Nguyên Nhân Gây Ra Triệu Chứng Khó Thở Là Gì, Chẩn đoán Bằng Cách ...

1. Thế nào là khó thở?

Hít thở là hoạt động sinh lý bình thường và không thể thiếu đối với sự sống của con người. Khi cơ thể không nhận được lượng oxy cần thiết để hoạt động một cách bình thường sẽ gây nên tình trạng thở hụt hơi, không lấy đủ hơi hoặc thắt ngực nặng, nặng ngực - gọi chung là khó thở.

khó thở là gì

Khó thở là cảm giác khó khăn trong việc hít thở

Vậy khó thở là gì? Hiểu đơn giản thì khó thở là cụm từ được dùng để miêu tả sự khó chịu hoặc khó khăn khi hít thở.

Không phải lúc nào khó thở cũng là triệu chứng cho thấy sức khỏe có vấn đề; nó có thể xuất phát từ việc lao động hay tập luyện quá sức, đi lên nơi có độ cao hay biên độ nhiệt độ không khí lớn một cách đột ngột,... Tuy nhiên, khi khó thở ở mức độ nặng và kéo dài thì nó có thể cảnh báo vấn đề về hệ hô hấp hoặc bệnh lý ở các cơ quan khác trong cơ thể.

2. Nguyên nhân gây nên triệu chứng khó thở là gì?

Hầu hết chúng ta không thể tự xác định được nguyên nhân gây nên triệu chứng khó thở mà mình gặp phải là gì. Thường thì, những yếu tố sau có thể là tác nhân để chúng ta nghi ngờ trong trường hợp này: bệnh phổi, bệnh tim, thiếu máu, thể trạng kém,...

- Viêm phổi

Viêm phổi là dạng bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới với triệu chứng điển hình là: đau ngực, ho, khó thở,... do tác nhân gây hại khiến niêm mạc đường dẫn khí bị tổn thương.

- Hen suyễn

Khi bắt đầu xuất hiện cơn hen, niêm mạc ống phế quản sẽ sưng, viêm nhiễm và dễ bị kích ứng. Điều này khiến cho đường dẫn khí thu hẹp lại, lưu lượng không khí ra vào phổi giảm xuống. Nếu phù nề nghiêm trọng thì đường dẫn khí sẽ bị thu hẹp và sinh ra khó thở.

- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Bệnh nhân mắc bệnh này thường khó thở vì đường thở bị hẹp hơn bình thường. Nguyên nhân gây nên tình trạng ấy là bởi một thời gian dài cơ thể thường xuyên hít phải các chất kích thích có hại như khói hóa chất, khói thuốc lá,…

- Ung thư phổi

Triệu chứng mà người bị ung thư phổi hay gặp là: đau tức ngực, thở khó. Tuy nhiên, những triệu chứng ấy lại rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác tại phổi nên ở giai đoạn đầu, rất khó phát hiện bệnh.

khó thở là gì

Viêm màng phổi khiến màng phổi bị tổn thương gây nên triệu chứng khó thở

- Viêm màng phổi

Màng phổi bị tổn thương do viêm màng phổi sẽ gây ra các cơn khó thở, đau nhói ở ngực,… Tình trạng này trở nên trầm trọng hơn khi ho hoặc hít thở sâu.

- Bệnh lao phổi

Lao phổi có những triệu chứng rất dễ nhận biết như: ngực đau tức, khó thở, ho dai dẳng không có dấu hiệu thuyên giảm, đổ mồ hôi trộm về đêm,… Bệnh do vi trùng lao thâm nhập và khiến cơ thể không thể chống lại.

- Thiếu máu

Khi số lượng hồng cầu ít hơn bình thường và không đủ chứa hemoglobin thì sẽ xảy ra hiện tượng thiếu máu với các triệu chứng: da dẻ xanh xao, chán ăn, tim đập nhanh, khó thở,...

- Bệnh lý tim mạch

+ Nhồi máu cơ tim cấp, thông liên nhĩ hoặc giai đoạn đầu của hẹp 2 lá có thể sinh ra triệu chứng khó thở.

+ Bệnh lý mạch vành ở những bệnh nhân đái tháo đường gây ra tình trạng thiếu máu cơ tim nên người bệnh thường có những đợt khó thở gián đoạn không kèm theo hiện tượng đau tức ngực.

+ Suy tim mạn cũng là một nguyên nhân gây khó thở.

- Một số nguyên nhân khác:

+ Thể trạng kém: đối với những người có thể trạng kém, khó thở có thể đến đột ngột và không rõ nguyên nhân khi họ lao động hay vận động thể thao quá sức.

