Nguyên Nhân Và Phạm Vi Có Xung đột Pháp Luật Trong Tư Pháp Quốc Tế

NGUYÊN NHÂN VÀ PHẠM VI CÓ XUNG ĐỘT PHÁP LUẬT TRONG TƯ PHÁP QUỐC TẾ

MỞ BÀI:

     Khi có hai hoặc nhiều hệ thống pháp luật cùng liên quan tới một quan hệ tư pháp quốc tế thì các hệ thống pháp luật này đều có khả năng được áp dụng để điều chỉnh quan hệ đó. Trong khi đó cũng khó có thể áp dụng cùng một lúc cả hai hay nhiều hệ thống pháp luật của các nước khác nhau để giải quyết một quan hệ tư pháp quốc tế, do các hệ thống pháp luật đó là khác nhau. Vì vậy, vấn đề là phải chọn ra trong số hai hay nhiều hệ thống pháp luật liên quan để điều chỉnh quan hệ cụ thể đang xem xét, hiện tượng này được gọi là có xung đột pháp luật. Để hiểu thêm về chế định này theo pháp luật hiện hành, em xin chọn đề bài số 09: “Phân tích nguyên nhân và phạm vi có xung đột pháp luật, nêu ý kiến cá nhân về các vấn đề đó.” làm bài tập học kỳ của mình. Bài làm chắc chắn còn nhiều thiếu sót mong thầy cô góp ý để bài làm thêm hoàn thiện. Em xin chân thành cảm ơn!

NỘI DUNG

I. NGUYÊN NHÂN VÀ PHẠM VI CÓ XUNG ĐỘT PHÁP LUẬT

1.1. Khái niệm xung đột pháp luật

     Trước khi tìm hiểu nguyên nhân và phạm vi có xung đột pháp luật, ta tìm hiểu như thế nào là xung đột pháp luật. Hiện nay, hiểu một cách chung nhất “xung đột pháp luật là hiện tượng hai hay nhiều hệ thống pháp luật của các nước khác nhau cùng có thể được áp dụng để điều chỉnh một quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài (quan hệ tư pháp quốc tế).”

      Như vậy theo khái niệm trên, xung đột pháp luật không được hiểu là sự xung khắc hay sự khác biệt giữa hệ thống pháp luật, đó là một hiện tượng riêng có, hiện tượng đặc thù của tư pháp quốc tế, sẽ xuất hiện khi có hai hệ thống pháp luật hoặc nhiều hệ thống pháp luật cũng có thể điều chỉnh một quan hệ tư pháp quốc tế.

1.2. Nguyên nhân của hiện tượng xung đột pháp luật

      Như vậy, xung đột pháp luật là hiện tượng đặc thù của tư pháp quốc tế, nó xuất phát do hai nhóm nguyên nhân:

1.2.1. Nguyên nhân khách quan

      Thứ nhất, do pháp luật các nước có sự khác nhau

     Pháp luật do nhà nước xây dựng nên, phù hợp với các điều kiện chính trị, xã hội… của nước mình. Vì vậy, có rất nhiều yếu tố làm cho pháp luật của các nước trên thế giới không giống nhau, đó có thể là:

     Do nguyên nhân chính trị, kinh tế, xã hội: Các quốc gia đều tồn tại dựa trên một nền tảng kinh tế nhất định với một chế độ sở hữu tương ứng. Mà chế độ sở hữu là một bộ phận của cơ sở hạ tầng, có mối quan hệ biện chứng với kiến trúc thượng tầng trong đó pháp luật là một cấu thành quan trọng. Vì vậy, dựa trên một chế độ sở hữu nhất định thì pháp luật cũng được hình thành để phản ứng một cách phù hợp và tương xứng.

