Nguy Hiểm Từ Con Gián đất - Báo Công An Nhân Dân điện Tử

Tuy nhiên, chưa hề có một bằng chứng khoa học nào chứng minh tác dụng chữa bệnh của gián đất, mà xem ra chỉ là lời đồn thổi của thương nhân Trung Quốc nhằm tạo ra phong trào nuôi gián đất như họ đã từng làm với đỉa, ốc bươu vàng, chồn nhung đen, rùa tai đỏ… Nhưng những nguy hiểm do con gián đất mang đến thì thật khó lường.

Gián đất - tên khoa học là Eupolyphaga sinensis - còn người Trung Quốc gọi nó là "thổ miết trùng, địa ô quy, tiết tiết trùng" là loài côn trùng màu nâu sậm hoặc nâu đen, không cánh, không biết bay, chân đốt, di chuyển khá nhanh bằng cách bò, có vỏ cứng, sinh sản và phát triển chủ yếu ở miền tây Trung Quốc và Mông Cổ. Là loài ăn tạp nên sự phá hủy môi sinh của nó rất lớn. Trong môi trường tự nhiên, thức ăn của gián đất gồm các loại mầm cây đậu xanh, đậu nành, lúa mới lên mộng, đọt non bí ngô, các loại cám gạo, cám bắp, xác động vật phân hủy, thực phẩm thối rữa ở bãi rác…

Thậm chí, nó còn ăn cả phân của những động vật khác bài tiết ra như chuột, chó, mèo, các loài gia cầm như gà, ngan, vịt. Khi thiếu nguồn nuôi dưỡng, nó có thể gặm nhấm quần áo, sách vở, vải vóc...

Ở trong nhà, gián đất thường ít xuất hiện vào ban ngày, chủ yếu bò ra vào ban đêm, nhất là khi đèn đóm đã tắt hết, để kiếm ăn. Nơi ẩn náu của chúng thường là kẽ tủ, dưới hầm thoát nước thải, tủ bếp, các kẽ nứt trên nền nhà, kho chứa vật liệu, đồ đạc, thậm chí chúng còn có thể cư trú trong loa nghe nhạc và cả ở phía sau tủ lạnh. Vì có lớp vỏ cứng nên một số loại thuốc diệt côn trùng nếu không xịt thẳng vào phần đầu gián đất thì không thể diệt được nó, cũng như cấu tạo thân đốt khiến nó kháng được một số bệnh.

Chưa hết, gián đất có thể sống 3 tháng không cần thức ăn và 1 tháng mà không có nước. Trứng gián đất nhỏ cỡ hạt dưa hấu, màu đen, nở ra con và sau 7 lần lột xác - khoảng 5 tháng là thành gián trưởng thành. Vòng đời của một con gián là khoảng 12 tháng. Tốc độ sinh trưởng của gián đất rất cao, một cặp bố mẹ có thể cho ra đời 400 gián đất con. Khi ăn, gián vừa ăn vừa nôn mửa những thức ăn mà chúng đã tiêu hóa một phần và bài tiết phân.

Chất bài tiết, nôn mửa từ miệng gián, các tuyến trên cơ thể của gián có mùi hôi đặc biệt, rất khó chịu và đọng lại rất lâu trên những thứ mà nó đã đi qua. Nếu số lượng gián nhiều thì mùi hôi có thể tạo thành một mùi đặc trưng trong toàn bộ khu vực nhiễm gián.

Ở Việt Nam, người nuôi gián đất mua trứng gián từ Trung Quốc qua đường "xách tay" với giá khoảng 500 nghìn đồng/kg. Cứ 1kg trứng, có thể nở thành 16 nghìn con. Kỹ thuật nuôi cũng dễ, chỉ cần trộn ít xơ dừa lẫn với đất còn thức ăn thì chủ yếu là cám gạo, bí đỏ, rau xanh thái nhỏ. Hiện tại, thương nhân Trung Quốc thông báo sẽ mua 200 nghìn đồng/kg gián tươi, còn gián khô là 11,7 triệu đồng/kg.

Đến thời điểm này, các cơ quan chức năng Việt Nam vẫn chưa có mẫu gián đất mà người dân nhập từ Trung Quốc nên chưa biết chính xác tên loài, cũng như tác hại hay lợi ích của nó. Khi cơ quan chức năng tới địa phương lấy mẫu, cũng là lúc có quyết định cấm nuôi nên người nuôi phản ứng khá mạnh, không cho lấy mẫu. Thậm chí có người còn đổ lỗi cho các nhà khoa học đã "xui" cơ quan quản lý không cho phép nuôi.

Điều ngạc nhiên là ở các tỉnh phía tây Trung Quốc, nơi vẫn còn có rất nhiều người nghèo thì lẽ ra với giá thu mua như thế, nuôi gián đất là biện pháp "xóa đói giảm nghèo" nhưng họ lại không nuôi, mà sang Việt Nam nhờ nuôi trong lúc khí hậu, thổ nhưỡng của các tỉnh như Vân Nam, Quảng Tây cũng tương tự như Việt Nam.

