Nguyên Liệu Và Dụng Cụ Cho Người Mới Học Móc Len, đan Len
Có thể bạn quan tâm
Trước khi làm công việc thiết kế thú len móc, thì mình cũng từng giống các bạn, tự mày mò học móc len từ sách và youtube.
Tóm tắt cách tự học của mình là: dùng cả sách và youtube để xem song song cách thực hiện một kỹ thuật, ví dụ như mũi móc đơn (single crochet – sc) chẳng hạn. Mình sẽ mở sách phần kỹ thuật về mũi móc đơn, sau đó search single crochet trên youtube để ra video tutorial. Có thể chọn 1, 2 video mà mình cảm thấy dễ hiểu nhất. Khi mới bắt đầu học móc, nên chọn làm thử một vài thứ dễ nhất: mũ, khăn, nơ, móc chìa khoá v.v… những thứ nhỏ xinh gọn nhẹ thì sẽ nhanh chóng ra sản phẩm tránh trường hợp móc mấy thứ khó quá rồi nản 😛
Hãy thử móc 1 chiếc mũ hoặc túi đơn giản theo 1 video trên youtube trước. Sau đó khi bạn đã quen với cách cầm kim móc và len, hiểu phải xuyên kim vào vị trí nào rồi thì chuyển sang dùng pattern – không nên mãi phụ thuộc vào các video tutorial trên youtube vì sẽ làm cho tốc độ học của mình chậm hơn, kiểu mình chỉ biết làm theo chứ không có tư duy vì sao lại thế ấy, đọc pattern và đọc sách thì sẽ tốt hơn. Mình thường đọc phần giải thích các ký hiệu dùng trong pattern, sau đó mình sẽ tra sách và youtube cách thức thực hiện các ký hiệu này, và làm theo từng bước trong pattern.
Các bạn có thể đọc thêm những bài chia sẻ về cách tự học, các thông tin cần thiết và các hướng dẫn móc miễn phí cho người mới bắt đầu học trên blog của mình nha
Hồi mới bắt đầu mày mò tự học thì mình cũng có tâm lý là mua tất cả những thứ y hệt những người móc đẹp mà mình coi ở trên youtube hay instagram 😆 Nhưng cuối cùng cũng nhận ra có một số thứ không phù hợp, không cần thiết với mình, nên sau kha khá thời gian mình cũng rút ra cho mình những thứ (có vẻ như là) cơ bản nhất nhưng cũng đầy đủ nhất. Đặc biệt với các bạn mới tập tành đan móc như một thú vui, thì mình nghĩ cũng không cần thiết mua thật nhiều đồ, nhiều len đâu
Nguyên liệu và dụng cụ cho người mới học móc len
1. Len, sợi 2. Kim móc (2 phần này mình sẽ nói kỹ hơn ở ảnh sau).
3. Kim khâu len: Mình thích loại kim bằng kim loại hơn là kim nhựa. Kim có một đầu hơi cong sẽ giúp khâu ráp dễ dàng hơn.
4. Kéo: Kéo nào cũng được ấy nhưng mà mình thích dùng kéo có đầu nhọn vì còn cùng để chọc, nhồi thêm bông cho chặt.
5. Ghim đánh dấu hàng : Móc thú bông thường sẽ móc theo vòng tròn xoắn ốc, tức là không có mũi kết mỗi hàng nên sẽ không có sự khác biệt giữa mũi cuối hàng thứ nhất và mũi đầu hàng thứ hai. Mình không có thói quen sử dụng ghim đánh dấu hàng nhưng nếu bạn mới học móc thì rất nên dùng ghim đánh dấu để không bị nhầm lẫn giữa các hàng. Có thể dùng loại kim băng nhựa chuyên đánh dấu hàng, kim băng thường, cặp tăm, ghim kẹp giấy, một sợi len để đánh dấu. Nếu phải chọn một thứ để đánh dấu hàng thì mình chọn cặp tăm nha! Cặp tăm chính là chiếc ghim đánh dấu tiện nhất luôn!
