Nguyên Nhân, Cách Chăm Sóc, điều Trị Và Phòng Ngừa Bệnh Sởi
Có thể bạn quan tâm
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm rất phổ biến trên thế giới trong nhiều năm qua. Theo ước tính, mỗi năm có khoảng 20 triệu người mắc bệnh sởi ở mọi quốc gia. Tuy tình trạng này chủ yếu xuất hiện ở trẻ nhỏ, nhưng người trưởng thành cũng có nguy cơ mắc phải, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
MỤC LỤC NỘI DUNG
- 1. Bệnh sởi là gì?
- 2. Nguyên nhân gây ra bệnh sởi
- 3. Dấu hiệu bệnh sởi
- Giai đoạn ủ bệnh: 7-14 ngày
- Giai đoạn khởi phát (giai đoạn viêm long): Từ 3-4 ngày
- Giai đoạn toàn phát: kéo dài 2–5 ngày
- Giai đoạn phục hồi
- 4. Một số biến chứng của bệnh sởi
- Biến chứng đường hô hấp
- Biến chứng thần kinh
- Biến chứng tai – mũi – họng
- Biến chứng đường tiêu hóa
- Các vấn đề ở phụ nữ mang thai
- 5. Cách chăm sóc, điều trị bệnh sởi
- Chẩn đoán
- Điều trị bệnh sởi ở người lớn
- Điều trị bệnh sởi ở trẻ em
- Điều trị các biến chứng bệnh sởi
- 6. Các biện pháp phòng ngừa bệnh sởi
- 7. Phân biệt sởi và một số bệnh phổ biến khác
- Phân biệt bệnh sởi và rubella
- Phân biệt bệnh sởi và rôm sảy
- Phân biệt bệnh sởi và dị ứng
1. Bệnh sởi là gì?
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus Paramyxovirus. Chủng vi sinh vật này thường “cư ngụ” ở chất nhầy trong mũi và cổ họng, đồng thời có khả năng sinh sôi nhanh chóng tại các bộ phận này. Virus sởi chỉ gây bệnh trên người và không lây lan đến bất kỳ loài động vật nào khác. Dịch sởi dễ bùng phát vào mùa đông xuân.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), sởi được xem là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và có nguy cơ cao dẫn đến tử vong, đặc biệt đối với những đối tượng có sức đề kháng yếu như trẻ nhỏ. Nhờ có sự ra đời của vắc xin, tỷ lệ tử vong do sởi đang giảm dần theo thời gian nhưng mỗi năm căn bệnh này vẫn giết hơn 100.000 trẻ em.
2. Nguyên nhân gây ra bệnh sởi
Như đã đề cập bên trên, sởi gây ra bởi virus Paramyxovirus, thế nhưng quá trình lây truyền mới là điều đáng lo ngại của bệnh này.
Con đường lây bệnh chủ yếu của bệnh sởi là:
- Đường hô hấp: tiếp xúc với các giọt hô hấp (nước mũi, nước bọt) của người bệnh bay trong không khí khi nói chuyện, hắt hơi, ho…
- Tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết của người bệnh.
- Tiếp xúc với đồ vật có tồn tại virus sởi từ người bệnh.
Thông thường, virus sởi lây nhiễm qua đường hô hấp trước tiên và dần lan sang các bộ phận khác của cơ thể thông qua dòng máu. Virus sống trong chất nhầy của mũi và cổ họng của một người nhiễm bệnh trong 4 ngày trước khi phát ban và tiếp tục phát triển trong khoảng 4 đến 5 ngày sau đó. Cần lưu ý rằng đây là thời điểm virus dễ lây nhất nên những ai chăm sóc người bệnh cần thật sự cẩn thận.
3. Dấu hiệu bệnh sởi
Các triệu chứng bệnh sởi thường xuất hiện sau 7–14 ngày sau khi tiếp xúc với virus gây bệnh (giai đoạn ủ bệnh). Sởi không chỉ có những nốt phát ban nhỏ ở trên da. Những dấu hiệu bệnh sởi thường được chia thành 4 giai đoạn:
Giai đoạn ủ bệnh: 7-14 ngày
Giai đoạn này bắt đầu sau khi người bệnh nhiễm virus. Lúc này vẫn chưa có triệu chứng gì xuất hiện.
