Nguyên Tắc & điều Kiện Khấu Trừ Thuế GTGT đầu Vào - Mới Nhất

Bài viết này sẽ giúp bạn nắm rõ: Khấu trừ thuế GTGT là gì? Nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT đầu vào là gì? Điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào?...

Nội dung chính:

  • I. Căn cứ pháp lý
  • II. Khấu trừ thuế GTGT là gì?
  • III. Nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT đầu vào
  • IV. Điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào
    • 1. Điều kiện chung để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào
    • 2. Điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu
    • 3. Điều kiện khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào đối với hàng hóa, dịch vụ được coi như xuất khẩu
  • V. Các câu hỏi thường gặp về khấu trừ thuế GTGT đầu vào

I. Căn cứ pháp lý

  • Luật Thuế giá trị gia tăng và các văn bản hợp nhất hướng dẫn thi hành;
  • Thông tư 219/2013/TT-BTC;
  • Thông tư 119/2014/TT-BTC ;
  • Thông tư 151/2014/TT-BTC;
  • Thông tư 26/2015/TT-BTC;
  • Thông tư 130/2016/TT-BTC.

II. Khấu trừ thuế GTGT là gì?

Có 2 phương pháp xác định nghĩa vụ thuế GTGT của doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh là phương pháp khấu trừ và phương pháp trực tiếp, cụ thể:

➤ Phương pháp khấu trừ thuế GTGT là việc bù trừ giữa số thuế GTGT đầu vào với số thuế GTGT đầu ra phát sinh trong kỳ (quý hoặc tháng). Từ đó xác định số thuế GTGT phải nộp hoặc chưa khấu trừ hết được chuyển sang kỳ sau.

➤ Nghĩa vụ thuế GTGT được xác định:

Số thuế GTGT phải nộp trong kỳ = Số thuế GTGT đầu ra - Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ

Trong đó:

>> Số thuế GTGT đầu ra là tổng số thuế GTGT của hàng hoá, dịch vụ bán ra ghi trên hoá đơn GTGT trong kỳ;

>> Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ bằng tổng số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào đáp ứng các nguyên tắc và điều kiện được khấu trừ.

Xem thêm: Lựa chọn phương pháp kê khai thuế GTGT nào là phù hợp?

III. Nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT đầu vào

1. Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất kinh doanh, cho, biếu, tặng, khuyến mại, quảng cáo chịu thuế GTGT được khấu trừ toàn bộ, kể cả thuế GTGT đầu vào tổn thất không được bồi thường như: thiên tai, hoả hoạn, các tổn thất không được bảo hiểm bồi thường, hàng hóa mất phẩm chất, quá hạn sử dụng phải tiêu huỷ, hao hụt trong định mức của hàng hoá trong quá trình vận chuyển, sản xuất

Ví dụ: Xăng dầu bị hao hụt trong quá trình vận chuyển, bơm rót; bột mì bị mốc do bão lụt; vải bị cháy do hỏa hoạn.

  • Thuế GTGT đầu vào của trạm y tế, nhà ở phục vụ công nhân trong khu công nghiệp, nhà nghỉ giữa ca, nhà vệ sinh, nhà để xe, phòng thay quần áo cho người lao động sử dụng trong khu sản xuất kinh doanh được khấu trừ. Nếu nhà ở, trạm y tế nằm ngoài khu công nghiệp, do công ty mua bán/đi thuê/xây dựng thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn thiết kế nhà ở công nhân khu công nghiệp và giá cho thuê nhà ở công nhân khu công nghiệp;
  • Đối với chi phí thuê nhà cho các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam công tác hưởng lương tại Việt Nam theo hợp đồng lao động ký với cơ sở kinh doanh tại Việt Nam, thuế GTGT không được khấu trừ cho khoản tiền thuê nhà cho các chuyên gia nước ngoài này;
  • Đối với chi phí thuê nhà cho các chuyên gia nước ngoài vẫn là nhân viên của doanh nghiệp ở nước ngoài, chịu sự điều động của doanh nghiệp ở nước ngoài, do doanh nghiệp nước ngoài trả lương và các chế độ khác khi sang Việt Nam công tác mà đã có văn bản nêu rõ doanh nghiệp Việt Nam chịu chi phí chỗ ở của chuyên gia nước ngoài khi công tác ở Việt Nam, thuế GTGT của chi phí thuê nhà do đơn vị tại Việt Nam chi trả được khấu trừ.

