Nguyễn Phúc Lộc Thành: Người Viết Văn Mê Bút

  • Viết văn có cần đi thực tế?
  • Viết văn có cần cảm hứng?
  • Khi phụ nữ viết văn

Tôi đọc thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành trước khi gặp anh, đó là kiểu thơ lục bát được ngắt nhịp hiện đại và thiên về nhục tính, giàu gợi cảm. Tôi nghĩ đó là thứ thơ hấp dẫn có sức khơi gợi và liên tưởng. Đọc thơ của anh, ta dễ hình dung ra một cô gái đẹp và bỗng ước ao! Nó tượng hình, tượng thanh và ùa ra những không gian liên tưởng mạnh, đó cũng là cách khiến người ta thích đọc thơ nhiều hơn trong thời thế nhiều người đã chán thơ và dòng lục bát cổ điển.

Trước đây, nhắc đến Nguyễn Phúc Lộc Thành, tôi cứ nghĩ anh là tay kinh doanh thuần túy rồi một ngày ngứa ngáy tạt ngang làm thơ nhưng tôi đã nhầm. Nguyễn Phúc Lộc Thành từng học Trường viết văn Nguyễn Du khóa V và ngay từ hồi năm 1994, anh đã có một cuốn tiểu thuyết rất oách là “Cõi nhân gian”.

Đó là cuốn tiểu thuyết với phong cách cuộn sóng, chương nọ gối đè chương kia theo kiểu móc xích kể một câu chuyện đầy gay cấn, cay đắng của thời mở cửa. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của anh đã có tiếng vang khá lớn thời ấy trong dư âm sau 3 cuốn tiểu thuyết đình đám của giải thưởng Hội Nhà văn năm 1991.

Nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành.

Thế rồi, bẵng đi, Nguyễn Phúc Lộc Thành không viết văn nữa, thời sinh viên của mình, tôi từng thấy những chiếc xe tải Thành Hưng đỏ chót chạy tung các cung đường Hà Nội, sau này mới biết đó là hãng xe của anh. Anh đã bỏ văn đi kinh doanh rồi quay trở lại. Lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau và hẹn ăn sáng trên một quán ở đường Đồng Tiến, rất gần nhà anh.

Trần Thanh Cảnh, Nguyễn Phúc Lộc Thành và vài người bạn nữa đã phải đợi tôi khá lâu. Tôi thấy quý anh và những người bạn của mình vì dù họ là những người giàu có, hơn tuổi nhưng các anh đều nhẹ nhàng, không trách cứ người đến muộn. Nếu hôm ấy Nguyễn Phúc Lộc Thành nổi nóng hoặc có thái độ kiểu khinh bạc, có lẽ tôi sẽ không chơi với anh nữa. Có lẽ nhờ viết văn mà những người như Nguyễn Phúc Lộc Thành, Trần Thanh Cảnh và nhiều người khác vẫn có sự mềm mại, khoan hòa dù hằng ngày họ phải luôn đối mặt với bạc tiền, lỗ lãi...

Trong quán cà phê hôm đó, Nguyễn Phúc Lộc Thành kí tặng tôi mấy cuốn sách bằng một cây bút rất to và lạ, nét của nó rất lớn. Nói thực là tôi chưa bao giờ chạm mặt một cây bút to cỡ ấy, sau này mới biết anh là dân chơi bút, chính niềm say mê bút mà tôi thích chơi với anh hơn. Tôi cũng ham bút nhưng chỉ có vài cây bút cỏ và đã đủ mê mẩn. Trong giới viết văn cũng có nhiều người thích bút, ví dụ như nhà văn Y Ban và thậm chí khi bị sếp “bội bạc”, Y Ban đã không ngần ngại đến đòi lại cây bút Parker từng tặng thủ trưởng của mình!

Rồi một ngày Nguyễn Phúc Lộc Thành khoe rằng anh có một bộ sưu tập bút rất hay và mời tôi đến xem. Tôi là người thích sách và biết sách khá nhiều nhưng bút thì tôi chỉ là tay mơ và nghĩ rằng chắc anh có vài chục cái bút nhơ nhỡ là cùng. Tôi phóng xe máy từ cầu Chương Dương đến công ty của anh trên đường Nguyễn Văn Cừ, háo hức chờ xem bộ sưu tập bút của anh.

Phải qua mấy lần cửa, hết phòng nọ tiếp phòng kia như mê cung, chúng tôi mới lọt vào phòng anh và xem bộ sưu tập bút. Bộ sưu tập bút của anh rất khủng và kì công. Những cây bút của các hãng danh tiếng nhất như Mont Blanc, Parker, Dupont, Sheaffer... đều góp mặt. Cây bút nào cũng có một tiểu sử và lai lịch cụ thể y như một nhân vật quan trọng.

Tôi mê nhất là bộ bút về các nhà văn mà các hãng bút đã tri ân như bút Victor Hugo, bút Hemingway, bút Rudyard Kipling, bút Balzac... Các cây bút bản giới hạn này được thiết kế có vẻ ngoài rất giống các nhà văn hoặc tác phẩm của họ, ví dụ bút Victor Hugo có cài bút giống “Nhà thờ Đức bà Paris” và bầu chuông gợi nhớ đến thằng gù Quasimodo.

Bút Balzac gợi nhớ thân hình lực lưỡng của tác giả “Tấn trò đời” và cài bút là cây gậy batoong của ông. Cây bút kỉ niệm nhà văn Rudyard Kipling thì cài bút được thiết kế tựa bầy sói, gợi nhớ cuốn “Sách rừng xanh” nổi tiếng của tác giả...

Những tập thơ của Nguyễn Phúc Lộc Thành.

