Nguyên Nhân Gây Ra Sốt Tiêu Chảy Là Gì? Khi Nào Bạn Nên đi Khám?

Sốt tiêu chảy kèm đau bụng và buồn nôn có thể là triệu chứng do virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng gây ra. Thông thường, bệnh sẽ khỏi trong vài ngày. Nếu triệu chứng diễn tiến nặng, bạn nên đi khám để được chẩn đoán nguyên nhân chính xác gây tiêu chảy kèm sốt khi làm xét nghiệm tại bệnh viện.

Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), sốt tiêu chảy do nhiễm khuẩn đường ruột có thể phát tác trong vòng 2 đến 6 giờ sau khi ăn thực phẩm nhiễm khuẩn. Trong khi đó, tiêu chảy và sốt do nhiễm virus sẽ xảy ra sau vài giờ đến vài ngày kể từ khi virus xâm nhập vào cơ thể.

Tình trạng sốt và tiêu chảy có thể nghiêm trọng hoặc không. Điều này thường phụ thuộc vào độ tuổi và hệ miễn dịch của người bệnh. Điều quan trọng là bạn cần sớm nhận biết các dấu hiệu cho thấy bệnh đang nghiêm trọng hơn để đi khám và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây ra sốt tiêu chảy

Sốt tiêu chảy là bệnh gì, nguyên nhân do đâu? Sốt tiêu chảy là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nhiễm khuẩn đường ruột. Bất cứ ai cũng có nguy cơ bị sốt tiêu chảy sau khi ăn thực phẩm bẩn hoặc uống nước bị ô nhiễm. Trong đó bao gồm những nguyên nhân cụ thể sau đây:

Nhiễm virus

sốt tiêu chảy do virus

Nhiễm virus là nguyên nhân gây sốt tiêu chảy buồn nôn đầu tiên cần phải kể đến. Một số virus gây viêm dạ dày ruột cấp tính (cúm dạ dày) như Norovirus, Adenovirus, Calicivirus và Rotavirus có thể khiến bệnh nhân tiêu chảy kèm sốt khi nhiễm bệnh. Trong đó, phổ biến hơn là Norovirus và Rotavirus. Norovirus có thể gây bệnh ở cả người lớn và trẻ em, còn Rotavirus chỉ tấn công đường ruột của trẻ em là chủ yếu.

Hai loại virus này không chỉ lây lan qua đường ăn uống mà còn lây từ người sang người khi bạn tiếp xúc với các bề mặt mà người bệnh đã chạm vào. Norovirus và Rotavirus đều có sức lây lan mạnh mẽ. Sau khi virus tấn công vào đường ruột sẽ gây ra một số triệu chứng điển hình như tiêu chảy, đau quặn bụng, buồn nôn và nôn mửa (có thể là cả hai), sốt nhẹ, thỉnh thoảng đau cơ hoặc nhức đầu.

Nhiều người thường thắc mắc sốt và tiêu chảy là bệnh gì? Theo các chuyên gia sức khỏe, ngoài các vấn đề kể trên thì tình trạng sốt kèm tiêu chảy hiện nay đôi khi có thể liên quan đến virus SARS-CoV-2, loại virus gây ra bệnh COVID-19. Vì vậy, bạn cần chú ý thêm một số triệu chứng như ho, sốt, khó thở,.. khi bị tiêu chảy và cần đi xét nghiệm càng sớm càng tốt để điều trị và ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Nhiễm khuẩn hoặc ký sinh trùng trong đường ruột

Nếu bạn vẫn thắc mắc sốt và tiêu chảy là bệnh gì, nguyên nhân do đâu? Thực tế, một số loại vi khuẩn thường gây tiêu chảy kèm sốt là Clostridium difficile, Salmonella, E.coli… hoặc cũng có trường hợp tình trạng này được gây ra bởi ký sinh trùng Giardia.

Người bệnh nhiễm vi khuẩn hoặc ký sinh trùng ở đường ruột là do ăn thực phẩm nhiễm khuẩn, món tái sống hoặc uống nước bị ô nhiễm. Các triệu chứng nhiễm khuẩn đường ruột khá giống với trường hợp nhiễm virus nên rất dễ nhầm lẫn và chỉ được chẩn đoán chính xác sau khi làm xét nghiệm.