2. Không khấu trừ số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa dịch vụ dùng để sản xuất kinh doanh hàng hóa dịch vụ không chịu thuế GTGT.

  • Đối với đầu vào của hàng hóa dịch vụ dùng để sản xuất kinh doanh cho cả hàng hóa dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT, đơn vị phải tách riêng thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ để sản xuất kinh doanh hàng hóa dịch vụ chịu thuế GTGT và không chịu thuế GTGT. Phần thuế GTGT dùng cho sản xuất kinh doanh hàng hóa dịch vụ chịu thuế GTGT được khấu trừ;
  • Trong trường hợp đơn vị không tách riêng được thuế GTGT đầu vào dùng cho hàng hóa dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT, thuế GTGT đầu vào được khấu trừ xác định bởi tỷ lệ doanh thu không phải kê khai tính nộp thuế GTGT/chịu thuế GTGT trên tổng doanh thu.

Ví dụ: Trong năm N, doanh nghiệp mua hàng hoá A có tổng giá trị là 10.000.000đ, thuế suất 10%. Trong năm, công ty sử dụng 5.000.000đ được dùng để sản xuất hàng hoá chịu thuế và 5.000.000đ được dùng để sản xuất hàng hoá không chịu thuế. Khi đó, số thuế được khấu trừ của hàng hoá A trong năm N là 500.000đ.

3. Thuế GTGT đầu vào mua, đi thuê hoặc các hoạt động khác liên quan phải tính vào nguyên giá hoặc chi phí được trừ và không được khấu trừ: tài sản cố định và máy móc thiết bị: sản xuất vũ khí quốc phòng an ninh; sử dụng cho tổ chức tín dụng, bảo hiểm, chứng khoán, khám chữa bệnh, đào tạo; máy bay dân dụng, du thuyền không dùng để kinh doanh.

Đối với ô tô dưới 10 chỗ chở người không dùng để kinh doanh hoặc làm mẫu lái thử để kinh doanh ô tô có giá trị chưa có thuế GTGT trên 1,6 tỷ đồng, thuế GTGT tương đương giá trị trên 1,6 tỷ không được khấu trừ.

4. Thuế hàng hóa dịch vụ không chịu thuế GTGT không được khấu trừ đầu vào, ngoại trừ đối với hoạt động viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại, hoạt động liên quan đến chuẩn bị cho khai thác dầu khí, thuế GTGT đầu được khấu trừ.

Tiền thuế GTGT đã nộp theo quyết định của cơ quan hải quan được khấu trừ trừ trường hợp bị cơ quan hải quan xử phạt.

5. Đối với giá trị hàng hóa dịch vụ mua vào mỗi lần từ 20 triệu trở lên, phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Nếu không đáp ứng điều kiện trên, đơn vị thực hiện hạch toán tiền thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ vào nguyên giá của tài sản cố định hoặc chi phí tính thuế TNDN.

6. Thuế GTGT đầu vào được kê khai, khấu trừ trong kỳ phát sinh. Đơn vị kê khai khấu trừ bổ sung trước khi có quyết định thanh kiểm tra thuế nếu có sai sót khi kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

7. Chủ thể không kinh doanh góp vốn bằng tài sản mới chưa sử dụng, có hóa đơn hợp pháp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, nếu được hội đồng giao nhận vốn góp thông qua thì công ty nhận tài sản được kê khai và khấu trừ thuế GTGT theo hóa đơn mua tài sản.

8. Trong quá trình sản xuất khép kín, đơn vị sử dụng sản phẩm không chịu thuế GTGT để sản xuất thành phẩm chịu thuế thì thuế GTGT đầu vào ở các khâu được khấu trừ.

9. Đơn vị chuyển phương pháp tính thuế GTGT trực tiếp sang khấu trừ, giá trị thuế GTGT của hàng hóa dịch vụ mua vào bắt đầu được kê khai khấu trừ kể từ kỳ đầu tiên chuyển phương pháp. Đơn vị chuyển phương pháp khấu trừ thuế GTGT sang phương pháp tính trực tiếp, số thuế GTGT chưa khấu trừ hết (ngoại trừ số thuế đã được hoàn) được hạch toán vào chi phí được trừ.