     Sự khác nhau giữa hệ thống pháp luật các nước còn có thể từ các nguyên nhân khác như tập quán, truyền thống, tín ngưỡng, tôn giáo, bởi cách giải thích pháp luật khác nhau, áp dụng pháp luật khác nhau và hơn nữa là trình độ phát triển ở các nước là không đồng đều…

     Do sự khác biệt giữa các nước về kinh tế, chính trị, xã hội: theo quan điểm của triết học Mác – Lenin, giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng có mối quan hệ biện chứng với nhau. Cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng, kiến trúc thượng tầng có sự tác động trở lại cơ sở hạ tầng. Do đó, đối với mỗi quốc gia sự phát triển kinh tế là khác nhau chính vì vậy dẫn đến các yếu tố về hệ thống pháp luật, chính trị là khác nhau; các nước đều có những quan điểm về chính trị, pháp quyền, đạo đức, tôn giáo... là khác nhau do đó cũng có sự khác biệt trong sự vận động của nền kinh tế. Nếu nền kinh tế phát triển kéo theo cả một hệ thống pháp luật được xây dựng hoàn thiện, phát triển và ngược lại nếu nền kinh tế lạc hậu, kém phát triển thì hệ thống pháp luật cũng có những yếu kém, hạn chế nhất định. sự dung hòa trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong quan hệ tư pháp quốc tế có thể được giải quyết nếu các nước có sự phát triển tương đương về mặt kinh tế, xã hội. Chính những sự khác biệt về kinh tế, chính trị, xã hội đã tạo ra một rào cản trong việc áp dụng pháp luật để giải quyết chung một vấn đề phát sinh giữa các nước.

     Như vậy, nếu pháp luật các nước không có sự khác nhau thì không có hiện tượng hai hay nhiều hệ thống pháp luật cũng có thể điều chỉnh quan hệ.

      Thứ hai, do quan hệ tư pháp quốc tế luôn có yếu tố nước ngoài

      Các quan hệ mà tư pháp quốc tế điều chỉnh là các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài thuộc đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế . Chính yếu tố nước ngoài đã làm cho  các quan hệ này liên quan tới ít nhất là hai quốc gia, hai hệ thống pháp luật mà quốc gia dù lớn dù nhỏ đều độc lập và bình đẳng với nhau. Các hệ thống pháp luật là bình đẳng với nhau nên các hệ thống pháp luật đó đều có thể được áp dụng để điều chỉnh một quan hệ, một quan hệ trong tư pháp quốc tế tương ứng và hầu hết các quốc gia đều chấp nhận việc có thể áp dụng pháp luật nước ngoài để điều chỉnh lực này. Quyết định sử dụng hệ thống pháp luật nào chính là vấn đề cần giải quyết. Khoa học tư pháp quốc tế gọi đó là hiện tượng xung đột pháp luật.

1.2.2. Nguyên nhân chủ quan

     Nguyên nhân chủ quan là do có sự thừa nhận khả năng áp dụng pháp luật nước ngoài của nhà nước . Thực tế có những quan hệ pháp luật nảy sinh, mặc dù hệ thống pháp luật của các nước là khác nhau, cũng có sự xuất hiện của yếu tố nước ngoài tức là thỏa mãn hai điều kiện của nguyên nhân khách quan nói trên, nhưng vẫn không có xung đột pháp luật. Đó là những quan hệ trong lĩnh vực công như hình sự, hành chính, dù có yếu tố nước ngoài nhưng không xảy ra hiện tượng xung đột pháp luật. Sỡ dĩ như vậy do đây là những quan hệ trong lĩnh vực công, việc áp dụng pháp luật nước ngoài có thể gây mất ổn định của an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, có thể đánh mất đi những giá trị cốt lõi, nền tảng của chính mình. Nói một cách khác, nếu thừa nhận có xung đột pháp luật trong lĩnh vực công thì đồng nghĩa với việc  có thể chấp nhận pháp luật nước ngoài, và điều đó là một điều hết sức lý và không thực tiễn không chỉ đối với Việt Nam mà với tất cả các nước.

