Nguyên Nhân Và Cách Xử Trí Khi Bị Chuột Rút - YouMed

Nội dung bài viết

  • 1. Chuột rút là gì?
  • 2. Nguyên nhân của chuột rút là gì?
  • 3. Ai dễ bị chuột rút?
  • 4. Triệu chứng của chuột rút là gì?
  • 5. Chẩn đoán chuột rút như thế nào?
  • 6. Phải làm gì khi bị chuột rút?
  • 7. Phải làm gì để ngăn ngừa tình trạng chuột rút xảy ra?

Chuột rút, hay còn gọi là vọp bẻ, là một hiện tượng khá thường gặp. Đây là một hiện tượng có thắt cơ liên tục, ngoài ý muốn. Khi bị chuột rút bạn thường có cảm giác rất đau, đột ngột phải dừng hoạt động trong chốc lát. Mặc dù chuột rút thường vô hại, một số trường hợp chuột rút kéo dài có thể ảnh hưởng đến cơ. Bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa chuột rút xảy ra. Việc trang bị những kiến thức cơ bản về chuột rút  phần nào giúp giải tỏa những thắc mắc và lo âu của bạn. Vì vậy, hãy cùng YouMed tìm hiểu những thông tin đó trong bài viết sau đây nhé!

1. Chuột rút là gì?

Chuột rút là sự co thắt đột ngột, không tự ý xảy ra ở nhiều cơ. Thông thường. chuột rút sẽ kéo dài từ vài giây cho đến vài phút. Tình trạng có thắt cơ này thường gây đau, thậm chí rất đau, và có thể tác động đến nhiều nhóm cơ khác nhau. Cường độ cơn đau của chuột rút có thể khiến bạn phải thức giấc vào ban đêm hoặc khó khăn trong đi lại.

Những nhóm cơ ở chân là những nhóm cơ thường bị ảnh hưởng: vùng cơ bắp chân, mặt sau đùi, phía trước đùi. Tuy nhiên, bạn cũng có thể bị chuột rút ở những nhóm cơ ở:

  • Thành bụng.
  • Cánh tay.
  • Bàn tay.
  • Bàn chân.
Hình ảnh minh họa chuột rút ở vùng bắp chân trong khi đang chạy bộ.

Trong một số trường hợp, khi bị chuột rút, bạn có thể sờ thấy một khối cơ bên dưới da của bạn.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.

Tập luyện thể thao hoặc lao động thể chất trong thời gian dài, đặc biệt trong thời tiết nóng, có thể dẫn đến chuột rút. Một số loại thuốc hoặc tình trạng bệnh lý nào đó cũng có thể gây nên chuột rút. Bạn thường có thể tự điều trị chuột rút tại nhà bằng các biện pháp tự chăm sóc.

2. Nguyên nhân của chuột rút là gì?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chuột rút. Có thể kể đến một số nguyên nhân thường gặp như:

  • Quá sử dụng cơ bắp: thường xuất hiện khi bạn tập luyện
  • Sự mất nước: có thể bị mất quá nhiều dịch
  • Sự căng cơ
  • Giữ cơ thể ở một ví trí kéo dài

Tuy nhiên, nhiều trường hợp, nguyên nhân dẫn đến chuột rút là không rõ ràng. Mặc dù hầu hết chuột rút là vô hại, một số trường hợp có liên quan đến một tình trạng sức khỏe  nào đó. Có thể kể đến như:

  • Sự cung cấp máu không đầy đủ.

Các động mạch nuôi dưỡng chân của bạn có thể bị hẹp. Điều này có thể dẫn đến giảm cung cấp máu cho cơ bắp ở chân. Khi bạn đi lại, chơi thể thao…, sự thiếu máu này có thể gây nên cơn đau như chuột rút. Những cơn chuột rút này có thể biến mất khi bạn dưng hoạt động.

  • Sự chèn ép thần kinh.

Dây thần kinh tủy sống bị chèn ép cũng có thể tạo ra cơn đau giống chuột rút ở chân. Cơn đau này thường tồi tệ hơn khi bạn đi lại. Đi lại với tư thế hơi gấp phía trước – ví dụ như bạn đẩy một giỏ hàng đi trước bạn – có thể cải thiện hoặc trì hoãn sự xuất hiện các triệu chứng này.

  • Thiếu hụt khoáng chất

Quá ít kali, calci hay magie trong thực đơn có thể góp phần gây nên chuột rút. Thuốc lợi tiểu – thuốc thường kê cho những người cao huyết áp – cũng có thể gây thiếu những khoáng chất này.

