Nguy Cơ đóng Cửa Trường đua Phú Thọ - Tuổi Trẻ Online
Có thể bạn quan tâm
Phóng to |
Nài Vũ Thanh Tú, 15 tuổi, phải lo nuôi ngoại và em - Ảnh: TR.D. |
Tại sao thực thi nghiêm túc các quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em thì trường đua Phú Thọ đóng cửa? Ở nước ngoài, người ta hết sức nghiêm khắc trong chuyện sử dụng lao động trẻ em, nhưng tại sao các trường đua vẫn tồn tại và phát triển mạnh mẽ? Mời các bạn cùng chúng tôi tìm hiểu câu chuyện thú vị này...
Ngựa nhỏ làm sao kham nổi nài to!
Theo Công ty TNHH Thiên Mã - đơn vị quản lý và tổ chức đua ngựa tại trường đua Phú Thọ, tổng số ngựa tham gia đua tại đây hiện có khoảng 850 con. Trong đó, số ngựa thuần chủng (to cao, có nguồn gốc từ nước ngoài) chỉ hơn 10 con. Còn lại là ngựa nhỏ, hay còn gọi là ngựa cỏ, hầu hết đều có trọng lượng dưới 250kg. Những người nước ngoài ham thích cá cược đua ngựa, khi đến VN công tác đã đến đây giải trí cuối tuần và nhiều người thích đùa bảo đấy là... đua lừa chứ không phải ngựa vì nó quá nhỏ.
Khoảng 40 nài ngựa nhí ở trường đua Phú Thọ thay phiên nhau điều khiển hơn 840 ngựa đua. Từ đây đã dẫn đến cung không đủ cầu nên có những nài ngựa nhí gan lì có kinh nghiệm trận mạc như Phạm Thế Vũ (17 tuổi, nặng 37kg), Vũ Thanh Tú (15 tuổi, nặng 38kg), Tấn (14 tuổi, nặng 35kg)... chỉ trong một buổi đấu đã được 5-6 chủ ngựa thay phiên thuê mướn. Theo quy định, nài ngựa được hưởng 10% số tiền mà ban tổ chức chi cho mỗi ngựa đua, do đó nếu ngựa nào lọt vào nhóm ba hạng đầu, số tiền thưởng nài được hưởng sẽ khá lớn. Đó là chưa kể sau mỗi vòng đấu các chủ ngựa còn thưởng thêm cho nài một số tiền nếu ngựa của họ giành phần thắng. Ước tính mỗi ngày đua, các nài nhí này kiếm được 2-4 triệu đồng. |
Phần lớn là ngựa cỏ nên nài cũng phải tương xứng, chứ không ngựa nhỏ làm sao kham nổi nài to! Cụ thể, đối với loại ngựa đua nhỏ có trọng lượng dưới 250kg, bắt buộc nài phải dưới 40kg. Để đáp ứng yêu cầu này, các chủ ngựa không còn cách nào khác phải mướn nài là trẻ em 10-17 tuổi. Thậm chí dù là trẻ em nhưng cũng phải nhỏ con và nhiều lúc phải sử dụng các biện pháp ép cân cho đảm bảo yêu cầu trọng lượng.
Chuyện này thật ra đã có từ xa xưa. Theo lời kể của những người gắn bó với nghề đua ngựa, chuyện ép cân ngày nay còn khá nhân bản nhờ các phương tiện hiện đại như mền điện. Chứ ngày xưa người ta đốt một cây nến trong thùng phuy rồi cho nài vào ngồi trong đó! Chỉ một giờ thôi đảm bảo sụt vài ký nhưng tuổi thọ cũng sụt theo!
Nếu áp dụng theo đúng các quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em của VN, đúng quy định của Hiệp hội Đua ngựa thế giới (phải từ 18 tuổi trở lên) sẽ còn bao nhiêu nài được phép hành nghề tại Phú Thọ?
