Nguyên Tắc SMARTER Là Gì? Khi Nào Nên Dùng? (+10 Ví Dụ)
Có thể bạn quan tâm
Mục tiêu là một phần của mọi khía cạnh của kinh doanh, cuộc sống. Mục tiêu cung cấp ý thức về phương hướng, động lực, trọng tâm rõ ràng và làm rõ điều gì là quan trọng. Bằng cách đặt mục tiêu, bạn đang cung cấp cho mình một mục tiêu để hướng tới. SMARTER là một phương pháp được sử dụng để giúp hướng dẫn thiết lập mục tiêu.. Hãy cùng VNOKRs tìm hiểu về nguyên tắc SMARTER, cách áp dụng nguyên tắc cũng như các ví dụ minh họa cụ thể qua bài viết dưới đây.
1. Nguyên tắc SMARTER là gì?
Nguyên tắc SMARTER là bộ nguyên tắc giúp bạn thiết lập và thực hiện các mục tiêu hiệu quả hơn. SMARTER được phát triển từ SMART và bổ sung thêm E.R – viết tắt của Evaluate và Re-Adjust.
Tháng 11/1981, George T.Doran lần đầu tiên sử dụng khái niệm mục tiêu SMART trên Tạp chí Quản lý. Tiếp theo, Giáo sư Robert S.Rubin (Đại học Saint Louis) đã viết về SMART và công bố qua kênh báo chí. SMART gồm các yếu tố cụ thể, đo lường, khả thi, liên quan, đúng lúc. Còn SMARTER bổ sung thêm 2 yếu tố là Evaluate – đánh giá và Re-Adjust – điều chỉnh lại.
S – Specific – Cụ thể
Mục tiêu đặt ra cần đảm bảo nguyên tắc S – cụ thể. Cụ thể ở đây là mục tiêu cần đảm bảo sự rõ ràng, ngắn gọn, không gây nhầm lẫn. Bạn càng thiết lập mục tiêu cụ thể thì bạn càng có khả năng hoàn thành mục tiêu cao hơn.
Thay vì nói bạn muốn đạt được thu nhập cao hơn hay muốn giảm cân thì bạn hãy đề ra mục tiêu chính xác: Đạt thu nhập bao nhiêu một tháng? Giảm được bao nhiêu cân nặng một tuần?… Mục tiêu của bạn cần cụ thể, chính xác, có thể đo lường được.
Bạn có thể đặt ra các câu hỏi để xác định yếu tố cụ thể này như sau:
- Tôi muốn đạt được điều gì?
- Team tham gia thực hiện mục tiêu này gồm những ai?
- Các khó khăn tôi có thể gặp phải là gì?
- Làm thế nào để tôi đạt được mục tiêu?
M – Measurable – Đo lường
Mục tiêu còn cần gắn với các yếu tố có thể đo lường. Bạn có thể tạo một khung kế hoạch với các mốc thời gian để đo lường kết quả thực hiện mục tiêu. Nhìn vào khung thời gian tiến độ, bạn sẽ đo lường, nhận định được mình có thể hoàn thành được mục tiêu đúng thời hạn hay không.
Bạn có thể đặt ra các câu hỏi để xác định yếu tố đo lường này như sau:
- Mục tiêu của tôi cần hoàn thành với các mốc thời gian như thế nào?
- Khi nào tôi muốn đạt được mục tiêu?
- Làm sao tôi biết được khi nào hoàn thành mục tiêu?
A – Achievable – Khả thi
Mục tiêu đặt ra cần phải khả thi, thực tế. Bạn cần hoàn thành mục tiêu trong khung thời gian nhất định. Bạn có thể đề ra các mục tiêu khó khăn để thử thách bản thân nhưng không nên vượt ngưỡng đến mức không thể hoàn thành mục tiêu.
Ví dụ: Bạn chưa bao giờ có thể kiếm được nhiều hơn 200 triệu đồng mỗi năm. Vậy bạn không nên đặt ra mục tiêu kiếm được 1 tỷ đồng trong khoảng thời gian 1 năm.
Chìa khóa để thiết lập một mục tiêu khả thi là hiểu rõ các giới hạn, nguồn lực của bản thân. Bạn cần rõ sức lực của mình ở ngưỡng nào để đặt mục tiêu đi được bao xa.
Bạn có thể đặt ra các câu hỏi để xác định yếu tố khả thi này như sau:
- Tôi có thể hoàn thành mục tiêu này không?
- Mục tiêu của tôi có phù hợp thực tế không?
Chìa khóa để thiết lập một mục tiêu khả thi là hiểu rõ các giới hạn, nguồn lực của bản thân.
