Nguyên Nhân, Triệu Chứng Của Bệnh Osgood Schlatter Là Gì? Bệnh ...

1. Bệnh Osgood Schlatter là gì và dấu hiệu nhận biết Osgood Schlatter

Sở dĩ có tên gọi là bệnh Osgood Schlatter bởi vì bệnh là tên ghép giữa tên của Robert B Osgood - một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình người Mỹ (1873 - 1956) và Carl Schlatter - giáo sư phẫu thuật người Thụy Sĩ (1864 - 1934).

Bệnh xảy ra trong giai đoạn khớp gối bắt đầu phát triển mạnh gây ra đau đớn ở phần xương lồi nằm ở khu vực dưới xương bánh chè. Đây là vị trí neo bám của gân cơ tứ đầu đùi.

Sau khi trẻ chơi thể thao với cường độ mạnh hoặc gặp phải chấn thương khi tham gia thể thao thì các triệu chứng của bệnh có thể sẽ xuất hiện. Phần lớn các trường hợp bị bệnh Osgood Schlatter đều có khả năng hồi phục hoàn toàn và không gây ra biến chứng nghiêm trọng hay tổn thương vĩnh viễn.

Trong quá trình phát triển vượt bậc của tuổi thiếu niên, một số cơ và gân nhất định phát triển nhanh chóng và không phải lúc nào cũng ở cùng một tốc độ. Với hoạt động thể chất, sự khác biệt về kích thước và sức mạnh của cơ tứ đầu có thể gây căng thẳng nhiều hơn lên đĩa tăng trưởng gần đầu xương ống quyển. Mảng tăng trưởng yếu hơn và dễ bị chấn thương hơn các phần khác của xương. Kết quả là, nó có thể bị kích thích khi căng thẳng về thể chất và hoạt động quá mức. Kích ứng có thể dẫn đến một cục đau bên dưới xương bánh chè. Đây là dấu hiệu chính của bệnh Osgood-Schlatter.

Bệnh Osgood-Schlatter thường được chẩn đoán ở thanh thiếu niên trong giai đoạn bắt đầu phát triển vượt bậc. Tốc độ tăng trưởng thường bắt đầu từ 8 đến 13 tuổi đối với trẻ em gái và từ 10 đến 15 tuổi đối với trẻ em trai. Các vận động viên thanh thiếu niên chơi các môn thể thao liên quan đến nhảy và chạy có nhiều khả năng mắc bệnh hơn.

Trong hầu hết các trường hợp, bệnh Osgood-Schlatter có thể được điều trị thành công bằng các biện pháp đơn giản, chẳng hạn như nghỉ ngơi và dùng thuốc không kê đơn.

Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh Osgood Schlatter

Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh Osgood Schlatter

Các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý những biểu hiện của trẻ khi bị bệnh osgood schlatter:

  • Sưng đau ống quyển nằm dưới một hoặc cả hai bên đầu gối;

  • Khi lồi củ dưới đầu gối gặp tình trạng bị chèn ép mạnh hay vận động đầu gối quá sức sẽ càng khiến cho biểu hiện đau nghiêm trọng hơn;

  • Đối với những trẻ bị nhẹ thì sau khoảng 6 tuần, các triệu chứng sẽ giảm dần;

  • Thường thì bệnh sẽ chấm dứt khi đã nối lại các mảnh xương vỡ và khi trẻ ngừng tăng trưởng.

Ngay khi phát hiện ra trẻ có triệu chứng sưng đỏ, đau đầu gối, không cử động được bộ phận này kèm theo sốt thì cần phải đưa trẻ đi nhập viện ngay vì đây là những biểu hiện khi bệnh đang diễn tiến xấu.

2. Các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh Osgood Schlatter là gì?

Nguyên nhân khiến cho trẻ bị viêm lồi củ trước xương chày là do hàng ngày trẻ thường xuyên tham gia vào các vận động mạnh gây áp lực lớn lên hệ thống cơ xương khớp, dần dần khiến đầu gối gặp tổn thương trong khi đó những cơ quan này chưa được phát triển một cách hoàn thiện ở trẻ.

Không chỉ có vậy, các chuyên gia cũng cho rằng khi cấu trúc và độ dẻo dai của xương chưa hoàn chỉnh, vận động mạnh sẽ kéo rút gân xương bánh chè ra khỏi vị trí ở lồi củ xương chày dẫn tới hiện tượng sưng đau và viêm.

Bên cạnh nguyên nhân chính nêu trên, một số yếu tố sau cũng góp phần làm tăng rủi ro mắc bệnh Osgood Schlatter:

  • Nghề nghiệp: những vận động viên thể thao thường gặp phải chấn thương đau đầu gối do vận động mạnh liên tục;

  • Độ tuổi: bệnh xảy ra nhiều khi trẻ em bước vào giai đoạn dậy thì. Ở bé gái là từ 11 - 12 tuổi, bé trai từ 13 - 14 tuổi;

  • Giới tính: bé trai có nguy cơ bị Osgood Schlatter so với các bé giá. Tuy nhiên nếu trẻ thường xuyên chơi thể thao thì nguy cơ bị bệnh là tương đương nhau ở hai giới;

  • Một số bộ môn thể thao có liên quan đến bệnh Osgood Schlatter: bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, tập gym, chạy nước rút,...