Khi nào bạn nên đi khám?

Bị sốt tiêu chảy là bệnh gì, bao lâu thì hết? Sốt tiêu chảy có thể hết sau khoảng 3 ngày khi tự chăm sóc tại nhà nhưng cũng có khi tình trạng này kéo dài đến 10 ngày. Tuy nhiên, nếu bệnh chuyển nặng sẽ có một vài dấu hiệu sau đây thì bạn cần lưu ý để nhập viện điều trị kịp thời:

  • Nôn mửa liên tục, tình trạng nôn kéo dài trên 2 ngày và thậm chí là nôn ra máu.
  • Mất nước nghiêm trọng thể hiện qua tình trạng khô môi và miệng, thường xuyên khát nước, đi tiểu ít, nước tiểu có màu vàng đậm, chóng mặt và suy nhược.
  • Đau bụng dữ dội, khi đại tiện thấy phân có lẫn máu.
  • Sốt trên 40 độ C và ớn lạnh.
  • Có thêm những triệu chứng liên quan đến bệnh COVID-19 như sốt, ho, khó thở, mất khứu giác…

Biện pháp phòng ngừa sốt kèm tiêu chảy do nhiễm virus và vi khuẩn

phòng ngừa sốt tiêu chảy

Sốt kèm tiêu chảy có thể trở nên nguy hiểm nếu bệnh nhân bị mất nước và suy nhược nghiêm trọng. Do đó, việc ngăn ngừa bệnh lây lan cũng như phòng ngừa nguy cơ nhiễm bệnh là vô cùng quan trọng. Những biện pháp sau đây sẽ là điều bạn và trẻ nhỏ nên áp dụng hàng ngày để hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm virus đường ruột gây sốt tiêu chảy buồn nôn:

  • Rửa tay với xà phòng từ 20 – 30 giây trong những trường hợp như: sau khi đi đại tiện, sau khi thay tã cho em bé, sau khi chăm sóc người bệnh, rửa tay trước khi chế biến thức ăn và trước khi ăn.
  • Thường xuyên vệ sinh các bề mặt thường được chạm vào như mặt bàn, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, quầy bếp…
  • Bạn nên mua thực phẩm ở những cửa hàng uy tín để đảm bảo chất lượng. Khi sơ chế tại nhà cần xử lý thực phẩm sạch sẽ trước khi ăn. Đồng thời, luôn ăn chín uống sôi và hạn chế ăn đồ tái sống.
  • Tránh dùng chung các dụng cụ ăn uống như ly, chén, đĩa… và không dùng chung khăn tắm để đảm bảo vệ sinh.
  • Đối với trẻ nhỏ, bạn nên đưa bé đi chủng ngừa Rotavirus theo khuyến cáo của bác sĩ.

Trong trường hợp bạn và gia đình đi du lịch thì có thể áp dụng một số giải pháp sau để giảm nguy cơ mắc bệnh liên quan đến tiêu hóa:

  • Chỉ nên uống nước đóng chai mua ở cửa hàng hoặc siêu thị.
  • Nên sử dụng nước đóng chai để đánh răng.
  • Tránh uống nước có đá viên, đá bào vì đá có thể được làm từ nguồn nước bị ô nhiễm.
  • Tránh ăn món chưa chín kỹ, tránh thực phẩm sống, bao gồm cả trái cây và rau sống vì bề mặt rau củ quả thường bị nhiều người chạm qua.

Sốt tiêu chảy là triệu chứng phổ biến khi hệ tiêu hóa bị virus tấn công hoặc đường ruột bị nhiễm khuẩn, ký sinh trùng. Nếu có các dấu hiệu nghiêm trọng như sốt cao, mất nước và suy nhược thì bạn nên nhập viện để được điều trị. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh bác sĩ sẽ cho bệnh nhân truyền nước và dùng thuốc kháng sinh phù hợp.

[embed-health-tool-bmr]

Từ khóa » đi Ngoài Và Sốt Rét