Nguyên Nhân Gây Phát Ban Thường Gặp | BvNTP

Xem lại: 57 nguyên nhân gây phát ban (phần 1)

20. Viêm mô tế bào

Bệnh viêm mô tế bào là tình trạng nhiễm trùng ở da và mô cấu trúc hạ bì bên dưới da. Bệnh dễ nhận biết khi có một vùng da sưng đỏ, bề mặt có thể bị nổi bóng nước phòng rộp thường xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập qua một vết nứt trên da. Các triệu chứng bao gồm:

  • Da đỏ có xu hướng lan ra, da bị phồng rộp;
  • Sưng, đau;
  • Da sưng ấn mềm, lõm;
  • Nóng dưới da;
  • Sốt;
  • Xuất hiện đốm đỏ trên bề mặt tổn thương.

21. MRSA

Tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA) là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn truyền nhiễm có khả năng kháng nhiều loại thuốc kháng sinh gây khó khăn cho việc điều trị. MRSA có thể xâm nhập sâu vào cơ thể gây nên các bệnh như nhiễm trùng xương, khớp, đường máu, van tim và phổi. Nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Các triệu chứng bao gồm:

  • Phát ban;
  • Sưng và đau ở vùng bị ảnh hưởng;
  • Vết thương không lành;
  • Tức ngực, ho hoặc khó thở;
  • Mệt mỏi, sốt và ớn lạnh;
  • Đau đầu.

tụ cầu vàng

22. Thủy đậu

Bệnh thủy đậu (hay còn gọi là trái rạ) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus varicella zoster. Tuy có cảm giác khó chịu nhưng hầu hết người mắc phải đều hồi phục trong vòng một vài tuần. Các triệu chứng bao gồm:

  • Vết mẩn ngứa của những đốm đỏ nhỏ xuất hiện đầu tiên trên mặt và thân mình, sau đó lan ra khắp cơ thể;
  • Xuất hiện mụn nước ở phần đầu các đốm đỏ;
  • Sau 48 giờ, mụn nước phồng lên và bắt đầu khô lại.

23. Lupus

Lupus là một rối loạn của hệ miễn dịch xảy ra trong cơ thể. Bệnh này là một bệnh tự miễn, làm tổn thương và viêm các tế bào của cơ thể. Các triệu chứng khác nhau ở mỗi người nhưng có thể bao gồm:

  • Phát ban hình con bướm trên má và sống mũi;
  • Những đốm đỏ bong tróc hoặc nổi mẩn tím, có vảy trên mặt, cổ hoặc cánh tay;
  • Da nhạy cảm với ánh nắng mặt trời;
  • Đau, sưng khớp;
  • Miệng hoặc mũi bị thương mà không lành lại trong thời gian dài;
  • Trong nước tiểu có máu hoặc thậm chí protein;
  • Rụng tóc;
  • Sốt, co giật;
  • Đau ngực và khó thở do viêm phổi.

24. Hội chứng sốc nhiễm độc

Hội chứng sock nhiễm độc là do một loại độc tố của chủng tụ cầu (staphylococcus) có tên là Toxic shock syndrome toxin (TSST-1) gây nên. Những người mà phơi nhiễm với độc tố của các vi khuẩn thuộc chủng tụ cầu như S.aureus hay S.pyogenes đều có thể mắc phải hội chứng này. Tuy nhiên, một phần lớn dân số mặc dù phơi nhiễm như vậy, nhưng không phải ai cũng mắc hội chứng này. Hội chứng phát triển nhanh chóng và có thể đe dọa tính mạng. Tất cả những người mắc hội chứng sốc nhiễm độc đều bị sốt và phát ban với các đặc điểm sau:

  • Da trông giống như bị cháy nắng và bao phủ hầu hết cơ thể;
  • Da chuyển sang màu trắng khi ấn vào;
  • Sốt cao vào giai đoạn đầu, có thể lên > 39,50C, giảm huyết áp tâm thu;
  • Buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy;
  • Gan bàn tay và gan bàn chân bị bong vảy vào giai đoạn muộn.

25. Nhiễm HIV cấp tính

Trong giai đoạn đầu của HIV, nồng độ virus trong máu rất cao do hệ thống miễn dịch chưa bắt đầu xử lý. Các triệu chứng ban đầu bao gồm phát ban với các đặc điểm sau:

  • Phát ban chủ yếu ảnh hưởng đến phần trên của cơ thể;
  • Da phẳng hoặc hầu như không nổi lên những chấm đỏ nhỏ và thường không gây ngứa;
  • Đa số bệnh nhân sẽ mắc bệnh cúm hoặc bệnh gần giống như bệnh bạch cầu đơn nhân kèm theo sốt nhẹ khoảng 37,5 - 38,50C;
  • Cảm thấy vô cùng mệt mỏi và buồn ngủ, thường cảm thấy đau cơ, khớp hoặc buồn nôn, tiêu chảy, nổi hạch, viêm họng, phát ban, lở miệng và thực quản.
  • Đau đầu, suy nhược, sưng hạch đặc biệt ở cổ và bẹn.