6. Bông nhồi thú: các loại bông nhân tạo (polyester), bông tự nhiên,… Nếu chưa tìm mua được bông nhồi thú thì có thể dùng ruột gối.
7. Mắt nhựa: Tạo hình mắt mũi miệng sẽ giúp cho thú len của bạn xinh hơn, đáng yêu và có hồn hơn. Mình thường sử dụng mắt nhựa có gắn chốt ở phía sau – phải gắn mắt trước khi nhồi bông và khâu khép kín. Chọn loại mắt có chốt gắn chặt để đảm bảo mắt không bị rơi ra. Các bạn cũng có thể dùng keo để gắn mắt thú sau khi móc xong, nhưng mình không thích dùng keo vì keo sẽ làm cho phần len chỗ mắt bị cứng, ngoài ra cũng không đảm bảo là keo có gắn chặt mãi hay không. Nếu làm thú len cho em bé dưới 3 tuổi chơi hàng ngày hoặc ôm đi ngủ, thì tốt nhất không nên sử dụng các loại mắt nhựa, khuy nhỏ, hạt cườm… để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các bé. Thay vào đó các bạn có thể dùng sợi màu đen hoặc nâu thể thêu mắt.
8. Ghim định vị: Ghim (hay kim) này giúp ta có thể định vị các bộ phận trước khi khâu. Không nhất thiết phải có, nhưng sẽ giúp việc khâu ráp hay định hình, xác định vị trí các bộ phận dễ dàng hơn rất nhiều.
9. Phấn má hồng: có thể dùng phấn make up hoặc dùng bút chì/ sáp màu : cạo phần chì màu thành bột rồi dùng cọ hoặc miếng giấy để đánh màu má cho thú len. 10. Khuy, vải, ruy băng v.v..: Tuỳ vào từng mẫu thiết kế mà mình sử dụng thêm một chút các phụ kiện này để tạo điểm nhấn cho các bạn thú bông. Các bạn có thể lựa chọn sử dụng tuỳ theo sở thích của mình.
Mình hiện đang không ở VN và cũng chưa bao giờ mua những nguyên liệu, dụng cụ này ở VN nên không biết chỗ mua. Mọi người có thể tìm kiếm với các từ khoá là tên của các thứ này trên google/ shopee để tìm được chỗ mua phù hợp nha
Góc len để len cũ của mình (trước khi chuyển sang chỗ mới như bài lần trước
Một góc nhỏ trong phòng làm việc. Chỗ len kia để trưng bày là chủ yếu – và cũng là để dễ cho việc so sánh lựa chọn các màu. Còn đồ mình dùng hàng ngày đều được cho vào hộp/ giỏ để tiện di chuyển – vì làm việc tại nhà nên mình thường đổi chỗ ngồi liên tục. Nếu bạn đang thắc mắc là máy khâu để kia thì mỗi lần dùng phải bê ra chỗ khác à, đúng rồi nha, tại mỗi năm mình đụng đến nó có 1 lần thôi á 😅
Phòng này còn là phòng dành cho khách ngủ lại nếu nhà có khách, nên mình cũng không trang trí hẳn như một phòng làm việc chuyên nghiệp. Ngoài ra còn có sự đấu tranh của chồng đòi để lại dấu ấn, nếu mọi người nhìn kỹ trên tường sẽ thấy có mấy cái ảnh câu cá, với lấp ló cái bản đồ Hokkaido to oành đánh dấu đường đi vì chồng mình đã từng đạp xe quanh đảo Hokkaido trong vòng 3 tuần 👀 Vậy nên tuy phần bên trên không liên quan phần bên dưới cho lắm nhưng nhà nhỏ không còn chỗ trưng bày nào khác nên mình tạm chấp nhận 😝
Mọi người không cần mua nhiều len đâu, thực sự là sẽ không bao giờ dùng hết được đâu
Nếu bạn muốn mua len để dùng cho móc thú len (phải nhồi bông ở bên trong) thì điều quan trọng nhất bạn cần chú ý đó là chọn loại len sợi KHÔNG co giãn, vì nếu sợi co giãn thì khi móc hay nhồi bông sẽ làm biến dạng hình thù của thú, lộ bông ở bên trong v.v.
