Nguyễn Phong Sắc Với Phong Trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh

Tại Hội nghị Ban Chấp hành lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng, ngày 21 tháng 7 năm 1929, Nguyễn Phong Sắc được phân công vào phụ trách khu vực Trung kỳ, với nhiệm vụ nặng nề là người đại diện của Đảng để xây dựng hệ thống tổ chức, xây dựng và lãnh đạo phong trào cách mạng ở Trung Kỳ. Từ khi bắt đầu hoạt động tại Trung Kỳ (21/7/1929 ) cho đến lúc bị địch bắt giết (vào 25/5/1931), Nguyễn Phong Sắc chỉ có gần 2 năm công tác tại Trung Kỳ nhưng đã có nhiều đóng góp to lớn cho Đảng bộ và nhân dân Trung Kỳ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng giao phó.

Việc đầu tiên sau khi Nguyễn Phong Sắc vào Vinh là tham gia phong trào “vô sản hóa”, vào nhà máy Trường Thi làm việc với công nhân, tiếp xúc với họ, tuyên truyền giác ngộ họ. Đây là việc hết sức khó khăn, phức tạp, nhưng với kinh nghiệm đã đi “vô sản hóa” nhiều nơi ở miền Bắc, Nguyễn Phong Sắc đã xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng, huấn luyện, đào tạo được nhiều cán bộ xuất thân từ công nhân. Sau một thời gian ngắn hoạt động ở Trung Kỳ, Nguyễn Phong Sắc đã kiện toàn tổ chức Đảng cấp Trung Kỳ, lập ra Kỳ bộ Trung Kỳ của Đông Dương cộng sản Đảng. Ngoài ra Đồng chí còn tập trung đào tạo cán bộ cốt cán để phụ trách phong trào tại các địa phương. Từ giữa năm 1929, Nguyễn Phong Sắc đã tập trung đào tạo, bồi dưỡng nhiều cán bộ nòng cốt cho Trung Kỳ như đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Mao, Nguyễn Tiềm, Nguyễn Lợi, Nguyễn Thức Mẫn, Nguyễn Thiếp, Mai Kính, Chu Huy Mân, Lê Viết Thuật,.... Đây là thế hệ đảng viên ưu tú được đồng chí Nguyễn Phong Sắc trực tiếp đào tạo và giúp đỡ thành cán bộ cốt cán, là những người trực tiếp tổ chức, vận động quần chúng đấu tranh, thổi bùng ngọn lửa cao trào Xô viết ở Nghệ - Tĩnh.

Để phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và hướng dẫn phong trào đấu tranh của quần chúng, Nguyễn Phong Sắc đã chỉ đạo Kỳ bộ Trung Kỳ ra báo “Người lao khổ”. Sau đó báo “Người lao khổ” lần lượt đổi tên thành báo “Lao khổ”, “Công nông binh”, “Chỉ đạo”. Tỉnh ủy Nghệ An có báo “Tiến lên”, Tỉnh ủy Hà Tĩnh có báo “Bước tới”. Các huyện: Hưng Nguyên có báo “Sản nghiệp”, Nam Đàn có báo “Giác ngộ”, Thanh Chương có báo “Nhà quê”, Anh Sơn có báo Gương vô sản, Quỳnh Lưu có báo “Tia sáng”, “Lao động”, Nghi Lộc có báo “Dân nghèo”. Dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau các tờ báo đã góp phần quan trọng cho việc tuyên truyền, trở thành vũ khí sắc bén, vạch trần bộ mặt của kẻ thù, đồng thời, kêu gọi nhân dân đoàn kết đấu tranh giành tự do, cơm áo, ruộng đất; cổ vũ, hướng dẫn quần chúng đấu tranh trong cao trào cách mạng 1930 - 1931 ở Nghệ An, Hà Tĩnh.

