Nguyễn Hiếu: "Trả Nợ Duyên Thơ" - Báo Công An Nhân Dân điện Tử

  • Vương Trọng - nhà thơ của những nỗi niềm
  • Nhà thơ Vũ Trọng Thái: “Được yêu thương là giá trị lớn nhất”

Thơ là một phần quan trọng cùng hành trình sáng tác. Thơ là nơi anh ký thác tâm hồn; nơi anh gửi gắm nỗi niềm, cảm xúc. Thơ nâng cánh cho văn xuôi thăng hoa. Sau Tuyển thơ "Hư ảo" (2010), khi đã qua tuổi thất thập nhìn lại, Nguyễn Hiếu mới nhận thấy sự "bạc bẽo", "bỏ thơ", "dan díu văn xuôi" của mình và nay muốn "đền ơn" thơ bằng tập thơ "Làng mình".

Tập thơ "Làng mình" gồm 36 bài thơ. Lời tựa "Chế Lan Viên đã dạy tôi làm thơ như thế nào" mở đầu là bút tích nhà thơ Chế Lan Viên được anh lưu giữ từ năm 1972. Lời dặn dò, trao truyền kinh nghiệm làm thơ ấy đã đi theo anh "Người ta cứ nói làm thơ theo cảm hứng. Nhưng muốn cảm hứng trở thành một tác phẩm của bất kỳ thể loại nào trong văn chương cũng phải được dẫn dắt theo lý trí sáng suốt. Thơ cũng không ngoại lệ và khi làm thơ càng phải cần đến sự tỉnh táo của lý trí, nếu không chỉ là sự ghép vần, ghép chữ tùy tiện lọt tai, thuận mồm mà thôi. Thơ không có lý trí đi kèm thì không bao giờ là thơ hay được…Hy vọng anh đọc và hiểu những điều tôi nói nếu anh còn muốn làm thơ…".

image003.jpg -0
Nhà văn Nguyễn Hiếu.

Tập thơ "Làng mình" ăm ắp một tình yêu Hà Nội - mảnh đất ngàn năm văn hiến, nơi hội tụ, tập trung tinh hoa dân tộc Việt. Là người Hà Nội gốc, anh trải lòng về Thủ đô thao thiết ăm ắp một tình yêu: "Đứng nghiêng bên cầu Thê Húc/ Mới hay thành phố đã sang hè…". (Mùa sấu); Sông Hồng thấm đậm trong thơ anh: "Nước sông Cái mát lòng vuốt xuôi nhọc nhằn…". "Sông Cái, sông Mẹ hiền hoà, mênh mông, bình thản ở giữa trôi…". "Sông Cái muôn đời không thể phôi pha mầu đất nâu và màu máu đỏ…". (Làng Chèm của tôi).

Làng Chèm luôn trở đi trở lại thao thiết: "Đi đến tận đẩu tận đâu rồi ta lại về làng như đứa trẻ mải chơi quên ăn giữa ồn ào, tranh giành, cãi cọ với dỗi hờn vẫn chợt nhớ về hơi mẹ". Làng đã dung dưỡng nguồn thơ. Ngôi làng ấy mang sứ mệnh thiêng liêng: "Làng Chèm của tôi tên rất Nôm/ Giống như làng cổ Đại Việt ta". (Làng Chèm của tôi). Thời gian chảy trôi mà người con của làng vẫn bền bỉ, nuôi giữ chồng lớp những kỷ niệm vẹn nguyên cảm xúc: "Làng Chèm của tôi mùa hè đi vớt củi rều…" . "Cá chép vật đẻ quẫy vỡ trăng thu". (Làng Chèm của tôi). Làng có ngôi nhà của mẹ ấm êm: "Căn nhà xưa của mẹ đứng bạc trơ/ Con bọ ngựa già nghiêng đầu ngơ ngác…/ Trăng khuyết rơm rớm lửa/ Tháng năm tan cùng heo may". Một làng quê Hà Nội ấm cây rơm: "Cây rơm rủ tóc dưới trời sương…". (Cây rơm dưới chiều). Một làng cổ thao thiết trong thơ anh. Sống xa làng, lúc nào nhà thơ cũng nhớ "Đường về Chèm xa, rặng ổi thơm". (Hà Nội một thuở). Câu ca "Giò Chèm, nem vẽ" vào thơ: "Bánh cuốn Thanh Trì, cà cuống nơi nao/ Giò Chèm, nem Vẽ, củi rều lưu lạc thiều biêu". (Vẫn là nỗi nhớ cổ xưa)…

