Nguyễn Cao Kỳ Duyên: Tôi Chưa Bao Giờ Là Một Công Chúa Kiêu Kỳ
Có thể bạn quan tâm
Với nhiều người, đặc biệt là giới trí thức, văn nghệ sĩ, bà thân sinh của chị - Đặng Tuyết Mai là một tuyệt sắc giai nhân có trí tuệ và rất lịch lãm. Còn chị, nếu được nói về mẹ dưới 400 từ, chị sẽ nói gì?
Mẹ của Kỳ Duyên là một người đẹp. Đẹp từ trong ra ngoài, có nghĩa là đẹp từ thể xác đến tâm hồn. Đối với Kỳ Duyên, mẹ của Kỳ Duyên là một người đàn bà hoàn hảo. Khi ra đường, đúng như người ta thường nói, nhìn bà rất sang trọng, kiêu kỳ; nói rất thạo cả tiếng Anh và tiếng Pháp, yêu thích văn chương, thuộc nhiều thơ và biết làm thơ. Nhưng về nhà, mẹ của Duyên lại là một người đàn bà thuần túy Việt Nam, sắp xếp nhà cửa và nấu ăn rất giỏi.
Đặc biệt nhất, mẹ Duyên rất khiêm tốn, hòa đồng với những người có hoàn cảnh, địa vị không bằng mình. Kỳ Duyên vẫn còn nhớ thời xưa trong nhà bao giờ cũng có rất nhiều người giúp việc. Nhưng Duyên và các anh chị em đều được mẹ dạy đã thành nếp cho đến tận bây giờ: không được gọi ai trong số người giúp việc ấy là người ở, từ người lái xe đến người nấu bếp, mà đều phải gọi bằng chú, cô hoặc anh chị một cách lễ độ. Không những Kỳ Duyên mà tất cả các anh chị của Duyên nếu được người ngoài khen không người nào có tính kiêu kỳ hết, thì đó là do có tấm gương cư xử của mẹ.
Cái hay nhất mà Kỳ Duyên nhận thấy trong gia đình mình, đó là bố mẹ dạy con không phải theo cách bảo con ngồi xuống để cắt nghĩa, mà dạy bằng cách để con cái hấp thụ từ chính sự hành xử của cha mẹ ở nhà.
Mẹ đối với Kỳ Duyên còn là người thầy thực sự. Tất cả những vốn liếng tiếng Việt của Duyên cũng như những gì Duyên biết về văn chương, nghệ thuật đều do mẹ dạy. Mẹ của Kỳ Duyên chơi thân với khá nhiều văn nghệ sĩ và bản thân bà cũng là người rất thích ca hát, đọc sách, đọc thơ.
Từ nhỏ, hình như lúc Duyên chưa đầy ba tuổi, mẹ đã dạy học thuộc làu những câu thơ hay của Thế Lữ. Suốt cuộc đời Duyên ở bên mẹ đều thấy, mỗi khi mẹ nghe được một bài thơ hay thì đều cắt nghĩa cho Duyên hiểu từng chữ một. Đó là những ấn tượng khó phai của Duyên về mẹ của mình.
Một cách thật khách quan, chị thấy bản thân đã được mẹ cha nuôi dạy như một công chúa hay như một “con nhà binh”? Chị thấy cách nuôi dạy đó có ảnh hưởng như thế nào tới chị ?
Có lẽ, một trong những cái may mắn của Duyên là ra hải ngoại từ hồi còn rất bé, lúc 9 tuổi, thành ra chưa được sống như một công chúa. Duyên đã được nuôi như một người bình thường. Bây giờ nghĩ lại, bản thân Duyên chưa bao giờ muốn sống như một công chúa cả.
Duyên nghĩ, đó thực sự là điều may mắn và hạnh phúc nhất của bản thân. Bởi vì Duyên cho rằng, các vị công chúa, hoàng hậu khi được đưa lên một cái ngai bằng vàng tượng trưng cho khuôn khổ thì mặc nhiên họ cũng xem như bị nhốt trong lồng vàng. Duyên không thích làm công chúa với những khuôn khổ ấy mà thích làm một người bình thường tự do, tự do kiếm tiền, tự do tiêu xài và tự do sống theo cách mình thích…
Làm công chúa ngoài việc phải sinh hoạt theo khuôn khổ cứng nhắc, còn biết đâu phải lấy một ông hoàng tử rồi sau đó phải chấp nhận để ông ấy tiếp tục cưới thêm các cung phi... Bởi thế, Duyên tuyệt đối không thích làm công chúa và thấy may mắn vì mình không phải là công chúa.