Sau khi Địa bộ phận Trung ương ở Trung Kỳ được thành lập, Nguyễn Phong Sắc đã nhanh chóng bắt tay vào tuyên truyền vận động, xây dựng và mở rộng cơ sở đảng, cơ sở quần chúng trong công nhân, giác ngộ quần chúng nhân dân. Nhờ tôn chỉ, mục đích và đường lối cách mạng tiến bộ, cách làm phù hợp nên đã nhanh chóng thu hút đa số đảng viên Tân Việt và Thanh niên tự nguyện xin gia nhập và chuyển hướng hoạt động theo Đông Dương Cộng sản Đảng. Những tháng cuối năm 1929 các tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập ở các làng xã của nhiều địa phương cũng như trong một số nhà máy và trường học, tạo ra luồng gió mới thổi vào phong trào cách mạng của công nhân và nông dân Nghệ An. Chỉ trong một thời gian ngắn các tổ chức như Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Hội Thanh niên, Phụ Nữ, Cứu tế... được thành lập và phát triển khắp nơi. Những hội viên có giác ngộ cộng sản trong hội Việt Nam cách mạng Thanh niên và Đảng Tân Việt đều lần lượt được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Các Hội quần chúng của Đông Dương Cộng sản Đảng, Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên và Đảng Tân Việt trước đây đều được chuyển thành Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Sinh hội đỏ, Hội phụ nữ giải phóng...Trong quá trình tập hợp lực lượng cách mạng, Nguyễn Phong Sắc hết sức quan tâm tới đội ngũ trí thức, học sinh. Nơi đầu tiên Đồng chí chú ý vận động là Trường Quốc học Vinh. Sau một thời gian giác ngộ, vận động, Nguyễn Phong Sắc đã tập hợp được một chi bộ Đông Dương Cộng sản đảng ở Trường Quốc học Vinh. Nhờ vậy, lực lượng cách mạng tại Nghệ - Tĩnh đã được phát triển không ngừng, gồm cả lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, từng bước động viên, tập hợp được đông đảo quần chúng thuộc mọi tầng lớp, giai cấp: công nhân, nông dân, một bộ phận địa chủ, phú nông, trí thức, tư sản nhỏ... tham gia vào các hoạt động đấu tranh cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tính đến tháng 6-1931, tại Nghệ An, Hà Tĩnh đã có tới 411 đội tự vệ với 9.148 đội viên, trong đó có hàng trăm đội viên cảm tử. Đây là tiền đề để Nguyễn Phong Sắc tổ chức các cuộc đấu tranh cách mạng.

Tháng 4 năm 1930, Trung ương chủ trương kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động (01/5) bằng làn sóng đấu tranh trong cả nước, đã đến lúc Nguyễn Phong Sắc phải lựa chọn thời cơ phát động cuộc đấu tranh cách mạng của quần chúng trong phạm vi tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Để chuẩn bị phát động phong trào đưa nhân dân xuống đường tranh đấu, đêm 20/4/1930, Nguyễn Phong Sắc đã chủ trì cuộc họp cán bộ cốt cán Kỳ bộ Trung Kỳ, Tỉnh bộ Nghệ An, Vinh - Bến Thủy để bàn và thông qua kế hoạch lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Hội nghị quyết định lấy ngày 01/5 làm ngày phát động phong trào quần chúng đấu tranh ở Trung Kỳ. Hội nghị đã thảo luận nội dung, hình thức hoạt động của phong trào. Trước ý kiến do dự của một số cán bộ, Nguyễn Phong Sắc đã kết luận: Nếu không có tranh đấu thì quần chúng làm sao mà được thử thách. Và Hội nghị đã thống nhất phát động phong trào đấu tranh của quần chúng công - nông.

