Nguyễn Bá Quỳnh - Nhà Công Nghệ Và Quản Trị Yêu đàn, Trống

Nguyễn Bá Quỳnh (NBQ) là cái tên quen thuộc trong giới chuyên gia công nghệ, ông hiện nay là tổng giám đốc công ty công nghệ Global Cybersoft, và trước đó ông từng là quản lý cấp cao nhiều công ty đa quốc gia: IBM, Microsoft, Hewlett Packard, Schneider Electric…

  • Nguyễn Phi Vân: Nhìn bằng trái tim thay vì bằng…
  • Khởi nghiệp: bạn có đủ cứng cáp trước bão táp?
  • Chiếc cương mềm và con ngựa

Tranh minh họa: Hoàng Tường.

– Đọc lại lời giới thiệu của tập đoàn Nhật Bản Hitachi Consulting về tổng giám đốc mới (là ông) năm 2018, họ viết: Ông là một nhà quản trị chiến lược với tầm nhìn phát triển bền vững trong kinh doanh, có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm quản lý cấp cao trong nhiều lĩnh vực. Người Nhật thường cẩn trọng, họ nói vậy, rằng ông là nhà chiến lược và nhà kinh doanh, cũng là nhà chuyên môn và nhà quản lý. Ông thích là “nhà” gì nhất?

– Theo giáo sư Michael Shinagel, hiệu trưởng trường Harvard, ngày nay cho dù chủ đề về lãnh đạo rất được quan tâm, thì vẫn đang còn nhiều quan điểm trái ngược nhau. Theo tôi, nghịch lý vẫn đang tồn tại trong mỗi một cá nhân, tổ chức, quốc gia… và một trong những trách nhiệm quan trọng của lãnh đạo là phải “sống hoà bình”, cũng như phải luôn tìm cách quản trị nghịch lý. Cũng chính vì vậy, thật khó có thể hình dung một nhà lãnh đạo chỉ có mỗi kinh nghiệm quản lý, mà lại thiếu hiểu biết về chuyên môn, và ngược lại. Điều đó cũng khiến cho việc tìm kiếm những nhà quản trị đủ tầm trong những giai đoạn thách thức là không hề dễ dàng. Lãnh đạo thường được xem như tố chất bẩm sinh, nhưng theo Eric Schmidt, vị cựu chủ tịch tài ba đã xây dựng nên đế chế Google ngày hôm nay, trả lời phỏng vấn của đài truyền hình Bloomberg, hỏi “theo ông, lãnh đạo là bẩm sinh hay do rèn luyện mà có?”, ông đã trả lời sau một vài giây lưỡng lự: “có lẽ là cả hai”.

– Chúng tôi nhớ có lần đến trò chuyện với các doanh nhân trong câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC), ông có nói: “AI, điện toán đám mây, các thiết bị thông minh sẽ là nền tảng của kinh tế số. Và muốn thành công trong số hoá doanh nghiệp, cần chú trọng đến “tốc độ”. Lại có lúc ông nêu mong muốn là Global Cybersoft có thể tham gia lĩnh vực “sáng tạo”, thay vì chỉ gia công. Xin ông nói thêm về hai từ rất hot trong công nghệ này: “tốc độ” và “sáng tạo”?

– Tôi có lần viết trên tạp chí Forbes là “điều tối kỵ trong việc sáng tạo, đó là các doanh nghiệp, tổ chức, quốc gia rơi vào việc “phát minh ra bánh xe” (invent the wheel) – hàm ý về việc sáng tạo ra những thứ mà mọi người đã biết từ lâu, thay vì dựa vào những thành quả phát minh của nhân loại, để tạo nên những sáng tạo mới, thông qua các “kết nối điểm” (connecting the dots). Steve Jobs đã từng đưa ra khái niệm, đổi mới sáng tạo chính là việc kết nối những gì có sẵn trong tri thức nhân loại, để tạo ra những giá trị mới mẻ”.

“Tốc độ” còn có thể được hiểu như khả năng tránh lãng phí thời gian một cách tối đa theo kiểu “đi tắt đón đầu: học không đến nơi đến chốn”… hoặc bỏ công sức, nguồn lực dân tộc vào những thứ đã được thế giới làm rất tốt từ lâu theo kiểu “sáng tạo bánh xe”. Người Việt được đánh giá là một trong những dân tộc có khả năng học tập rất cao, giá như đức tính này được đồng hành cùng sự kiên trì và đam mê tạo ra những giá trị mới mẻ, thì chúng ta mới có thể kỳ vọng đi tiên phong trong Cách mạng công nghiệp 4.0, khi sáng tạo và tốc độ là hai yếu tố quyết định thành công.

