Nguyên Nhân Gây Loét Miệng ở Người Nhiễm HIV - Suckhoe123

Loét miệng do HIV

Loét miệng là một triệu chứng phổ biến của nhiễm HIV. Trên thực tế, từ 32 đến 46% người nhiễm HIV gặp phải các dấu hiệu, triệu chứng ở miệng do hệ miễn dịch suy yếu.

Bình thường, loét miệng vốn đã gây khó chịu và ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Và khi bị nhiễm HIV, những vết loét miệng còn nghiêm trọng và gây đau đớn hơn, khó điều trị hơn, gây cản trở việc ăn uống và dùng thuốc.

Có nhiều nguyên nhân gây loét miệng ở những người nhiễm HIV. Mỗi một nguyên nhân có những đặc điểm riêng và cách điều trị khác nhau.

Các nguyên nhân gây loét miệng

Mụn rộp môi

Ở những người bị nhiễm HIV, hệ miễn dịch suy yếu nên khó chống lại các loại virus khác hơn. Một trong những loại virus phổ biến nhất là virus herpes simplex hay HSV. Đây là loại virus gây ra bệnh mụn rộp hay herpes, có biểu hiện là các mụn nước và sau đó vỡ ra tạo thành vết loét. Mụn rộp có thể xảy ra ở vùng miệng (chủ yếu do HSV-1 gây ra) hoặc ở bộ phận sinh dục (chủ yếu do HSV-2 gây ra).

Khi bị nhiễm HSV-1 ở miệng, mụn nước và vết loét có thể hình thành ở bên trong khoang miệng hoặc trên môi và gây đau đớn. Sau một thời gian, vết loét sẽ đóng vảy rồi bong ra và lành lại bình thường.

Bất cứ ai cũng có thể bị mụn rộp nhưng ở những người nhiễm HIV hoặc có hệ miễn dịch suy yếu thì mụn rộp thường nặng hơn và lâu lành hơn.

Phương pháp điều trị: Bệnh mụn rộp do virus gây ra nên cần điều trị bằng thuốc kháng virus. Một loại thuốc thường được sử dụng là acyclovir. Mặc dù không thể chữa được dứt điểm nhưng thuốc kháng virus giúp triệu chứng nhanh khỏi hơn và giảm tần suất tái phát.

Có thể chỉ cần dùng thuốc khi bắt đầu có triệu chứng hoặc phải dùng thuốc hàng ngày, tùy theo chỉ định của bác sĩ.

Khả năng lây lan: Bệnh mụn rộp rất dễ lây lan, kể cả khi không có triệu chứng. Một số con đường lây truyền phổ biến là quan hệ tình dục, hôn và dùng chung dụng cụ ăn uống.

Loét áp-tơ

Loét áp-tơ (loét aphthe) là loại loét miệng phổ biến, gây đau đớn. Các vết loét thường có màu đỏ nhưng đôi khi được bao phủ bởi một lớp màng màu xám trắng hoặc vàng.

Loét áp-tơ thường xuất hiện ở bên trong má, bên trong môi và xung quanh lưỡi. Ở những vị trí này, các vết loét khiến người bệnh đặc biệt đau đớn vì phải di chuyển khi nói và ăn uống. Ăn thức ăn cay nóng sẽ làm cho vết loét càng đau đớn dữ dội hơn.

Mặc dù không phải lúc có vết loét ở miệng cũng là một triệu chứng của HIV nhưng nhiễm HIV sẽ làm tăng mức độ nghiêm trọng và nguy cơ tái phát. Các yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ bị loét áp-tơ còn có căng thẳng, ăn nhiều thực phẩm có tính axit và thiếu hụt các khoáng chất như sắt, kém, niacin (vitamin B3), folate (vitamin B9), glutathione, carnitine, cobalamin (vitamin B12).

Phương pháp điều trị: Trong những trường hợp nhẹ thì chỉ cần dùng thuốc bôi và nước súc miệng không kê đơn là đủ để làm giảm viêm và giúp cho vết loét mau lành. Thậm chí có thể tự điều trị bằng cách súc miệng nước muối.

Nhưng nếu bị loét nặng thì sẽ cần dùng thuốc corticoid đường uống. Đối với những trường hợp bị loét kéo dài gây cản trở việc ăn uống thì có thể thử dùng thuốc xịt gây tê tại chỗ để giảm bớt đau đớn.

Khả năng lây lan: Dạng loét miệng này không lây.

Mụn cóc

Mụn cóc là do HPV (virus u nhú ở người) gây ra và có thể xuất hiện ở bất cứ đâu xung quanh miệng hoặc môi và thậm chí còn có thể hình thành bên trong khoang miệng. Mụn cóc thường có hình dạng những cục nhỏ sần sùi trông giống như cây súp lơ nhỏ.

Hầu hết mụn cóc đều có màu da hoặc màu hồng nhưng cũng có thể có màu xám nâu. Mụn cóc thường không đau đớn nhưng gây ngứa ngáy, khó chịu. Đôi khi, mụn cóc còn chảy máu do thường xuyên bị đụng phải.

Ngoài mụn cóc, HPV còn gây ung thư vòm họng hay ung thư khoang miệng.