+ Dinh dưỡng kém: đây là nguyên nhân khiến người bệnh mệt mỏi và khó thở nhiều hơn. Điều này được giải thích như sau: thức ăn chính là nguồn cung cấp năng lượng cho mọi hoạt động của cơ thể trong đó có hoạt động thở. Quá trình chuyển hóa thức ăn cần oxy, tạo ra khí CO2 và năng lượng. Khi cơ thể thở ra, CO2 sẽ được thải ra ngoài. Những người thừa cân cần nhiều oxy để nuôi cơ thể hơn nên tim, phổi phải hoạt động nhiều hơn, từ đó dẫn đến khó thở. Ngược lại, người nhẹ cân thường dễ cảm thấy yếu, mệt mỏi nên cũng hay bị khó thở.

3. Mức độ khó thở và những biến chứng có thể xảy ra

Mặc dù khó thở là hiện tượng gặp phải ở rất nhiều người nhưng có một thực tế đáng lo ngại là số đông trong đó thường cho qua triệu chứng này. Dù xuất phát điểm nguyên nhân gây khó thở là gì thì suy cho cùng vẫn là do nồng độ oxy trong máu ở mức thấp. Do không có đủ oxy để hoạt động nên một hệ lụy rất dễ xảy ra là tình trạng mất ý thức tạm thời.

Nếu những điều này cứ kéo dài thì khó tránh việc tế bào não bị tổn thương từ đó sinh ra biến chứng hoại tử não, đột quỵ, thậm chí còn mất ý thức hoàn toàn. Không những thế, khó thở còn được xem là dấu hiệu khởi phát hoặc kích thích các bệnh lý khác ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Nói tóm lại, ở mức độ nặng nhất, khó thở có thể là một trong những nguyên nhân gây ra biến chứng nguy hiểm cho tính mạng.

4. Phương pháp chẩn đoán

4.1. Thời điểm nào cần can thiệp y tế?

Khi đã nhận thức được những biến chứng nguy hiểm mà khó thở có thể gây ra, hãy chủ động đến gặp bác sĩ thăm khám ngay trong trường hợp sau:

- Các cơn khó thở lặp lại với tần suất gia tăng, mức độ ngày càng nghiêm trọng mà không rõ nguyên nhân khó thở là gì.

- Khó thở gây cản trở đến cuộc sống sinh hoạt thường ngày.

- Đau tức ngực, chóng mặt, buồn nôn kèm theo khó thở.

4.2. Phương pháp được dùng để chẩn đoán nguyên nhân khó thở

Thường thì khi bệnh nhân đến cơ sở y tế thăm khám, sau khi thăm hỏi triệu chứng mà người bệnh gặp phải, tiền sử bệnh,... để tìm ra nguyên nhân gây khó thở, tùy từng trường hợp mà bác sĩ có thể đề nghị một số phương pháp hỗ trợ chẩn đoán sau:

khó thở là gì

Chụp X-quang phổi là một trong những biện pháp thường được dùng để tìm nguyên nhân khó thở là gì

- Xét nghiệm máu cơ bản.

- Chụp X-quang phổi.

- Điện tâm đồ.

- Siêu âm tim.

- Chụp cắt lớp ngực.

- Đo chức năng hô hấp.

5. Phương pháp phòng ngừa khó thở tái phát

Bằng việc thăm khám, thực hiện những kiểm tra mà bác sĩ yêu cầu, người bệnh sẽ biết được nguyên nhân gây triệu chứng và biện pháp điều trị khó thở là gì. Việc người bệnh cần làm tiếp sau đó là tuân thủ phác đồ điều trị ấy và lưu ý thực hiện một số biện pháp giúp phòng ngừa bệnh tái phát:

- Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng đối với bệnh nhân hen nhằm kiểm soát bệnh tốt hơn và hạn chế sự tái diễn của các cơn cấp.

- Cai thuốc lá và vận động phục hồi chức năng đối với bệnh nhân bị tắc nghẽn phổi mạn tính để tăng cường hoạt động của các cơ hô hấp. Ngoài ra, những bệnh nhân này cũng cần uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để việc đào thải đờm trở nên dễ dàng hơn; ăn nhiều chất xơ để tránh phải gắng sức khi đại tiện do táo bón gây ra.

- Tiêm vacxin ngừa cúm và vi khuẩn gây viêm phổi đối với bệnh nhân bị bệnh tim phổi mạn hoặc có sức đề kháng kém.

Nếu có nhu cầu thăm khám, tìm nguyên nhân gây khó thở là gì, bạn có thể đến trực tiếp Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Hoặc một cách khác, khi cần tư vấn về các bệnh lý liên quan đến hiện tượng khó thở, hãy gọi tổng đài 1900 56 56 56 để được chuyên viên y tế của chúng tôi giải đáp cặn kẽ, hỗ trợ tận tình.

Từ khóa » Thiếu Không Rõ Nguyên Nhân