26. Tay, chân và miệng

Bệnh tay chân miệng là bệnh do virus coxsackievirus A16 và enterovirus 71 gây ra ở trẻ em. Các virus này sống trong đường tiêu hóa và lây từ người này sang người qua việc tiếp xúc thông thường. Các triệu chứng bao gồm:

  • Nổi bóng nước trên da, quanh miệng, bên trong má, lòng bàn tay và bàn chân, mông hoặc xung quanh hậu môn, bóng nước phẳng, không ngứa ở bàn tay và lòng bàn chân. Ban đầu, các nốt ban này xuất hiện như một vết sẹo nhỏ, mờ, màu đỏ và phẳng. Sau đó, dần trở thành các nốt phồng rộp như những bóng nước chứa đầy chất dịch và có thể vỡ;
  • Trẻ biếng ăn, ăn mất ngon;
  • Loét ở cổ họng, lưỡi và miệng;
  • Mệt mỏi, đau cổ họng, sốt nhẹ từ 38 – 39°C;
  • Đau nhức cơ bắp, đau đầu, cứng cổ.

27. Viêm da vùng đầu chi – ruột

Viêm da vùng đầu chi ruột còn được gọi là bệnh viêm da đầu chi do thiếu kẽm hay còn được gọi là hội chứng Gianotti-Crosti, đặc trưng bởi các dát đỏ quanh các hốc tự nhiên và các đầu chi kết hợp với rụng tóc, tiêu chảy mạn tính và các rối loạn về tâm thần, do tình trạng giảm kẽm trong huyết thanh. Các triệu chứng bao gồm:

  • Nhiễm trùng đường hô hấp trên kèm theo những triệu chứng toàn thân nhẹ.
  • Nổi các ban màu tím, ngứa hoặc các vết phồng rộp đỏ xuất hiện một cách đột ngột, cấp tính kèm theo sẩn phù từ màu da đến màu hồng đỏ, đồng nhất. Phân bố đối xứng hai bên ở mặt, mông và mặt ngoài của tứ chi.
  • Một số trường hợp thương tổn chỉ giới hạn ở mặt. Thương tổn ban sẩn thường ngứa ít và không đau, đôi khi có thể là mụn nước hoặc là ban xuất huyết.
  • Sốt nhẹ, sưng hạch bạch huyết chủ yếu vùng bẹn và nách có thể tồn tại qua vài tháng, gan to và lách to thường ít xuất hiện.

28. Giun móc

Giun móc là một loại ký sinh trùng đường ruột phổ biến có thể gây ra một loạt các biến chứng. Các triệu chứng của nhiễm giun móc bao gồm:

  • Phát ban da ở một khu vực có kèm theo đỏ, ngứa. Ngoài ra khi ấu trùng giun móc, giun mỏ xuyên qua da sẽ gây viêm da tại chỗ với biểu hiện ngứa, có các nốt đỏ kéo dài 1 - 2 ngày;
  • Biến chứng liên quan đến hơi thở;
  • Mệt mỏi, ăn uống kém, đầy bụng khó tiêu.;
  • Đau vùng thượng vị (tùy mức độ nhiễm giun);
  • Các triệu chứng của thiếu máu như da xanh, niêm mạc nhợt.

29. Bệnh Kawasaki

Bệnh Kawasaki là tình trạng sốt cấp hay kèm phát ban toàn thân ở trẻ em, với đặc điểm có viêm lan tỏa của hệ mạch máu nhỏ và vừa trên toàn cơ thể, bao gồm cả động mạch vành cung cấp máu cho cơ tim. Các triệu chứng bao gồm:

  • Phát ban ở chân, cánh tay và thân và giữa bộ phận sinh dục và hậu môn;
  • Sưng, nứt nẻ và khô môi, lưỡi đỏ và có thể nổi gai;
  • Kết mạc mắt sung huyết, đỏ; thường không chảy dịch, hình thành trong tuần bị bệnh đầu tiên;
  • Biểu hiện ở đầu chi như sưng nề mu bàn tay, chân; đỏ tía gan bàn tay, bàn chân, đôi khi có da bong tróc;
  • Hạch bạch huyết vùng cổ, góc hàm có thể sưng lên to, thường một bên.

30. Bệnh giang mai

Bệnh giang mai là một bệnh truyền nhiễm lây qua đường tình dục do vi khuẩn lây nhiễm cho da, miệng, cơ quan sinh dục, và hệ thần kinh. Bệnh có thể điều trị được, nhưng sẽ không thể tự khỏi. Nếu không được chữa trị có thể gây ra các tổn thương nghiêm trọng đến não hoặc hệ thần kinh và các cơ quan khác, bao gồm cả tim. Các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh và bao gồm:

  • Ban đầu - vết loét giang mai không đau, chắc và tròn;
  • Sau đó - sốt, nhức đầu, đau khớp, mất cảm giác ngon miệng, nổi ban đỏ/ nâu trên bộ phận sinh dục, hoặc miệng, hậu môn, đặc biệt là trên lòng bàn tay và lòng bàn chân, đau họng;
  • Sưng tuyến hạch (nách, háng, cổ), và mệt mỏi;
  • Các vết loét giống như mụn cóc ở miệng, hậu môn và bộ phận sinh dục.