Giai đoạn khởi phát (giai đoạn viêm long): Từ 3-4 ngày
- Sốt cao (nhiệt độ cơ thể có thể tăng đến hơn 40ºC)
- Ho khan
- Sổ mũi
- Mắt đỏ và chảy nước mắt (viêm kết mạc)
Nội ban, hay còn gọi là đốm Koplik, xuất hiện vào ngày thứ hai. Chúng chính là dấu hiệu chỉ điểm của bệnh sởi. Hạt Koplik là những hạt nhỏ có màu trắng ngà, xung quanh viền đỏ, mọc nhiều trong khoang miệng. Hạt thường xuất hiện và biến mất nhanh trong vòng 12 đến 24 giờ.
Giai đoạn toàn phát: kéo dài 2–5 ngày
Sau khi hạt Koplik lặn đi, phát ban sẽ bùng phát. Ban đầu, tình trạng này chỉ là những đốm nhỏ màu đỏ. Ban sởi thường là ban dạng sần, nổi gồ lên trên bề mặt da.
Các nốt ban có thể xuất hiện riêng lẻ hoặc thành từng cụm, khiến da trông loang lổ. Ban đầu, ban sởi nổi ở sau tai, trán rồi bắt đầu lan rộng khắp cơ thể, từ mặt, chân tóc cho đến cổ, tay, chân và bàn chân.
Giai đoạn phục hồi
Các nốt phát ban mờ dần theo thứ tự đã mọc, bong vảy và để lại vết thâm (vằn da hổ). Nếu không xuất hiện biến chứng thì bệnh sẽ tự khỏi. Một số trường hợp phát sinh triệu chứng ho có thể kéo dài từ 1–2 tuần sau đó.
4. Một số biến chứng của bệnh sởi
Bệnh sởi có thể diễn biến nghiêm trọng ở tất cả mọi đối tượng trong độ tuổi khác nhau. Tuy nhiên, một số nhóm có nhiều khả năng bị biến chứng bệnh sởi hơn, bao gồm:
- Trẻ em dưới 5 tuổi
- Người trưởng thành trên 20 tuổi
- Phụ nữ mang thai
- Những người có hệ miễn dịch suy yếu, chẳng hạn như mắc bệnh bạch cầu hay nhiễm HIV
Biến chứng có thể gặp phải khi mắc căn bệnh này gồm có:
Biến chứng đường hô hấp
- Viêm phế quản: thường do bội nhiễm, xuất hiện vào cuối giai đoạn phát ban. Người bệnh có biểu hiện sốt ho nhiều trở lại, bạch cầu tăng và khi chụp X-quang nhìn thấy rõ hình ảnh viêm ở phế quản.
- Viêm phế quản – phổi: cũng do bội nhiễm, thường xuất hiện muộn sau khi phát ban sởi. Biến chứng này rất nguy hiểm và là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất ở trẻ nhỏ.
- Viêm thanh quản: có thể gặp ở các giai đoạn bệnh sởi. Diễn biến lúc này thường nghiêm trọng: sốt cao đột ngột, ho nhiều, khàn tiếng, khó thở, da tím tái.
Biến chứng thần kinh
- Viêm não – màng não – tủy cấp: biến chứng nguy hiểm nhất, để lại di chứng cao và có thể gây tử vong. Biến chứng này thường xuất hiện vào tuần đầu phát ban (ngày thứ 3–5). Các triệu chứng khởi phát đột ngột, thân nhiệt tăng vọt, có thể co giật, rối loạn ý thức, liệt nửa người hoặc một bên chi. Ngoài ra, người bệnh hay gặp hội chứng ngoại tháp, tiền đình…
- Viêm màng não: viêm màng não kiểu thanh dịch và viêm màng não mủ sau viêm tai do bội nhiễm.