R – Relevant – Liên quan
Mục tiêu cần có sự liên quan, phù hợp với những điều bạn mong muốn. Các mục tiêu nhỏ cần có sự liên kết để tạo nên một bức tranh lớn hơn. Mục tiêu của cá nhân cần kết nối, liên quan với mục tiêu của team. Mục tiêu của các team cần kết nối, liên quan với mục tiêu của công ty.
Việc đặt ra một mục tiêu có mức liên quan cao giúp bạn duy trì được động lực hoàn thành mục tiêu. Thực hiện một mục tiêu trong dài hạn không hề dễ dàng. Khi bạn muốn từ bỏ, dừng bước, bạn có thể suy nghĩ về lý do vì sao mình đã bắt đầu thực hiện điều này và thêm quyết tâm hoàn thành mục tiêu.
Ví dụ: Bạn mong muốn một công việc tại một công ty nước ngoài có thu nhập tốt hơn. Vậy mục tiêu về hoàn thiện khả năng ngoại ngữ là một mục tiêu liên quan, có ý nghĩa, kết nối với mục tiêu chung, lâu dài của bạn.
Bạn có thể đặt ra các câu hỏi để xác định yếu tố liên quan này như:
- Mục tiêu của tôi có phù hợp với mục tiêu của team, của công ty không?
- Việc hoàn thành mục tiêu có thực sự đáng giá không
T – Timely – Đúng lúc
Bạn cần đặt mục tiêu của mình trong khung thời gian hạn định, đúng lúc. Yếu tố thời gian, đúng lúc sẽ quyết định thành bại của cả kế hoạch.
Để đảm bảo yếu tố thời gian đúng lúc cho mục tiêu của mình, bạn có thể chia mục tiêu ra thành các mục tiêu, giai đoạn nhỏ hơn để dễ dàng theo dõi tiến trình thực hiện. Bạn không nên đặt mục tiêu với một thời gian mơ hồ như “một ngày nào đó”. Thời gian cần rất cụ thể, chính xác để đạt được những mục tiêu, kết quả thực tế.
Thay vì nói: Tôi muốn cải tạo ngôi nhà của mình vào một ngày nào đó.
Bạn có thể thử suy nghĩ theo hướng: Tôi muốn cải tạo phòng khách trong nhà mình xong trước ngày 31/12/2020.
Mục tiêu cải tạo cả ngôi nhà có thể khá lớn và khi chia mục tiêu ra các phần nhỏ hơn, chúng ta sẽ nhận thấy việc cải tạo một căn phòng sẽ dễ kiểm soát tiến độ hoàn thành hơn.
Bạn có thể đặt ra các câu hỏi để xác định yếu tố đúng lúc này như:
- Tôi cần hoàn thành nhiệm vụ khi nào?
- Tôi có nên tạo tiến trình thời gian để theo dõi mục tiêu?
- Mục tiêu nhỏ của tôi là gì?
- Tôi có thể đạt được gì trong 6 tháng tới, trong quý tới, trong tháng tới, trong tuần tới hay vào ngày mai?
E – Evaluate – Đánh giá
Đã bao giờ bạn nỗ lực hoàn thành một mục tiêu mà bẵng đi một thời gian cứ mải miết làm, điều bạn nhận được chỉ là một mớ bòng bong, không có kết quả cụ thể, rõ ràng?
Thay vì chỉ chăm chú thực hiện mục tiêu và ôm hy vọng mục tiêu sẽ được hoàn thành vào ngày kết thúc, bạn cần liên tục đánh giá suốt quá trình thực hiện mục tiêu của mình. Điều này cũng giống như khi bạn muốn kẻ một đường thẳng vậy. Suốt quá trình kẻ đường thẳng cần có một “chiếc thước” đánh giá giúp bạn kẻ được một đường thẳng trọn vẹn.
Tần suất đánh giá cần tùy việc, tùy người, tùy hoàn cảnh cụ thể. Có những mục tiêu cần đánh giá hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng. Có mục tiêu lại chỉ cần đánh giá theo quý, theo năm… Việc đánh giá sẽ giúp bạn tập trung hơn, nhìn nhận, cân chỉnh được các lệch lạc trong quá trình thực hiện mục tiêu.
Liên tục đánh giá suốt quá trình thực hiện mục tiêu giúp bạn nhìn nhận, cân chỉnh được các lệch lạc trong quá trình thực hiện mục tiêu.
Ví dụ: Bạn đặt mục tiêu tiết kiệm một khoản tiền trong 6 tháng. Bạn nên đánh giá, kiểm tra lại số tiền đã được tiết kiệm hàng tháng. Điều này sẽ giúp bạn duy trì động lực hoàn thành mục tiêu và kịp thời có phương án dự phòng nên tiết kiệm thực tế đang ít hơn so với mức mục tiêu đề ra.