Đêm ngày 30/4 và ngày 1/5/1930, hưởng ứng chủ trương của Đảng về kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5, truyền đơn, cờ đỏ búa liềm xuất hiện đầu tiên ở nhiều nơi như: Lộc Đa, Đức Thịnh, Chợ Vực, Chợ Đón, Chợ Liễu, Thông Lãng… Quyết tâm hành động, sáng ngày 01/5/1930, hơn 1.200 nông dân Hưng Nguyên và Nghi Lộc đã xuống các ngả đường kỷ niệm công khai bằng một cuộc biểu tình lớn. Tuy nhiên, cuộc biểu tình đã bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu, 7 người chết, 18 người bị thương. Trước tình hình đó, Nguyễn Phong Sắc đã nhanh chóng chỉ đạo Tỉnh ủy Vinh - Bến - Thủy “Chúng tôi cần làm cho các chi bộ nhà máy nắm thật chắc thợ thuyền, giáo dục cho họ đề cao ý thức kỷ luật, tuân thủ tuyệt đối lệnh chỉ huy của Đảng, đề phòng mọi việc làm manh động do không nén được lòng căm thù đã quá sâu sắc như đánh chết chủ cai, phá nhà máy, đình công lộn xộn, thiếu tổ chức, thiếu chỉ đạo”. Ngoài ra, ngày 01/5 còn có hàng chục cuộc biểu tình đấu tranh của công - nông khắp Nghệ An - Hà Tĩnh và các tỉnh miền Trung. Tiểu biểu như cuộc biểu tình của 3.000 nông dân làng Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương đòi lại ruộng đất bị tên địa chủ cường hào Ký Viễn - tay sai của thực dân Pháp chiếm đoạt. Lực lượng đã biểu tình, đập phá đồn điền của tên Ký Viễn và bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu. Nguyễn Phong Sắc đã kịp thời nghiêm khắc phê bình chi bộ Hạnh Lâm đã để cho quần chúng thực hiện đấu tranh thiếu kiểm soát theo kế hoạch. Cuộc đấu tranh nhân Ngày Quốc tế Lao động (01/5/1930) đã diễn ra đều khắp ở Trung Kỳ. Phong trào lên đến đỉnh cao và giành được nhiều kết quả nhất là phong trào đấu tranh của quần chúng ở Nghệ - Tĩnh. Tuy sau đó, bị đàn áp đẫm máu, phải giải tán giữa chừng nhưng có ý nghĩa đặc biệt và ảnh hưởng to lớn. Lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Bí thư Địa bộ phận Trung ương Trung Kỳ Nguyễn Phong Sắc, 2 giai cấp công nhân và nông dân kề vai sát cánh xuống đường, trực diện đấu tranh với kẻ thù và được sự đồng tình của binh lính địch. Đây là cuộc đấu tranh mở đầu cho cao trào cách mạng 1930 - 1931 ở Nghệ Tĩnh.

Trong quá trình lãnh đạo phong trào, Nguyễn Phong Sắc luôn theo sát diễn biến phong trào, chỉ đạo rút kinh nghiệm từng ngày, từng cuộc đấu tranh. Sau cuộc biểu tình của công - nông Nghệ - Tĩnh trong ngày 01/5/1930, đồng chí đã họp rút kinh nghiệm, chỉ đạo, phân công các đồng chí lãnh đạo mỗi người phụ trách một vùng, các đảng bộ Vinh, Nghệ An, Hà Tĩnh tổ chức hội nghị cán bộ họp bàn triển khai cụ thể nghị quyết của Địa bộ Phận Trung ương ở Trung Kỳ.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Nguyễn Phong Sắc từ ngày 01/5/1930 đến cuối năm 1930 phong trào đấu tranh phát triển rộng khắp Nghệ - Tĩnh. Ngày 27/6/1930, 300 công nhân nhà máy cưa hãng SIFA, 400 công nhân khuân vác cảng Bến Thủy, 120 công nhân nhà máy Trường Thi đã bãi công đòi quyền lợi thiết thực. Ngày 01/6/1930 đoàn biểu tình của 3.000 nông dân huyện Thanh Chương đã qua huyện đường, kéo lên tập hợp ở chợ Rộ, buộc tri huyện Phan Thanh Kỷ phải ra gặp đoàn biểu tình nhận bản yêu sách của dân và hứa đệ trình lên thượng cấp. Cuộc biểu tình của hơn 2.000 nông dân huyện Anh Sơn, ngày 02/6/1930, buộc tri phủ phải cùng đoàn tùy tùng ra gặp quần chúng, phê vào bản khất sưu của dân. Cuộc biểu tình của 500 nông dân huyện Nghi Lộc kéo lên huyện đường phản đối vụ đàn áp biểu tình ở Bến Thủy và đòi giảm thuế, buộc tri huyện phải hứa chuyển yêu sách của quần chúng lên cấp trên. Cuộc biểu tình của 600 nông dân huyện Nam Đàn ngày 18/6/1930, buộc tri huyện Lê Khắc Tưởng phải nhận bản yêu sách và hứa bẩm trình thượng cấp. Cuộc biểu tình của 600 nông dân huyện Quỳnh Lưu, ngày 20/6/1930, đòi bọn Tây đoan thực hiện các yêu sách: tự do đổ nước, cạo muối, tăng giá muối...Bất ngờ trước làn sóng đấu tranh mạnh mẽ với hình thức mới của nhân dân xứ Nghệ, thực dân Pháp buộc phải nới lỏng chính sách cai trị, giải quyết một số yêu sách của công nhân, nông dân.