– Ông còn bày tỏ là cần hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ để họ ứng dụng công nghệ mới trong khả năng họ. Và cả nông dân nữa. Theo ông điều đó khả thi không?

– Trong khi những người nông dân đã tự mình học hỏi và sáng tạo với những thành công đáng nể, như chế tạo xe bọc thép cho Chính phủ Campuchia, hay chế tạo máy bay, thậm chí chế tạo tàu ngầm, thì một vài trí thức, quan chức phát biểu “chuyển đổi số”… tôi nghe còn không hiểu, huống chi nông dân.

Lối suy nghĩ này hoặc làm hạn chế quyền tiếp cận công nghệ, hoặc đánh giá thấp khả năng của những người làm nông nghiệp, gây ra suy nghĩ, nông dân sẽ khó lòng đuổi kịp thế giới (với tư duy trên). Người nông dân Việt cần được hỗ trợ từ doanh nghiệp, chính phủ để có thể tiếp cận được những thông tin quý báu cho việc sản xuất, phân phối sản phẩm của mình. Thật đau lòng khi hàng năm cứ phải nghe điệp khúc “giải cứu nông sản”. Công nghệ số hoàn toàn có thể “gỉải cứu” nông dân thoát khỏi tình cảnh này. Hãy hình dung một nền tảng số tương tự như YouTube, nơi người nông dân kết nối, chia sẻ sản phẩm của mình. Nơi mỗi một người vào truy cập sẽ được các ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ, và đoán biết được những nhu cầu thầm kín của họ, để giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ phù hợp. Trí tuệ nhân tạo, dựa trên dữ liệu mùa vụ thu thập được hàng năm, cũng làm nhiệm vụ thu thập các nguyên nhân gây nên những vụ việc cần “ứng cứu”, đồng thời nếu biết kết hợp cùng các chuyên gia dự báo trong mỗi lĩnh vực cụ thể, chúng có thể giúp đưa quyết sách phù hợp cho doanh nghiệp trong sản xuất, nuôi trồng hay phân phối sản phẩm ở thời điểm ngặt nghèo. Đó là bước đầu giản đơn và hiệu quả trong việc áp dụng công nghệ, nhằm xây dựng một nền kinh tế nền tảng cho nông nghiệp.

– Chúng tôi có tiếp xúc được một giám đốc lĩnh vực của công ty ông, anh ấy kể: “Ông nhận công việc từ một thuyền trưởng giỏi quản lý liên tiếp 18 năm, đó thật là áp lực lớn. Nhưng hiện nay, sau hơn một năm, đã có nhận xét từ thực tế là ông đang tạo được nhiều chuyển biến tích cực. Ông đề cao, chủ trương và hỗ trợ tối đa cho sự đổi mới. Khi tái cơ cấu, ông dựa trên những thế mạnh hiện có của công ty, cũng như đáp ứng những đòi hỏi của xu thế mới của thị trường. Phát triển đội ngũ sales mạnh mẽ, liên tục đạt/vượt doanh thu, lợi nhuận ở những thị trường chiến lược, mọi người thấy ông có chiến lược sắc nét trong chiêu mộ, phát triển nhân tài. Thái độ thì tinh tế, nhã nhặn và rất lắng nghe, nhưng cũng rất quyết liệt, thẳng thắn và kiên trì bảo vệ những điều ông tin tưởng”. Ông thấy sao?

– Đây quả là một món quà bất ngờ tuyệt vời. Như Richard Branson – tỷ phú người Anh, chủ tịch tập đoàn Virgin, đã từng nói: “Sự tôn trọng chính là từ cách bạn đối xử với người khác, chứ không phải cách bạn đối xử với những người bạn muốn gây ấn tượng”. Khi được tập đoàn Hitachi tuyển vào vị trí này, tôi đã được cảnh báo trước về những thách thức, là phải kế thừa một công ty với bề dày lịch sử khiến mọi người trong công ty luôn cảm thấy tự hào.Và từ khoá để tồn tại với vị trí thách thức này, chính là sự tôn trọng bề dày lịch sử và những con người đã tạo ra nó. Và tôi biết ơn những đồng nghiệp đã ủng hộ tôi vượt qua giai đoạn khó khăn bước đầu, và mọi người đang nhìn ra thị trường toàn cầu với cặp mắt háo hức và tinh thần tự tin về những khả năng mà chúng tôi có thể mang đến cho tập đoàn, trên khắp các thị trường phát triển như Âu Mỹ và đang phát triển trong khu vực ASEAN.