Phương pháp điều trị: Có nhiều phương pháp để loại bỏ mụn cóc, từ dùng thuốc bôi theo đơn cho đến các thủ thuật như áp lạnh bằng nitơ lỏng, đốt bằng laser hay cắt bỏ. Kể cả khi không điều trị thì mụn cóc cũng sẽ tự biến mất sau vài năm. Tuy nhiên, dù mụn cóc tự biến mất hay bị loại bỏ thì virus vẫn sẽ tồn tại trong cơ thể.

Khả năng lây lan: Mụn cóc có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp.

Nấm miệng

Nấm miệng là một bệnh do nhiễm trùng nấm men (nấm Candida) có biểu hiện là các mảng màu trắng ở trên bề mặt lưỡi, bên trong má hoặc vòm miệng và nứt ở khóe miệng. Các mảng trắng gây cảm giác dày bì trong miệng, nhạy cảm và có thể bị chảy máu hoặc nóng rát đi kèm tình trạng ăn không ngon miệng và đau đớn khi nhai, nuốt.

Nấm miệng có thể lan đến cổ họng nếu không được điều trị.

Phương pháp điều trị: Phương pháp điều trị đối với những trường hợp nấm miệng nhẹ là dùng nước súc miệng trị nấm. Tuy nhiên, HIV có thể sẽ làm tăng khả năng kháng thuốc của nấm. Trong những trường hợp này thì sẽ cần dùng thuốc trị nấm đường uống.

Khả năng lây lan: Bệnh nấm miệng không lây.

Viêm lợi và khô miệng

Mặc dù không phải là loét miệng nhưng bệnh viêm lợi (nướu) và khô miệng cũng là những vấn đề phổ biến xảy ra ở khoang miệng.

Viêm lợi khiến lợi bị sưng đỏ, đau đớn và còn bị chảy máu. Trong những trường hợp nghiêm trọng, vấn đề này còn có thể dẫn đến tụt lợi hoặc mất răng. Viêm lợi cũng có thể là một dấu hiệu của tình trạng tăng phản ứng viêm trong cơ thể và đây là một yếu tố làm làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Khô miệng xảy ra khi khoang miệng không tiết đủ nước bọt. Nước bọt có vai trò bảo vệ răng, lợi và ngăn ngừa nhiễm trùng. Khi thiếu nước bọt, răng và lợi rất dễ bị hình thành mảng bám. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ viêm lợi hoặc khiến tình trạng viêm lợi hiện tại trở nên nặng hơn.

Phương pháp điều trị: Uống nhiều nước, dùng chỉ nha khoa và đánh răng đều đặn hàng ngày để bảo vệ sức khỏe răng miệng. Khi có cao răng do mảng bám lâu ngày thì cần đến gặp nha sĩ để loại bỏ. Ngoài ra cần đi khám nha khoa định kỳ để kiểm tra và làm sạch răng chuyên sâu.

Nếu tình trạng khô miệng tiếp diễn trong thời gian dài dù đã uống nhiều nước thì nên đi khám để tìm nguyên nhân và có thể dùng nước bọt nhân tạo.

Vấn đề phát sinh khi bị loét miệng

Loét miệng có thể gây cản trở việc điều trị HIV. Các vết loét gây đau đớn, khó mở miệng và khó nuốt, khiến nhiều người không uống thuốc đủ liều hoặc không thể ăn uống mà khi bị HIV thì uống thuốc đều đặn lại là điều vô cùng quan trọng. Khi không uống thuốc đều đặn thì hệ miễn dịch sẽ tiếp tục bị suy yếu. Sự suy giảm chức năng miễn dịch sẽ lại làm tăng mức độ nghiêm trọng và sự lây lan của loét miệng.

Nếu loét miệng gây khó khăn cho việc uống thuốc điều trị HIV thì hãy nói với bác sĩ để tạm thời chuyển sang các lựa chọn điều trị khác.

Nhiễm trùng

Khi bị nhiễm HIV, các vết loét miệng lâu khỏi hơn bình thường và nếu không được điều trị thì sẽ dẫn đến gây nhiễm trùng. Mụn rộp và loét áp-tơ có thể ngày càng loét rộng hơn. Mụn cóc và nấm miệng có thể vô tình bị đụng phải khi ăn uống, đánh răng hàng ngày và bị trầy xước, chảy máu. Các vết thương hở khiến người bệnh càng dễ bị nhiễm trùng hơn. Và khi hệ miễn dịch đã suy yếu thì nhiễm trùng còn có thể đi vào máu và dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng.

Khô miệng cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vì không có đủ nước bọt để chống lại vi khuẩn một cách tự nhiên.

Do đó, cần điều trị kịp thời để vết thương nhanh khỏi và ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng.

Biện pháp ngăn ngừa

Cách đơn giản nhất để ngăn ngừa loét miệng khi bị nhiễm HIV là chăm sóc răng miệng cẩn thận và đi khám nha sĩ để kiểm tra sức khỏe răng miệng thường xuyên.

Nha sĩ sẽ phát hiện sớm các vấn đề và kê thuốc điều trị để ngăn ngừa tình trạng lở loét trở nên trầm trọng hơn.

Từ khóa » Hiv Bị Lở Loét