Nguy Cơ Xâm Hại Từ Cây Mai Dương - Báo Bình Phước

Cây mai dương mọc dày đặc ở vùng bán ngập hồ thủy điện Cần ĐơnCây mai dương mọc dày đặc ở vùng bán ngập hồ thủy điện Cần Đơn

Chưa thể kiểm soát

Cây mai dương còn có một số tên gọi khác như: cây ngưu ma vương, trinh nữ nhọn, mắc cỡ Mỹ...; tên khoa học là mimosa pigra thuộc họ mimosaceae, có nguồn gốc từ Trung Mỹ. Cây này thuộc loại cây bụi, đa niên, thường mọc ở nơi đất trống, ẩm ướt... Cây có thể cao đến 6m, phân thành nhiều nhánh, thân và cành có nhiều gai nhọn. Hạt phát tán theo gió hay trôi theo dòng nước, có thể giữ sức nảy mầm trên 20 năm. Cây phát triển mạnh tạo thành thảm cây bụi cao khiến các loại cây khác không phát triển được. Theo ghi nhận của chúng tôi, cây mai dương thường mọc trải dài theo bờ các con sông, kênh rạch, bưng bàu... Thậm chí những vùng đất trên cạn, ven đường và khu dân cư cũng đã xuất hiện loại cây này.

Ông Nguyễn Văn Ách, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Bù Đốp cho biết: Trên địa bàn huyện Bù Đốp, cây mai dương xuất hiện phần lớn ở các bưng bàu. Khu vực dọc sông Đắk Huýt và các sông, suối trong lâm phần Nông lâm trường Bù Đốp và vùng bán ngập ven hồ Cần Đơn, diện tích cây mai dương xâm lấn có thể lên đến hàng trăm héc ta. Chúng tôi hết sức khổ sở để chống chọi với loại cây này vì tốc độ lan nhanh, nhất là trong vùng bán ngập đang trồng rừng. Có thể nói sự phát triển của loại cây này đã và đang được đặt ở mức báo động cao.

Ảnh hưởng nghiêm trọng hệ thực vật

Cây mai dương mọc rất nhanh trong điều kiện đất trống hay ẩm ướt, có khả năng mọc nhanh sau khi bị chặt hạ. Cây mai dương trưởng thành khi tươi rất giòn nhưng khi khô lại rất dai và cứng, khó đốt cháy. Khu vực bị cây này xâm lấn thì rất ít cây cỏ khác có thể cạnh tranh. Mai dương còn làm cho đất nghèo chất dinh dưỡng, ảnh hưởng xấu và nguy cơ hủy diệt hệ thực vật, động vật trong rừng do cây chứa chất mimosin (loại acid amin có thể gây độc với nhiều loại thực vật). Thân cây mai dương khi chết sẽ phân hủy tạo ra chất độc gây ô nhiễm nguồn nước...

“Trước đây, tôi thường thả lưới bắt cá trên hồ Suối Cam, khu vực trước Nhà khách Tỉnh ủy nhưng nay không dám đánh bắt ở khu vực này. Nếu không may lưới bị cuốn theo dòng nước hay cá mắc câu hoảng loạn bơi vào khu vực có cây mai dương, coi như phải bỏ cả lưới lẫn cá” - ông Năm Thạnh ở phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài cho hay. Còn anh Ba Quẹo ở ấp Suối Cam, xã Tiến Thành, thị xã Đồng Xoài nói: Nhà ở gần suối nên tôi thấy loại cây này phát triển nhanh và rất khó diệt. Để hạn chế sự phát triển của mai dương, khi phát hiện chúng mọc trong vườn nhà phải triệt phá ngay bằng cách chặt sát gốc, đào lấy rễ, phơi khô rồi đốt.

Theo kinh nghiệm của ông Nguyễn Văn Ách: Hạt của cây mai dương rơi xuống, theo nước trôi tới đâu sẽ mọc cây tới đó. Nếu thấy một vài cây mai dương mọc ven đường mà không chặt bỏ thì chắc chắn chỉ sau 1 năm khu vực này sẽ xuất hiện cả trăm cây. Cứ thế qua từng năm cây sinh sôi với cấp số nhân. Do vậy, cần phải tiêu diệt chúng trước mùa mưa để hạn chế sự sinh sôi. Có thể sử dụng hóa chất với nồng độ cho phép và phải tiến hành thường xuyên, liên tục, tránh hạt phát tán, lan sang khu vực lân cận. Nếu không tiêu diệt kịp thời thì kinh phí nhà nước bỏ ra để diệt trừ loại cây này về sau sẽ rất lớn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Xuân Trí, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Không chỉ các viện nghiên cứu chuyên ngành, trường đại học mà nhiều vườn quốc gia trong cả nước cũng đã nghiên cứu về cách diệt trừ cây mai dương nhưng thực tế vẫn chưa có giải pháp nào khả thi. Còn theo đánh giá của các nhà khoa học thì giải pháp hữu hiệu nhất là nhổ bỏ cây ngay từ nhỏ nhưng muốn thực hiện được các địa phương phải tổ chức đội ngũ chuyên môn tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho cộng đồng biết về tác hại và cách diệt trừ loại cây này.

Hiện có 3 biện pháp cơ bản để diệt cây mai dương là thủ công, hóa học và sinh học. Theo Viện Bảo vệ thực vật, biện pháp sinh học đã được tiến hành ở một số nước như thả mọt đục hạt, sâu đục thân, đục ngọn cây. Các biện pháp thủ công, gồm nhổ bỏ cây non, chặt cây, đào rễ cây trưởng thành để khô rồi đốt. Biện pháp hóa học là kết hợp với việc chặt cây trưởng thành cho lên chồi rồi phun các loại thuốc hóa học, như Roundup 480SC, Ally 20DF, Glyphosate, Truyclopyr, Paraquat, Metsulfuronmethyl và 2,4D kết hợp với ngâm nước để tiêu diệt cây non.

Khoa Sinh học, Trường đại học Khoa học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh cũng đề nghị bổ sung vào quy trình phòng trừ tổng hợp cây mai dương là dùng dung dịch nước muối NaCl pha nồng độ từ 10-60g/l phun lên cây trưởng thành sẽ gây ra sự mất diệp lục tố và carotenoid. Sau 2 giờ phun, dưới tác động của ánh nắng mặt trời, cây bị tổn thương lá, cành và 2 tuần sau sẽ rụng hết lá, tạo thuận lợi cho việc chặt, đào bỏ rễ đem đốt.

N. Thảo - H. Thơ

Từ khóa » Tác Hại Của Cây Mai Dương