Để chống tư tưởng vội thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, Nguyễn Phong Sắc đã chủ trương cổ vũ quần chúng tiếp tục đấu tranh với quy mô lớn hơn để buộc chính quyền thực dân - phong kiến thực hiện những yêu sách mà chúng đã ký. Tháng 7 năm 1930 Nguyễn Phong Sắc đã triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành lâm thời mở rộng tại xã Thuần Thiện (nay là xã Phúc Lộc, huyện Can Lộc) để phát động phong trào đấu tranh hưởng ứng ngày thế giới chống chiến tranh đế quốc (01/8), đồng thời quán triệt tinh thần và mục đích của cuộc đấu tranh. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Nguyễn Phong Sắc, cuộc đấu tranh của nhân dân huyện Can Lộc, ngày 01/8/1930 giành thắng lợi. Tháng 8/1930 phong trào cách mạng ở Nghệ An phát triển lên đỉnh cao với các cuộc đấu tranh ngày càng quyết liệt. Hình thức vừa đấu tranh chính trị, vừa kết hợp với đấu tranh vũ trang bạo động, làm cho địch trở tay không kịp. Mở đầu là cuộc đấu tranh của gần 3.000 nông dân Nam Đàn vào ngày 30/8/1930, buộc tri huyện ký yêu sách cam kết: từ nay nếu không có cớ gì không nhũng nhiễu nhân dân. Ngày 1/9/1930 toàn huyện Thanh Chương nổi dậy đấu tranh, biểu tình, với hơn 20.000 người, vượt sông, vào huyện đường, đốt huyện đường, truy kích tri huyện. Đây được xem là mốc mở đầu đánh dấu sự ra đời của chính quyền Xôviết ở Nghệ - Tĩnh. Áp lực đấu tranh mạnh mẽ của nông dân đã làm cho bộ máy chính quyền thực dân - phong kiến từ huyện đến các làng xã bị tê liệt, tan rã. Trước tình hình đó, Nguyễn Phong Sắc đã chỉ đạo các ban chấp hành Nông hội đỏ thay mặt nhân dân điều hành mọi công việc làng xã. Chính quyền Xôviết được hình thành trong hầu hết các làng xã ở Thanh Chương, Nam Đàn, Anh Sơn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên. Riêng miền núi, tại Môn Sơn, Lục Dạ (Con Cuông) đã có cơ sở Đảng và chính quyền Xôviết. Khi chính quyền của địch ở nhiều làng bị tan rã, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã vận dụng và điều hành phong trào cách mạng ở Nghệ - Tĩnh theo mô hình của chính quyền cách mạng vô sản ở nước Nga Xôviết.

