Nguy Cơ Cắt Bỏ Dương Vật Vì Cương Cứng Kéo Dài - VnExpress

Theo Thạc sĩ Tạ Ngọc Thạch, khoa Nam học Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, nhiều nam giới lầm tưởng rằng cương cứng lâu là tốt. Tuy nhiên, nếu dương vật cương cứng hơn 4 giờ; hoặc sau khi đã xuất tinh nam giới không có ham muốn, không có kích thích tình dục mà dương vật vẫn cương đau... thì đó chắc chắn là biểu hiện của Priapism. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, phổ biến nhất là nam giới từ 20 - 50 tuổi. Một số trường hợp, bệnh xuất hiện ở trẻ trai từ 5-10 tuổi do có bệnh thiếu máu di truyền.

Hội chứng Priapism gồm hai loại chính là cương dương vật do thiếu máu cục bộ và không do thiếu máu cục bộ. Trong đó, người mắc hội chứng Priapism loại thiếu máu cục bộ là một tình huống cấp cứu. Nếu không được đánh giá và điều trị kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến biến chứng mạn tính. Khi máu tập trung lại ở dương vật sẽ gây thiếu oxy làm tổn thương tế bào, phá hủy các mô trong dương vật, vật hang bị xơ hóa, dẫn đến hoại tử, thậm chí là hoại thư. Nam giới bị cương cứng kéo dài quá lâu dễ bị rối loạn cương, từ đó dẫn đến mất khả năng cương cứng do tổn thương vĩnh viễn.

Bác sĩ Tạ Ngọc Thạch (phải) phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Bác sĩ Tạ Ngọc Thạch (phải) phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Ở nam giới trưởng thành, nguyên nhân gây bệnh cương cứng kéo dài là do sử dụng thuốc rối loạn cương tiêm trực tiếp vào dương vật như alprostadil, phentolamine hay papaverine. Người sử dụng thuốc chống trầm cảm, thuốc chẹn alpha, thuốc làm loãng máu, thuốc chữa rối loạn tăng động... cũng dễ bị bệnh Priapism. Ở trẻ em, nguyên nhân phổ biến nhất là do các bệnh lý huyết học như bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh bạch cầu... Bên cạnh đó, các yếu tố nguy cơ còn do lối sống thiếu lành mạnh như thường sử dụng rượu bia, chất kích thích; bị chấn thương dương vật, xương chậu, đáy chậu...; mắc bệnh rối loạn chuyển hóa, rối loạn tủy sống, bệnh lây truyền qua đường tình dục...

Bác sĩ Ngọc Thạch cho biết, để chẩn đoán Priapism là không khó, bởi khi phải, người bệnh không có ham muốn tình dục hoặc kích thích tình dục, dương vật vẫn cương cứng liên tục gây đau đớn khó chịu ở một phần hay toàn bộ dương vật... Bác sĩ cũng kiểm tra tình trạng sức khỏe thông qua việc tìm kiếm các triệu chứng của bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, ung thư tuyến tiền liệt, bệnh lý tủy sống, yếu tố di truyền... Để đánh giá chính xác hơn về tình trạng cương cứng kéo dài, bác sĩ cần khám thực thể cơ quan sinh dục về độ cứng, biểu hiện của quy đầu. Khám tổng quát để loại trừ nguyên nhân của các bệnh rối loạn tâm thần, dấu hiệu co giãn đồng tử liên quan đến việc sử dụng chất kích thích, khám bụng và vùng trên xương mu để tìm kiếm các khối u, thăm khám trực tràng để đánh giá kích thước tuyến tiền liệt, khám cột sống...

Trường hợp các nguyên nhân không biểu hiện rõ ràng, người bệnh có thể được chỉ định xét nghiệm công thức máu, tổng phân tích nước tiểu, nuôi cấy nước tiểu trong phòng thí nghiệm để xác định loại vi khuẩn gây viêm nhiễm cơ quan sinh dục. Người bệnh cũng được siêu âm dương vật để nhận diện các bất thường giải phẫu, chụp cộng hưởng từ (MRI) để xác định tình trạng tắc nghẽn ở động mạch vật hang.

Tắt nghẽn động mạch vật hang gây cương dương vật kéo dài. Ảnh: Shutterstock

Tắt nghẽn động mạch vật hang gây cương dương vật kéo dài. Ảnh: Shutterstock

Tùy thuộc nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ có phương án điều trị cụ thể. Trước tiên là xử lý cấp cứu để giải cương bằng cách điều trị bảo tồn như chườm đá, dùng thuốc giảm đau, uống thuốc, tiêm thuốc... Nếu không thành công, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp chích rạch, hút hoặc can thiệp bằng phẫu thuật để thoát máu, tạo sự thông thoáng cho vật hang với quy đầu hay tĩnh mạch và vật xốp. Khi các phương pháp điều trị không hiệu quả, bác sĩ có thể áp dụng phương pháp phẫu thuật đặt dương vật giả để duy trì việc quan hệ tình dục lâu dài cho nam giới.

Việc điều trị tình trạng dương vật cương cứng kéo dài rất khó khăn và không phải lúc nào cũng đạt được thành công, dù đã xác định được nguyên nhân gây bệnh. Do đó, bác sĩ Ngọc Thạch khuyến cáo người bệnh quan tâm đến sức khỏe của bản thân. Khi phát hiện mắc các bệnh lý tiềm ẩn có thể gây bệnh Priapism nên điều trị càng sớm càng tốt. Đặc biệt khi thấy dương vật cương đau kéo dài, dù bản thân không có ham muốn hoặc không có kích thích tình dục, thì người bệnh cần tới ngay cơ sở nam khoa gần nhất để thăm khám và xử lý cấp cứu kịp thời. Tránh dùng thuốc tùy tiện, nhất là các loại thuốc chữa rối loạn cương đường tiêm trực tiếp vào dương vật.

Hân Thái

Từ khóa » Cương Dương Kéo Dài