Ngưu Tất | BvNTP - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương

Ngưu tất là vị thuốc có tính ôn, vị đắng, chua đi vào hai kinh can thận. Y học cổ truyền thường dùng dược liệu này trong các bài thuốc chữa viêm họng, đau bụng kinh, sốt, suy thận…

cây ngưu tất

Hình ảnh cây ngưu tất

  • Tên khác: Cỏ xước, bách bội, ngưu tịch, hoài ngưu tất, xuyên ngưu tất, ngưu kinh, cỏ xước hai răng

  • Tên khoa học: Achyranthes bidentata Blume,

  • Họ: Dền ( Amaranthaceae )

Mô tả về cây ngưu tất

Đặc điểm thực vật

Cây ngưu tất thuộc dạng thân thảo sống lâu năm. Thân cây mọc thẳng, có 4 cạnh được chia làm nhiều đốt. Chiều cao của cây trưởng thành dao động từ 60 đến 110cm.

Cây có nhiều cành mọc chĩa ra 2 bên, lá mọc đối hình bầu dục, có lông bao phủ trên mặt, hai bên mép hình gợn sóng. Cuống lá chỉ dài khoảng 1 – 3cm. Phiến lá hình trứng.

Ngưu tất thường ra hoa vào tháng 5 đến tháng 9. Hoa mọc ở kẽ lá, ngọn hoặc ngay đầu cành. Cây kết quả vào tháng 10 hoặc 11 hàng năm. Quả ngưu tất hình bầu dục, bóc vỏ ra thấy 1 hạt bên trong.

Đặc điểm dược liệu

Rễ ngưu tất phơi khô được sử dụng làm dược liệu. Nó có màu vàng tro, bề mặt nhăn nheo, vị hơi ngọt.

Phân bố

Ngoài Việt Nam, ngưu tất còn được trồng ở một số quốc gia như Nepal, Nhật, Ấn Độ hay Trung Quốc ( Tứ Xuyên, Quý Châu).

Ở nước ta, cây ngưu tất đang được trồng rộng rãi với số lượng lớn để lấy dược liệu phục vụ cho việc chữa bệnh. Loài ngưu tất được người dân trồng có nguồn gốc từ Trung Quốc sẽ cho rễ to hơn so với các cây mọc hoang.

Bộ phận dùng

Rễ cây

Thu hái – Sơ chế:

Cây ngưu tất được trồng bằng hạt. Ở các vùng đồng bằng cây thường được gieo hạt vào các tháng 9 hoặc 10, ở miền núi thì người dân gieo hạt vào tháng 2 – 3. Sau khoảng 6 tháng có thể thu hoạch.

Những cây già úa vàng sẽ được thu hoạch rễ trước. Rễ ngưu tất mang về rửa sạch đất cát, cắt bỏ rễ con và đầu rễ, đem phơi cho đến khi rễ hơi héo. Sau đó hun vài lần với lưu huỳnh và tiếp tục phơi cho đến khi khô hẳn, cắt lát mỏng . Những rễ to, dài và dẻo sẽ có giá trị cao hơn.

Bảo quản

Để thuốc nơi mát mẻ, tránh ẩm

Thành phần hóa học của ngưu tất

Phân tích thành phần hóa học của rễ ngưu tất thu được các chất sau:

  • Các sapogenin dạng acid oleanolic

  • Ecdysteron

  • Inokosteron.

  • Chất nhầy

  • Muối của kali

  • Glucoza

  • Rhamnoza

  • Glactoza

Vị thuốc ngưu tất

Ngưu tất có tác dụng gì

Rễ ngưu tất được phơi khô làm thuốc chữa bệnh

Tính vị

Ngưu tất tính ôn. Vị đắng xen lẫn vị chua

Quy kinh

Đi vào hai kinh Can, Thận

Tác dụng dược lý và chủ trị của ngưu tất

Trong y học cổ truyền, ngưu tất có tác dụng hoạt huyết, điều kinh, trừ ứ, mạnh gân cơ, kích thích tiểu tiện, bổ can thận. Dược liệu này được dùng trong các bài thuốc chữa bệnh chảy máu dạ con, bí tiểu, bế kinh, đau bụng kinh, phong hàn tê thấp, đau lưng, mỏi gối…

Thử nghiệm cao lỏng ngưu tất trên động vật thu được kết quả sau:

  • Giảm sức căng ở tử cung chuột bạch

  • Làm co bóp tử cung trên thỏ, mèo có chửa

  • Ở chó, cao lỏng ngưu tất lúc đầu làm co bóp tử cung, sau thì lại làm dịu.