- Viêm não chất trắng bán cấp xơ hóa: biến chứng hiếm gặp nhưng rất khó tiên lượng và để lại hệ quả nặng nề. Thời điểm xuất hiện có thể sau vài năm mắc bệnh sởi. Người bệnh có thể tử vong trong tình trạng tăng trương lực cơ và co cứng.
Biến chứng tai – mũi – họng
- Nhiễm trùng tai do vi khuẩn: một trong những biến chứng phổ biến nhất của bệnh sởi, xảy ra với tỷ lệ khoảng 1/10 dấu hiệu bệnh sởi ở trẻ em và có thể dẫn đến mất thính lực vĩnh viễn.
- Viêm mũi họng bội nhiễm, viêm tai xương chũm.
Biến chứng đường tiêu hóa
- Tiêu chảy và nôn mửa. Biến chứng này có khả năng dẫn đến mất nước nghiêm trọng, được báo cáo là xuất hiện ít hơn 1/10 người mắc bệnh.
- Cam tẩu mã: xuất hiện muộn, do bội nhiễm vi khuẩn hoại thư gây loét niêm mạc miệng, lan sâu vào xương hàm gây hoại tử niêm mạc, viêm xương, rụng răng, hơi thở có mùi hôi.
Các vấn đề ở phụ nữ mang thai
Nếu bạn chưa có miễn dịch với virus sởi và nhiễm bệnh trong quá trình mang thai, các nguy cơ có thể xảy ra gồm:
- Sẩy thai hoặc thai chết lưu
- Sinh non (sinh trước tuần thứ 37 thai kỳ)
- Trẻ sinh ra nhẹ cân
Do đó, khi đang mang thai và nghi ngờ bản thân nhiễm sởi khi vô tình tiếp xúc với người bệnh mà chưa tiêm phòng trước đây, bạn hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
5. Cách chăm sóc, điều trị bệnh sởi
Chẩn đoán
Hiện không có cách điều trị chính xác dành cho bệnh sởi. Thông thường các dấu hiệu bệnh sẽ tự biến mất sau 2 đến 3 tuần. Nếu bạn cảm thấy khó chịu hoặc không ổn, bạn nên đến gặp bác sĩ. Lúc này bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh sởi bằng cách xem xét các dấu hiệu và triệu chứng. Ngoài ra, bạn còn cần thực hiện xét nghiệm máu sẽ xác nhận sự hiện diện của virus rubella hay không.
Điều trị bệnh sởi ở người lớn
Khi xuất hiện tình trạng bệnh sởi ở người lớn, cần tập trung lưu ý những điều sau:
- Nếu có biến chứng viêm não: Tiến hành chống viêm, chống co giật, chống phù não.
- Nếu xuất hiện tình trạng nhiễm khuẩn: cần được dùng kháng sinh để tránh tình trạng biến chứng.
- Đưa người mắc bệnh sởi đến bệnh viện thuộc cấp huyện trở lên, các trung tâm cơ sở y tế để được tư vấn điều trị, đồng thời tránh tình trạng lây nhiễm cho người khác.
- Những phương pháp điều trị khác bao gồm: hút thông đờm dãi, cung cấp nước điện giải. Thở oxy hoặc hỗ trợ hô hấp nếu bị suy hô hấp. Chỉ cần áp dụng cho viêm long, phù nề thanh quản nặng.
Điều trị bệnh sởi ở trẻ em
Đưa trẻ đến gặp bác sĩ để xem phác đồ chữa trị phù hợp nhất. Việc điều trị sẽ bao gồm:
- Hạ sốt: Sử dụng thuốc paracetamol, thuốc kháng histamine, loratadin, diphenhydramin, thuốc ho, long đờm hoặc dùng cách hạ sốt thông thường như lau mát.
- Kem bôi ngoài da
- Sát trùng mũi họng: nhỏ mũi, nhỏ mắt bằng dung dịch sát khuẩn…
- Khi bị bội nhiễm sẽ dùng kháng sinh hoặc corticoid, dễ xảy ra trường hợp biến chứng như viêm thanh quản, sởi ác tính, viêm não. Lưu ý tuân theo liều lượng mà bác sĩ chỉ định.