Trên đà thắng lợi, Nguyễn Phong Sắc tiếp tục chỉ đạo nhân dân các huyện Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên và Thị xã Hà Tĩnh đã tổ chức một cuộc đấu tranh mang tính chất liên kết giữa các huyện vào ngày 07/9/1930. Nhân dân Hương Sơn đã biểu tình kéo về bao vây huyện đường, treo cờ đỏ búa liềm trên đỉnh núi Nầm, đội Tự vệ đỏ tịch thu lúa của địa chủ phân phát cho dân nghèo. Ngày 12/9/1930, một cuộc đấu tranh mạnh mẽ của 8.000 nông dân huyện Nam Đàn và phủ Hưng Nguyên, giương cờ đỏ, búa liềm kéo xuống Ga Yên Xuân, tiến về huyện lị. Khi đoàn biểu tình tiến đến Thái Lão thì bị thực dân Pháp cho máy bay oanh tạc, làm hàng trăm người chết và bị thương. Ngọn lửa căm thù càng sục sôi, ngay trong đêm 12/9/1930, gần 5.000 nhân dân huyện Nam Đàn đã nổ trống mõ biểu tình, kéo lên huyện đường phản đối hành động giết người của chính quyền thực dân - phong kiến. Để tỏ thái độ phản đối hành động khủng bố dã man của thực dân Pháp, Nguyễn Phong Sắc đã chỉ đạo phát truyền đơn, trực tiếp viết bài ca ngợi tinh thần đấu tranh anh dũng của quần chúng nhân dân; đồng thời lên án tội ác của bọn thực dân và tay sai.

Trong bối cảnh cao trào cách mạng đang phát triển, bất chấp sự khủng bố dã man của địch và bắt đầu phải đối phó với âm mưu, thủ đoạn mới của chúng, Nguyễn Phong Săc đã ra chỉ thị về kiện toàn tổ chức cấp ủy của bộ máy lãnh đạo. Vào tháng 9/1930, Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ nhất tại làng Phù Việt, huyện Thạch Hà. Sau khi chủ trì đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh thành công, Nguyễn Phong Sắc trở ra Nghệ An chủ trì tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ nhất, tại làng Đồng Xuân, tổng Xuân Liễu, huyện Nam Đàn (nay là xã Xuân Tường, huyên Thanh Chương). Từ đây tạo tiền đề cho sự phát triển các tổ chức đảng, và đảng viên, các tổ chức quần chúng cũng theo đó ngày càng phát triển mạnh. Nhiều địa phương có phong trào đấu tranh mạnh, lý trưởng, hương hào, bang bá co lại, phải nộp triện cho xã bộ nông lên nắm chính quyền điều hành mọi hoạt động của xã hội. Dưới chính quyền Xô viết, nông dân được chia lại ruộng đất, chấm dứt việc nộp sưu thuế cho chính quyền đế quốc - phong kiến. Luật lệ cũ được xóa bỏ, thực hiện quyền tự do, dân chủ cho nhân dân...