Đến lượt mình làm mẹ, chị đã ứng xử như thế nào với hai con gái của mình, giống hay khác với mối quan hệ giữa chị và thân mẫu vừa quá cố? Các con chị có thừa hưởng tố chất nghệ sĩ của bà ngoại và của mẹ không? Chị mong đợi gì nhất ở các con của mình?
Đến khi Duyên làm mẹ thì lại một lần nữa Duyên rất may mắn được sống với mẹ trong một mái nhà. Gần như Duyên chỉ sống riêng nhà một vài năm khi đi học ở trường luật, còn phần lớn đều sống với mẹ, ngay cả khi lấy chồng và có con.
Duyên có học được gì từ mẹ để dạy con Duyên không ư? Xin trả lời ngay là Duyên không cần học, tại vì đã có mẹ trực tiếp dạy con giúp Duyên rồi (cười lớn). Duyên nói với mẹ là, nhờ mẹ dạy con đúng nên con đã nên người, có được chút thành công và được nhiều người yêu mến (tất nhiên cũng còn những người không ưa) thì như vậy chứng tỏ “nghề dạy con” của mẹ quá tốt. Và nếu mẹ đã dạy con được thì nhờ mẹ dạy luôn cháu hộ con (cười).
Với con nít, năm đầu tiên đến bảy tuổi là cực kỳ quan trọng vì đó là những năm thành hình tính tình và suy nghĩ. Ở nhà Duyên, thật may mắn là khi Duyên suốt ngày đi làm thì luôn có bà ngoại ở bên cạnh các con của Duyên từ những năm các cháu còn nhỏ xíu tới mười mấy tuổi.
Về đến nhà, hình ảnh mà Duyên thường xuyên bắt gặp đó là bà thủ thỉ với cháu, dạy dỗ tỉ mỉ, chăm lo bữa ăn, giấc ngủ và những lúc cháu bị bệnh. Duyên không phải dạy con. Phần của Duyên duy nhất là thương con vô điều kiện. Duyên chưa bao giờ nói con phải học ra thế này cho mẹ, phải làm thế kia cho mẹ hãnh diện, phải lấy chồng như thế này thế kia... Con Duyên không cần làm một cái gì cho Duyên cả.
Thậm chí, Duyên nói thẳng với tụi nhỏ: con cũng không cần phải nuôi mẹ. Cái mà mẹ cần nhất là con phải sống hạnh phúc cho cuộc đời của con. Con phải làm nghề gì mà con thích và con lấy người mà con yêu. Như vậy thôi. Duyên chưa hề bắt con Duyên làm một cái gì theo ý mình.
Giáo dục gia đình là vô cùng quan trọng, Duyên đã rất may mắn vì có một người mẹ luôn chăm chút việc dạy và rèn luyện cho Duyên.
Từ nhỏ tới lớn chưa hề đánh con, chưa hề la rầy lớn tiếng. Người ta nói bố mẹ chiều con thì con hư, Duyên thì rất chiều con, nhưng Duyên may mắn chắc nhờ có bà dạy nên các cháu không hư và bản tính của hai đứa chắc vừa giống bà, vừa giống Duyên.
Chưa bao giờ Duyên bắt các con phải đi học đàn, học hát, học nhảy nhưng tự động hai cháu đều có máu văn nghệ. Cháu lớn (nay đã 21 tuổi) tên là Maili thích nhảy, thường coi các chương trình của K-Pop nhảy rất đẹp. Cháu tự học tiếng Hàn Quốc, nói 100% như người Hàn. Cháu nhỏ (nay 19 tuổi) là Yenli thì chơi violin (vĩ cầm) rất giỏi, và hiện đang ở Anh. Thành ra máu văn nghệ tự ở trong gen của bà truyền qua mẹ, giờ đến con.
Tốt nghiệp ngành luật tại Đại học Western State với tấm bằng hạng danh dự và cũng từng hành nghề luật sư trước khi bỏ hẳn để chuyên hoạt động trong ngành giải trí, chị có nghĩ lúc nào đó lại rời bỏ ánh hào quang của giới showbiz để trở lại nghề luật sư?