  • Giảm huyết áp ở động vật đã được gây mê một cách tạm thời

  • Làm tim ếch co bóp yếu

  • Ức chế khả năng co bóp của khúc tá tràng

Ngoài ra, hoạt chất saponin trong ngưu tất còn có tác dụng giảm huyết áp, hạ cholestorol máu, ức chế sự phát triển của nhiều loại sâu bọ.

Cách dùng và liều lượng

Dùng 12 – 20g/ngày. Cách dùng ngưu tất phổ biến nhất là sắc hoặc ngâm rượu uống

Độc tính

Ngưu tất không độc. Tuy nhiên dược liệu này có thể khiến một số trường hợp bị dị ứng. Hỏi ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng để hạn chế những rủi ro không mong muốn.

Bài thuốc chữa bệnh từ ngưu tất

1. Chữa lên sởi có viêm họng

  • Nguyên liệu: 20g ngưu tất và 10g cam thảo

  • Cách dùng thuốc: Sắc uống thay trà hàng ngày

2. Trị chảy máu dạ con

  • Nguyên liệu: 30g ngưu tất

  • Cách dùng thuốc: Sắc thuốc làm 2 lần. Lấy nước lần 1 và 2 trộn lẫn với nhau chia uống 2 lần trong ngày.

3. Chữa bí tiểu cho người cao tuổi

  • Nguyên liệu: Thục địa, hoài sơn, ngưu tất, xa tiền tử ( mỗi vị 12g), tạch tả, phụ tử chế, phục linh, đan bì, sơn thù ( mỗi vị 8g), nhục quế (4g).

  • Cách dùng thuốc: Các vị thuốc đem thái nhỏ, cho vào siêu đất sắc với 400ml nước. Sắc cặn còn 100ml thì tắt bếp. Chia thuốc làm 2 phần đều nhau uống hết trong ngày.

4. Chữa bế kinh, đau bụng kinh

  • Nguyên liệu: 12g ngưu tất, 8g hương phụ, 8g tạo giác thích, 16g ích mẫu, 8g đào nhân, 8g uất kim.

  • Cách dùng thuốc: Sắc uống mỗi ngày 1 thang sau kì kinh khoảng 1 tuần. Một thang thuốc sắc làm 2 lần. Sau đó gộp chung lại chia làm 3 phần đều nhau uống trước các bữa ăn sáng, trưa, tối. Một liệu trình dùng trong 14 ngày liên tục.

5. Trị rong kinh

  • Nguyên liệu: 8g phục linh, 12g ngưu tất, 8g trần bì, 12g bạch truật, 8g hương phụ, 8g bán hạ.

  • Cách dùng thuốc: Sắc uống 1 thang mỗi ngày. Một liều trình uống trong 2 -3 tuần liên tiếp.

6. Điều trị viêm đa khớp dạng thấp

  • Nguyên liệu: 12g ngưu tất, 12g đương quy, 6g tế tân, 10g tần giao, 12g phòng phong, 12g tục đoạn, 6g cam thảo, 12g ý dĩ, 12g tang ký sinh, 12g thục địa,8g xuyên khung, 12g bạch thược, 12g đảng sâm, 12g độc hoạt, 8g quế chi.

  • Cách dùng thuốc: Để chữa viêm đa khớp dạng thấp, sắc uống trước khi ăn mỗi ngày 1 thang. Một liệu trình uống trong 2- 3 tuần, sau đó nghỉ một tuần. Nếu bệnh chưa dứt thì xem xét uống thêm liệu trình mới.

