Nguyên Mẫu Năm Cam Chỉ Là Cái Cớ - Báo Tuổi Trẻ

TT - Sau thành công của bộ phim Biệt động Sài Gòn (1986), đạo diễn Long Vân, với nung nấu kéo dài 25 năm, tiếp tục đưa lên màn ảnh nhỏ cuộc đấu tranh thiện ác giữa thời bình.

Phần đầu (tựa: Không chùn bước, dài 39 tập) của loạt phim Những đứa con biệt động Sài Gòn sẽ lên sóng vào 20g05 thứ hai đến thứ tư hằng tuần trên VTV1 từ ngày 5-9.

<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />2rwqj7tc.jpgPhóng toMối quan hệ làm ăn giữa Phượng ”đê” (Kim Phượng) và Bảy Xoài (Hai Nhất) trong phim thấp thoáng bóng dáng Dung Hà và Năm Cam - Ảnh: Hãng phim Long Vân cung cấp

“Phim là câu chuyện đấu tranh chống tội phạm của những chiến sĩ an ninh, rất nhiều trong số đó là thế hệ cháu, con của đội ngũ chiến sĩ biệt động Sài Gòn năm xưa”, nhà biên kịch - đại tá Nguyễn Xuân Hải giới thiệu trước khi vào câu chuyện chính - Một số nhân vật được lấy cảm hứng từ những chiến sĩ mà đạo diễn Long Vân gặp ngoài đời. Cũng có những nhân vật là sự đan kết với bản phim Biệt động Sài Gòn, như Minh Thư (cháu của Huyền Trang - nữ chiến sĩ biệt động cải trang thành người tu hành), bé Ba - cô giao liên bán báo bị cắt chân (giờ là giám đốc một công ty văn hóa)”, nhà văn công an chia sẻ.

VTV lần đầu chiếu phim “nước hai” vào giờ vàng

Chấp nhận đầu tư lớn để có thể cho ra đời một bộ phim chất lượng, đồng thời vì muốn liều lĩnh với cách kinh doanh mới, bộ phim Những đứa con biệt động Sài Gòn (Hãng phim Long Vân sản xuất) bị từ chối khi đàm phán với Đài truyền hình VN trước khi bấm máy. Cuối cùng, nhờ sự “liều lĩnh” và tin tưởng của hai đài PT-TH Vĩnh Long và PT-TH Bình Dương, Hãng phim Long Vân ký được hai hợp đồng đầu tiên.

Thành công với số lượng người xem cao bất ngờ của phim đã tạo động lực cho hãng quyết định quay lại thương thảo với VTV một lần nữa. Chấp nhận một giá “nước hai” (đã chiếu ở đài khác trước khi lên sóng VTV) thấp, miễn là chiếu cho đông đảo khán giả cả nước xem, Những đứa con biệt động Sài Gòn mở ra một trường hợp hi hữu: phim “nước hai” vẫn được chiếu trên giờ vàng của VTV.

* Thưa ông, chất lượng của dòng phim hình sự, vụ án hay chính luận ngày càng chinh phục khán giả, nhưng “sự thật trong phim” với thực tế ngoài đời nhiều khi vẫn có một khoảng cách lớn.

- Trước khi lên sóng VTV, bộ phim được giới thiệu có lồng ghép diễn biến của chuyên án Z5.01 và cuộc đời Năm Cam. Bóng dáng của Năm Cam, Dung Hà... quả là có thể tìm thấy dưới những cái tên như Bảy Xoài (nghệ sĩ Hai Nhất thủ vai), Phượng “đê” (Kim Phượng)...

Nhưng nếu không văn học hóa và để nguyên mẫu trần trụi, tôi sợ rằng bộ phim chỉ dừng lại như những trang hồ sơ khô cứng. Ðiều cần là phim phải có những số phận hẳn hoi. Không áp đặt toàn bộ cuộc đời Năm Cam lên nhân vật, trong đời Bảy Xoài có thiện ác đan xen. Ngay cả trong đám đàn em của Phượng “đê” cũng có tuyến nhân vật được lý giải do bối cảnh gia đình mà sa chân lỡ bước.