Điều trị các biến chứng bệnh sởi
Hạn chế truyền dịch nếu người bệnh có biểu hiện viêm phổi, não, hoặc cơ tim. Trường hợp viêm màng não cấp tính cần tích cực điều trị theo phương pháp chức năng sống.
Chống co giật
Glucose 5%, Phenobarbital 10-20mg/kg, truyền tĩnh mạch trong 30-60 phút. Lặp lại 8-12 giờ, có thể dùng Diazepam đối với người lớn 10mg/lần tiêm tĩnh mạch.
Chống phù não
- Thở máy khi Glasgow <10 điểm.
- Mannitol 20% liều 0,5 – 1 g/kg, 6-8 giờ/lần, truyền tĩnh mạch trong 15-30 phút.
- Thở oxy qua mũi 1-4 lít/phút, có thể thở oxy qua mask hoặc thở CPAP nếu người bệnh có thể tự thở. Đặt nội khí quản sớm để có thể thở khi điểm Glasgow < 12 điểm hoặc SpO2<92% hay PaCO2 > 50mmHg.
Chống suy hô hấp
Suy hô hấp do phù phổi cấp hay viêm não.
- Có thể dùng Dexamethasone 0,5 mg/kg/ngày tiêm tĩnh mạch chia 4 – 6 lần trong 3-5 ngày. Nên dùng sớm ngay khi người bệnh có rối loạn ý thức.
- Dùng thêm immunoglobulin nếu có điều kiện, khoảng 0,1 – 0,4 g/kg/ngày truyền tĩnh mạch trong 6 -8 giờ trong 2 – 5 ngày liên tục.
6. Các biện pháp phòng ngừa bệnh sởi
Cách phòng ngừa bệnh sởi hiệu quả nhất là tiêm vắc-xin. Đây là cách an toàn, hiệu quả và cũng không tốn kém để bảo vệ bản thân trước căn bệnh nguy hiểm khó lường này.
Để phòng chống bệnh sởi, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh khuyến nghị mọi người nên tiêm chủng đầy đủ để phòng ngừa bệnh sởi và khuyến cáo:
- Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc-xin sởi, trẻ từ 1–14 tuổi tiêm vắc-xin sởi – rubella đầy đủ và đúng lịch.
- Cách ly với cộng đồng để tránh lây lan, cần nghỉ học hoặc nghỉ làm đến hết thời gian truyền nhiễm. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.
- Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ.
- Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
- Nâng cao sức đề kháng bằng cách ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin A.
- Thường xuyên khử trùng các đồ vật xung quanh người bệnh như đồ chơi, dụng cụ học tập, bàn ghế, tay nắm cửa… bằng các chất tẩy rửa.
- Thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào, đảm bảo thông khí cho nhà ở, phòng học, nơi làm việc.
7. Phân biệt sởi và một số bệnh phổ biến khác
Phân biệt bệnh sởi và rubella
Một tình trạng thường dễ gây nhầm lẫn với bệnh sởi và rubella ở người lớn cũng hay xuất hiện ở trẻ em, chính là sốt phát ban (do virus gây bệnh đường hô hấp hoặc virus rubella gây nên, lành tính và không nguy hiểm). Đây là hai căn bệnh khác nhau nhưng lại có một số biểu hiện khá tương đồng nên dễ gây nhầm lẫn.
Dù vậy, bạn vẫn có thể phân biệt sốt phát ban và sởi nếu để ý kỹ:
- Khi sốt phát ban thông thường, sau khi giảm sốt, trẻ sẽ phát ban, nhức đầu và sưng hạch kéo dài khoảng 1–7 ngày. Nốt ban màu hồng mịn, xuất hiện ở mặt rồi nhanh chóng lan xuống thân, cánh tay, chân trước khi biến mất. Ban tồn tại từ 1–5 ngày. Ban biến mất thường không để lại dấu vết trên bề mặt da.