– Lại có một “nhân viên quèn” kể: “Sếp rất nâng đỡ nhân viên và nhìn ra được tài năng ngầm”. Ví dụ trường hợp anh nhân viên này, anh kể: “Đôi lần em gặp sếp trong một số dự án và nói chuyện với sếp. Sếp nói “em có tư duy như vầy hợp với vị trí này, để anh đề cử”. Thế là sếp gửi email cho các sếp trực tiếp. Sau đó em được chuyển và được sếp chỗ mới giúp đỡ nhiệt tình”.Theo tôi, điều này liệu có thể gây “rối rắm” cho cộng sự không?

– Làm thế nào để nhân viên có thể mạnh dạn đặt câu hỏi, nêu nguyện vọng với lãnh đạo cấp cao nhất, nhưng đồng thời cũng phải trao quyền cho các lãnh đạo cấp dưới để quản lý đội ngũ của mình, luôn là một thách thức và nhiều khi trở thành nghịch lý quản trị. Tôi thường chia sẻ triết lý quản trị “phẳng” với tất cả mọi đồng nghiệp khi có dịp, rằng “mô hình cơ cấu nhân sự đang phẳng dần trên toàn cầu, nhờ có công nghệ. Vì vậy, một lãnh đạo tốt phải là người biết chủ động tiếp cận với mọi nhân viên ở mọi cấp bậc”. Nhưng tôi cũng luôn kèm theo cảnh báo “khi vào nhiệm vụ mà bạn chưa sẵn sàng thì coi chừng đó có thể là một bước đi nguy hại với sự nghiệp của mình”. Và trong mọi trường hợp, sự chân thành sẽ là phao cứu nguy khi bạn gặp phải khó khăn trong trọng trách mới.

– Về cuốn sách rất được chú ý do ông dịch Nhấn nút tái tạo. Tôi ghi nhận mấy điều từ cuốn sách: Microsoft thấy cần đổi từ một cỗ máy kiếm tiền sang xây dựng các giá trị khác. Mô hình ba trụ cột mà Microsoft cũng như thế giới công nghệ đang tiến bước: Trí tuệ nhân tạo, Thực tại kết hợp, và Vi tính lượng tử, đang đi cùng một trong những yếu tố tạo nên sự đổi mới không ngừng trong thế giới hôm nay chính là các nút tái tạo (refresh). Về tổng giám đốc của Microsoft hiện nay, ông Nadella, Bloomberg cho rằng ông ấy đang phục hưng. Nhưng tôi lại muốn cập nhật hoá một thông tin: cách đây mấy hôm, Microsoft ra mắt điện thoại thông minh màn hình gập mà lại không sử dụng Windows, trái lại dùng hệ thống Android. Ông nghĩ gì về điều này?

– Đây là một chủ đề thú vị mà có lẽ còn quá sớm để đưa ra nhận định. Tuy nhiên, tôi nghĩ điều này cũng thể hiện một tinh thần cần phải có ở bất kỳ một con người hay tổ chức thành công nào: đòi hỏi phải có một sự kiên trì và theo đuổi mục đích đến cùng, và Microsoft chưa bao giờ từ bỏ tham vọng dẫn đầu trong lĩnh vực tính toán cá nhân (personal computing). Đó là tính cách đã được nhà sáng lập, Bill Gates xây dựng thành DNA của Microsoft từ khi mới bắt đầu, cho đến khi trở thành đế chế công nghệ ngày nay.

– Cuối cùng, tôi có một “khám phá” về nhà công nghệ NBQ mà tôi cho là lý thú. Ông rất mê đàn, đánh trống và, xin lỗi, tôi cũng có nghe ông hát nữa với tất cả say mê. Vậy nghệ thuật và khoa học – công nghệ đã làm giàu hay làm khổ ông, khi chúng giành giật thời gian và mối quan tâm, tập trung cho một trong hai?

– Thật may mắn khi nghệ thuật luôn bổ khuyết cho khoa học và công nghệ, nên cuối cùng tôi cảm thấy mình may mắn khi yêu thích âm nhạc và chơi đàn, hát ở mức độ nghiệp dư, trong khi làm nhà một quản trị chuyên nghiệp. Việc bạn trở nên “người” hơn một tí trong mắt các nhân viên, cũng tạo nên một sự tin cậy từ họ. Đừng trở nên quá nguyên tắc, hãy khuyến khích những sai lầm nhỏ để tự đứng dậy. Điều nay sẽ giúp mỗi chúng ta bớt khắt khe hơn với chính mình, với những người xung quanh. Thế giới sẽ đẹp hơn, dễ mến hơn khi nghệ thuật len lỏi vào những ngóc ngách của cuộc sống con người.

Vũ Khánh thực hiện (theo TGHN)

Từ khóa » Nguyễn Bá Quýnh