Nguyên Nhân, Dịch Tễ, Sàng Lọc Và Phát Hiện Sớm Ung Thư Phổi

BVK - Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,09 triệu người mắc mới và 1,76 triệu người tử vong do ung thư phổi. Năm 2018, Việt Nam có thêm hơn 23.000 người mắc ung thư phổi, con số này có thể sẽ tăng lên vào những năm tiếp theo. Ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư thường gặp và có tỷ lệ tử vong cao thứ hai chỉ sau ung thư gan. Hãy cùng tìm hiểu về căn bệnh này qua bài viết dưới đây:

Ung thư phổi và các yếu tố nguy cơ

Ung thư phổi là một khối mô bất thường, phát triển quá mức và không hài hòa với những tổ chức bình thường kế cận. Nhiều nghiên cứu cho thấy nguyên nhân tác động gây nên bệnh ung thư phổi gắn với môi trường, chế độ ăn uống, thói quen hút thuốc lá, điều kiện lao động, nhiễm độc nước, không khí và nếp sống thiếu vệ sinh… Đặc biệt khi có nhiều yếu tố phối hợp với nhau, nguy cơ mắc bệnh càng tăng.

Thuốc lá, thuốc lào:

Ung thư phổi được gây ra bởi nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ, trong đó 80-90% ung thư phổi có liên quan đến thuốc lá, thuốc lào.

“Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi. 90% bệnh nhân ung thư phổi do hút thuốc lá. Trong khói thuốc lá có khoảng 4000 hoạt chất gây độc hại cho cơ thể, đặc biệt chất 3-4 benzopyzen là chất gây ung thư rất rõ trong thực nghiệm. Vì vậy có những bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư phổi nhưng họ không hút thuốc, mà có thể họ đã tiếp xúc với một số lượng đáng kể khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động, hít phải khói thuốc lá trong thời gian dài). Tại bệnh viện K, ghi nhận không ít những bệnh nhân ung thư phổi đã hút hơn 10 điếu thuốc lá/ngày trong nhiều năm. Cùng với đó, việc hút thuốc lào cũng là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây ung thư phổi.” – TS.BS Nguyễn Khắc Kiểm, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện K.

Hút thuốc bị động làm tăng mắc ung thư phổi lên 1,5 lần so với người tiếp xúc với khói thuốc. Ở những người bỏ hút thuốc, nguy cơ mắc ung thư phổi giảm so với người tiếp tục hút thuốc, lợi ích lớn nhất gặp ở những người dừng hút thuốc trước 30 tuổi. Tuy vậy, những người đã dừng hút thuốc, nguy cơ mắc ung thư phổi vẫn tăng theo tuổi với tốc độ cao hơn những người chưa bao giờ hút thuốc.

Tia xạ: Những người đã từng tiếp xúc, phơi nhiễm phóng xạ thì làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi hơn những người chưa từng tiếp xúc.

Yếu tố môi trường nghề nghiệp: Các yếu tố môi trường nghề nghiệp như amiang, radon, kim loại (asen, crom, niken), bức xạ ion hoá và hydrocarbon thơm đa vòng cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi.

Bệnh xơ phổi: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng nguy cơ ung thư phổi tăng khoảng 7 lần ở những bệnh nhân xơ phổi và dường như không phụ thuuộc vào việc hút thuốc.

Nhiễm HIV: Tỷ lệ mắc ung thư phổi ở những bệnh nhân nhiễm HIV tăng so với những bệnh nhân không bị nhiễm.

Yếu tố di truyền: Yếu tố di truyền có thể ảnh hưởng đến cả nguy cơ và tiên lượng bệnh ung thư phổi. Mặc dù yếu tố di truyền của ung thư phổi vẫn đang được nghiên cứu.

Lạm dụng rượu, bia: những người uống rượu, kèm theo hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi.

Chế độ ăn uống: Chế độ ăn uống có các chất chống oxy hoá, rau cải, phytoestrogen có thể làm giảm nguy cơ ung thư phổi, nhưng chưa được chứng minh rõ ràng.

Sàng lọc và phát hiện sớm có vai trò quyết định hiệu quả điều trị ung thư phổi

Ở giai đoạn đầu, hầu hết trường hợp mắc ung thư phổi đều không có triệu chứng điển hình nên rất khó nhận biết, dễ gây nhầm lẫn với một số bệnh lý đường hô hấp khác, dẫn đến việc điều trị không đúng phương pháp. Cho tới khi một số triệu chứng bộc lộ rõ rệt như ho dai dẳng, ho ra máu, khó thở, đau tức ngực… thì phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn, việc điều trị trở nên khó khăn hơn.

Phát hiện sớm ung thư phổi sẽ giúp cho quá trình điều trị đạt hiệu quả tối đa. Vì vậy việc phòng và phát hiện sớm bệnh ung thư phổi luôn được đặt lên hàng đầu.

Sàng lọc là tìm kiếm ung thư trước khi bệnh nhân có bất kỳ triệu chứng gì. Sàng lọc giúp phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, giúp tạo điều kiện thuận lợi và hiệu quả cao hơn cho việc điều trị. Bởi vì khi bệnh nhân đã có triệu chứng, ung thư có thể đã bắt đầu lan rộng.

Ung thư phổi hoàn toàn có thể phát hiện sớm dựa trên các phương pháp khá đơn giản, siêu âm, chụp chiếu tại Bệnh viện

Trước đây việc sàng lọc, phát hiện sớm ung thư phổi không được khuyến cáo vì chụp XQ phổi và làm tế bào học đờm chưa chứng minh làm giảm được tỉ lệ tử vong do ung thư phổi. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng một tỉ lệ lớn ung thư phổi được phát hiện khi chụp cắt lớp vi tính (CT) là những khối u ở giai đoạn đầu, có tiên lượng tốt, chứng minh làm giảm 20% tỉ lệ do ung thư phổi ở những người hút thuốc nặng được sàng lọc hàng năm trong 3 năm.

Những người có nguy cơ mắc ung thư phổi cao như hút thuốc lâu năm, hoặc với những người đã bỏ thuốc nhưng trong vòng 15 năm trước đó, tuổi từ 55-74 được khuyến cáo sàng lọc phát hiện sớm ung thư phổi bằng chụp CT ngực liều thấp. Nếu kết quả sàng lọc có bất thường, bệnh nhân có thể cần phải làm thêm các xét nghiệm để chẩn đoán xác định.

Thông tin từ khoa Nội 2, Bệnh viện K

Từ khóa » Nguyên Nhân Bị Ung Thư Phổi