10. Các đối tượng không phải là người nộp thuế GTGT như đơn vị hành chính sự nghiệp, văn phòng công ty không trực tiếp hoạt động kinh doanh thì không được phép khấu trừ thuế GTGT hay hoàn thuế GTGT. Nếu phát sinh sản xuất kinh doanh hàng hóa dịch vụ chịu thuế GTGT, các đơn vị này phải đăng ký, kê khai và nộp thuế GTGT riêng cho hoạt động sản xuất kinh doanh đó.

Ví dụ: Bệnh viện A là đơn vị hành chính sự nghiệp có cho thuê nhà (văn phòng) phần không sử dụng hết thì bệnh viện A phải hạch toán, kê khai nộp thuế riêng cho hoạt động cho thuê văn phòng. Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho hoạt động của bệnh viện A không được khấu trừ hay hoàn thuế.

11. Trường hợp hoá đơn không mang tên công ty nhưng được khấu trừ đầu vào nếu hóa đơn mang tên tổ chức, cá nhân được ủy quyền như: chi phí sửa chữa tài sản mà hoá đơn GTGT có ghi tên người tham gia bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm uỷ quyền cho người tham gia bảo hiểm sửa chữa tài sản; chi phí liên quan đến thành lập doanh nghiệp, mua bán hàng hoá vật tư của các cá nhân được doanh nghiệp uỷ quyền trước khi thành lập doanh nghiệp.

12. Đơn vị không được khấu trừ thuế GTGT đối với hóa đơn có các dấu hiệu: hóa đơn không đúng quy định pháp luật; hóa đơn không ghi hoặc ghi sai tên, mã số thuế, địa chỉ người bán và người mua; hóa đơn khống, giả, bị tẩy xóa; hóa đơn ghi sai giá trị mua bán thực tế.

IV. Điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào

1. Điều kiện chung để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào

2 điều kiện chung để thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào được khấu trừ bao gồm:

➤ Về hóa đơn, chứng từ

  • Với hàng hóa mua trong nước: có hóa đơn giá trị gia tăng hợp pháp;
  • Với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu: có chứng từ nộp thuế GTGT tờ khai nhập khẩu, chứng từ nộp thuế GTGT thay cho nhà cung cấp nước ngoài.

➤ Về phương thức thanh toán

Thanh toán không dùng tiền mặt (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu) từ một nhà cung cấp trong 1 ngày từ 20.000.000 đồng trở lên (bao gồm VAT), trong đó:

>> Chứng từ thanh toán phi tiền mặt gồm:

  • Séc, ủy nhiệm chi, lệnh chi, ủy nhiệm thu… dùng chuyển tiền từ tài khoản của bên mua sang tài khoản của bên bán;

Lưu ý: Đối với giao dịch mua bán với doanh nghiệp tư nhân, việc thanh toán có thể qua tài khoản mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân. Bên mua thực hiện nộp tiền mặt vào tài khoản của bên bán không được chấp nhận là điều kiện được khấu trừ.

  • Đối với phương thức thanh toán trả chậm, trả góp cho hàng hóa, dịch vụ mua vào có giá trị hóa đơn từ 20.000.000 đồng trở lên:
    • Nếu chưa có chứng từ thanh toán ngân hàng do chưa đến kỳ thanh toán, công ty vẫn thực hiện kê khai khấu trừ thuế GTGT nếu đủ điều kiện khấu trừ khác;
    • Nếu khi thanh toán, đơn vị không thanh toán qua ngân hàng thì phải điều chỉnh số thuế đã kê khai, khấu trừ thuế đầu vào kể cả trong trường hợp cơ quan thuế có quyết định thanh kiểm tra kỳ tính thuế có phát sinh thuế GTGT đã kê khai, khấu trừ.

>> Phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khác:

  • Bù trừ công nợ mua bán hàng, vay mượn hàng/tiền hoặc đối trừ 3 bên;
  • Ủy quyền qua bên thứ ba thanh toán qua ngân hàng/thanh toán qua ngân hàng cho bên thứ ba. Sau khi ủy quyền thanh toán qua bên thứ ba, công nợ còn lại từ 20.000.000 đồng trở lên thì chỉ được khấu trừ nếu có chứng từ thanh toán qua ngân hàng;
  • Thanh toán tiền cưỡng chế vào Kho bạc Nhà nước theo quyết định của cơ quan nhà nước cho bên thứ ba.
2. Điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu

Theo Điều 16, Thông tư 219/2013/TT_BTC quy định hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu để được khấu trừ thuế, hoàn thuế GTGT đầu vào phải có đủ điều kiện và các thủ tục dưới đây:

  • Hợp đồng bán, gia công hàng hoá, cung cấp dịch vụ;
    • Đối với trường hợp ủy thác xuất khẩu cần có: hợp đồng ủy thác xuất khẩu, biên bản thanh lý hợp đồng ủy thác xuất khẩu hoặc biên nhận ủy thác xuất khẩu kèm biên bản đối chiếu công nợ định kỳ.
  • Tờ khai hải quan đã hoàn thành thủ tục hải quan theo quy định, kể cả đối với sản phẩm phần mềm dưới dạng cơ sở dữ liệu đóng gói cứng, ngoại trừ:
    • Sản phẩm phần mềm, dịch vụ qua phương tiện điện tử;
    • Xây dựng lắp đặt công trình trong khu phi thuế quan hoặc ở nước ngoài;
    • Điện nước, văn phòng phẩm, hàng hoá phục vụ sinh hoạt hàng ngày cho doanh nghiệp chế xuất lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng;
    • Chứng từ thanh toán qua ngân hàng hoặc dưới hình thức được coi là thanh toán qua ngân hàng.

Đối với ủy thác xuất khẩu cần có: chứng từ thanh toán qua ngân hàng giữa phía nước ngoài và bên nhận ủy thác kèm chứng từ thanh toán qua ngân hàng của bên nhận ủy thác cho bên ủy thác xuất khẩu hoặc chứng từ thanh toán qua ngân hàng trực tiếp từ phía nước ngoài cho bên ủy thác xuất khẩu. Nếu thanh toán trực tiếp từ phía nước ngoài cho bên ủy thác xuất khẩu, việc thanh toán trực tiếp phải được quy định rõ trong hợp đồng.

  • Hóa đơn thương mại bán hàng hóa, dịch vụ.
3. Điều kiện khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào đối với hàng hóa, dịch vụ được coi như xuất khẩu

Tùy từng loại hàng hóa, dịch vụ cụ thể mà quy định về hồ sơ, thủ tục cần chuẩn bị sẽ khác nhau, cụ thể:

Đối với hàng hóa gia công chuyển tiếp, đơn vị cần chuẩn bị các chứng từ sau:

  • Hợp đồng gia công xuất khẩu và các phụ lục ghi rõ nơi nhận hàng tại Việt Nam;
  • Hóa đơn GTGT thể hiện rõ giá, số lượng và tên đơn vị nhận hàng theo chỉ định của phía nước ngoài;
  • Phiếu chuyển tiếp có xác nhận của bên giao và bên nhận kèm xác nhận của hải quan có thẩm quyền quản lý hợp đồng gia công;
  • Chứng từ thanh toán qua ngân hàng.

Đối với hàng hóa xuất khẩu tại chỗ, đơn vị cần chuẩn bị các chứng từ sau:

  • Hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc hợp đồng gia công có chỉ định giao hàng tại Việt Nam;
  • Tờ khai hải quan đã hoàn thành thủ tục hải quan;
  • Hóa đơn GTGT thể hiện tên người mua nước ngoài, tên đơn vị nhận hàng và địa điểm giao hàng tại Việt Nam;
  • Chứng từ thanh toán qua ngân hàng bằng ngoại tệ có tính thanh khoản cao (USD, EUR, GBP, JPY, AUD, CHF, CAD);
  • Giấy phép đầu tư có nội dung phù hợp với hàng hóa xuất khẩu tại chỗ của đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài.

Đối với hàng hóa xuất khẩu phục vụ công trình xây dựng ở nước ngoài, đơn vị cần chuẩn bị các giấy tờ sau:

  • Tờ khai hải quan;
  • Danh mục hàng hóa xuất khẩu thực hiện công trình xây dựng;
  • Hợp đồng ủy thác xuất khẩu (trường hợp ủy thác xuất khẩu).