      Trong khi đó, các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài sẽ phát sinh hiện tượng xung đột pháp luật. Do bản chất của các quan hệ này là quan hệ dân sự, các quan hệ đời thường diễn ra hằng ngày giữa người dân với nhau, họ là các chủ thể ngang quyền và bình đẳng với nhau. Chính yếu tố bình đẳng trong quan hệ này là cơ sở để có thể đặt ra vấn đề bình đẳng trong luật pháp giữa các nước  và khi quan hệ liên quan đến nhiều quốc gia  thì nhiều hệ thống pháp luật tương ứng sẽ có thể được cân nhắc  áp dụng để điều chỉnh quan hệ cụ thể đang xem xét, tức là có xung đột pháp luật. Nói cách khác, do đặc trưng của quan hệ dân sự không “ nghiêm trọng” mà các quốc gia đều thừa nhận khả năng có thể áp dụng pháp luật nước ngoài với những điều kiện nhất định.  Đây là điều kiện cần và đủ để hiện tượng xung đột pháp luật tồn tại trong các quan hệ tư pháp quốc tế.

      Như vậy, lý do khách quan là tiền đề quan trọng để xuất hiện hiện tượng xung đột pháp luật, lý do chủ quan là lý do quyết định có tồn tại quan hệ xung đột pháp luật hay không. Nếu lý do khách quan được đáp ứng, quan hệ lại rơi vào nhóm được nhà nước thừa nhận có thể áp dụng pháp luật nước ngoài thì xung đột pháp luật nảy sinh quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế. Nếu lý do khách quan thỏa mãn nhưng lại không có sự đồng ý cho áp dụng pháp luật nước ngoài trong loại quan hệ đó thì hiện tượng xung đột pháp luật cũng không thể nảy sinh như các quan hệ trong lĩnh vực luật công có yếu tố nước ngoài.

     Ví dụ: Ông K là công dân Việt Nam sinh sống tại thành phố B của Bungari từ năm 1990. Đến năm 2008 ông K bị chết đột ngột và có để lại một số tài sản bao gồm: 1 ngôi nhà ở thành phố H của Việt Nam, 1 ngôi nhà tại thành phố B của Bungari và một số tiền tại nhà băng của Bungari. Như vậy trong trường hợp này hệ thống pháp luật của hai nước là Việt Nam và Bungari đều có thể được áp dụng để giải quyết quan hệ này do nội dung quan hệ đều có mối quan hệ với hai nước Việt Nam và Bungari. Vậy pháp luật nước nào sẽ được áp dụng để tòa án giải quyết vụ việc này? Hiện tượng này được gọi là xung đột pháp luật.

1.3. Phạm vị có xung đột pháp luật

     Như đã trình bày ở trên, các quan hệ tư pháp quốc tế phát sinh mà hầu hết trong số đó sẽ làm phát sinh hiện tượng đặc thù của ngành luật là hiện tượng xung đột pháp luật.  Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là xung đột pháp luật xuất hiện trong phạm vi nào, trong tất cả các quan hệ tư pháp quốc tế hay có ngoại lệ nào không ?

      Đối với các quan hệ pháp luật dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài như hôn nhân, hợp đồng dân sự, thương mại… thì xung đột pháp luật sẽ nảy sinh hầu hết trong các quan hệ này, tuy nhiên xung đột pháp luật sẽ không xảy ra trong một số trường hợp đặc biệt do tính chất đặc thù của một số quan hệ, ở đây tiêu biểu là một số quan hệ liên quan về sở hữu trí tuệ, quan hệ tố tụng tòa án trọng tài.  

      Điều 678. BLDS 2015 quy định về quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản như sau:

“ 1. Việc xác lập, thực hiện, thay đổi, chấm dứt quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có tài sản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản là động sản trên đường vận chuyển được xác định theo pháp luật của nước nơi động sản được chuyển đến, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

     Như vậy, về nguyên tắc việc xác lập quyền của tài sản sẽ được xác lập nơi pháp luật có tài sản, tuy nhiên quyền sở hữu trí tuệ  lại có ngoại lệ.  

     Điều 679. Quyền sở hữu trí tuệ BLDS 2015 quy định:

“ Quyền sở hữu trí tuệ được xác định theo pháp luật của nước nơi đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được yêu cầu bảo hộ.”

