Nguyễn đại Cồ Việt - Viện Nghiên Cứu Hán Nôm

Nghiên cứu Hán Nôm >> Tác giả >> V >> Nguyễn Đại Cồ Việt
Nguyễn Đại Cồ Việt
102. Những vấn đề về âm đọc chữ Hán - phiên thiết, vận thư và vận đồ (TBHNH 2012)

Cập nhật lúc 09h46, ngày 09/02/2015

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ ÂM ĐỌC CHỮ HÁN - PHIÊN THIẾT, VẬN THƯ VÀ VẬN ĐỒ

NGUYỄN ĐẠI CỒ VIỆT

Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN

Về đại thể, cách đọc chữ Hán ở Việt Nam (越南汉字音) có thể chia làm hai mảng lớn: âm Hán Việt (汉越音) và âm Hán Nôm hoá (汉字喃化音). Nếu như âm Hán Nôm hoá là những âm đọc chữ Hán đã du nhập vào khẩu ngữ người Việt và đã Việt hoá sâu sắc đến mức người Việt không còn coi đó là những yếu tố gốc Hán nữa, thì âm Hán Việt là hệ thống cách đọc chữ Hán quan phương ở Việt Nam. Trong thời đại phong kiến, chữ Hán được sử dụng như văn tự hành chính của quốc gia, và âm đọc quan phương của thứ văn tự ấy- âm Hán Việt- được xã hội công nhận.

Những nội dung liên quan đến vấn đề “âm đọc chữ Hán” là khá phức tạp, ở đây, chúng tôi chỉ tóm lược những điểm cốt yếu nhất.

1.Những vấn đề về âm đọc chữ Hán

a. Đặc điểm của chữ Hán với vấn đề âm đọc chữ Hán

Chữ Hán, là hệ thống văn tự do người Hán sáng tạo ra, có lịch sử trên 3000 năm. Hệ thống văn tự này có những đặc điểm như sau:

(1) Xét mối tương quan giữa đơn vị văn tự với đơn vị ngôn ngữ về mặt biểu hiện âm thanh và ý nghĩa của chúng, chữ Hán thuộc về hệ văn tự biểu ý. Thuật ngữ biểu ý là chỉ những chữ tượng hình (nhìn chữ “thấy” được nghĩa) vừa là những ký hiệu biểu ý niệm (hiểu ý theo từng ký hiệu).(1)

(2) Xét mối tương quan giữa đơn vị văn tự với đơn vị ngôn ngữ xét về mặt chỉnh thể tín hiệu ngôn ngữ, chữ Hán thuộc loại hình văn tự ghi ngữ tố. Mỗi một ngữ tố, được biểu hiện về mặt chữ viết là một chữ vuông (方塊字), về mặt âm thanh là một âm tiết.

Đặc điểm biểu ý của chữ Hán quy định hình chữ (tự hình 字形) liên hệ trước hết và chặt chẽ với nghĩa chữ (tự nghĩa 字義). Cho dù với tư cách là hệ thống ký hiệu để ghi lại ngôn ngữ, một chữ Hán đương nhiên phải có mối liên hệ với một âm thanh ngôn ngữ nào đó, chỉ có điều với chữ Hán, mối ràng buộc giữa hình chữâm chữ (tự âm 字音) là khá lỏng lẻo.

Nhưng chính nhờ đặc điểm này, mà chữ Hán có đặc tính là không bị hạn chế bởi không gian và thời gian. Bởi lẽ, cùng một chữ Hán trong các giai đoạn lịch sử khác nhau, hoặc trong các vùng không gian khác nhau, sẽ có âm đọc không giống nhau, nhưng không cản trở việc nhận thức và hiểu văn bản. Người đời sau có thể xem hiểu tác phẩm của người đời trước, mặc dù âm chữ đã có sự biến đổi qua thời gian. Hai người ở hai vùng cách xa nhau, có thể dùng bút đàm để trao đổi, viết chung một thứ chữ, và hiểu văn bản như nhau, cho dù nói và nghe thì không hiểu được nhau. Chữ Hán do vậy đã trở thành một hệ thống văn tự có nhiều cách đọc.