Thơ Nguyễn Hiếu có muôn mặt cuộc sống với từng ngõ ngách, va đập của cuộc sống. Là nhà văn - nhà báo với thế mạnh văn xuôi, anh vẫn giữ thói quen tích lũy sự kiện, chi tiết. Nguyễn Hiếu điều tiết phát huy ngôn ngữ báo chí bám sát sự kiện, kết hợp văn chương. Chất tự sự của văn xuôi được anh đưa vào thơ. Nhiều bài thơ ngay từ nhan đề "nghe chẳng thơ đâu" ăm ắp sự kiện thời sự: "Nhật ký làng chống lụt", "Khúc ca người nông dân đi chợ đêm", "Nếu mai không còn tre…".

Nắm chắc quy luật tất yếu, trước những đổi thay của làng Chèm, Nguyễn Hiếu động lòng xa xót: "Tưởng như thế làng Chèm tôi mãi thế". Tâm hồn đa cảm trước những biến động, nhà thơ vẫn không muốn chấp nhận hiện thực hôm nay khi: "Bỗng người ở đâu đến nâng giá đất/ Làng gầm gào bình bịch". Nhà thơ hoang hoài: "Bây giờ làng tôi không có tiếng gà trưa…" Chạnh buồn: "Đường làng không còn gạch chôn nghiêng/ Lớp bê tông lỳ trơ như mặt thằng quỵt nợ/ Ngói vẩy xộp vỡ tan tành/ Nhà ống ngông nghểnh, lênh khênh…". Khu công nghiệp - dịch vụ mọc lên là lúc: "Ruộng làng vụ này đã hẹp lại". Bài toán đất: "Tiền đền bù dồn đủ thứ tiêu" và người làng tìm đường ra phố, làm Ô sin để: "Lấy tiền cho con học thêm" (Bây giờ làng tôi). Nhà thơ đồng cảm với: "Tiếng chẹp miệng trong đêm" (Bây giờ làng tôi). Bài thơ "Nếu mai rầy không còn tre" mang điệp khúc buồn: "Còn đâu la đà trước ngõ/ Trăng mồ côi giữa trời hoang…".

image001.jpg -0
Bìa tập thơ “Làng mình” của nhà văn Nguyễn Hiếu.

Có một Hà Nội thời kỳ công nghiệp hóa khiến người Hà Nội buồn: "Mang mang nặng trĩu mặt người/ Trầm buông, trầm buông chuông", mang nỗi luyến lưu. Nhà thơ mong Hà Nội "Có tiếng chim gù đâu đấy", "Có tiếng cánh nhài tách khẽ"… Những người sống nhiều đời ở Hà Nội đều cho rằng chất Hà Nội thường bình dị, thầm lặng và kín đáo. Họ đã sống ở đây nhiều đời và tự nó thu nạp dần, hình thành nên nền văn hóa Hà Nội, kể cả họ chịu ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa phương Tây. Thủ đô Hà Nội chịu sự tác động của nhiều nền văn hóa khác nhau. Tuy rất cởi mở, linh hoạt, nhạy cảm với cái mới, nhưng người Hà Nội biết tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa cho phù hợp với phong cách sống vốn lịch lãm, phong nhã của mình. Vì thế, người Hà Nội luôn giữ được phong thái hào hoa, thanh lịch, nhân ái, khoan hoà, chuộng hình thức, rất bản lĩnh… Nguyễn Hiếu hiểu phẩm tính người Hà thành giàu không ai biết, khó không ai hay trong câu thơ: "Đói no không người tỏ" (Đàn bà làng tôi)…