     Như vậy, với đặc điểm nổi bật là tính vô tính của tài sản, nên tài sản trí tuệ phát sinh trên cơ sở pháp luật nước nào, yêu cầu bảo hộ ở đâu thì chỉ được bảo hộ và chỉ bảo hộ được trong phạm vi nước đó mà thôi. Vì vậy, đối với các quan hệ này không có xung đột pháp luật , do vậy không thể áp dụng luật nước ngoài để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho một đối tượng nào đó ở Việt Nam. Song , đối với các quan hệ hợp đồng có đối tượng liên quan đến chuyển giao quyền đến sở hữu trí tuệ như hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng hoặc chuyển giao quyền sở hữu các đối tượng sở hữu trí tuệ; hoặc các quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra được xem là các quan hệ hợp đồng, bồi thường thiệt hại hay quan hệ dân sự bình thường và đều có xung đột pháp luật. [caption id="attachment_63402" align="aligncenter" width="345"]Nguyên nhân và phạm vi có xung đột pháp luật Nguyên nhân và phạm vi có xung đột pháp luật[/caption]

II. QUAN ĐIỂM CÁ NHÂN VỀ NGUYÊN NHÂN VÀ PHẠM VI CÓ XUNG ĐỘT PHÁP LUẬT

2.1. Quan điểm về nguyên nhân có hiện tượng xung đột pháp luật

      Hiện nay, nội dung liên quan đến nguyên nhân có hiện tượng xung đột pháp luật vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau, không thống nhất. Theo Ths. Bùi Thị Thu , có hai nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng xung đột pháp luật trong tư pháp quốc tế đó là:

     Thứ nhất, liên quan đến những nguyên nhân mang tính “ nội tại” của các quan hệ tư pháp quốc tế. Đây là quan hệ có tính chất “quốc tế” nên bất cứ khi nào trong một xã hội “ quốc tế hóa” thì khả năng có xung đột pháp luật xuất hiện.

      Thứ hai, nguyên nhân mang tính khách quan xuất phát từ tính đa dạng, phong phú của các hệ thống pháp luật hiện nay trên thế giới. Thực tế, hiện nay trên thế giới có bao nhiêu quốc gia thì có bấy nhiêu hệ thống pháp luật khác nhau. Điều này dẫn đến hệ quả là việc áp dụng các hệ thống pháp luật khác nhau để giải quyết một quan hệ tư pháp quốc tế có thể dẫn đến các hệ quả pháp lý khác nhau.

     Như vậy, có thể thấy quan điểm về nguyên nhân xuất hiện xung đột pháp luật của Ths Bùi Thị Thu cũng khá đơn giản và có phần khái quát cao.

     Xét trên quan điểm cá nhân, bản thân em có một số nhận xét, ý kiến về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng xung đột pháp luật như sau:

     Thứ nhất, cá nhân em cho rằng trong hai nguyên nhân khách quan, chủ quan (như trình bày ở trên) dẫn đến có hiện tượng xung đột pháp luật xảy ra chỉ cần có xuất hiện nhóm nguyên nhân khách quan là có thể đủ để có hiện tượng xung đột pháp luật. Theo em không cần phải có nguyên nhân “có sự thừa nhận khả năng áp dụng pháp luật nước ngoài của nhà nước” trong việc giải quyết xung đột pháp luật trong tư pháp quốc tế. Sở dĩ như vậy do nếu quốc gia đó đã thừa nhận có một ngành luật mang tên “tư pháp quốc tế”, hay ngành luật có tính chất tương đương như vậy thì cũng ngầm hiểu rằng đó là ngành luật mà đối tượng điều chỉnh của nó bao gồm các quan hệ nội dung có “tính chất dân sự” có yếu tố nước ngoài và các quan hệ phát sinh trong lĩnh vực tố tụng dân sự có yếu tố nước ngoài. “Yếu tố nước ngoài” là minh chứng khác biệt nhất cho sự khác biệt có thể áp dụng pháp luật nước ngoài giải quyết vụ việc có yếu tố nước ngoài, khác với việc giải quyết pháp luật nội địa. Nói cách khác nếu một quốc gia không thừa nhận có “tư pháp quốc tế” thì không thể áp dụng pháp luật nước ngoài trong giải quyết việc dân sự theo nghĩa rộng, như vậy nếu thừa nhận có “tư pháp quốc tế” tức việc áp dụng pháp luật nước ngoài của nhà nước đương nhiên đã luôn được thừa nhận để giải quyết những vụ việc mà ngành này có đối tượng điều chỉnh. Ở đây, chúng ta đang xét đến đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế là các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, như vậy việc có thể áp dụng pháp luật nước ngoài để giải quyết một xung đột có yếu tố nước ngoài là đương nhiên.