Nếu bạn muốn móc túi xách, thảm, giỏ… thì có thể dùng các loại sợi vải, sợi cói và kim móc size to (nhưng mà mấy loại này móc cũng khá đau tay nếu chưa quen, nến nếu tập thì cứ thử mấy loại dễ trước). Độ dày của loại len sợi và size kim móc cũng sẽ ảnh hưởng đến kích cỡ của thú len: dùng sợi dày, kim móc to thì sản phẩm sẽ to hơn khi dùng sợi mỏng, kim móc nhỏ. Hai loại mình chủ yếu dùng là sport/baby weight (dùng cho các mẫu nhỏ xinh, nhiều chi tiết) và DK/ light worsted weight (dùng cho các mẫu ít chi tiết phức tạp), dùng loại 100% cotton hoặc cotton pha để có sản phẩm trơn, nét, dùng các loại bông, xù khác khi cần làm phụ kiện, tạo texture cho sản phẩm. Các dòng len mình hay dùng (và thấy khá thích): Scheepjes Catona, Scheepjes softfun, DMC Natura just cotton, DMC happy cotton, Ricorumi. (Ở VN các bạn thường dùng len Cotton Milk và Jeans Yarnart).
Trên mác của mỗi cuộn len, ngoài thông tin về hãng len, code màu, nơi sản xuất ra thì còn có đầy đủ thông tin về chất liệu, độ dày, size kim cần sử dụng v.v…
Khi mới học móc lần đầu tiên, mình dùng loại kim móc thân nhỏ, bằng kim loại và nhận ra nó không hề phù hợp với mình, mỗi lần móc xong cực kì đau tay >__< Sau đó mình đã chuyển sang kim móc Clover soft touch (phần đầu móc bằng kim loại và thân cầm bản rộng bằng nhựa) và nó giống như khai sáng cuộc đời vậy – dùng từ đó đến giờ, tới nỗi bạc cả lớp màu bên ngoài mà vẫn dùng. Vậy nên nếu bạn thấy chưa thoải mái với chiếc kim móc của mình thì đừng ngại đổi sang một loại mới!
Nếu bạn cầm kim móc giống như cầm bút (ảnh 1) (là cách mình hay cầm – với loại size nhỏ hơn 3-4mm) thì một chiếc kim móc có phần thân nhựa bản to sẽ giúp bạn thoải mái hơn. Nếu bạn cầm kim móc giống như cầm dao (ảnh 2) (là cách mình cầm kim móc to từ 5-6mm trở lên) thì loại kim móc thân thon, nhỏ sẽ phù hợp hơn. Nếu bạn muốn móc thú len thì nên chọn loại kim móc có size nhỏ hơn so với size gợi ý trên mác của len. Ví dụ ở mác của len Scheejes Soffun ghi là dùng cho kim 3,5-4mm thì nên dùng kim 2,5 – 2,75mm là phù hợp. Hai chiếc kim móc mình sử dụng nhiều nhất đều là kim Clover soft touch, size 2,25mm khi dùng sợi sport/baby weight và 2,5mm khi dùng sợi DK/ light worsted weight.
Nếu bạn muốn học móc thú len mà chưa biết mua kim móc loại nào size nào thì cứ chọn 1 trong 2 size này nha.
Đây là cách mình cầm kim, cầm len. Thực ra không có quy chuẩn nào cho việc cầm kim với len đâu, bạn không cần cầm giống hệt trong video hướng dẫn trên youtube. Cứ cầm sao cho tay mình thấy thoải mái nhất và không bị đau là được.