Kỳ Duyên nghĩ nếu một ngày nào đó không còn làm ngành văn nghệ nữa thì cái mà Kỳ Duyên muốn làm thứ nhất là kinh doanh, thứ nhì, nếu có thì giờ và dư giả tiền bạc, thì tham gia các hoạt động từ thiện.
Những việc đó làm cho Kỳ Duyên cảm thấy rất hạnh phúc. Còn làm luật sư thì Kỳ Duyên không thích. Tại vì khi mình mở văn phòng luật sư, làm để kiếm tiền thì luôn phải đối diện với sự gay gắt, khó khăn của các vụ kiện tụng, cạnh tranh. Đêm về thay vì nghỉ ngơi thì trong cả giấc ngủ cũng phải nghĩ ngày mai phải cãi gì để bênh vực thân chủ. Chưa kể mình còn phải cãi với thân chủ của mình để bảo vệ lý lẽ khi ra tòa (cười).
Kỳ Duyên không thích hành nghề luật sư là vì vậy. Nhưng Duyên rất thích kiến thức về luật vì nó giúp ích cho mình rất nhiều trong các khía cạnh công việc và cuộc sống. Chẳng hạn như Duyên làm việc với ai, cần ký một hợp đồng thì có thể tự thảo hợp đồng. Nhất là sống ở bên Mỹ, nếu mình có một kiến thức về luật thì rất hữu dụng. Đây là điều mà Duyên cám ơn mẹ. Hồi đó Duyên đâu có chịu học luật nhưng mẹ nói con nên học luật. Bởi vì mẹ chỉ có mỗi mình con, lại là con gái, sống ở bên Mỹ này cái gì cũng cần tới luật, mẹ muốn chắc rằng một ngày nào đó mẹ không còn ở bên con thì con có đủ khả năng và kiến thức để tự bảo vệ cuộc sống của mình.
Đối với mẹ Duyên, mình biết về luật là tốt nhất. Có lẽ vì câu ở Mỹ mà người ta sợ nhất là: “Tôi sẽ kiện anh!”. Lúc đó Duyên có nói với mẹ, con không thích học luật, nhưng con sẽ học vì mẹ. Nhưng mẹ phải hứa với con, sau khi con học luật xong, con thích chọn làm cái gì, miễn hợp pháp, mẹ cũng phải ủng hộ con nhé. Mẹ đã đồng ý.
Học luật xong Duyên có hành nghề luật sư mấy năm, nhưng rồi chán và bỏ. Rồi Duyên đi làm văn nghệ, Duyên lấy ai bỏ ai mẹ cũng không có ý kiến (cười, pha chút rưng rưng).
Chất giọng trong trẻo, ấm áp của chị là do trời cho. Sự thông minh, lém lỉnh, duyên dáng của chị có thể do thừa hưởng gen từ cha mẹ. Nhưng, vốn từ tiếng Việt phong phú và cách phát âm tiếng Việt chuẩn xác của chị thì do đâu khi mà chị đã rời Việt Nam sang định cư ở Mỹ từ năm 9 tuổi?
Kỳ Duyên chưa hề học Việt văn ở trường. Hồi nhỏ Kỳ Duyên học ở trường Nguyễn Ngọc Linh, một trường chỉ dạy tiếng Anh. Đi sang Mỹ, vốn liếng tiếng Việt do mẹ dạy cho ở nhà, từ cách đánh vần, cách đọc văn chương, đọc thơ...
Còn về giọng nói, bố mẹ nói giọng gì thì con cái bị ảnh hưởng theo giọng đó. Bố mẹ Duyên đều là người Bắc nên chắc có lẽ giọng của Duyên giống giọng mẹ và giống cả giọng của bố.
Lao động của một MC chuyên nghiệp, nhất là làm MC cho các trung tâm ca nhạc, truyền hình nổi tiếng toàn cầu, đã đem đến và lấy đi của chị những gì? Chị đã từng có lúc nào mệt mỏi và toan tính dừng lại?