      Thứ hai, để hoàn thiện hơn về nguyên nhân có xung đột pháp luật theo em có thể bổ sung thêm nguyên nhân “quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, thương mại và tố tụng dân sự có yếu tố nước ngoài không được điều chỉnh bằng quy phạm thực chất thống nhất.” 

      Việc xây dựng và hình thành các quy phạm thực chất thống nhất của các quốc gia khác nhau là rất cần thiết, nó làm giảm hoặc thậm chí triệt tiêu sự khác biệt trong luật pháp của các quốc gia và có tính chất đơn giản hóa và hữu hiệu hóa trong điều chỉnh các quan hệ tư pháp quốc tế. Trong những trường hợp nhất định nếu cứ áp dụng luật trong nước để điều chỉnh thì rất khó giải quyết và thậm chí có trường hợp không thể giải quyết nổi, trong khí đó các điều ước quốc tế mà trong đó có các quy phạm thực chất thống nhất, cơ quan có thẩm quyền giải quyết cũng như các bên tham gia quan hệ Tư pháp quốc tế sẽ chiếu theo đó để xem xét và giải quyết thực chất vấn đề trên cơ sở áp dụng ngay các quy phạm đó. Nó cũng loại trừ việc phải chọn luật và áp dụng luật nước ngoài nữa, mà áp dụng ngay các quy phạm điều ước đó. 

     Có thể nói, quy phạm thực chất đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế những xung đột pháp luật giữa các nước, nó là căn cứ pháp lý chung để các quốc gia làm căn cứ giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài. Chính vì vậy, khi các quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, thương mại và tố tụng dân sự có yếu tố nước ngoài không được điều chỉnh bằng quy phạm thực chất sẽ dẫn đến những xung đột pháp luật giữa các quốc gia.

     Khách quan để nói luôn có sự khác nhau về nội dung trong pháp luật của các nước; hoặc có sự khác nhau trong việc giải thích và áp dụng những quy định giống nhau về mặt hình thức.  Nguyên nhân là do sự phát triển về mặt kinh tế, chính trị, xã hội tạo ra những khác biệt trong quy định của pháp luật các nước, hay nói cách khác chính những sự khác biệt này các quốc gia sẽ phải xây dựng cho mình hệ thống pháp luật phù hợp với những quan hệ đó nhằm điều chỉnh xã hội. Có thể nói, mặc dù cùng điều chỉnh chung một vấn đề nhưng nội dung trong pháp luật của các nước có quy định khác nhau, chính điều này đã tạo nên xung đột pháp luật giữa các nước.

2.2. Quan điểm về phạm vi xung đột pháp luật

      Theo em, việc xung đột pháp luật sẽ nảy sinh trong hầu hết các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài, trừ một số trường hợp đặc biệt mà tiêu biểu là quan hệ liên quan đến việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ do đó phạm vị xung đột pháp luật không xảy ra đối với bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là hợp lý và thiết thực trong thời kỳ hiện nay, bởi lẽ:

     Theo như đã phân tích, về nguyên tắc việc áp dụng pháp luật đối với tài sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có tài sản. Đa phần những quan hệ dân sự liên quan đến quyền tài sản hữu hình sẽ xảy ra hiện tượng xung đột pháp luật do tính chất của loại tài sản này mình có thể cầm, nắm, nhìn thấy, có thể kiểm soát nó được như thế, do mang những tính chất đó cộng với trình độ khác nhau giữa các quốc gia nên pháp luật của các quốc gia có những quy định riêng, nguyên tắc riêng để bảo vệ quyền tài sản đó khác nhau là điều tất yếu ( đại đa số ), do đó hiện tượng xung đột pháp luật diễn ra đối với  tài sản hữu hình là đại đa số.