Đánh giá không phải một áp lực đối với bạn hay cho team mà là “chiếc thước” giúp bạn đi đúng hướng để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Bạn có thể đặt ra các câu hỏi để xác định yếu tố đánh giá như:
- Kết quả đạt được trong giai đoạn này đã đúng mục tiêu đề ra chưa?
- Quá trình triển khai thực hiện mục tiêu đã đúng kế hoạch chưa?
R – Re-Adjust – Điều chỉnh lại
Điều chỉnh lại mục tiêu không có nghĩa là vứt bỏ mục tiêu cũ, thay bằng mục tiêu mới. Khi tình hình triển khai thực tế có những thay đổi, bạn cần điều chỉnh lại mục tiêu đang thực hiện. Bạn có thể loại bỏ, thay đổi các yếu tố không còn phù hợp và giữ lại các yếu tố vẫn còn thích hợp với tình hình mới.
Các mục tiêu, kế hoạch được đề ra không phải để đóng khung và treo lên tường. Khi tình hình thực tế thay đổi, bạn cần linh hoạt điều chỉnh mục tiêu.
Ví dụ: Mục tiêu của bạn là tiết kiệm ít nhất 2 triệu đồng mỗi tháng cho khoản bảo hiểm gia đình. Tuy nhiên, khi gia đình bạn gặp một biến cố, không cân đối được thu chi, bạn có thể xem xét điều chỉnh lại kế hoạch tiết kiệm của mình ưu tiên cho các khoản chi cần thiết trước mắt hơn.
Không phải lúc nào mọi chuyện cũng diễn ra theo đúng kế hoạch. Việc điều chỉnh lại mục tiêu sẽ giúp bạn tránh đi xa, lún sâu hơn vào những mục tiêu không thể hoàn thành.
Tuy nhiên, bạn nên lưu ý chỉ sửa đổi, điều chỉnh mục tiêu khi thực sự cần thiết. Chúng ta chỉ điều chỉnh khi hoàn cảnh tác động khiến mục tiêu cũ không thể thực hiện được hoặc việc đạt được mục tiêu không còn nhiều ý nghĩa với hoàn cảnh mới. Chúng ta không nên điều chỉnh mục tiêu chỉ vì tự nhiên thấy không còn nhiều hứng thú hay những vì lý do nhất thời khác.
Bạn có thể đặt ra các câu hỏi để xác định yếu tố điều chỉnh lại như:
- Tình hình thực tế có khiến tôi phải điều chỉnh mục tiêu?
- Kết quả hướng tới có còn cần thiết, quan trọng đối với tôi khi tình hình đã thay đổi?
- Những phần mục tiêu nào không còn phù hợp với hoàn cảnh nữa?
Nguyên tắc SMARTER như một chiếc đòn bẩy có thể giúp bạn thiết lập được các mục tiêu thông minh hơn và vượt qua được thử thách khó khăn.
2. Tại sao nên thiết lập mục tiêu theo nguyên tắc SMARTER?
Nếu bạn thật sự mong muốn tiến xa hơn với việc thiết lập mục tiêu thông minh, hãy áp dụng SMARTER. Phương pháp này không chỉ giúp bạn đặt ra các mục tiêu phù hợp, nó còn giúp bạn đánh giá và điều chỉnh mục tiêu cho đến khi đạt được kết quả mà bạn mong muốn.
Tận dụng tối đa SMART
Thiết lập mục tiêu SMARTER cho phép bạn tận dụng tối đa phương pháp luận SMART, đồng thời phân tích và tiếp tục cải thiện chúng để mang lại nhiều giá trị hơn nữa cho doanh nghiệp của bạn.
Thông thường, chúng ta có xu hướng thiết lập các mục tiêu nhưng thiếu đi các biện pháp đánh giá hay cân chỉnh lại khi tình hình có thay đổi. Khi thiếu đi các biện pháp đánh giá, điều chỉnh, việc thực hiện mục tiêu thường khó kiểm soát, thiếu đi sự linh hoạt cần có.
Chúng ta cũng thường sẽ nhầm lẫn và nghĩ rằng mình đã tiến rất xa trên quá trình thực hiện mục tiêu so với thực tế đạt được. Chính vì vậy, việc bổ sung thêm yếu tố đánh giá (E) và điều chỉnh lại (R) cho SMART là cần thiết, hữu ích.
Bạn có thể làm việc thông minh, hiệu quả hơn với SMARTER.
Thiết lập mục tiêu có ý nghĩa, linh hoạt hơn
Thực tế tình hình thị trường, phát triển kinh doanh luôn biến động và tiềm ẩn những nguy cơ thay đổi, phát sinh làm ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu.