Mình móc túi đựng bình nước cho con mang đi học. Thêu tên của con ở đằng sau nữa nha. Móc cái gì vừa nhanh vừa xinh lại vừa dùng được hàng ngày thì mình cũng có động lực hơn là làm những thứ phức tạp nhỉ! Hãy làm túi đựng bình nước này khi đã có chút chút “kinh nghiệm” tự thêm bớt số hàng số mũi để ra được chiếc túi phù hợp với bình nước của bạn. Hướng dẫn móc túi này các bạn xem ở đây nhé (có cả tiếng Việt và tiếng Anh) https://khuccay.com/lovely-water-bottle-holder/
À đây, mấy cái hình vuông này là granny square. Nếu các bạn search cụm từ này trên google, youtube, đảm bảo sẽ ra ti tỉ hướng dẫn từ đơn giản đến phức tạp, từ miễn phí đến có phí. Hình như ai mới học móc cũng được đề xuất học cái này đầu tiên vì nó dễ, có thể làm cái lót ly, ghép lại thành túi xách, khăn trải bàn, áo, khăn đội đầu v.v… Nói chung là cực dễ làm mà lại dùng làm được nhiều thứ. Thế mà mình lại không hứng thú lắm nên mới làm trong thời gian rảnh rỗi gần đây thôi, cũng thấy khá hay ho. Các bạn search Daisy granny square trên youtube nha
Làm xong những hình nhỏ mình đã ghép lại thành hình tam giác xinh xinh như này mà chồng lại tưởng là làm “yếm ăn dặm” cho con các bác ạ =(( Nhưng xin đính chính đó là chiếc bandana (khăn đội đầu?) nhéee!
Granny square phiên bản hoa hướng dương nhiều cánh hơn và to hơn, móc mấy cái này xong là thấy mùa thu tràn vào nhà luôn 🌼
Mọi người search Sunflower granny square trên youtube nhé.
Làm xong những miếng vuông nhỏ thì cũng có thể ghép thành những miếng vuông to. Những miếng vuông nhỏ thì để làm miếng lót ly, à, cả cái to to hơn thì để lót ly lót cốc lót khay đựng hoa quả cũng được. Cái khay bên cạnh là bánh quy nhà làm nha, trông xanh xanh đỏ đỏ thế thôi nhưng toàn là từ mấy nguyên liệu tự nhiên (củ dền, bột tảo, cacao) ạ
Mình dùng mảnh to to để lót cốc với bình gel rửa tay trong nhà tắm. Hãy khen nó xinh để động viên mình
Sau khi làm xong mấy thứ “đồ gia dụng” mà bạn có hứng thú với đồ chơi như là thú len móc kiểu này, thì hãy bắt đầu làm từ những mẫu đơn giản trước nha. Các hướng dẫn móc thú bông thì cũng có đủ loại, từ đơn giản, miễn phí, tới phức tạp, phải trả tiền thì mới mua được. Nếu mới học thì bạn cứ chọn làm mấy mẫu dễ dễ nhỏ nhỏ, ít phải khâu, ít chi tiết, không phải đổi màu len nhiều như móc chìa khoá trước, để xem mình có hợp hay không nhé.
(VD như mẫu này, trông có vẻ to to nhưng thực ra lại dễ làm và cũng ít chi tiết phải khâu ráp).
Con gái lúc nào cũng là nguồn cảm hứng kiêm “người thử nghiệm” các sản phẩm của mình. Không phải cái gì mình thích thì con sẽ thích (hoặc ngược lại) đâu nha, trẻ con có những nhận định, góc nhìn rất khác biệt. Bất cứ khi nào phân vân không biết chọn màu nào, kiểu nào thì mình chỉ cần hỏi ý kiến bạn ấy là được, bởi vì bạn ấy rất kiên quyết và chắc chắn mỗi khi lựa chọn điều gì, chứ không hay phân vân lưỡng lự như mình (không phải tại mình, tại cung Thiên Bình thôi huhu).