Những người có trách nhiệm cho biết trong số gần 50 nài hiện có, chỉ mười người đáp ứng đủ mọi tiêu chuẩn. Đặc biệt mười nài đủ chuẩn này cũng chỉ để dành cho khoảng chục con ngựa thuần chủng, bởi làm sao tìm được người trên 18 tuổi mà cân nặng lại không được quá 38kg! Vì vậy, nếu áp dụng quyết liệt các quy định bảo vệ trẻ em thì trường đua Phú Thọ không thể tồn tại khi hơn 800 con ngựa cỏ chỉ còn nước về kéo xe!
Cơ hội chuẩn hóa trường đua
Thông tin Sở LĐ-TB&XH đề nghị kiểm tra các nài ngựa nhí được ví như “sấm nổ giữa trời quang” với các chủ ngựa. Ông Nguyễn Văn Be (Hóc Môn), có cháu nội cũng là nài ngựa, nói: “Nếu căn cứ theo luật mà cho rằng chủ ngựa bóc lột sức lao động các nài ngựa nhí là không công bằng. Ở trường đua Phú Thọ từ trước đến nay ngựa đua đều nhỏ, nếu bây giờ quy định từ 18 tuổi trở lên mới được làm nài, đồng nghĩa với chuyện không có người điều khiển ngựa và xóa sổ luôn trường đua”.
Tương tự, bản thân các nài nhí cũng “la làng”. Như nài Vũ Thanh Tú (15 tuổi), được xem là người có “hoàn cảnh” nhất. Ba mẹ chia tay lúc em 10 tuổi, buồn gia đình Tú bỏ về nhà ngoại tá túc và sau đó xin giữ ngựa cho một ông chủ ở Bình Chánh. Làm quen với nghề này được gần một năm, Tú được chủ huấn luyện cưỡi ngựa. Hiện nay tiền công giữ ngựa (500.000 đồng/tháng) cộng với thu nhập từ nghề nài ngựa (trung bình 5 triệu đồng/tháng), Tú dùng để phụ mẹ nuôi em gái và bà ngoại hơn 70 tuổi. Tú than thở không biết sẽ làm gì nếu không được làm nài...
Vì những hoàn cảnh thương tâm như Tú mà “nhắm mắt bịt tai” trước thực tế trẻ em phải lao động trong môi trường nguy hiểm, “độc hại” (không thể tránh né đây là một trò cờ bạc)? Hay phải cứng rắn thực thi các quy định của Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được Quốc hội ban hành tháng 6-2004?
Trong khoản 5, điều 7 của Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em VN có nêu: nghiêm cấm sử dụng trẻ em vào việc sản xuất, kinh doanh đồ chơi, trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của trẻ em. Theo ông Trần Văn Nghĩa - nguyên phó chủ nhiệm trường đua Phú Thọ, không thể tránh né chuyện nơi đây thực chất là một cuộc chơi đỏ đen. Và đã là đỏ đen thì dứt khoát là môi trường có hại cho trẻ em. |
Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng thừa nhận việc cải thiện ngựa VN chỉ là một biện pháp rẻ tiền chứ chưa triệt để nhằm giải quyết chuyện không xâm phạm quyền lợi trẻ em.
Muốn giải quyết tận gốc vấn đề, ông Nghĩa nói: “Chỉ có cách phải nhập toàn bộ ngựa nước ngoài. Dĩ nhiên chúng ta không đủ khả năng để sắm những con ngựa xịn trị giá hàng trăm ngàn USD như ở các trường đua quốc tế. Theo thông tin tôi có, ngựa đua loại thường của Úc giá chỉ 5.000-10.000 USD/con, một mức giá hợp lý đối với chủ ngựa ở VN. Dù là loại thường của Úc nhưng nó hoàn toàn ăn đứt ngựa đua VN hiện nay. Có như vậy chúng ta mới chấm dứt được tình trạng sử dụng trẻ em làm nài”.
Hỏi về quan điểm nên hay không nên quyết liệt với chuyện nài ngựa nhí, với nhiều năm lăn lộn trong nghề quản lý trường đua, ông Nghĩa khẳng định: “Tôi ủng hộ việc thực thi nghiêm túc các quy định pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Nhiều năm gắn bó ở trường đua nên tôi biết đó là môi trường hoàn toàn không phù hợp với trẻ em. Thực tế từ trường đua cho thấy đại đa số trẻ em làm nài đều phát triển lệch lạc từ thể xác đến tâm hồn, và điều đó hết sức nguy hiểm cho xã hội, cho bản thân các em sau này".