Tất nhiên làm MC (người dẫn chương trình) đã cho Kỳ Duyên rất nhiều trải nghiệm vì từ công việc nghệ sĩ đứng trên sân khấu, Kỳ Duyên được đi nhiều nơi trên thế giới, được gặp rất nhiều người và hạnh phúc nhất là nhận được rất nhiều tình thương của khán giả.
Cái mà nghề này lấy đi, đối với Kỳ Duyên, là một ít phần nào sự tự do. Ở ngoài sân khấu thật ra Duyên là người không thích chưng diện và trang điểm nên mỗi lần đi ra đường mà bị ai nhận ra thì... Nhưng đối với Duyên, MC là nghề quá tuyệt vời.
Nghề MC với Duyên không phải chỉ là công việc mà còn giống như đi chơi mà được trả tiền. Ví dụ, thay vì mình phải bỏ tiền đi coi văn nghệ thì Kỳ Duyên được đến nơi sẽ diễn ra chương trình, được ngồi, đứng bên cạnh tất cả những người nghệ sĩ, được ngồi bên cạnh sân khấu để nghe họ hát, được trò chuyện với họ, đứng cùng sân khấu với họ và còn được trả tiền nữa.
Còn làm nghề luật sư, ngày ngồi 8 tiếng, thậm chí mười mấy tiếng trong văn phòng, với vô số việc căng thẳng, đầu óc mệt nhọc. Về tới nhà luôn cảm thấy rã rời, chỉ muốn lăn ra ngủ để có sức sáng mai đi làm tiếp. So sánh với nghề luật sư chán ngán, thì nghề MC hay nghệ sĩ là quá tuyệt vời.
Nếu hỏi Duyên có một cái gì bị lấy đi, để than phiền thì chắc là không đâu.
“Với Duyên, MC là nghề quá tuyệt vời”
Nhiều người nói, những hoạt động xuyên suốt và ảnh hưởng lớn của chị trong giới showbiz với vai trò ca sĩ và MC Việt ngữ là một đóng góp không thể phủ nhận cho việc góp phần giữ gìn văn hóa Việt Nam ở hải ngoại. Chị nghĩ gì về nhận xét đó?
Thật ra, nếu nói vai trò gìn giữ văn hóa Việt Nam Duyên nghĩ mình đóng một vai trò rất nhỏ.
Thật sự mà nói vai trò đó là của Trung tâm Thúy Nga và anh Nguyễn Ngọc Ngạn, những người sắp xếp chương trình, lập kế hoạch tổ chức để Duyên tham gia, qua đó Duyên học hỏi được rất nhiều về văn hóa, lịch sử Việt Nam. Nhưng có một điều Duyên có thể ghi nhận được là dù sang Mỹ lúc 9 tuổi, chưa hề học tiếng Việt mà tới ngày hôm nay có thể đọc và viết được tiếng Việt, có thể đứng trên sân khấu nói tiếng Việt cho nhiều người Việt Nam nghe thì đó là do sự dạy dỗ của gia đình.
Thành ra, những gia đình có con lớn lên ở hải ngoại, họ cũng nói nếu Duyên làm được (học tiếng Việt) thì người khác cũng làm được. Nếu một đứa bé được bố mẹ hay gia đình chăm sóc và dạy dỗ kỹ thì dù ở đâu, Việt Nam hay hải ngoại đều có thể thấm nhuần văn hóa. Ngược lại, một đứa bé lớn lên, ngay cả trong nước, nếu không được bố mẹ chăm lo, không được dạy dỗ kỹ thì tất cả những cái thuộc về văn hóa cũng không hấp thụ được.
Thành ra giáo dục gia đình là vô cùng quan trọng, như Duyên nói, Duyên đã rất may mắn vì có một người mẹ luôn chăm chút việc dạy và rèn luyện cho Duyên.
Nhu cầu công việc đã khiến chị đi lại rất nhiều nơi trên thế giới. Những người rành rẽ thời gian biểu của chị thường hỏi nhau “không biết bây giờ Kỳ Duyên đang ở đâu: Châu Âu? Hàn Quốc? Mỹ? Việt Nam?”. Mỗi năm chị chia sẻ thời gian của mình thế nào cho các chuyến đi và cho gia đình, nhất là cho hai cô con gái?
Quả thật nghề nào cũng có bề trái của nó. Làm nghệ sĩ thì tất cả những ngày nghỉ, ngày lễ lớn, khi mọi người đi chơi như Tết, Noel thì nghệ sĩ lại đi làm. Cũng như cuối tuần mọi người được nghỉ, ở nhà thì nghệ sĩ đi làm.