Thơ anh thấm đẫm cảm xúc. Một Nguyễn Hiếu mềm yếu đến lạ: "Đến buổi em đi lấy chồng/ Miếng giò Chèm nhạt thếch/ Tôi sang ngang ngược chiều gió bấc/ Lẻ loi kéo xập mùa đông" (Điệp khúc mùa). Bài thơ "Em gái tôi lấy chồng xứ Huế" là bài thơ hay viết về phụ nữ, được nhà thơ Vũ Quần Phương tuyển chọn vào tập thơ "Mưa đền cây".

Tình yêu làng luôn lắng sâu, bền bỉ: "Dù hôm nay làng không còn tre gù lưng chờ như thủa ta gội nắng chang chang chân bỏng cát bên dòng sông hoang hoang cánh buồm nâu vá hai miếng trắng". (Bây giờ ta lại về làng)... Anh vẫn tin tình yêu phù sa: "Lặng lẽ bồi dưới đáy sông" sẽ là sức mạnh nội sinh để giữ làng trước những biến động xã hội để làm nên một làng Chèm vĩnh cửu.

Trong tập thơ "Làng mình", Nguyễn Hiếu sử dụng nhiều thể thơ. Anh nắm vững các thể thơ và sử dụng trong sáng tác thơ đạt hiệu quả: kết hợp một bài thơ nhiều thể loại thơ trong "Đàn bà làng tôi"; kết hợp thơ tự do xen thơ lục bát trong bài "Đàn ông làng tôi", "Khúc ru xuân"; kết hợp thơ văn xuôi với lục bát trong bài "Chóp Chài"; kết hợp thơ văn xuôi, tản văn với thơ trong "Sông Cái một dải nông sờ…". Trong bài thơ văn xuôi "Bây giờ ta lại về làng", Nguyễn Hiếu sáng tạo trong cách kết hợp thơ văn xuôi với tản văn và sau mỗi lần là câu kết đầy sức gợi về nỗi lòng của người con của làng yêu quê đến dứt ruột, dứt gan.

Nguyễn Hiếu bám chắc vào nguồn cội văn hóa dân gian để tạo cho mình một mỏ quặng ngôn từ thỏa sức sáng tạo. Anh vận dụng khéo léo ca dao, dân ca, tục ngữ để đưa vào thơ tạo nên nhiều hiệu ứng thẩm mỹ. Thêm nữa, Nguyễn Hiếu luôn có ý thức học hỏi, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn học thế giới, anh nhận thấy cái đẹp của thơ Haiku kết tinh nhiều giá trị văn hóa phương Đông, nhất là thể hiện nét tinh tế tâm hồn Nhật Bản. Nguyễn Hiếu khám phá thể thơ Haiku bằng "Chùm thơ giống như thơ Haiku": "Em chĩa ngực đợi thu/ Anh cong lưng chờ mùa Đông lặng/ Lá nghiêng tiếng chim gù…".

Nói như nhà văn Chu Lai: "Văn chương Nguyễn Hiếu không rao giảng, không làm duyên, không cố tình triết lý triết luận mà nó cứ tự nhiên trào lên như nước mạch với tất cả những bụi bặm, trong đục của nó và chính vì thế mà nó rất đời. Có nhiều đoạn Hiếu viết như nhập đồng, như lên cơn, như…kẻ điên".

 Nguyễn Hiếu là nhà văn đa tài "Nhiều trong Một". Dẫu văn xuôi, sân khấu là lĩnh vực Nguyễn Hiếu đam mê, khát khao cống hiến và đạt được nhiều thành tựu thì thơ vẫn luôn là điểm tựa trữ tình "cộng hưởng" để thăng hoa cho hai thể tự sự và kịch.

Từ khóa » Thơ Có Duyên Không Nợ