"Theo tôi, khi kiên quyết thực thi luật, chắc chắn một số em sẽ gặp khó khăn và khi ấy xã hội, Nhà nước phải có trách nhiệm chăm lo; đừng vì một chút khó khăn đó mà không cứng rắn dẫn đến hậu quả về sau tai hại hơn. Và trong mắt tôi, dịp này cũng là cơ hội để chuẩn hóa trường đua Phú Thọ, phát triển nơi đây thành một khu đua ngựa mang dáng dấp quốc tế chứ không phải một sòng bạc trá hình nho nhỏ trong nước”!
Năm nay 30 tuổi, anh Mai Thanh Giang (còn gọi là Bé Tư) đã vào nghề nài ngựa từ năm 14 tuổi và đến giờ vẫn còn làm nhưng chỉ cưỡi ngựa thuần chủng. Sinh ra trong một gia đình có đến bảy anh chị em làm nghề nông tại xã Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, mới 12 tuổi anh đã bỏ nhà lên Sài Gòn làm nghề nài ngựa. Giống như bao đứa trẻ làm nghề này, hành trang vào nghề của Bé Tư là biết ít mẹo trị ngựa chứng, bởi hồi ở quê gia đình anh có nuôi vài con ngựa thồ. Nhưng bù lại, với bản tính gan lì, dáng người nhỏ nhắn (23kg), linh hoạt, chẳng bao lâu cái tên Bé Tư trở thành “nài chiến” được các chủ ngựa săn đón tới tấp. Kiếm được tiền dễ dàng nhưng do không có người quản lý, kiểm soát, Bé Tư đã tập tành ăn chơi và nướng những thành quả của mình vào trò đỏ đen, cờ bạc. Năm 2006, Bé Tư lấy vợ và sinh con. Không nghề nghiệp, học hành cũng chỉ mới biết đọc biết viết, cuộc sống gia đình Bé Tư rơi vào thế khó khăn. Với kinh nghiệm hơn 15 năm làm nài ngựa, đầu năm 2008 anh quay trở lại nghề cũ khi nhận chăm sóc ngựa đua với tiền công 50.000 đồng/ngày. Ngoài ra, trong thời gian này Bé Tư ghi danh học lớp nài ngựa quốc tế (chỉ dạy những người trên 18 tuổi) và thỉnh thoảng được các chủ ngựa thuê điều khiển các loại ngựa đua thuần chủng. Kể lại câu chuyện đời mình, Bé Tư mong ít nhiều giúp các nài ngựa nhí đang là “ngôi sao” hiện nay như Tú 2, Vũ 2 lấy đó để mà tránh, đừng đi theo vết xe đổ của mình. |
Từ khóa » Trường đua Phú Thọ Xưa
-
Trường đua Phú Thọ - Chốn 'đỏ đen' Một Thời Của Dân Sài Gòn
-
Tìm Về Trường Đua Phú Thọ Một Thời Lẫy Lừng Của Sài Gòn Xưa
-
Trường đua Phú Thọ – Wikipedia Tiếng Việt
-
Trường đua Phú Thọ - Chốn 'đỏ đen' Một Thời Của Dân Saigon
-
Trường đua Phú Thọ: Một Thời Lừng Lẫy - PetroTimes
-
Chuyện đua Ngựa ở Sài Gòn Xưa: Không Quản được Thì Cấm? (bài ...
-
Saigon Xưa & Trường đua Phú Thọ | Flickr
-
Một Thời Vó Ngựa Trường đua - Báo Thanh Niên
-
Trường đua Phú Thọ - Chốn 'đỏ đen' Một Thời Của Dân Sài Gòn
-
Hình ảnh Cực Sống động Về Trường đua Phú Thọ - Sài Gòn Năm 1992
-
Ký ức Vàng Son Của Trường đua Ngựa Tại Sài Gòn - Dân Trí
-
Trường đua Phú Thọ (Ngày Xưa)
-
Có Ai Còn Nhớ Mã Trường Phú Thọ?