Nguyễn Phúc Lộc Thành yêu bộ sưu tập bút của mình lắm, anh đã săn tìm những cây bút quý trong nhiều năm ròng để có đủ bộ nhưng khi nhóm Văn nhân Long Biên dự định quyên góp giúp đồng bào miền Trung bị lũ lụt thì anh sẵn sàng bán chiếc bút đắt giá nhất của mình để làm từ thiện.

Chuyến từ thiện mùa bão lũ cuối năm 2020 là một kỉ niệm đáng nhớ, nhóm Văn nhân Long Biên đã gây quỹ bằng việc bán tập thơ “Giấc mơ sông Thương” của Nguyễn Phúc Lộc Thành và với nỗ lực rất lớn của những người trong nhóm bao gồm Nguyễn Phúc Lộc Thành, Trần Thanh Cảnh, Nguyễn Thế Hùng, Phạm Thanh Khương, Trần Đức Tĩnh và những người bạn, nhóm đã có một chuyến đi ý nghĩa vào miền Trung hỗ trợ phần nào cho những đồng bào gặp thiên tai, địch họa.

Nguyễn Phúc Lộc Thành bảo rằng nghề chính của anh là kinh doanh nhưng những bạn bè tâm giao nhất của anh đều là giới văn chương. Hai chục năm anh rời xa việc viết lách và đến một ngày, những đam mê từ thời còn lãng đãng bên nước Nga xa xôi và từ ngôi trường Nguyễn Du bùng phát trở lại.

Nguyễn Phúc Lộc Thành viết nhanh và khỏe, mấy năm liền anh đều in thơ và tạo được dấu ấn riêng trong dòng thơ lục bát, những thi sĩ kì cựu nhất cũng phải công nhận rằng thơ anh ấn tượng và có sức sống mới. Ta thử đọc vài câu thật gợi cảm xem sao:

“Này em Lưng lửng nhau rồi Trong ta đã trổ một chồi biếc câm Gối mình Lên núm đồi trầm Nghe bờ da cũ chạm thăm thẳm chiều...”.

(Chiều thứ hai)

Vẫn nguyên một tình yêu với văn chương, tôi và anh từng thảo luận với nhau rất dài về một giải thưởng văn học dành cho người trẻ mà anh và những người bạn tâm huyết vẫn chưa làm được. Và tôi phát hiện ra rằng những người đã trót đam mê văn chương đều rất khó rời bỏ tình yêu của mình. Dù văn chương không mang lại tiền bạc, đôi lúc tàn nhẫn và cay nghiệt nhưng rất hiếm người bỏ hoặc chỉ bỏ được một quãng rồi dứt lòng không nổi.

Trong cuộc sống đầy những gắt gao của tiền bạc, mưu sinh, những lúc ngắn ngủi thảnh thơi với một chút văn chương là thứ đáng trân trọng. Tôi đã nghe nhiều người kể về những việc nghĩa tình của Nguyễn Phúc Lộc Thành với bè bạn và những người khốn khó và nghe anh nói chuyện về những việc ấy với lòng vô thường, tôi nghĩ cái chất văn chương sẵn có trong người có lẽ đã ảnh hưởng ít nhiều đến cách nhìn và hành động của anh.

Chúng tôi đã từng có những cuộc trò chuyện thẳng thắn về văn chương và thế sự. Tôi quan sát phong cách và ngôn ngữ của một doanh nhân xem thế nào. Nguyễn Phúc Lộc Thành thích mặc đồ đen bó sát thân. Trông anh trẻ trung, khỏe mạnh, khá giản dị so với vị thế chủ một doanh nghiệp lớn. Anh kể say sưa việc anh viết văn thế nào, những tai nạn văn chương ra sao và cả những hậu trường kinh doanh rất gay cấn.

Tôi cũng hiểu được phần nào vì sao những sáng tác của anh được bùng phát trong một thời gian khá ngắn. Đó là những dồn nén, ẩn ức về văn chương bị kìm lại quá lâu. Hai mươi năm ngừng viết là quãng thời gian nghỉ quá dài với một người từng viết và anh không dư dả thời gian nên sự bung nở mạnh mẽ và quyết liệt là đương nhiên.

Thơ và văn của Nguyễn Phúc Lộc Thành đều có một điểm chung là rất nồng nhiệt, sôi sục và táo bạo. Chúng kéo người ta đi với những lớp sóng chồng chất dồn đuổi nhau, cảm giác chính người viết cũng không dừng lại được và bạn đọc cũng bị cuốn theo mạch hưng phấn hổn hển ấy.

Thỉnh thoảng tôi có nghĩ về văn chương và giá trị của nó. Tôi tự hỏi văn chương mang lại lợi ích gì trong khi người ta đua nhau làm kinh tế, việc này việc nọ, đôi khi tôi cũng chạnh lòng không dám giới thiệu mình là người viết nhưng gặp những người như Nguyễn Phúc Lộc Thành, thấy anh trân trọng những người như chúng tôi, tự thấy văn chương vẫn còn mang lại một giá trị nào đấy.

Tất nhiên, Nguyễn Phúc Lộc Thành có ích hơn khi anh là doanh nhân và cũng không hại gì khi anh là thi sĩ. Một doanh nhân làm thơ có lẽ là sự hài hòa ít thấy và đáng trân trọng. Thêm một nhà thơ thì đất nước sẽ yên bình hơn chăng!

Và tôi bỗng nhớ đến bộ sưu tập bút của Nguyễn Phúc Lộc Thành, thầm nghĩ sao anh đam mê bút chứ không phải là một thứ nào khác.

Tôi vẩn vơ với bút, sách và những câu thơ đầy nhục cảm. Có lẽ tôi sẽ hỏi Nguyễn Phúc Lộc Thành về điều này!

Từ khóa » Nguyễn Phúc Lộc