Cũng nhờ tính biểu ý của văn tự Hán, mà khi chữ Hán truyền bá sang các nước lân bang như Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam, âm đọc chữ Hán đã có sẵn cơ chế cho phép nó hòa nhập với môi trường mới, bản địa hóa và diễn biến theo những chiều hướng khác nhau, mà không ảnh hưởng tới việc ngoại giao và giao lưu văn hóa (vốn dĩ chủ yếu thông qua con đường thư tịch) giữa các nước này và Trung Hoa. Cách đọc chữ Hán của người Việt, đặc trưng bởi hệ thống âm Hán Việt, là kết quả của sự biến đổi và bản địa hóa đó.

b. Khái niệm âm đọc chữ Hán

Trong bài viết này, chúng tôi quan niệm:

Chữ Hán là một chỉnh thể có mối tương ứng sít sao giữa một đơn vị phát âm (âm tiết) với một đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất có thể mang nghĩa, được thể hiện trên chữ viết là một chữ vuông(2). Ta có thể hình dung mối quan hệ đó bằng công thức sau:

1 hình chữ = 1 âm chữ × 1 nghĩa chữ

Một âm chữ Hán, được hiểu là mối tương ứng sít sao giữa một hình chữ và một nghĩa chữ, được thể hiện bằng một phiên thiết. Về khái niệm phiên thiết, xin xem dưới dây.

1 âm chữ = 1 hình chữ × 1 nghĩa chữ

Với cùng một hình chữ, vì nghĩa không giống nhau mà có những phiên thiết khác nhau, thì tính là những đơn vị khác nhau. Ví dụ: chữ 1, nghĩa là “dài”, âm là “trường”, trực lương thiết, 2 nghĩa là “lớn”, âm là “trưởng”, tri trượng thiết. Tương tự, 1, nghĩa là “vui vẻ”, âm “lạc” các thiết, 2, nghĩa là “âm nhạc”, âm “nhạc”, ngũ giác thiết, vv..

Với cùng một hình chữ, một nghĩa chữ, nhưng có hai phiên thiết khác nhau, biểu hiện hai âm khác nhau, thì đó là chữ đa âm. Ví dụ: chữ , nghĩa là “giới hạn” có hai phiên thiết, cho hai âm đọc khác nhau, âm “chẩn”, chương nhẫn thiết, và “trân” trắclân thiết, chữ , nghĩa là “mùi hương thơm nồng”, có hai phiên thiết, cho hai âm đọc khác nhau, âm “phục” phòng lục thiết, và âm “phực” (Hán Việt: phức), phù bức thiết.

Đặc tính biểu ý của chữ Hán đã làm nảy sinh nhu cầu chú giải cách đọc chính xác cho một số chữ Hán, mà trước hết là để phục vụ cho việc chú giải văn bản cổ. Người Trung Hoa cổ đại đã phát triển một số phương pháp chú âm như độc nhược 讀若, trực âm 直音, thí huống 譬况 phiên thiết 反切. Những phương pháp này đều có một đặc điểm chung là, dùng chữ Hán để chú âm cho chữ Hán. Trong các phương pháp chú âm cổ, “phiên thiết” là phương pháp có ảnh hưởng lớn nhất, sử dụng trong thời gian lâu nhất.

2. Phiên thiết, vận thư và vận đồ

2.1 Phiên thiết

Phiên thiết, là cách dùng hai chữ Hán để chú âm cho một chữ Hán khác. Phép phiên thiếtcó thể biểu đạt bằng công thức sau:

X < AB thiết (hoặc phiên)

Trong đó, X là chữ cần được chú âm, A và B là chữ dùng để chú âm, A là “chữ thiết trên”, B là “chữ thiết dưới”, hai chữ này hợp thành một thiết ngữ, chữ thiết hoặc phiên là ký hiệu biểu thị thiết ngữ.