Đối với cơ sở kinh doanh trong nước bán hàng hóa cho doanh nghiệp Việt Nam để thực hiện công trình xây dựng ở nước ngoài & giao hàng tại nước ngoài, cần chuẩn bị các chứng từ sau:

  • Tờ khai hải quan;
  • Danh mục hàng hóa xuất khẩu thực hiện công trình xây dựng;
  • Hợp đồng mua bán thể hiện điều kiện giao hàng, số lượng, loại và giá trị hàng hóa;
  • Hợp đồng ủy thác (trường hợp ủy thác xuất khẩu);
  • Chứng từ thanh toán qua ngân hàng; hóa đơn GTGT.

Lưu ý:

>> Đối với hàng hoá xuất khẩu, nếu không đáp ứng đủ các điều kiện trên nhưng đã có xác nhận của cơ quan hải quan, thì không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào nhưng không phải tính thuế GTGT đầu ra;

>> Đối với dịch vụ xuất khẩu, nếu không đáp ứng điều kiện về thanh toán qua ngân hàng hoặc được coi như thanh toán qua ngân hàng thì không được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%, không phải tính thuế GTGT đầu ra nhưng không được khấu trừ thuế đầu vào.

V. Các câu hỏi thường gặp về khấu trừ thuế GTGT đầu vào

1. Công ty TNHH Thắng Khôi trong tháng 10/2021 có mua hàng nhập kho 71,49m3 đá hoa trắng dạng khối với đơn giá 5.000.000/m3, thuế suất GTGT: 10%. Ngày 25/10/2021 công ty xuất khẩu bán sang Trung Quốc 71,49m3 với đơn giá 510 USD/m3, tỷ giá USD=22.670, thuế suất GTGT 0%. Vậy thuế GTGT được khấu trừ là bao nhiêu?

Trong trường hợp này, thuế GTGT khấu trừ sẽ được tính như sau:

  • Thuế GTGT đầu vào = (71,49 x 5.000.000) x 10% = 35.745.000đ
  • Thuế GTGT đầu ra = (71,49 x 510 x 22.670) x 0%= 0đ

>> Như vậy, thuế GTGT được khấu trừ = 35.745.000đ.

2. Công ty cổ phần Tâm Thành trong tháng 9/2021 có nhập kho 2 lô hàng. Ngày 5/9/2021 nhập kho trong nước 150 bộ loa SKN, đơn giá nhập kho 290.000/bộ, thuế suất GTGT 10%. Ngày 12/9/2021 nhập kho trong nước 180 bộ loa SKN, đơn giá nhập kho 280.000/bộ, thuế suất GTGT 10%. Ngày 15/9/2021 công ty xuất kho bán 300 bộ loa SKN cho công ty TNHH Minh An, đơn giá xuất kho 350.000/bộ. Thuế suất GTGT 10%. Vậy thuế GTGT được khấu trừ là bao nhiêu?

  • Thuế GTGT đầu vào = (150 x 290.000 + 180 x 280.000) x 10% = 9.390.000đ
  • Thuế GTGT đầu ra = (300 x 350.000) x 10% = 10.500.000đ

>> Như vậy, thuế GTGT phải nộp = 10.500.000 - 9.390.000 = 1.110.000đ.

3. Hàng hoá bị tổn thất do thiên tai có được khấu trừ thuế GTGT?

Tùy từng trường hợp cụ thể mà đơn vị có được khấu trừ thuế GTGT hay không:

  • Nếu doanh nghiệp chưa mua bảo hiểm và chưa được bồi thường thì được khấu trừ thuế GTGT;
  • Nếu doanh nghiệp mua bảo hiểm và được bồi thường theo giá đã bao gồm thuế GTGT thì không được khấu trừ thuế GTGT;
  • Ngoài ra, để được bồi thường, doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu chứng minh các trường hợp tổn thất không được bồi thường để được khấu trừ thuế GTGT.

4. Hoá đơn có tổng giá trị dưới 20 triệu thanh toán tiền mặt có được khấu trừ thuế GTGT?

Trường hợp này, chưa thể kết luận hoá đơn đó được khấu trừ thuế GTGT hay không. Cần kiểm tra lại ngày xuất hoá đơn, tổng giá trị mua vào của đơn vị với nhà cung cấp đó nhỏ hơn hay từ 20 triệu trở lên. Nếu tổng giá trị mua vào từ 20 triệu trở lên thì hoá đơn đó không được khấu trừ.

Thu Hà & Duy Hải - Phòng Kế toán Anpha

Từ khóa » Nguyên Tắc Bù Trừ Thuế Gtgt