31. Thương hàn

Thương hàn là bệnh do nhiễm khuẩn Salmonella ở bao tử và ruột tương tự như viêm dạ dày. Bệnh lây lan nhanh chóng do tiếp xúc với phân của người nhiễm bệnh. Nếu không được điều trị 25% các trường hợp dẫn đến tử vong. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Phát ban - đốm màu hồng, đặc biệt là trên cổ và bụng;
  • Sốt có khi lên tới 400C;
  • Đau bụng, tiêu chảy và táo bón;
  • Ngoài ra, còn có một số triệu chứng khác như máu trong phân, co thắt dạ dày, nôn mửa;

32. Sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết còn được truyền qua muỗi. Tình trạng sốt dao động từ nhẹ đến nặng. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Ban đầu, một phát ban đỏ, phẳng xuất hiện trên hầu hết cơ thể. Sau đó phát ban thứ phát tương tự như sởi;
  • Đau khớp và cơ;
  • Đau phía sau mắt, nhức đầu nghiêm trọng;
  • Sốt cao, có thể lên đến 40,50C;
  • Buồn nôn và ói mửa.

33. Ebola

Ebola là một bệnh do virus nghiêm trọng lây lan nhanh chóng và có thể gây tử vong. Khi virus Ebola đi vào cơ thể sẽ làm tổn thương hệ miễn dịch và các cơ quan khác, giảm khả năng đông máu, khiến cơ thể xuất huyết nghiêm trọng. Thông thường những triệu chứng xuất hiện bao gồm:

  • Buồn nôn và ói mửa, đau bụng, tiêu chảy có thể kèm theo máu;
  • Mắt đỏ;
  • Đau ngực và ho;
  • Sụt cân;
  • Chảy máu từ nhiều nơi trên cơ thể, ví dụ những mảng bầm máu dưới da, chảy máu từ tai, mắt, hậu môn, âm đạo, chân răng;
  • Ban đầu, một phát ban nhẹ trong thời gian ngắn có thể xuất hiện;
  • Phát ban bắt đầu bong tróc và trông giống như bị cháy nắng;
  • Sau đó phát ban có thể chuyển sang áp xe.

34. SARS

SARS (viết tắt của từ Severe acute respiratory syndrome) – hội chứng suy hô hấp cấp là một dạng viêm phổi nặng có thể truyền nhiễm và đôi khi gây tử vong. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Sốt trên 38°C, rét run, mặt đỏ, mạch nhanh;
  • Mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi, cứng cơ toàn thân, có thể đau quanh hốc mắt và nổi hạch ngoại vi,...
  • Suy hô hấp xuất hiện từ ngày thứ 3 tới ngày thứ 5 phát bệnh, chủ yếu là ho khan đôi khi ho có đờm, khó thở;
  • Phát ban da.

35. Viêm da tiếp xúc

Viêm da tiếp xúc là một dạng phát ban viêm do tiếp xúc trực tiếp với chất gây dị ứng hoặc kích ứng. Tình trạng này tương đối phổ biến có thể khó chịu. Các triệu chứng bao gồm:

  • Phát ban đỏ hoặc hồng, bong tróc;
  • Da phồng rộp, có thể có mụn nước;
  • Cảm giác nóng rát, ngứa;
  • Rạn da, mảng da dày, cứng, sẫm màu.

36. Nhiễm nấm

Mặc dù một số loại nấm sống tự nhiên trên cơ thể con người nhưng đôi khi chúng có thể phát triển quá mức. Các triệu chứng phụ thuộc vào vùng da bị nhiễm trùng có thể bao gồm:

  • Phát ban đỏ với hình tròn và các cạnh nổi lên;
  • Da nứt nẻ, bong tróc hoặc bong tróc da ở vùng bị nhiễm nấm;
  • Phồng rộp, kích thích, ngứa trong khu vực da bị nhiễm nấm.

nấm da

37. Dị ứng thuốc

Một số người dị ứng với các loại thuốc do hệ thống miễn dịch của cơ thể nhầm lẫn phản ứng các thành phần của thuốc. Các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào từng cá nhân và thuốc, nhưng có thể bao gồm:

  • Phát ban, bao gồm nổi mề đay;
  • Ngứa da hoặc mắt;
  • Sưng.

38. Viêm phổi không điển hình

Là bệnh không phải do những vi khuẩn gây bệnh viêm phổi điển hình. Viêm phổi điển hình thường có xu hướng diễn biến nặng hơn viêm phổi không điển hình. Viêm phổi không điển hình đôi khi được coi là “walking pneumonia” do những người mắc phải căn bệnh này thường ít khi phải nghỉ ngơi tại giường hay nhập viện. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Phát ban (không phổ biến);
  • Ho, sốt, ớn lạnh;
  • Đau đầu, đau cứng cơ;
  • Mất vị giác, mệt mỏi;
  • Khó thở, thở gấp;
  • Đau ngực, đặc biệt là khi thở sâu.

Xem tiếp: 57 nguyên nhân gây phát ban (phần 3)

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Từ khóa » Các Loại Phát Ban