Một mẫu nâng cao hơn – vừa to hơn, lại còn có quần 😆
Mọi người đừng kêu có mấy cái bánh chụp hoài hoặc là sao toàn chụp với đồ ăn vậy nha, tại vì ngoài làm thiết kế thú len ra mình còn lỡ thích làm mấy thứ bánh trái kawaii phù phiếm này nên mỗi lần làm xong mình đều hì hụi chụp cả kho ảnh 😂
Một mẫu khác “nâng cao” hơn nữa – sử dụng cả mấy hạt ngọc đính đính, vải voan lấp lánh bánh bèo thiệt lung linh. Nhưng những mẫu như thế này (hoặc những mẫu dùng mắt thú nhựa) thì không nên cho em nhỏ dưới 3 tuổi chơi ôm đi ngủ nha – bởi vì dù mình có đính hạt chắc như thế nào, nhưng biết đâu đấy bằng một cách nào đấy các bé lại giằng ra được. Nếu làm cho bé nhỏ thì các bạn chỉ nên chọn làm những mẫu đơn giản, khâu các phần thật chắc chắn, chọn sợi cotton, giặt đồ chơi (bằng tay) thường xuyên nhé
Bài đã quá dài và ảnh đã quá nhiều, xin up nốt chiếc cuối chụp mấy mẫu thú cưng trong sách tiếng Pháp của mình mới xuất bản. Tuy bài này rất rất dài (chắc là bài dài nhất của mình trong YB từ trước đến giờ) nhưng cảm ơn bạn đã đọc đến đây. Hy vọng là đã giúp ích được một chút gì đó, hoặc là cho bạn cảm hứng thử “dấn thân” vào bộ môn này (không nhất thiết phải làm điều gì đó giống như một việc chuyên nghiệp thì mới thấy mình xịn xò đâu, chỉ cần có một sở thích, thú vui nào đó giúp mình thư giãn thôi thì cũng đã rất rất vui rồi, thật ý). Chúc mọi người cuối tuần vui vẻ (và luôn có một đam mê, sở thích gì đó giúp cho mình ngày nào cũng vui nhé)!
P/s: Admin xin cảm ơn tác giả Khuccay rất nhiều. Bạn là 1 người yêu và tâm huyết với đan len. Chúc bạn thành công trong cuộc sống
Từ khóa » Cách đan Khăn Len Cho Người Mới Học
-
Hướng Dẫn Chi Tiết Cách đan Len Cho Người Mới Bắt đầu | Cleanipedia
-
Knitting- Bài 1-Hướng Dẫn đan Len Căn Bản - YouTube
-
Học đan Cơ Bản Cho Người Mới Bắt đầu | Loại Len Và Loại Móc đan
-
Đan Len Cho Người Mới Bắt đầu - YouTube
-
Hướng Dẫn Cách đan Len Cơ Bản Nhất Cho Người Mới Bắt đầu
-
Hướng Dẫn Cách đan Len Cơ Bản Cho Người Mới Học Từ A - Z Chuẩn ...
-
Từ A-Z Hướng Dẫn đan Len Cho Người Mới Học Chuẩn Nhất - TinyBook
-
Đan Len Cần Những Gì? 7 Dụng Cụ đan Len Cho Người Mới
-
Học đan Len Và Cách Móc Len – Bắt đầu Từ đâu? | Facebook
-
Cách để Đan Len - WikiHow
-
6 Bước Hướng Dẫn đan Khăn Len đẹp Cho Nữ Vào Mùa đông Lạnh Giá
-
Discover Cách đan Khăn Len Cho Người Mới Tập 's Popular Videos
-
Hướng Dẫn Cách đan Len Chữ Thập Cho Người Mới Bắt đầu đơn Giản ...