Nguyên Tắc đối Xử Quốc Gia (National Treatment - NT) Là Gì? Các ...

legal-english-20

Hình minh họa. Nguồn: trogiupphaply

Nguyên tắc đối xử quốc gia (NT)

Định nghĩa

Nguyên tắc đối xử quốc gia trong tiếng Anh là National Treatment, viết tắt: NT. Đây là qui chế yêu cầu các quốc gia thực hiện những biện pháp nhằm đảm bảo cho sản phẩm nước ngoài và cả nhà cung cấp những sản phẩm đó được đối xử trên thị trường nội địa không kém ưu đãi hơn các sản phẩm nội địa và nhà cung cấp nội địa.

Mục đích

Thực hiện nguyên tắc đối xử quốc gia - NT trong hệ thống thương mại đa phương nhằm tạo sự bình đẳng về cơ hội cạnh tranh giữa các nhà sản xuất kinh doanh nước ngoài với nhà sản xuất kinh doanh trong nước.

Nội dung

Nguyên tắc đối xử quốc gia được đưa vào Điều III của GATT (General Agreement on Tariffs and Trade - Hiệp định chung về thuế quan và thương mại), tiếp tục được thực hiện tại WTO (World Trade Organization – Tổ chức thương mại thế giới).

Nội dung qui chế: Đối xử với hàng hóa dịch vụ, các khía cạnh của quyền sở hữu trí tuệ, thậm chí cả các nhà cung cấp hàng hoá, dịch vụ và công dân nước ngoài như các yếu tố tương tự trong nước. Tuy nhiên, có sự khác nhau giữa các yếu tố:

+ Đối với yếu tố hàng hoá và sở hữu trí tuệ, việc áp dụng NT là nghĩa vụ chung, có nghĩa là hàng hoá và quyền sở hữu trí tuệ nước ngoài sau khi đóng thuế hải quan hoặc được đăng kí bảo vệ hợp pháp, được đối xử bình đẳng như hàng hoá và quyền sở hữu trí tuệ trong nước về thuế và lệ phí nội địa, các qui định về mua bán, phân phối, vận chuyển.

+ Đối với yếu tố dịch vụ, chỉ áp dụng NT với những lĩnh vực, ngành nghề đã được mỗi nước đưa vào danh mục cam kết và mỗi nước có quyền đàm phán đưa ra những ngoại lệ.

Lưu ý: NT chỉ áp dụng khi các yếu tố trên đã gia nhập thị trường trong nước, vì vậy những đối xử tại cửa khẩu không nằm trong qui định áp dụng NT.

Các ngoại lệ

Các ngoại lệ của nguyên tắc đối xử quốc gia được áp dụng trong hệ thống thương mại đa phương.

Nhằm đảm bảo lợi ích của các thành viên trong quan hệ kinh tế thương mại không gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, trong khuôn khổ hệ thống thương mại đa phương, thực hiện nguyên tắc đãi ngộ quốc gia có một số ngoại lệ sau:

- Có sự phân biệt đối xử trong mua sắm (hàng hoá) bởi các cơ quan chính phủ.

Mua sắm chính phủ còn gọi là mua sắm công cộng, là việc mua sắm hàng hoá và dịch vụ của chính phủ hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền phục vụ cho mục đích sử dụng. Ở nhiều nước, việc mua sắm chính phủ ước tính chiếm 10% tổng sản phẩm quốc nội GDP.

GATT - WTO không bắt buộc các nước thành viên tham gia hiệp định về mua sắm của chính phủ. Nếu một nước thành viên không tham gia hiệp định về mua sắm của chính phủ sẽ không có nghĩa vụ thực hiện chế độ đãi ngộ quốc gia về lĩnh vực này. Nhà nước có thể dành ưu đãi, đối xử thuận lợi hơn cho hàng hoá và các nhà cung cấp trong nước hoặc nước ngoài.

- Ngoại lệ dành cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Nhà nước áp dụng biện pháp dành cho các nhà đâu tư nước ngoài những ưu đãi hơn hẳn so với các nhà đầu tư trong nước nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.

- Ngoại lệ dành cho các nhà đầu tư trong nước.

Nhà nước áp dụng biện pháp dành cho các nhà đầu tư trong nước những ưu đãi hơn hẳn so với các nhà đầu tư nước ngoài nhằm bảo hộ một phần sản phẩm và các nhà sản xuất trong nước. Nhà nước áp dụng các biện pháp tại biên giới đối với sản phẩm nhập khẩu hoặc các hạn chế định lượng riêng đối với hàng hóa nhập khẩu.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình kinh tế quốc tế, NXB Tài chính)

Từ khóa » Nguyên Tắc đối Xử Quốc Gia Là Gì