Đặc biệt là Tết, chương trình văn nghệ khắp nơi nên Duyên phải bay khắp nơi theo lời mời. Gần như hai mươi mấy năm nay chưa bao giờ Kỳ Duyên được ăn lễ ăn Tết đúng ngày với con cái. Ví dụ ngày 25 Noel thì Kỳ Duyên sẽ đợi ngày 26, khi đi xong show về. Hay 30 Tết thì được ở nhà nhưng mùng một, mùng hai lại phải đi. Nhưng cũng không sao, vắng mẹ thì đã có bà ở nhà ăn Tết với cháu. Khi Duyên xong việc thì cả nhà lại ăn mừng lễ muộn, Tết muộn vào những ngày sau đó, thành ra việc ăn mừng có vẻ còn kéo dài hơn nhà người ta!
Đối với con cái, như Duyên đã kể, hồi nhỏ hai cháu bao giờ cũng có bà ở nhà. Lớn lên Duyên lại có một thú vui khác, vì hai cô con gái bây giờ cũng đã 19 và 21 nên đi đâu Kỳ Duyên có thể dẫn theo và cảm thấy như có những người bạn đồng hành. Cùng đi ăn, cùng đi mua sắm. Sáng dậy thì con gái lại trang điểm cho mẹ. Duyên cảm thấy mình như có thêm hai người bạn. Giờ đây Duyên mới cảm thấy nuôi con bao nhiêu năm nay đã được hưởng phúc là có bạn đi chơi chung (cười).
Mỗi người đều có những lý do khác nhau khi từ nơi tha hương trở lại quê nhà, ít hay nhiều lần. Với chị, mấy năm gần đây dường như các chuyến về Việt Nam dày hơn nhiều năm trước. Vì lý do nghề nghiệp là chính hay còn vì lý do khác thưa chị, hoạt động từ thiện chẳng hạn?
Lý do chính trở về Việt Nam nhiều hơn là vì công việc. Sau này Duyên cũng có những hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, làm các chương trình ở Việt Nam càng ngày càng nhiều hơn.
Một trong những lý do nữa là để hoạt động từ thiện. Vì đồng tiền đô la mà mình mang về Việt Nam, mình giúp được nhiều người hơn là ở bên Mỹ. Tất nhiên ở bên Mỹ Duyên cũng có làm từ thiện nhưng việc mình cho 100 hay 200 USD ở bên Mỹ như muối bỏ bể, không giúp được gì hết. Còn ở Việt Nam, như chuyến từ thiện vừa qua, mỗi người giúp với hơn 300 USD có thể mua được cả trăm chai dầu ăn và giúp đỡ được rất nhiều người. Thành ra, ở Việt Nam đồng tiền mình dành cho từ thiện giúp được nhiều người hơn.
Ở Việt Nam còn nhiều người nghèo, dù đã có giảm hơn trước nhiều, ở vùng xa hoàn cảnh khá thương tâm, nhiều người không đủ áo mặc, không đủ cơm ăn. Thành ra mình cảm thấy sự giúp đỡ nhỏ bé của mình thiết thực hơn và đó cũng là niềm hạnh phúc đối với chính Kỳ Duyên.
Kỳ Duyên đang rèn luyện sức khỏe với Power Rings
Chị đã đọc sách của Nguyễn Thanh Việt (Viet Thanh Nguyen), một nhà văn gốc Việt viết tiếng Anh năm 2016 đoạt giải văn chương Pulitzer chưa? Chị có nhận xét gì về một hoặc những cuốn sách của Viet Thanh Nguyen mà chị đã đọc?
Cuốn Cảm tình viên Duyên đã mua, đã tải xuống kindle nhưng chưa đọc nên Duyên chưa trả lời được câu này.
Để có gương mặt rạng ngời nét trẻ đẹp và thân hình săn chắc rất quyến rũ như hiện nay khi đã bước qua tuổi năm mươi và hai lần sinh con, hẳn chị phải có một bí quyết đặc biệt nào đó?