        Ngược lại với tài sản vô hình, tài sản, quyền sở hữu trí tuệ là loại tài sản vô hình, nhiều chủ thể khác nhau cùng một lúc đều có thể sử dụng nó, ví dụ như các phần mềm máy tính, sách… như vậy, chúng ta sẽ không thể đặt ra việc dùng pháp luật của nước nơi có tài sản để giải quyết các tranh chấp đối với  loại tài sản này. Mặt khác nếu dùng pháp luật gốc của nước nó được tạo ra lần đầu tiên thì cũng không thể bảo vệ được quyền tác giả, quyền sở hữu tác giả vì các cá nhân, tổ chức ở nước khác có thể sử dụng và có thể làm tổn hại đến tác phẩm do không thể kiểm soát một phạm vi rộng lớn như thế được. Do đó, tài sản trí tuệ phát sinh trên cơ sở pháp luật nước nào, yêu cầu bảo hộ ở đâu thì chỉ được bảo hộ ở đó và chỉ được bảo hộ ở nước đó mà thôi là điều hoàn toàn hợp lý và giúp cơ quan có thẩm quyền có thể kiểm soát và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ một cách thiết thực được. Như vậy, xung đột pháp luật sẽ không xảy ra với quyền bảo hộ tài sản trí tuệ, tuy nhiên các hợp đồng dân sự có liên quan đến chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ thì vẫn xảy ra hiện tượng xung đột pháp luật do tính chất dân sự của nó.

KẾT THÚC

     Sự hợp tác quốc tế về mọi mặt giữa các quốc gia là hiện thực tất yếu khách quan trong mọi thời đại, nhất là trong xu thế hội nhập toàn cầu hóa hiện nay. Tìm hiểu về nguyên nhân và phạm vi có xung đột pháp luật góp phần lựa phương pháp giải quyết phù hợp. Việt Nam, một quốc gia đang trên đà phát triển cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Xét về cơ sở lý luận cũng như thực tiễn, tư pháp quốc tế ở các quốc gia khác nhau còn có nhiều sự khác biệt, điều này tạo ra những rào cản, hạn chế sự giao lưu, hợp tác giữa các quốc gia. Do đó, tư pháp quốc tế Việt Nam cần không ngừng củng cố và hoàn thiện hơn nữa, nhất là với việc xây dựng ra một phương pháp giải quyết xung đột pháp luật khách quan, hợp lý. 

DANH MỤC TÀI LIỆU KHAM KHẢO

  1. Giáo trình Tư pháp quốc tế, Đại học Luật Hà Nội, nxb Tư pháp, Hà Nội 2017
  2. Bùi Thị Thu, Giáo trình Luật Tư pháp quốc tế, nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội 2010
  3. Giáo trình Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb Công an Nhân dân, năm 2009

        Luật Toàn Quốc hy vọng những gì chúng tôi cung cấp nêu trên sẽ giúp cho quý khách hiểu được phần nào quy định của pháp luật về nội dungNguyên nhân và phạm vi có xung đột pháp luật. Còn bất cứ vướng mắc gì quý khách vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn luật hôn nhân miễn phí 24/7: 1900 6178  để gặp Luật sư tư vấn trực tiếp và yêu cầu cung cấp dịch vụ hoặc gửi thư về Email: [email protected].

     Xin chân thành cảm ơn sự đồng hành của quý khách. 

     Trân trọng /./.               

Từ khóa » Hiện Tượng Xung đột Pháp Luật Trong Tư Pháp Quốc Tế