Phép phiên thiết chú âm cho chữ Hán trên nguyên lý như sau: lấy thanh mẫu của chữ thiết trên (A) ghép với vận mẫu và thanh điệu của chữ thiết dưới (B) thành âm đọc của chữ cần được chú âm (X).

Tiền đề của phép phiên thiết là: X và A có sự tương đồng về phần thanh mẫu, X và B có sự tương đồng về mặt vận mẫu và thanh điệu.

Ví dụ về phép phiên thiết:

X

<

A

B

thiết

đông1

đ(ô)

(t)ông1

Ghi chú: số 1 thay cho thanh điệu là thanh bình

2.2 Từ phiên thiết đến âm Hán Việt hiện đại

Phép phiên thiết dùng chữ Hán để chú âm cho chữ Hán, nên nó thừa hưởng luôn tính chất vượt thời gian và vượt không gian của chữ Hán. Nhờ vậy nó có ưu điểm nổi bật là, cách đọc chữ Hán X có thể linh hoạt theo từng hệ thống ngữ âm khác nhau biến thiên theo thời gian và không gian. Nó cho phép “dùng một hệ thống chú âm duy nhất mà bao quát được một loạt phương ngữ và những diễn biến lịch sử của ngôn ngữ văn hóa Hán”(3).

Chẳng hạn, ví dụ về cách đọc chữ điền(4):

X

=

A

B

thiết

Âm Hán Trung cổ:

*den

*do

*nen

Âm Hán Việt:

dien

do

nien

Âm Quảng Châu:

t‘in

t‘ou

nin

Âm Tô Châu:

di

dou

ni

Âm Bắc Kinh:

t‘ien

t‘u

nien

Cho dù cách đọc hai chữ , ở mỗi hệ thống mỗi khác, song căn cứ vào hai chữ này có thể ghép ra được cách đọc của chữphù hợp với từng hệ thống đó.

Nhưng mặt khác, phép phiên thiết cũng có những hạn chế của nó. Một trong những hạn chế đó là, một thiết ngữ ghi lại âm đọc chữ Hán ở một thời điểm cụ thể, khi đó giữa chữ được chú âm X và chữ dùng để chú âm A, B có mối quan hệ song thanh điệp vận,(5) nhưng do sự phát triển của ngôn ngữ, trong rất nhiều trường hợp quan hệ này bị phá vỡ, dẫn đến tình trạng nếu căn cứ vào nguyên lý của phiên thiết sẽ không ghép ra được âm chính xác của chữ được chú âm nữa.

Chúng ta xem xét một vài ví dụ sau:

Chữ biển, có phiên thiết là phương điển thiết. Biển ≠ ph + iển. Sở dĩ như vậy là vì, ở thời Thiết vận, âm môi chưa phân tách thành hai dãy trọng thần (âm hai môi) và khinh thần (âm môi răng), nên có thanh mẫu giống nhau, đều là b-.

Chữ , có phiên thiết là tức di thiết. Tư≠t+i. Sở dĩ như vậy là vì, trong âm Hán Việt, nhiếp chỉ khai khẩu đã có sự phân hoá, thành “ư” khi đi với thanh mẫu tinh tổ hoặc chiếu tổ, thành “i” khi đi với thanh mẫu khác, nên nếu chỉ nhìn vào cách đọc Hán Việt của di, thì phần vần của chúng không còn giống nhau nữa.

Chữ hạ, có phiên thiết là hồ nhã thiết. Hạ ≠ h + ã. Sở dĩ như vậy là vì, trong địa hạt Hán Việt, một bộ phận thanh điệu trọc thượng đã tham gia vào quá trình biến đổi “trọc thượng biến khứ”, nên chữ vốn thuộc thanh thượng nay đọc là hạ với thanh khứ.