Thứ nhất Duyên cũng phải chịu khó chăm lo sức khỏe, ăn kiêng. Thì giờ rảnh Duyên cũng phải tập thể thao. Hồi trẻ thì tập gym rất nhiều, còn bây giờ thì vì bận công việc, phải bay liên tục nên không có thì giờ đến phòng gym. Thành ra bây giờ Duyên lại tìm những phương cách để có thể tập được trong phòng khách sạn hay tập ở nhà.
Ở tuổi này Duyên thích tập để có sự dẻo dai, sức khỏe tốt và trẻ hóa hơn là tập chỉ để giữ thân hình thon gọn. Duyên tập “Suối nguồn tươi trẻ”, bắt đầu tập hít thở theo Dịch cân kinh cũng như mỗi sáng thiền khoảng 20 phút. Khám phá mới nhất mà Duyên vô cùng mê là một dụng cụ luyện tập, chính xác chỉ là một sợi dây thun tập thể thao có tên là Power Rings chỉ nặng 1kg nhưng có thể cho mình các tư thế tập, gần như gym. Đi đâu cũng có thể bỏ vào vali mang theo, hoặc cũng có thể tập ở nhà. Ví dụ ở nhà khi làm trên computer mệt, có thể tập 5 phút tay, rồi quay lại làm việc lặt vặt, rồi lại tập tiếp 5 phút bụng. Cứ duy trì như vậy sẽ giữ được thân hình khỏe và đẹp.
Đối với Duyên trẻ ở đây không chỉ là trẻ ở thể xác mà Duyên còn thích thiền, hít thở để điều hòa khí huyết, giúp ích cho tinh thần. Cũng như bây giờ, Duyên gần như ăn chay. Lâu lâu mới ăn cá. Bởi vì muốn trẻ khỏe, thức ăn nạp vào người rất quan trọng. Ăn thịt không chỉ bây giờ có những độc hại, mà còn làm cho mình mau già. Thành ra với Duyên hai yếu tố để giữ cho mình trẻ lâu, khỏe khoắn là chế độ ăn uống (ăn rau, ít ăn thịt) và tập thể thao.
Cảm ơn Kỳ Duyên về cuộc trò chuyện thú vị và cởi mở. Chúc chị một năm mới nhiều điều như ý trong cuộc sống và công việc.
Thanh Nguyễn thực hiện - Ảnh: Nguyễn Bá Ngọc - Make up: Nhật Bình
_________________________
(*) Cha là ông Nguyễn Cao Kỳ, từng là Thủ tướng và Phó Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa trước 1975. Mẹ là bà Đặng Tuyết Mai, từng là một trong 4 nữ tiếp viên hàng không đầu tiên dưới thời Việt Nam Cộng Hòa
Từ khóa » Bố Mẹ Nguyễn Cao Kỳ Duyên
-
Mẹ MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên Qua đời - VnExpress Giải Trí
-
Nhan Sắc Biểu Tượng Một Thời Của Bà Đặng Tuyết Mai - Mẹ MC Kỳ ...
-
Tiểu Sử MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên - Người Nổi Tiếng
-
Chuyện Tình đẹp để Lại Nhiều Tiếc Nuối Của Bố Mẹ MC Kỳ Duyên
-
Mẹ Của MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên Qua đời - Báo Người Lao động
-
Mẹ MC Kỳ Duyên Và Những Dấu ấn Một Mỹ Nhân Sài Gòn - Zing
-
MC NGUYỄN CAO KỲ DUYÊN - 3 Người Chồng ít Ai Biết Và Lý Do ...
-
HH Kỳ Duyên Và Những Bí Mật được Bố đẻ Tiết Lộ - VietNamNet
-
MC Nguyễn Cao Kì Duyên - 'người Phụ Nữ Không Tuổi'
-
Tiểu Sử Mc Nguyễn Cao Kỳ Duyên Sinh Năm ...
-
Nguyễn Cao Kỳ Duyên Là Ai ? Chuyện Tình Với David Duy Hân
-
Nguyễn Cao Kỳ Duyên: Luật Sư, Nhạc Sĩ Và Ca Sĩ Người Mỹ Gốc Việt
-
Tiểu Sử Mc Nguyễn Cao Kỳ Duyên Sinh Năm Bao Nhiêu ... - TUVI365
-
Mẹ MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên Qua đời ở Tuổi 74
-
Những Khoảng Khắc đẹp Của MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên Và Mẹ