngư dân về các phương pháp tổ chức, quản lý theo mô mình quản lý cộng đồng. Chuyển giao công nghệ mới khai thác hải đặc sản, đặc biệt là trong khai thác hải sản xa bờ. Trao đổi kinh nghiệm khai thác hải sản để đạt hiệu quả caổtng sản xuất.

+ Giải pháp khoa học công nghệ: Phối hợp với cơ quan nghiên cứu tiến hành điều tra đánh giá nguồn lợi hải sản, xác định các bãi đẻ, mùa vụ sinh sản làm căn cứ cho việc quản lý và sử dụng nguồn lợi có hiệu quả mà không ảnh hưởng đến nguồn lợi.

+ Giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản: Đẩy mạnh qua trình xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản ở cơ sở. Tăng cường công tác giáo dục ngư dân về bảo vệ và phát triển nguồn lợi. Xây dựng các khu bảo tồn biển ở Bạch Long Vỹ và Cát Bà nhằm bảo tồn tính đa dạng sinh học đồng thời bảo vệ các loài hải sản có nguy cơ tuyệt chúng. Tăng cường nâng cao năng lực cán bộ chi cục nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý và bảo vệ nguồn lợi.

5. Đề xuất

Để quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản hợp lý, thành phố Hải Phòng cần triển khai các chương trình nghiên cứu đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản trong vùng biển của địa phương, cụ thể:

- Xây dựng chương trình điều tra tổng thể nguồn lợi hải sản, đánh giá trữ lượng và khả năng khai thác đối với nguồn lợi sinh vật biển ở vùng biển Hải Phòng làm cơ sở cho việc quy hoạch bảo vệ và tái tạo nguồn lợi.

- Điều tra hiện trạng khai thác và sử dụng nguồn lợi hải sản.

- Triển khai hệ thống thống kê nghề cá, ghi sổ nhật ký khai thác hải sản để kiểm soát, đánh giá biến động sản lượng khai thác hàng năm làm cơ sở cho việc chỉ đạo sản xuất điều chỉnh hoạt động khai thác phù hợp.

6. Tài liệu tham khảo

Bùi Đình Chung (1999). Điều tra cơ bản nguồn lợi hải sản và điều kiện môi trường các vùng trọng điểm phục vụ mục tiêu phát triển bền vững ngành hải sản vùng gần bờ Việt Nam. Giai đoạn I: Vùng Tây vịnh Bắc Bộ. Báo cáo khoa học. Viện Nghiên cứu Hải sản.

Bùi Đình Chung, Chu Tiến Vĩnh và Nguyễn Hữu Đức (2001). Nguồn lợi cá biển - cơ sở phát triển của nghề cá biển nước ta. Tuyển tập các công trình nghiên cứu nghề cá biển. Tập 2, trang 199-210. Nhà xuất bản Nông nghiệp Hà nội

Nguyễn Công Con (2002). Báo cáo kết quả điều tra nguồn lợi bằng tàu đánh lưới kéo tôm ở vùng biển vịnh Bắc Bộ, Viện Nghiên cứu Hải sản, Hải Phòng.

Đỗ Văn Khương, Đỗ Công Thung và Nguyễn Quang Hùng (2005). Nghiên cứu bổ sung cơ sở khoa học cho việc quy hoạch, quản lý các khu bảo tồn biển Cát Bà và Cô Tô. Báo cáo tổng kết đề tài. Viện Nghiên cứu Hải sản.

Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản Hải Phòng (2008a). Báo cáo thống kê số lượng tàu thuyền khai thác hải sản năm 2008. Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản Hải Phòng (2008b). Thực trạng nghề khai thác hải sản vịnh Bắc bộ nói chung và Hải Phòng.

Cục Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản (2006). Báo cáo thống kê số lượng tàu thuyền khai thác hải sản năm 2006.

Đào Mạnh Sơn (2005). Nghiên cứu, thăm dò nguồn lợi hải sản và lựa chọn công nghệ khai thác phù hợp phục vụ phát triển nghề cá xa bờ Việt Nam. Tuyển tập các công trình nghiên cứu nghề cá biển. Tập 3, trang 133-188. Nhà xuất bản Nông nghiệp Hà nội.

Đặng Văn Thi, Nguyễn Bá Thông và Vũ Việt Hà (2006). Tổng quan nguồn lợi và hệ sinh thái vùng biển vịnh Bắc Bộ. Viện Nghiên cứu Hải sản, Hải Phòng: 72 trang.

Phạm Thược (2001). Cơ sở khao học cho vấn đề quản lý bền vũng nguồn lợi hải sản vùng biển gần bờ Việt Nam. Tuyển tập các công trình nghiên cứu nghề cá biển. Tập 2, trang 279-300. Nhà xuất bản Nông nghiệp Hà nội.

Phạm Thược (2005). Cơ sở khoa học cho vấn đề quản lý hoạt động nghề cá ở vịnh Bắc Bộ. Tuyển tập các công trình nghiên cứu nghề cá biển. Tập 3, trang 237 - 257. Nhà xuất bản Nông nghiệp Hà nội.

N. V. Tien, D. N. Thanh and N. H. Dai (2002). The sea-grass of Vietnam: Species compostion, distribution and ecosystems. Hanoi, Hanoi Techniques and Sciences Publishing House.

V. S. Tuan and P. K. Hoang (1996). Species composition and distribution of hard coralsf: Scleractinia, Hexacorallia, Anthozoa in the southern waters of Vietnam, Hanoi Technique and Science Publishing House

D. D. Sam, N. N. Binh, N. D. Que and V. T. Phuong (2005). Mangrove of Vietnam. “Reversing Environmental degradation trends in the South China Sea and Gulf of Thailand", UNEP/GEF Project. Hanoi, Hanoi Agricultural Publishing House.

Frank riget (2005). Total catch in the North Vietnam 2003, Assessment of the Living Marine Resources in Vietnam (ALMRV) - Research Institute for Marine Fisheries (RIMF).

Vũ Việt HàViện Nghiên cứu Hải sản, 170 - Lê Lai, Hải Phòng. Điện thoại: 0313 826986; email: vvha@rimf.org.vn

Vũ Văn HợpChi cục Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản Hải Phòng. Điện thoại: 0313 551 111; email: vuvanhop.hop@gmail.com

Download

Từ khóa » Kể Tên Các Ngành Kinh Tế Biển Của Hải Phòng