Do vậy, để từ phiên thiết của một chữ mà suy ra âm đọc chữ ấy, thì không thể không xem xét đến những diễn biến ngữ âm xảy ra trong tiếng Hán và trong địa hạt Hán Việt. Trong phần 4. dưới đây của bài viết, chúng ta sẽ xem xét những quy luật đối ứng giữa âm Hán trung cổ và âm Hán Việt. Việc nắm rõ những quy luật đó, cho phép chúng ta suy luận được âm đọc “đúng” của một chữ Hán từ phiên thiết của nó.

Dẫu vậy, vẫn luôn luôn có những trường hợp không thể giải thích theo quy luật thông thường được. Chẳng hạn, chữ đều có cùng một phiên thiết là nghi thiết, hai chữ này đúng lẽ phải đọc như nhau, song đọc nghị (đúng với phiên thiết), mà lại đọc là nghĩa.

2.3 Vận thư và vận đồ

Việc phát minh ra phép phiên thiết có ý nghĩa vô cùng trọng đại(6). Nó cho thấy, trong nhận thức của người bản ngữ, âm tiết không đơn thuần là một chỉnh thể, mà là một cấu trúc được tạo nên bởi những đơn vị nhỏ hơn. Cho đến sau này, khi các vận thư ra đời, một âm tiết đơn tiếng Hán đã được phân xuất ra thành thanh mẫu, vận mẫuthanh điệu.

Vận thư là một loại tự điển, căn cứ theo vần để sắp xếp chữ. Nhờ có sự tồn tại của các sách vận thư, đặc biệt là các sách vận thư thuộc dòng Thiết vận, mà người đời sau có cái nhìn cụ thể về ngữ âm tiếng Hán thời Trung cổ, cũng gọi là hệ thống ngữ âm Thiết vận (切韻音系).

Hệ thống ngữ âm Thiết vận được coi là căn cứ quan trọng để nghiên cứu về lịch sử ngữ âm tiếng Hán. Xuất phát từ hệ thống Thiết vận, hướng lên trên là khám phá ngữ âm Hán cổ, hướng xuống dưới là nghiên cứu mối liên hệ giữa Thiết vận với các vùng phương ngữ Hán hiện đại và hệ thống âm đọc chữ Hán tại các nước Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam.

Vận đồ, còn gọi là đẳng vận đồ, về bản chất đây là một bảng âm tiết tiếng Hán, nhờ nó mà người ta có thể thấy rõ ràng hệ thống thanh mẫu, vận mẫu, và thanh điệu trong tiếng Hán và khả năng phối hợp giữa chúng. Sự xuất hiện của vận đồ là một tiến bộ mới, khắc phục được những nhược điểm của vận thư và hệ thống phiên thiết.

Chú thích:

(1). Nguyễn Quang Hồng, Khái luận văn tự học chữ Nôm, 2008, tr.21.

(2). Xem, Nguyễn Quang Hồng, Khái luận văn tự học chữ Nôm, 2008, tr. 145

(3). Xem thêm, Nguyễn Quang Hồng, Âm tiết và loại hình ngôn ngữ, Nxb. ĐHQGHN, 1994/2002, tr.141

(4). Dẫn theo Nguyễn Quang Hồng, Âm tiết và loại hình ngôn ngữ, Nxb. ĐHQGHN, 1994/2002, tr.141

(5). Song thanh điệp vận (雙聲疊韻): hai âm tiết giống nhau ở phụ âm đầu gọi là “song thanh”, hai âm tiết giống nhau ở phần vần gọi là “điệp vận”.

(6). Phép phiên thiết được phát minh vào khoảng đời Đông Hán (25-220).

(Thông báo Hán Nôm học 2012,tr.831-838)

In
Lượt truy cập:

Từ khóa » Từ Dĩ Trong Hán Việt