  • Chứng nghiện rượu
  • Suy thận
  • Suy giáp
  • Thai kì
    Chuột rút là tình trạng khá thường gặp ở phụ nữ mang thai
    Chuột rút là tình trạng khá thường gặp ở phụ nữ mang thai.

3. Ai dễ bị chuột rút?

Những yếu tố có thể khiến bạn dễ bị chuột rút hơn những người khác. Có thể kể đến là:

  • Tuổi

Những người lớn tuổi sẽ bị mất dần khối cơ bắp theo thời gian. Vì vậy, những phần cơ bắp còn lại sẽ phải tăng hoạt động. Do đó, chúng dễ bị mỏi cơ hơn nhiều.

  • Mất nước

Những vận động viên dễ bị mệt mỏi và mất nước khi họ tham gia thể thao trong thời tiết nóng bức. Tình trạng này khiến họ dễ bị chuột rút hơn.

  • Thai kì

Có thắt cơ rất thường gặp khi bạn mang thai.

  • Một bệnh lí nào đó

Bạn có thể dễ bị chuột rút hơn nếu bạn bị đái tháo đường, rối loạn thần kinh, gan, thận, hoặc tuyến giáp.

Chơi thể thao, đặc biệt trong thời tiết nóng dễ bị mất nước, điều này có thể dẫn đến chuột rút
Chơi thể thao, đặc biệt trong thời tiết nóng dễ bị mất nước, điều này có thể dẫn đến chuột rút.

4. Triệu chứng của chuột rút là gì?

Hầu hết chuột rút xuất hiện ở chân, đặc biệt là khối cơ vùng bắp chân. Bên cạnh cơn đau chói, đột ngột, bạn cũng có thể cảm thấy hoặc thấy một khối cơ ngay dưới da của bạn.

Chuột rút thường vô hại và không yêu cầu sự chăm sóc y tế. Tuy nhiên, bạn nên đến gặp bác sĩ, nếu tình trạng chuột rút của bạn:

  • Trầm trọng.
  • Không cải thiện khi kéo dãn.
  • Xảy ra trong thời gian dài.
  • Đi kèm tình trạng yếu cơ, sưng chân, đỏ hoặc thay đổi màu da.
  • Xuất hiện thường xuyên.
  • Không liên quan đến những nguyên nhân trước đó, như tập luyện tích cực.

Những dấu hiệu này có thể chỉ ra một tình trạng y tế nào đó.

5. Chẩn đoán chuột rút như thế nào?

Để biết được nguyên nhân của chuột rút, bác sĩ sẽ thực hiện một bài kiểm tra thể chất cho bạn. Họ có thể hỏi bạn một số câu hỏi.Có thể kể đến là:

  • Tần suất xảy ra chuột rút của bạn là như thế nào?
  • Chuột rút ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn như thế nào?
  • Những khối cơ nào bị chuột rút?
  • Bạn có uống thuốc gì để điều trị chưa?
  • Bạn có uống rượu bia hay không?
  • Thói quen tập luyện hay chơi thể thao của bạn như thế nào?
  • Mỗi ngày thói quen uống nước của bạn như thế nào?

Bạn cũng có thể cần làm một xét nghiệm máu. Mục đích để kiểm tra nồng độ kali, canci trong máu của bạn, cũng như chức năng gan, thận, tuyến giáp. Nếu là phụ nữ, bạn cũng có thể làm xét nghiệm kiểm tra mang thai hay không.

Ngoài ra đo điện cơ cũng là một xét nghiệm để đo hoạt động cơ và kiểm tra những bất thường cơ nếu có. Chụp cộng hưởng từ cũng có thể là một xét nghiệm có ích. Đây là một công cụ hình ảnh tạo ra một bức tranh về tủy sống của bạn.

Hãy báo cho bác sĩ của bạn nếu bạn cảm thấy yếu cơ, đau, hoặc mất cảm giác. Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của rối loạn thần kinh.

6. Phải làm gì khi bị chuột rút?

Khi đột ngột bị chuột rút, bạn có thể tự quản lí cơn chuột rút này.