Khi cao trào Xô viết nổ ra rầm rộ, khắp nơi, dân Pháp sợ phong trào cách mạng như vết dầu loang đã tìm cách khủng bố, điều những quan lại sừng sỏ, giàu kinh nghiệm ‘dẹp loạn” từ nhiều nơi khác tập trung về Nghệ - Tĩnh. Chúng thay thế lính người Việt bằng lính lê dương để vào giám sát, chỉ huy ở đồn lính khố xanh. Chúng ở từng thôn xã, lập ra hệ thống bang tá, đoàn phu, ‘hội đồng đại hào mục”[1]...nhằm kìm kẹp các hoạt động của quần chúng. Thực dân Pháp mở các cuộc khủng bố trắng hòng tiêu diệt mầm mống cộng sản. Trước những âm mưu, thủ đoạn của địch, Trung ương Đảng đã chỉ đạo: phải làm rõ cho đảng viên và nhân dân thấy rõ trách nhiệm giữ gìn tổ chức của mình là điều cốt yếu, phải duy trì kiên cố lấy chi bộ đảng và hội quần chúng, phải hô hào, cổ động rộng rãi để quần chúng thấy được ý nghĩa của đội tự vệ, làm sao để mỗi nhà máy, mỗi làng đều có đội tự vệ “Hết thảy các cán bộ, các đoàn thể công - nông phải hết sức huy động quần chúng ra đấu tranh cho thiệt hăng hái...”[2]. Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành trung ương Đảng, Nguyễn Phong Sắc đã chỉ đạo in truyền đơn, tài liệu tuyên truyền, vạch trần âm mưu thủ đoạn thâm độc của địch, cổ vũ phong trào đấu tranh của nhân dân tẩy chay những hành động chống phá của địch. Tuy nhiên sau khi lập được hệ thống bang tá, đoàn phu, đưa lính lê lương, lính khố xanh về từng thôn xã vây ráp, bắt bớ, tàn sát. Trước tình hình đó, ngày 02/01/1931, Nguyễn Phong Sắc triệu tập hội nghị Ban Chấp hành mở rộng tại tổng Đặng Xá, huyện Nghi Lộc, vạch kế hoạch đấu tranh chống khủng bố trắng và phân công cán bộ cốt cán lên các huyện miền Tây Nghệ An và Hà Tĩnh để xây dựng cơ sở rút lui khi miền xuôi bị tấn công. Nguyễn Phong Sắc điều động các đồng chí lãnh đạo chủ trì là Hoàng Văn Tâm, Võ Văn Đồng và những người bị lộ đã có lệnh truy lùng rút lên trụ sở Tỉnh ủy tại huyện Thanh Chương. Còn Đồng chí lên Phúc Sơn, huyện Anh Sơn và Môn Sơn Lục Dạ, huyện con Cuông tiếp tục xây dựng phong trào cách mạng tại đồng bào dân tộc thiểu số. Tại nhà ông Vi Văn Khang, ở Môn Sơn, huyện Con Cuông đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã chủ trì thành lập Chi bộ Môn Sơn, đây là Chi bộ Đảng của đồng bào dân tộc thiểu số được thành lập đầu tiên ở Việt Nam

Sau khi dự Hội nghị Trung ương lần thứ hai của Đảng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc có nhiệm vụ truyền đạt Nghị quyết Hội nghị cho Xứ ủy Trung kỳ và Xứ ủy Bắc Kỳ. Ngày 24/4/1931, Đồng chí triệu tập và chủ trì Hội nghị mở rộng Xứ ủy Trung Kỳ; Sáng 03/5/1931, Đồng chí lên tàu hỏa ra Hà nội để phổ biến Nghị quyết Trung ương Đảng cho các đảng bộ ở Bắc Kỳ, đồng chí đã bị mật thám Pháp thẽo dõi và chặn bắt tại ga Hàng cỏ, Hà Nội và bị giam tại nhà tù Hỏa Lò. Sau một thời gian tra tấn nhưng không đạt được mục đích, chúng đã hành hình đồng chí vào đêm 25/5/1931. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc hi sinh là tổn thất hết sức to lớn của Đảng, của Xứ ủy Trung kỳ, của cách mạng Việt Nam. Khoảng thời gian đồng chí cống hiến cho Đảng, cho cách mạng, cho Xứ ủy Trung kỳ tuy ngắn ngủi nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn, là người khởi xướng, là linh hồn của phong trào Xôviết Nghệ - Tĩnh./.

Kim Lưu

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

[1] Đoàn phu; nững trai tráng khỏe mạnh chuyên tuần tra, canh phòng; hào mục: gồm những quan lại nghỉ việc, làm cố vấn cho hào lý.

[2] Văn kiện Đảng (1930 – 1931), Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, Hà Nội, 1997, tr.205, 206, 208, 216

Từ khóa » Sự Ra đời Các Xô Viết ở Nghệ Tĩnh