3. Một số phương pháp được ứng dụng trong điều trị bệnh Osgood Schlatter

Để chẩn đoán bệnh viêm lồi củ trước xương chày, bác sĩ cần khai thác các triệu chứng lâm sàng và kiểm tra thực thể vùng bị tổn thương. Kỹ thuật chụp X-quang đầu gối cũng được áp dụng để phân biệt với bệnh lý khác.

Khi trẻ ngừng phát triển chiều cao thì bệnh sẽ biến mất, tuy nhiên cần có các biện pháp để giúp trẻ giảm triệu chứng đau:

  • Trẻ cần nghỉ ngơi và không nên chơi các môn thể thao đòi hỏi vận động mạnh trong vài tuần;

  • Dùng miếng băng keo cao su để băng ép đầu gối bị đau;

  • Chườm lạnh từ 2 - 4 lần/ngày vào chỗ đau để giúp giảm đau và sưng;

  • Khi nằm hoặc ngồi nên nâng cao bên chân bị tổn thương;

  • Sử dụng thuốc kháng viêm kết hợp thuốc giảm đau. Trường hợp hiếm gặp hơn là bệnh diễn tiến nặng thì cần phải phẫu thuật;

  • Áp dụng những bài tập vật lý trị liệu để tăng sức mạnh cơ, kéo dãn cơ, tăng sự linh hoạt và dẻo dai cho khớp, rút ngắn thời gian phát triển của bệnh đồng thời ngăn cản nguy cơ bệnh tái phát;

Nhìn chung các phương pháp điều trị thường hướng đến mục tiêu bảo tồn chức năng vận động khớp, gồm chườm đá, nghỉ ngơi, điều chỉnh các hoạt động giúp căng giãn gân bánh chè, các bộ môn thể thao như nhảy, lắc đồng thời phối hợp với các bài tập tăng cường độ dẻo dai cho gân kheo và cơ tứ đầu.

Tập vật lý trị liệu sẽ giúp cải thiện triệu chứng của bệnh Osgood Schlatter

Tập vật lý trị liệu sẽ giúp cải thiện triệu chứng của bệnh Osgood Schlatter

Bệnh Osgood Schlatter có tiên lượng khá tốt và có khả năng tự phục hồi nhưng thời gian phục hồi đòi hỏi người bệnh phải kiên nhẫn hàng tháng, thậm chí là hàng năm cho đến khi hết tuổi phát triển chiều cao. Đặc biệt trong con số 10% người bệnh thì đến độ tuổi trưởng thành vẫn có thể tiếp tục gặp các triệu chứng của bệnh Osgood Schlatter. Điều này xảy ra khi trước đó người bệnh không được điều trị hoặc không tích cực tuân theo các hướng dẫn điều trị. Cơn đau do bệnh Osgood Schlatter có khi còn dai dẳng tới vài năm.

Đối với những trường hợp người trưởng thành mắc bệnh Osgood Schlatter và các biện pháp điều trị bảo tồn cho kết quả thất bại thì cần xét đến phương án phẫu thuật. Bệnh nhân sẽ thực hiện loại bỏ các mạnh sụn và mảnh xương tự do để chấm dứt các cơn đau dày vò.

4. Chế độ sinh hoạt cho bệnh nhân Osgood Schlatter

Để ngăn chặn sự phát triển của bệnh viêm củ lồi trước xương chè cho trẻ, các bậc phụ huynh nên ghi nhớ một số lưu ý sau:

  • Nếu bé thừa cân, hãy động viên bé giảm cân để giảm áp lực khối lượng cơ thể lên đầu gối;

  • Bé không được vận động mạnh, trước và sau khi hoạt động hay chơi thể thao cần thực hiện kỹ các bài tập vận động;

  • Vùng tổn thương cần được cố định và có chế độ nghỉ ngơi hợp lý;

  • Trẻ cần uống thuốc đúng giờ, đồng thời tập luyện các bài tập vật lý để cải thiện bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ.

Trẻ bị Osgood Schlatter nên vận động nhẹ nhàng, tránh chạy nhảy nhiều cho đến khi khỏi bệnh

Trẻ bị Osgood Schlatter nên vận động nhẹ nhàng, tránh chạy nhảy nhiều cho đến khi khỏi bệnh

Trên đây là những thông tin do MEDLATEC tổng hợp để giúp bạn hiểu bệnh Osgood Schlatter là gì, ai là đối tượng có nguy cơ cao bị bệnh và những biện pháp giúp chấm dứt tình trạng này. Trong trường hợp cần được thăm khám và lắng nghe các tư vấn từ chuyên gia của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, bạn có thể đến khám trực tiếp tại viện hoặc để chủ động hơn, bạn có thể đặt lịch khám qua tổng đài 1900 56 56 56.

Từ khóa » Sưng đau Lồi Củ Trước Xương Chày