- Phát ban dạng sởi thì thường xuất hiện theo thứ tự: ở sau tai, lan ra mặt, xuống ngực, bụng rồi có ở toàn thân. Các nốt ban này gồ lên trên bề mặt da, gọi là ban dạng sần. Sau khi biến mất, trên da sẽ còn những vết thâm, được gọi là “vằn da hổ”. Đặc biệt, trẻ bị sởi hay có 1 trong 3 triệu chứng đặc trưng kèm theo, gồm chảy nước mũi, ho và đỏ mắt.
Phân biệt bệnh sởi và rôm sảy
Ở giai đoạn đầu, cả 2 bệnh đều khó phân biệt nếu chỉ quan sát bằng mắt thường. Bệnh chỉ bắt đầu có điểm khác biệt rõ rệt ở giai đoạn phát ban”
- Rôm sảy: nốt ban là những ban đỏ nhưng mịn và sáng, ít gồ lên mặt da, ban nổi đồng loạt khắp cơ thể và sau khi bay thường không để lại sẹo hoặc vết thâm.
- Sởi: Trẻ sốt nhẹ, bị ho khan không đờm. Ban xuất hiện theo thứ tự: lúc đầu từ ở sau tai, sau đó lan ra mặt, dần xuống ngực, bụng và ra toàn thân. Đồng thời, vết ban còn gồ lên da mặt và để lại thâm.
Phân biệt bệnh sởi và dị ứng
Tương tự rôm sảy, ban do dị ứng cũng mọc toàn thân không theo thứ tự và rất ngứa. Việc nổi ban do dị ứng có thể do yếu tố thời tiết, dị ứng thức ăn, dùng thuốc…
Điều khiến cho bệnh sởi trở nên nguy hiểm là do tính chất phổ biến và trong một số trường hợp có thể tự hết mà không cần sự can thiệp của y tế dẫn đến rất nhiều người tỏ ra rất chủ quan. Do đó khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào của bệnh sởi, bên cạnh quan sát, bạn cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Hy vọng với những thông tin trên, bạn đã ý thức được mức độ nghiêm trọng của bệnh sởi và tầm quan trọng của việc tiêm phòng vắc-xin đầy đủ. Nếu không may có người thân mắc bệnh, hãy tham khảo những cách chăm sóc khi bị bệnh sởi của Hapacol cũng như các biện pháp phòng tránh trên đây để không xảy ra biến chứng nguy hiểm nào nhé!
Nguồn tham khảo:
Measles. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/measles/symptoms-causes/syc-20374857.
Measles Symptoms and Complications. https://www.cdc.gov/measles/symptoms/index.html.
What Is Measles? https://www.webmd.com/children/vaccines/what-is-measles#1.
Từ khóa » Vi Khuẩn Gây Bệnh Sởi
-
Virus Nào Gây Bệnh Sởi? | Vinmec
-
BỆNH SỞI
-
Bệnh Sởi - Bệnh Viện Bệnh Nhiệt Đới Trung Ương
-
Bệnh Sởi: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Cách Phòng Ngừa Và điều Trị ...
-
Sởi – Wikipedia Tiếng Việt
-
Sởi : Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Chẩn đoán Và điều Trị - Medlatec
-
Bệnh Sởi: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Vắc-xin Phòng Ngừa
-
Bệnh Sởi - Khoa Nhi - Phiên Bản Dành Cho Chuyên Gia - MSD Manuals
-
Bệnh Sởi Là Gì? Nguyên Nhân Và Cách điều Trị Hiệu Quả
-
Hiểu Về Con đường Lây Nhiễm Sởi để Phòng Bệnh An Toàn - Hiệu Quả
-
[PDF] SỞI - BIẾN CHỨNG HÔ HẤP - - Bệnh Viện Nhi Đồng 1
-
Bệnh Sởi Và Những điều Cần Biết Trong Mùa Dịch COVID-19
-
Bệnh Sởi ở Người Lớn Và Những Thông Tin Quan Trọng Cần Biết
-
Những điều Cần Biết Về Bệnh Sởi