7. Chữa chảy máu cam

  • Nguyên liệu: Ngưu tất, huyết sư, tiên hạc thảo tỷ lệ 1:1:1

  • Cách dùng thuốc: Tất cả nghiền thành bột mịn, trộn chung. Mỗi lần uống 10g x 1-3 lần/ ngày. Một liệu trình dùng thuốc là 10 ngày.

8. Chữa phong hàn tê thấp, viêm khớp, đau khớp, đau lưng, mỏi gối

  • Nguyên liệu: Cây ngưu tất khô (thân & lá ) 20g, 100g gạo lứt

  • Cách dùng thuốc: Nấu thành cháo, chia 2 – 3 lần ăn trong ngày, dùng khi còn nóng. Một liệu trình điều trị trong 10 ngày.

9. Trị đau tụ huyết bụng dưới, phù nề đầu gối, yếu gân cốt, đầu ngón chân lạnh buốt

  • Nguyên liệu: Ngưu tất và địa hoàng mỗi vị 250g, 1 lít rượu trắng cao độ

  • Cách dùng thuốc: Cho cả 2 vị vào bình thủy tinh ngâm rượu trong 7 ngày. Mỗi lần uống 20ml x 2 lần/ngày.

10. Chữa bại liệt, phong thấp, bệnh xơ vữa thành mạch

  • Chuẩn bị: 40 – 60g ngưu tất

  • Cách dùng thuốc: Nấu nước uống vài lần trong ngày

12. Chữa tụ máu, ứ máu do bị thương, nhức mỏi tay chân sau khi đi xa về

  • Nguyên liệu: Ngưu tất 100g, tỏi đỏ 30g, huyết giác 50g

  • Cách dùng thuốc: Ngâm rượu và dùng sau ít nhất 30 ngày kể từ khi ngâm. Mỗi ngày ướng 2 lần x 10 – 15ml/lần. Uống liên tục 10 ngày trở lên.

13. Chữa dính ruột sau mổ

  • Nguyên liệu: Ngưu tất và mộc qua mỗi vị 50g, 1/2 lít rượu trắng ngon

  • Cách dùng thuốc: Đem tất cả ngâm với rượu trong 1 tuần. Mỗi ngày uống 15ml vào buổi tối trước lúc lên giường ngủ.

14. Chữa đau đầu, rối loạn tiền đình, thừa cân, khó đi cầu, đêm trằn trọc khó ngủ

  • Nguyên liệu: Ngưu tất 30g, hạt muồng 20g

  • Cách dùng thuốc: Sắc lấy nước đặc, uống ngày 1 thang.

15. Chữa cholesterol máu cao

  • Nguyên liệu: 12g ngưu tất

  • Cách dùng thuốc: Thái ngưu tất thành những lát mỏng, hãm với nước nóng uống thay trà.

16. Chữa đau lưng, mỏi gối, miệng khô, phong thấp, đau rát họng, khớp tay chân co quắp

  • Nguyên liệu: Ngưu tất, đậu đen và sinh địa hoàng mỗi vị 95g, 1,5 lít rượu trắng

  • Cách dùng thuốc: Ngưu tất và sinh địa tán nhuyễn, đậu đen cho vào chảo rang chín. Trộn cả 3 nguyên liệu với nhau, đem hấp chín, sau đó lấy vải bọc lại đem ngâm rượu. Mỗi lần uống 15 – 30ml x 2 lần/ ngày trước bữa ăn.

17. Chữa tắc kinh, bế kinh

  • Nguyên liệu: Ngưu tất 10g, ích mẫu 10g

  • Cách dùng thuốc: Sắc uống. Mỗi ngày dùng 1 thang

18. Chữa tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim

  • Nguyên liệu: Rễ ngưu tất khô 5g, thành ngạch 10 cây

  • Cách dùng thuốc: Sắc thuốc với 3 bát nước, đun cho tới khi cạn còn 1 bát thì ngưng. Gạn thuốc uống trước khi ăn 30 phút. Một liệu trùng dùng liên tục trong 60 ngày, nghỉ 3 ngày rồi chuyển sang đợt tiếp theo nếu bệnh chưa dứt.

