Nguyên Lý Là Gì? - Luật Hoàng Phi

Mục lục bài viết

Toggle
  • Nguyên lý là gì?
  • Nguyên lý tiếng Anh là gì?
  • Tìm hiểu một số nguyên lý

Chúng ta thường nghe qua và sử dụng khá nhiều từ “nguyên lý” như: nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin, nguyên lý hoạt động của xe máy, nguyên lý thống kê,… Tuy nhiên, để hiểu chính xác nguyên lý là gì thì không phải ai cũng nắm rõ. Hiểu được vấn đề này bài viết dưới đây sẽ tập trung giải thích nguyên lý là gì và chia sẻ đến bạn đọc các thông tin cần thiết liên quan.

Nguyên lý là gì?

Theo từ điển tiếng Việt giải thích Nguyên lý là:

+ Luận điểm cơ bản của một học thuyết

Ví dụ: Nguyên lý của nho giáo, nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin,…

+ Định luật cơ bản có tính chất tổng quát, chi phối cả một loạt hiện tượng

Ví dụ: Nguyên lý cấu tạo; Nguyên lý hoạt động của máy,…

Theo Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân: Nguyên lý hay nguyên tắc (principle) là những ý tưởng hoặc lý thuyết ban đầu, quan trọng, được coi là xuất phát điểm cho việc xây dựng những lý thuyết khác. Ví dụ, nguyên lý: thương mại làm cho mọi người đều có lợi được dùng làm xuất phát điểm cho việc xây dựng lý thuyết về lợi thế so sánh và thương mại quốc tế.

Trong triết học đưa ra các định nghĩa, nguồn gốc, chức năng và phân loại nguyên lý như sau:

Nguyên lý là những luận điểm xuất phát, những tư tưởng chủ đạo của một học thuyết hay lý luận mà tính chân lý của chúng là hiển nhiên, không thể hay không cần phải chứng minh nhưng không mâu thuẫn với thực tiễn và nhận thức về lĩnh vực mà học thuyết hay lý luận đó phản ánh.

Chủ nghĩa duy vật cho rằng, nguyên lý được xây dựng trong tư duy nhờ vào quá trình khái quát những kết quả hoạt động thực tiễn – nhận thức lâu dài của con người . Nguyên lý là cơ sở lý luận của mọi học thuyết hay lý luận. Nó thực hiện chức năng lý giải và đồng thời cũng là công cụ tinh thần để nhận thức và cải tạo hiệu quả thế giới.

Từ nguyên lý người ta xây dựng các nguyên tắc, những yêu cầu nền tảng đòi hỏi chủ thể phải tuân thủ đúng trình tự nhằm đạt mục đích đề ra một cách tối ưu.Ý nghĩa phương pháp luận của nguyên lý thể hiện qua các nguyên tắc tương ứng. Nghĩa là cơ sở lý luận của các nguyên tắc là các nguyên lý: cơ sở lý luận của nguyên tắc toàn diện và nội dung nguyên lý về mối liên hệ phổ biến, cơ sở lý luận của nguyên tắc phát triển là nội dung nguyên lý về sự phát triển.

Nếu dựa vào mức độ phổ quát nguyên lý được chia thành nguyên lý khoa học và nguyên lý triết học.

+ Nguyên lý khoa học: còn được gọi là công lý, tiên đề, định đề, quy luật nền tảng, là cơ sở của các lý thuyết khoa học, và được coi là đúng trong phạm vi mà lý thuyết khoa học đó phản ánh.

+ Nguyên lý triết học: là cơ sở của các học thuyết triết học. Với tính cách là một học thuyết triết học, phép biện chứng duy vật được xây dựng dựa trên các nguyên lý cơ bản như: nguyên lý về sự thống nhất thế giới trong tính vật chất (chủ nghĩa duy vật), nguyên lý về mối liên hệ phổ biến và nguyên lý về sự phát triển (phép biện chứng).

Tóm lại, có thể hiểu một cách đơn giản nguyên lý là những ý tưởng, luận điểm ban đầu, cơ bản có tính tổng quát, có tính hiển nhiên mà không cần phải chứng minh; nguyên lý là chủ đạo, cơ sở cho việc xây dựng các lý thuyết khác.

Nguyên lý tiếng Anh là gì?

Nguyên lý trong tiếng Anh là principle.