Do ăn tạp nên gián đất mang theo nhiều mầm bệnh, và là vật trung gian truyền bệnh. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các chuyên gia về dịch tễ học đã phân lập được ít nhất 32 loài vi khuẩn có trong gián. Đó là vi khuẩn gây ra bệnh tiêu chảy, viêm dạ dày, ruột, nhiễm trùng đường tiết niệu, ngộ độc thực phẩm gây hoại tử ruột, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, nhiễm trùng da, mô cơ bản, viêm khớp nhiễm khuẩn, nhiễm trùng đường hô hấp, bệnh thương hàn và ngay cả bệnh dịch hạch.

Bên cạnh đó, trứng của 7 loại giun sán cũng được tìm thấy trong gián, gồm giun móc, giun tròn, giun kim, sán dây… và 17 loài nấm, 3 loài sinh vật đơn bào, 2 chủng virus polymyelitis. Một số loài gián còn nhiễm toxoplasma gondii, là tác nhân gây bệnh toxoplasmosis - gây ra các tổn thương, như choán chỗ hệ thần kinh trung ương, viêm võng mạc màng mạch, viêm phổi kẽ, viêm cơ tim - sau khi gián ăn phân mèo.

Tiến sĩ Jorge Parada, Hiệp hội Quốc gia Quản lý dịch bệnh Mỹ, đã viết trong một báo cáo có tựa đề: Sự thật về loài gián và sức khỏe con người, công bố hồi tháng 12/2012: "Điều này cho thấy khả năng của gián trong việc lây nhiễm ký sinh trùng cho cộng đồng và một số động vật khác, chưa kể khoảng 11 protein phân lập từ gián là tác nhân chính gây ra bệnh hen suyễn. Những protein này có tính bền vững và vẫn có thể gây bệnh ngay cả khi gián đã chết".

Đáng nói là khi nuôi, người nuôi rất khó kiểm soát sự di chuyển của gián đất. Chỉ cần vài ba con thất lạc ra ngoài thì 5, 7 tháng sau, sẽ là hàng chục nghìn con sinh sôi, phát triển trong môi trường tự nhiên bởi lẽ toàn bộ trứng gián nhập về đều chưa qua kiểm nghiệm, người nuôi lại nuôi với quy mô lớn, cơ sở vật chất chưa được kiểm định dẫn đến khả năng phát tán ra ngoài rất cao mà phong trào "nuôi đỉa" vừa qua là một điển hình..

Nông dân nước ta đã từng điêu đứng vì ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, chồn nhung đen, đỉa và bây giờ đến gián đất. Theo các nhà khoa học, ngoại trừ những vùng nông thôn, nơi điều kiện vệ sinh còn hạn chế thì mật độ gián tại Việt Nam vẫn còn ở mức thấp. Ngoài nguyên nhân về môi trường, gián bị khống chế bởi ký sinh của một loài ong, đẻ vào trứng gián. Tuy nhiên nếu mật độ gián tăng cao bất thường mà nguyên nhân chính là thương lái Trung Quốc không mua - như đã từng xảy ra với con đỉa, khoai lang tím, chồn nhung đen, ốc bươu vàng thì có thể nó sẽ còn nguy hiểm hơn cả loài bọ xít hút máu.

Hằng năm, danh mục thuốc diệt côn trùng của Bộ Y tế cũng đã quy định cụ thể về các loại thuốc diệt gián. Trong bảng liệt kê những giống vật nuôi được phép kinh doanh, sản xuất thì không có loài gián đất. Việc người dân tự ý nhập khẩu và gây nuôi gián đất là vi phạm pháp luật. Nếu phát hiện ra gián đất và các loài gián khác trong nhà thì việc dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa hằng ngày là điều cần thiết. Thức ăn cần được che đậy kín, cất trong tủ lưới hoặc tủ lạnh, tránh để thức ăn thừa hoặc các chất hữu cơ vương vãi trong nhà; thùng chứa rác phải có nắp đậy và thường xuyên đổ rác.

Để ngăn chặn gián đất xâm nhập vào nhà thì cần kiểm tra thường xuyên những vật dụng bằng gỗ như giá sách, tủ, giường, thùng, hộp…, bịt kín các chỗ hở trên sàn nhà, vách tường, làm sạch khe tủ, kẽ cửa, lấp kín các rãnh nước. Cần biết rằng sử dụng các loại hóa chất diệt côn trùng để trừ gián đất thường ít hiệu quả vì nó có khả năng đề kháng. Chỉ sau một vài lần phun, xịt hoặc rải, gián sẽ không chết.

Hơn nữa, bên cạnh việc tiêu diệt, hóa chất còn có tác dụng xua đuổi trong một khoảng thời gian ngắn nên đó chỉ là giải pháp tình thế tạm thời, mà cần phối hợp với việc vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ mới có tác dụng lâu dài và hiệu quả

Từ khóa » Con Gián đất