19. Trị quai bị

  • Nguyên liệu: Cây ngưu tất tươi

  • Cách dùng thuốc: Giã ngưu tất lấy nước uống và súc miệng. Phần bã giữ lại đắp vào khu vực bị sưng do quai bị.

20. Chữa viêm mũi dị ứng gây sổ mũi

  • Nguyên liệu: Rễ cỏ xước, lá diễn và đơn buốt mỗi vị 30g

  • Cách dùng thuốc: Sắc thuốc với 400ml nước đến khi cạn còn 1/4. Gạn uống khi còn ấm. Dùng liên tục 10 ngày liền.

21. Hạ sốt

  • Nguyên liệu: 30g ngưu tất, 30g đơn buốt

  • Cách dùng thuốc: Sắc lấy nước đặc chia 2 -3 lần uống. Mỗi ngày 1 thang.

22. Chữa viêm nhiễm ở gan, thận, bàng quang

  • Nguyên liệu: Sinh địa, mã đề, rễ cỏ tranh, ngưu tất, cỏ tháp bút, mộc thông mỗi vị 15g.

  • Cách dùng thuốc: Tất cả các vị thuốc đem sắc lấy nước pha chung với 15g bột hoạt thạch, chia uống 3 lần trong ngày.

23. Chữa bệnh thấp khớp trong giai đoạn đang sưng

  • Nguyên liệu: Ngưu tất 40g, thổ phục linh và cỏ mực mỗi loại 20g, ngải cứu và ké đầu ngựa mỗi loại 12g, hy thiêm 30g.

  • Cách dùng thuốc: Sắc các vị thuốc trên lấy nước đặc uống mỗi ngày 1 thang.

24. Chữa rối loạn kinh nguyệt, huyết hư

  • Nguyên liệu: Rễ ngưu tất 20g, nghệ xanh, ích mẫu và cỏ cú mỗi vị 16g, rễ gai 30g.

  • Cách dùng thuốc: Mỗi ngày sắc 1 thang, số thuốc thu được chia 3 lần uống. Dùng trong 10 ngày liền. Phụ nữ có thai tuyệt đối không được dùng.

25. Chữa viêm cầu thận, vàng da, viêm gan do virus, nhiễm trùng bàng quang, tiểu ra máu

  • Nguyên liệu: Rễ ngưu tất, lá móng tay, rễ cỏ tranh, mộc thông, mã đề, huyết dụ, hồng sâm tất cả đều 15g.

  • Cách dùng thuốc: Các vị trên hợp thành 1 thang, sắc uống 3 lần trong ngày.

26. Điều trị suy thận, phù thũng

  • Nguyên liệu: Rễ ngưu tất, cỏ mực, cây mã đề, cúc bách nhật mỗi vị 30g

  • Cách dùng thuốc: Sắc uống mỗi ngày 1 thang trong 7 – 10 ngày.

27. Chữa xuất huyết cơ năng tử cung

  • Nguyên liệu: 30 – 45g ngưu tất

  • Cách dùng thuốc: Sắc uống hàng ngày. Dùng thuốc trong 2 – 4 ngày liên tiếp

Kiêng kỵ khi sử dụng cây ngưu tất

  • Nếu bạn đang mang thai, thường xuyên bị ra nhiều máu trong thời kỳ hành kinh hoặc bị băng huyết tuyệt đối không nên dùng ngưu tất

  • Nam giới bị di tinh, mộng tinh, hoạt tinh dùng ngưu tất có thể khiến bệnh tình thêm trầm trọng

  • Kiêng dùng ngưu tất cho các trường hợp bị tiêu chảy do tỳ hư

  • Theo Dược Tính Luận, ngưu tất kỵ thịt trâu. Tránh dùng thực phẩm này trong quá trình dùng ngưu tất trị bệnh.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Từ khóa » Trồng Cây Ngưu Tất