Nguyên Nhân Gây Mệt Mỏi Và Cách Khắc Phục

1. Ngủ không đủ giấc.

Rõ ràng là bạn đã ngủ quá ít. Ngủ ít ảnh hưởng xấu đến sự tập trung và sức khỏe của bạn. Người lớn nên ngủ đủ từ 7 - 8 giờ mỗi đêm.

Khắc phục: Hãy ưu tiên cho giấc ngủ, luôn đi ngủ và thức dậy vào một giờ nhất định. Không nên sử dụng máy tính xách tay, điện thoại di động và xem TV trong phòng ngủ. Vẫn còn mệt mỏi ? Hãy tìm sự giúp đỡ từ bác sĩ. Bạn có thể bị chứng rối loạn giấc ngủ.

2. Ngưng thở khi ngủ.

Một số người nghĩ rằng họ vẫn ngủ đủ giờ, nhưng bỏ qua tình trạng ngưng thở khi ngủ. Mỗi một thời gian ngừng thở ngắn sẽ đánh thức bạn một lúc suốt đêm, nhưng bạn có thể không nhận thức được nó. Kết quả là bạn đang thiếu ngủ mặc dù vẫn nằm đủ tám giờ trên giường.

Khắc phục: Giảm cân nếu bạn đang thừa cân, bỏ hút thuốc lá, và đi ngủ với một thiết bị hổ trợ đường thở áp lực dương (CPAP).

3. Không đủ năng lượng.

Ăn quá ít gây mệt mỏi, nhưng ăn không đúng cũng có thể là một vấn đề. Một chế độ ăn uống cân bằng sẽ giúp giữ lượng đường trong máu ở mức bình thường và ngăn ngừa cảm giác uể oải, chậm chạp khi lượng đường trong máu giảm.

Khắc phục: Luôn ăn sáng và cố gắng có đủ đạm và chất xơ trong mỗi bữa ăn. Ví dụ, ăn trứng với bánh mì nướng ngũ cốc nguyên hạt . Cũng nên ăn các bữa ăn nhẹ trong ngày cho năng lượng cơ thể ổn định.

4. Thiếu máu.

Thiếu máu là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mệt mỏi ở phụ nữ. Mất máu định kỳ hàng tháng có thể dẫn đến thiếu sắt. Hồng cầu cần thiết để mang oxy đến các mô và cơ quan trong cơ thể.

Khắc phục: Uống bổ sung sắt và ăn các loại thực phẩm giàu chất sắt như thịt nạc, gan, sò ốc, đậu , ngũ cốc .

5. Trầm cảm.

Bạn có thể nghĩ rằng trầm cảm là một rối loạn cảm xúc, nhưng nó gây ra rất nhiều triệu chứng thực thể. Mệt mỏi, đau đầu và ăn mất ngon là một trong những triệu chứng thường gặp nhất. Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi và "xuống tinh thần" kéo dài từ 2 tuần trở lên nên đến gặp bác sĩ.

Khắc phục: Trầm cảm đáp ứng tốt với liệu pháp tâm lý và/hoặc thuốc.

6. Suy giáp.

Tuyến giáp là một tuyến nhỏ nằm sau cổ của bạn. Nó điều hòa sự trao đổi chất, tốc độ cơ thể chuyển đổi nhiên liệu thành năng lượng. Khi tuyến giáp hoạt động kém và các chức năng trao đổi chất quá chậm, bạn có thể cảm thấy chậm chạp và tăng cân.

Khắc phục: Nếu các xét nghiệm xác định bạn bị suy giáp, bác sĩ sẽ cho bạn uống hormon tuyến giáp tổng hợp.

7. Uống quá nhiều Cà-phê.

Cà-phê có thể giúp bạn tỉnh táo và tập trung hơn ở liều vừa phải. Nhưng uống quá nhiều có thể làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp, và gây bồn chồn. Nghiên cứu cho thấy uống quá nhiều cà-phê gây ra mệt mỏi thực sự ở một số người.

Khắc phục: Giảm dần cà phê, trà, sôcôla, nước ngọt, và bất cứ loại thuốc nào có chứa caffein. Ngưng đột ngột có thể gây ra hội chứng ngưng caffeine và làm mệt mỏi hơn trước.

8. Hội chứng mệt mõi mãn tính (CFS) và Đau xơ cơ.

Nếu mệt mỏi của bạn kéo dài hơn sáu tháng và nặng gây ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày, có khả năng bạn đã bị hội chứng mệt mỏi mãn tính hoặc bệnh đau cơ xơ. Cả hai có thể có các triệu chứng khác nhau, nhưng triêu chứng chính vẫn là mệt mỏi dai dẳng không rõ nguyên nhân.

Khắc phục: Trong khi không có điều trị nhanh chóng cho CFS hoặc đau cơ xơ, bệnh nhân thường cảm thấy khá hơn hơn từ việc thay đổi lịch làm việc hàng ngày, tập ngủ và thức dậy đúng giờ, và bắt đầu một chương trình tập thể dục nhẹ nhàng.

9. Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ).