  • Bạn có thể áp dụng biện pháp băng ép nóng hoặc lạnh lên vùng cơ bị đau để giảm đau. Bạn cũng có thể sử dụng bất kì biện pháp nào sau đây: Một chiếc khăn nóng (hoặc lạnh), đá lạnh.
  • Kéo dãn cơ bị chuột rút cũng có thể làm giảm cơn đau do co thắt cơ. Ví dụ, nếu bắp chân của bạn bị chuột rút, bạn có thể dùng tay kéo bàn chân của bạn lên cao để kéo dãn bắp chân. Hoặc bạn có thể ngồi lên sàn nhà hoặc một cái ghế với chân bị chuột rút được duỗi thẳng.
  • Cố gắng kéo đầu ngón chân về phía đầu trong khi chân của bạn vẫn giữ tư thế thẳng. Điều này cũng giúp giảm chuột rút cho nhóm cơ sau đùi. Đối với nhóm cơ trước đùi, hãy cố gắng gấp gối, kéo bàn chân về phía mông. Có thể ổn định cơ thể bằng cách vịn một tay vào ghế.
    chuot-rut
    Minh họa cách kéo dãn khi bị chuột rút bắp chân.
  • Nếu cơn đau không cải thiện, có thể uống thuốc không cần kê đơn của bác sĩ, thuốc kháng viêm, ví dụ như ibuprofen. Nó cũng có thể giúp kéo dãn nhẹ vùng cơ bị đau.
  • Chuột rút có thể làm gián đoạn giấc ngủ của bạn. Nếu điều này xảy ra, hay nói với bác sĩ của bạn để kê thuốc giãn cơ. Thuốc này giúp thư giãn cơ và làm dịu đi cơn chuột rút.
  • Kiểm soát tốt những nguyên nhân cơ bản dẫn đến chuột rút có thể cải thiện các triệu chứng và làm dịu đi cơn chuột rút. Ví dụ, bác sĩ có thể khuyến cáo bạn bổ sung nếu nồng độ kali hay canxi gây ra sự kích hoạt chuột rút.

7. Phải làm gì để ngăn ngừa tình trạng chuột rút xảy ra?

Cách đơn giản nhất để ngăn ngừa chuột rút xảy ra là tránh hoặc hạn chế những tập luyện gây căng cơ hoặc gây chuột rút.

Ngoài ra, bạn cũng có thể thực hiện một số biện pháp sau đây:

  • Kéo dãn hoặc làm ấm trước khi tham gia thể thao hoặc tập luyện. Không làm ấm cơ thể trước có thể dẫn đến căng cơ và dễ chấn thương khi tập luyện. Nếu bạn hay bị chuột rút chân vào ban đêm khi ngủ, có thể kéo dãn nhẹ nhàng trước khi ngủ. Những bài tập nhẹ nhàng như đạp xe đạp tĩnh vài phút trước khi ngủ, cũng có thể giúp ngăn ngừa chuột rút.
  • Không tập thể dục ngay sau khi ăn.
  • Giảm lượng thức ăn và đồ uống có chưa caffein, chẳng hạn như cà phê hay sô cô la
  • Hãy đảm bảo rằng bạn đã uống đủ nước trong ngày để tránh thiếu nước. Lượng nước nhập vào sẽ phụ thuộc vào chế độ ăn, giới tính, mức độ hoạt động, thời tiết, tuổi, sức khở hay thuốc mà bạn đang uống. Đầy đủ nước giúp cơ co và thư giãn, tránh bị kích thích. Cơ thể của bạn sẽ dễ bị mất nước hơn khi bạn hoạt động thể chất. Vì vậy, bạn nên tăng lượng nước uống vào khi bạn tập luyện nhé.
  • Tăng lượng canxi hoặc kali nạp vào cơ thể hàng ngày bằng cách uống sữa, nước cam hoặc ăn chuối.
  • Hãy thảo luận với bác sĩ của bạn về việc bổ sung vitamin. Điều này rất quan trọng vì cần đảm bảo rằng cơ thể của bạn nhận được những dinh dưỡng và khoáng chất cần thiết.
Kéo dãn cơ thể hoặc vận động nhẹ nhàng trước khi chơi thể thao là cách để phòng ngừa chuột rút xảy ra
Kéo dãn cơ thể hoặc vận động nhẹ nhàng trước khi chơi thể thao là cách để phòng ngừa chuột rút xảy ra.

Những thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu có bất kì thắc mắc hay lo lắng gì, hãy liên hệ ngay với bác sĩ của bạn. Tuyệt đối không tự ý điều trị!

Chuột rút là một tình trạng rất thường gặp trong đời sống. Đây là một tình trạng co thắt cơ đột ngột, gây đau và thường diễn ra trong thời gian ngắn. Những khối cơ vùng chân thường dễ bị chuột rút hơn. Thông thường chuột rút thường vô hại. Hy vọng bài viết cung cấp được những thông tin hữu ích về tình trạng chuột rút nhằm giải tỏa bớt lo âu của bạn đọc. Đừng ngại để lại những thắc mắc ở phần bình luận, cũng như chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Mong nhận được những phản hồi cũng như đồng hành cùng bạn ở những bài viết kế tiếp. YouMed luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!

Từ khóa » Hiện Tượng Vọp Bẻ