Ðể truyền tải được thông điệp muốn nói, mọi nhân vật đều đi đến tận cùng của luật nhân - quả. Ngay chính Bảy Xoài cũng đưa tất cả cuộc đời mình vào một đoạn sám hối, sự hối hận của một tên tội phạm nguy hiểm có thể khiến người xem rưng rưng nước mắt.

Thế giới xã hội đen là thế. Nhưng ngay cả trong đội ngũ những người đấu tranh chống cái ác cũng có hai mặt. Trong phim có những chiến sĩ công an bị đình chỉ công tác, bị kỷ luật. Thậm chí một quyền lực nữa là báo chí cũng được đề cập, hướng đến những đối tượng lợi dụng nghiệp vụ làm giàu bất chính.

* Bộ phim dự kiến kéo dài hơn 100 tập, câu chuyện vậy là chưa phải kết thúc sau khi Bảy Xoài vào tù?

- Kinh nghiệm đi theo chuyên án cho tôi những tư liệu quý giá để chuyển thành kịch bản văn học. Thành phẩm của chúng tôi là dựa trên nhiều vụ án, trong đó nguyên mẫu Năm Cam chỉ là một cái cớ! Với 39 tập đầu, chúng tôi cố gắng tập trung vào những cuộc đấu tranh chống tội phạm hình sự và các băng nhóm có tổ chức, mà có thể nhiều đồng chí công an khi xem sẽ biết đó là chuyện của địa bàn mình. Kể cả nhân vật biệt động với bí danh Người vô danh (Minh Hoàng đóng) là có thật và sẽ có nhiều người trong cuộc nhận ra anh ấy là ai.

36 tập tiếp của phim tập trung vào cuộc chiến đấu chống tội phạm ma túy. Phần cuối, chúng tôi muốn triển khai mảng chống tội phạm kinh tế, chống gián điệp biệt kích (bảo vệ an ninh quốc gia).

* Ðể có những cảnh quay trung thực, phải chăng có một sự phối hợp cần thiết giữa đoàn phim và lực lượng công an?

- Nhờ sự hỗ trợ của Bộ Công an, chúng tôi đã có được những thước phim rất quý. Năm chiến sĩ từng khám nghiệm tử thi cho Dung Hà vào đêm xảy ra án mạng tại số 17 Bùi Thị Xuân, TP.HCM đã được huy động tái hiện toàn bộ sự việc dưới lăng kính của các nhà làm phim. Cuộc vây bắt Bảy Xoài thể hiện trong phim cũng do chính tiểu đoàn đặc nhiệm số 2 (mười năm về trước đã bắt Năm Cam) thực hiện. Theo mạch phim, phối cảnh đó cũng huy động thang dây bay xuống, bốn chú chó nghiệp vụ... Tất cả diễn viên đóng tội phạm trong phim đều được nếm mùi trại giam của Tổng cục Cảnh sát, hay chiếc xe áp giải Năm Cam đến phiên tòa xét xử cũng “đóng” vai của chính nó trong phim...

Do tuổi cao không thể thường xuyên đích thân ra hiện trường, đạo diễn Long Vân đảm nhiệm vai trò chỉ đạo nghệ thuật cho phim. Đặng Minh Quang và thượng tá - NSƯT Khương Đức Thuận làm đồng đạo diễn.

Những đứa con biệt động Sài Gòn có sự tham gia của hơn 500 diễn viên chính phụ. Phim giữ nguyên chất giọng Bắc - Nam của từng nhân vật, với nội dung kịch tính nên có thêm hai vai trò mới khá quan trọng: đạo diễn lồng tiếng - nghệ sĩ Phước Trang và đạo diễn dựng - Kal Bành. Riêng phần âm nhạc, với vốn kiến thức du học về nhạc phim, nhạc sĩ Tuấn Khanh góp phần không nhỏ làm tăng không khí gay cấn và cuốn hút cho phim. Ngoài ra, hai ca khúc Xin được thấy bình minh (Phạm Anh Khoa trình bày) và Tôi đang ở đâu (ca sĩ Siu Black thể hiện) bắt đầu được cư dân mạng giới thiệu trên các diễn đàn điện ảnh và trang mạng xã hội.

NGA LINH thực hiện

Từ khóa » Nữ Diễn Viên đóng Vai Phượng đê