Cách đọc: UK  /ˈprɪn.sə.pəl/ US  /ˈprɪn.sə.pəl/

Từ điển giải thíchprinciple: a basic idea or rule that explains or controls how something happens or works (một ý tưởng hoặc quy tắc cơ bản giải thích hoặc kiểm soát cách một điều gì đó xảy ra hoặc hoạt động)

Ví dụ:

The machine works according to the principle of electromagnetic conduction. (Máy hoạt động theo nguyên lý dẫn điện từ.)

uno actu principle(nguyên lý không hành động)

pigeonhole principle (nguyên lý chuồng bồ câu)

variational principle (nguyên lý biến đổi)

modulus principle (nguyên lý mô đun)

machine elements principles (nguyên lý phần tử máy móc)

Tìm hiểu một số nguyên lý

Để hiểu rõ hơn về nguyên lý là gì hãy cùng tìm hiểu qua một số nguyên lý sau:

1. Nguyên lý của phép biện chứng duy vật

Hai nguyên lý của phép biện chứng duy vật là hai nguyên lý cơ bản và đóng vai trò cốt lõi trong phép biện chứng duy vật của triết học Mác – Lênin khi xem xét, kiến giải sự vật, hiện tượng.

Phép biện chứng duy vật được xây dựng trên cơ sở một hệ thống những nguyên lý, những phạm trù cơ bản, những quy luật phổ biến phản ánh hiện thực khách quan.Trong hệ thống đó nguyên lý về mối liên hệ phổ biến và nguyên lý về sự phát triển là hai nguyên lý khái quát nhất. Hai nguyên lý cơ bản gồm:

+ Nguyên lý về mối liên hệ phổ biến: là nguyên tắc lý luận xem xét sự vật, hiện tượng khách quan tồn tại trong mối liên hệ, ràng buộc lẫn nhau tác động, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các sự vật, hiện tượng hay giữa các mặt của một sự vật, của một hiện tượng trong thế giới. Nguyên lý này biểu hiện thông qua 06 cặp phạm trù cơ bản.

+ Nguyên lý về sự phát triển: là nguyên tắc lý luận mà trong đó khi xem xét sự vật, hiện tượng khách quan phải luôn đặt chúng vào quá trình luôn luôn vận động và phát triển (vận động tiến lên từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn của sự vật).

2. Nguyên lý bất định

Nguyên lý bất định là một nguyên lý quan trọng của cơ học lượng tử, do nhà vật lý lý thuyết người Đức Werner Heisenberg phát triển. Nguyên lý này phát biểu rằng: “Ta không bao giờ có thể xác định chính xác cả vị trí lẫn vận tốc (hay động lượng, hoặc xung lượng) của một hạt vào cùng một lúc. Nếu ta biết một đại lượng càng chính xác thì ta biết đại lượng kia càng kém chính xác.”

3. Nguyên lý chuồng bồ câu

Nguyên lý chuồng bồ câu, hay còn gọi là nguyên lý ngẫu nhiên, nguyên lý hộp hay nguyên lý ngăn kéo được Peter Dirichlet, nhà toán học người Đức đưa ra vào năm 1834.Nguyên lý chuồng bồ câu chỉ ra rằng: Nếu có 4 con chim bồ câu cùng bay vào 3 chiếc chuồng thì sẽ có ít nhất 1 chiếc chuồng có 2 con chim bồ câu. Ta vẫn thường bắt gặp những cụm từ điển hình như: “ Có bao nhiêu cách… ?’, “Có ít nhất…”

4. Nguyên lý tảng băng trôi

Nguyên lý tảng băng trôi, lý thuyết tảng băng hoặc lý thuyết thiếu sót là một kỹ thuật viết văn được nhà văn người Mỹ Ernest Hemingway đặt ra.

“ Hemingway nói rằng chỉ phần nổi của tảng băng được thể hiện trong tiểu thuyết – người đọc sẽ chỉ thấy những gì ở trên mặt nước – nhưng kiến thức mà bạn có về nhân vật của mình, những thứ không bao giờ lọt vào câu chuyện, đóng vai trò là phần lớn của tảng băng. Và đó là những gì mang lại sức nặng và sức hấp dẫn cho câu chuyện của bạn.”  (Jenna Blum in The Author at Work, 2013)

Ví dụ: Hemingway tin rằng một nhà văn có thể mô tả một hành động, chẳng hạn như hành động câu cá của Nick Adams trong truyện “Big Two-Hearted River”, trong khi truyền tải một thông điệp khác với hành động đó: Nick Adams tập trung vào câu cá để không phải nghĩ về sự khủng hoảng mà trải nghiệm chiến tranh của mình đem lại.

Trên đây là các nội dung liên quan đến Nguyên lý là gì? Hy vọng các thông tin này hữu ích và giúp bạn giải đáp thắc mắc.

Từ khóa » Nguyên Lý Trong Triết Học Là Gì