Nguyên Nhân Gây đái Rắt, đái Buốt - PGS Hà Hoàng Kiệm

Nguyên nhân gây đái rắt, đái buốt

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103

Bài đã đăng trên tạp chí Sức khỏe và đời sống (Bộ Y tế ) soos38 (2/2007), trang 8.

Đái rắt là tình trạng người bệnh mót đi đái nhiều lần trong ngày, mỗi lần đi đái số lượng nước tiểu rất ít, vài chục millilit thậm chí chỉ vài giọt, sau đi đái không có cảm giác thoải mái vẫn còn cảm giác mót đái, tổng lượng nước tiểu một ngày (24 giờ) vẫn bình thường (dưới 2lit). Đái rắt là do bàng quang bị kích thích.

Đái buốt là tình trạng khi đái đến cuối bãi, bệnh nhân thấy buốt ở đầu dương vật hoặc ở vùng tầng sinh môn, vùng bụng dưới. Đái buốt xảy ra khi niệu đạo bị tổn thương.

Đái buốt và đái rắt thường đi kèm với nhau. Cũng có trường hợp chỉ có đái rắt mà không có đái buốt, nhưng đái buốt thường kèm theo đái rắt. Nguyên nhân của đái buốt đái rắt gồm:

+ Viêm niệu đạo, bàng quang do vi khuẩn

Viêm niệu đạo, bàng quang do vi khuẩn, còn được gọi là viêm đường tiết niệu thấp.

Bệnh hay gặp ở trẻ em gái, ở phụ nữ sau đêm tân hôn. Ở người lớn nữ hay gặp hơn nam vì niệu đạo nữ ngắn và thẳng hơn nam nên vi khuẩn dễ xâm nhập ngược dòng hơn. Viêm niệu đạo, bàng quang thường do vi khuẩn đường ruột như E.Coli, Proteus… 60% là do vi khuẩn Gram âm.

Người bệnh thường chỉ có triệu chứng đái buốt, đái rắt, toàn thân ít ảnh hưởng. Xét nghiệm nước tiểu có bạch cầu, có thể có hồng cầu. Cấy nước tiểu giữa dòng sẽ tìm được vi khuẩn gây bệnh.

Điều trị cần dùng kháng sinh, nên chọn các kháng sinh được đào thải qua đường niệu và tác dụng lên vi khuẩn Gram âm như nhóm trimazon, nhóm quinolon, phối hợp với các thuốc có tác dụng sát khuẩn đường niệu, kèm theo uống nhiều nước. Neus đái buốt nhiều, có thể dùng phối hợp các thuốc giãn cơ như spasmaverin, nospa để làm giảm triệu chứng. Trường hợp nặng, cần điều trị kháng sinh theo kháng sinh đồ. Kết quả điều trị thường tốt, triệu chứng sẽ giảm sau vài ngày rồi khỏi.

Để dự phòng, cần chú ý vệ sinh đường sinh dục và tầng sinh môn hàng ngày. Với phụ nữ khi rửa nên phun nước từ trước ra sau. Khi phải thông đái, phải tuân thủ chế độ vô khuẩn chặt chẽ, nên hạn chế tránh thông nhiều lần.

+ Lậu

Lậu là một bệnh hoa liễu, lây qua đường tình dục. Thường sau khi quan hệ với người bị bệnh vài giờ hoặc một hai ngày, thấy xuất hiện triệu chứng đái buốt, đái rắt. Triệu chứng ở nam giới thường rầm rộ hơn nữ giới. Buổi sáng vuốt dọc dương vật, thấy có giọt dịch đục ở đầu miệng sáo, người ta gọi là giọt sương ban mai. Xét nghiệm dịch niệu đạo sẽ tìm thấy vi khuẩn lậu, là loại cầu khuẩn hình hạt cà phê, đứng cặp đôi hoặc riêng lẻ, có thể ở ngoài tế bào hoặc nằm trong tế bào. Lậu bao giờ cũng kèm theo bội nhiễm các vi khuẩn khác. Xét nghiệm nước tiểu thấy nhiều bạch cầu và có thể có hồng cầu

Khi bị lậu, cần đi khám để được điều trị đặc hiệu. Nếu điều trị không triệt để, lậu cấp tính sẽ chuyển thành mạn tính rất khó điều trị. Khi bị lậu chưa được chữa khỏi, không được quan hệ tình dục với người khác để tránh lây lan. Để dự phòng, cần thực hiện tình dục an toàn bằng sử dụng bao cao su.

+ Sỏi bàng quang

Sỏi có thể hình thành tại bàng quang hoặc từ trên thận lọt xuống bàng quang. Sỏi từ bàng quang có thể lọt ra niệu đạo gọi là sỏi niệu đạo. Sỏi bàng quang thường gây đái buốt, đái rắt liên tục, có thể có đái tắc. Sỏi càng nhỏ, triệu chứng càng rầm rộ, có thể có đái ra máu. Có thể phát hiện sỏi bàng quang bằng siêu âm, chụp X-quang, hoặc dùng ống thông kim loại qua niệu đạo có cảm giác chạm sỏi.

Nếu có sỏi bàng quang, bạn cần đi khám để được điều trị thích hợp. Nếu sỏi nhỏ có thể đái ra được, nếu sỏi lớn có thể tán sỏi qua nội soi bàng quang hoặc tán sỏi ngoài cơ thể.

+ U tiền liệt tuyến

Có thể là u xơ hoặc ung thư tiền liệt tuyến. U tiền liệt tuyến gây ra hội chứng kích thích bàng quang và thường gây ra đái rắt, ít khi đái buốt. Do tuyến tiền liệt to gây ra cản trở dòng nước tiểu dễ gây ra viêm bàng quang, hoặc khi có viêm tuyến tiền liệt thì có thêm triệu chứng đái buốt.

Bệnh thường gặp ở đàn ông trên 60 tuổi. Có thể phát hiện u tuyến tiền liệt bằng thăm khám trực tràng.

+ Polyp bàng quang

Polyp bàng quang có thể gây ra hội chứng kích thích bàng quang, gây đái rắt nhưng ít khi đái buốt, trừ trường hợp bàng quang bị viêm. Trường hợp polyp bị loét, cháy máu, ung thư hóa có thể đái ra máu. Phát hiện polyp bàng quang bằng siêu âm hoặc nội soi bàng quang và cắt polyp qua nội soi.

+ Ung thư bàng quang

Ung thư bàng quang cũng có thể gây đái rắt, đái ra máu vi thể hoặc đại thể. Có thể phát hiện sớm ung thư bàng quang qua nội soi bàng quang.

+ Lao thận hoặc lao bàng quang

Lao thận hoặc lao bàng quang cũng có thể gây ra đái rắt, đái buốt. Người ta có câu “lao thận, bàng quang kêu” để nói lên khi lao thận thường có đái rắt, đái buốt. Bệnh lý này hiện nay hiếm gặp.

+ Hội chứng bàng quang nhỏ

Do dung tích bàng quang bé, chứa đựng được ít nước tiểu gây ra đái rắt

+ Người có thai ở ba tháng cuối

Do thai to đè vào bàng quang cũng có thể gây ra đái rắt, nhưng không có đái buốt.

+ Các bệnh lý của các cơ quan vùng khung chậu nhỏ

Các bệnh lý của các cơ quan vùng khung chậu nhỏ, cạnh bàng quang có thể gây hội chứng kích thích bàng quang và gây ra đái rắt.

CHIA SẺ BÀI VIẾT

Từ khóa » Tiểu Buốt Cuối Bãi