Ở những người bị bệnh ĐTĐ, nồng độ đường máu cao bất thường do đường vẫn còn trong máu thay vì vào các tế bào của cơ thể, nơi nó sẽ được chuyển đổi thành năng lượng. Kết quả là cơ thể bị mất nước mặc dù bạn vẫn ăn uống đầy đủ. Nếu bạn mệt mỏi dai dẳng không rõ nguyên nhân, hãy hỏi bác sĩ của bạn về việc kiểm tra đường máu.

Khắc phục: Điều trị bệnh ĐTĐ có thể bao gồm thay đổi lối sống như chế độ ăn uống và tập thể dục, điều trị bằng insulin và thuốc.

10. Mất nước.

Mệt mỏi có thể là một dấu hiệu của sự mất nước. Cho dù bạn đang làm việc hoặc ngồi tại chổ, cơ thể bạn cũng cần nước để làm việc tốt và giữ mát. Nếu bạn khát nước tức là bạn đã bị mất nước.

Khắc phục: Uống nước suốt ngày để nước tiểu trong và có màu vàng nhạt. Uống ít nhất hai ly nước mỗi giờ hoặc hơn trước khi tập thể dục, hay khi vận động. Sau đó, nhâm nhi trong khi tập luyện và uống hai ly khác sau tập.

11. Bệnh tim.

Nếu bạn thấy mệt mỏi trong sinh hoạt hàng ngày, chẳng hạn như dọn dẹp nhà cửa hay làm vườn, có thể là một dấu hiệu cho thấy tim của bạn có vấn đề. Nếu cảm thấy khó thở khi làm việc hằng ngày và tăng , nói chuyện với bác sĩ về bệnh tim.

Khắc phục: Thay đổi lối sống , thuốc, và phương pháp điều trị để có thể kiểm soát được bệnh tim và phục hồi năng lượng của bạn.

12. Làm việc theo ca kíp.

Làm ca đêm hoặc thay đổi luân phiên theo ca có thể phá vỡ đồng hồ sinh học của bạn. Bạn có thể cảm thấy mệt mỏi khi bạn cần phải tỉnh táo và có thể có khó ngủ vào ban ngày.

Khắc phục: Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng ban ngày khi bạn cần phải nghỉ ngơi. Làm cho phòng ngủ của bạn tối, yên tĩnh và mát mẻ. Vẫn còn bị khó ngủ, mất ngủ? Hãy đi khám bác sĩ.

13. Dị ứng thức ăn.

Một số bác sĩ tin rằng dị ứng thức ăn tiềm ẩn có thể làm cho bạn buồn ngủ. Nếu mệt mỏi tăng lên sau bữa ăn, bạn có thể bị dị ứng một loại thức ăn nào đó- không đủ để gây ngứa hoặc phát ban, chỉ đủ để làm cho bạn mệt mỏi.

Khắc phục: Hãy thử loại bỏ các loại thức ăn mà bạn nghi ngờ một thời gian để xem có hết mệt mỏi hay không. Bạn cũng có thể hỏi bác sĩ của bạn để kiểm tra dị ứng thực phẩm.

14. Nhiễm trùng tiểu không triệu chứng.

Nếu bạn đã từng bị nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) , bạn có thể quen với cảm giác đau rát và cảm giác tiểu gấp, tiểu nhiều lần. Nhưng không phải lúc nào nhiễm trùng cũng có triệu chứng rõ ràng như vậy. Trong một số trường hợp , mệt mỏi có thể là dấu hiệu duy nhất. Xét nghiệm nước tiểu có thể nhanh chóng xác nhận nhiễm trùng tiểu .

Khắc phục: Uống thuốc kháng sinh, và mệt mỏi thường sẽ biến mất trong vòng một tuần.

15. Cần khắc phục nhanh chóng khi cảm thấy hơi mệt mỏi.

Nếu bạn cảm thấy hơi mệt mỏi mà không có bệnh gì khác, nên tập thể dục. Nghiên cứu cho thấy những người có cảm giác mệt mõi sẽ cảm thấy khỏe khoắn, yêu đời hơn nếu thực hiện một chương trình tập luyện vừa phải. Trong một nghiên cứu khác, đạp xe đạp tại chỗ trong 20 phút với tốc độ nhẹ, chỉ ba lần mỗi tuần là đủ để chiến đấu với sự mệt mỏi.

Tổng hợp tài liệu và dịch:Ban Thông tin Đào TạoHiệu đính: Bs. CKI Nguyễn Thị Ngọc Dung - Giám Đốc Y Khoa - Trung Tâm Y Khoa Phước AnMã tài liệu: 16031503(*)

Cùng chủ đề

  • mất ngủ làm gia tăng nguy cơ đột quỵ
  • bệnh vảy nến làm gia tăng nguy cơ không thể kiểm soát huyết áp
  • hấp thụ quá ít vitamin d có thể đẩy nhanh sự suy giảm về trí não
  • nước ngọt dành cho người ăn kiêng không như mong đợi - vẫn làm tăng kích thước vòng eo
  • 5 lý do nên thêm chuối vào thực đơn

Từ khóa » Chữa Uể Oải