Ví dụ: 5 năm trước, mục tiêu của nhiều hãng phát triển điện thoại di động là sản xuất ra các chiếc điện thoại nhỏ gọn, phù hợp với người dùng. Nhưng cũng là những khách hàng đó vào thời điểm hiện tại lại có nhu cầu về những chiếc điện thoại màn hình lớn hơn để thuận tiện cho nhu cầu giải trí cá nhân.
Việc giữ mục tiêu sản xuất điện thoại nhỏ gọn lúc này không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Kể cả khi bạn hoàn thành được mục tiêu thì kết quả đạt được cũng không còn nhiều ý nghĩa. Do đó, một mục tiêu được đề ra rất cần phải có yếu tố đánh giá để kịp thời điều chỉnh lại một cách linh hoạt, nếu cần thiết.
Thiết lập mục tiêu thực tế hơn
Đánh giá và điều chỉnh lại là 2 yếu tố có thể giúp bạn thiết lập các mục tiêu thực tế hơn. Đó như một bước lùi lại để nhìn được toàn cảnh những gì đang diễn ra. Bạn cứ chăm chú theo sát mục tiêu và nỗ lực với hy vọng mục tiêu sẽ đạt được đúng kế hoạch. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bạn đã đi sai đường và thậm chí là cả lạc đường nữa.
Ví dụ: Bạn có nguồn vốn hạn hẹp nhưng lại muốn khởi nghiệp với mục tiêu nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường. Mục tiêu này thực sự thử thách. Việc liên tục đánh giá có thể giúp bạn kịp thời đưa ra được các điều chỉnh mục tiêu thực tế hơn với tình hình phát triển.
Có được cách nhìn nhận và chấp nhận thực tế sau quá trình đánh giá mục tiêu định kỳ, bạn sẽ vững bước để hoàn thành các mục tiêu đúng kế hoạch.
Thiết lập mục tiêu mang lại kết quả cao hơn
Kịp thời đánh giá chính xác tình hình thực hiện mục tiêu có thể giúp bạn nhanh chóng đưa ra được các điều chỉnh để giúp đạt kết quả cao hơn.
Ví dụ: Bạn là một người đầu tư mua bán vàng. Vậy bạn phải liên tục đánh giá được biến động thị trường để điều chỉnh, đưa ra được quyết định, mục tiêu của mình. Thời điểm này giá vàng thấp thì mục tiêu đưa ra là thu mua tối đa trong nguồn lực. Đến thời điểm giá vàng lên cao đỉnh điểm, bạn bán hết số vàng mình tích trữ được.
Mục tiêu ở đây là lợi nhuận đầu tư. Các mục tiêu nhỏ hơn là mua vào hay bán ra. Việc bạn đánh giá chính xác tình hình sẽ giúp điều chỉnh được mục tiêu để đạt được kết quả lợi nhuận cao hơn.
Việc bổ sung thêm yếu tố đánh giá, điều chỉnh lại sẽ giúp bạn thực hiện mục tiêu hiệu quả, đúng tiến độ hơn.
Giúp bạn vượt qua “hội chứng năm mới”
Hẳn bạn cũng đã từng ít nhất một lần đặt mục tiêu cho mình vào mỗi dịp năm mới. Năm nay bạn muốn gia tăng thu nhập? Bạn muốn giảm cân? Hay bạn muốn hoàn thành khóa học chuyên môn? Nhưng: Mục tiêu trong năm mới của bạn đến lúc này đã được hoàn thành hay chưa? Và: Bạn có còn đang nỗ lực để thực hiện mục tiêu?
Theo một nghiên cứu của Đại học Scranton vào năm 2014, chỉ 8% mục tiêu vào năm mới được hoàn thành. Chỉ 64% người thực hiện mục tiêu trong vòng 1 tháng; 46% trong vòng 6 tháng. Cuối cùng chỉ có 8% trong chúng ta đạt được mục tiêu cho đến cuối cùng.
Việc không hoàn thành được mục tiêu nhiều khi được chúng ta đổ lỗi cho yếu tố thiếu quyết tâm của bản thân hay những tác động bên ngoài. Điều đó đúng. Tuy nhiên, để hoàn thành được mục tiêu, bạn còn cần thiết lập được mục tiêu đúng, trúng, cần thiết và thực sự SMART. Đồng thời, bạn còn cần thêm ER – đánh giá, điều chỉnh lại để theo dõi, nắm bắt quá trình thực hiện mục tiêu.
SMARTER có thể giúp bạn vượt qua “hội chứng năm mới” và hoàn thành các mục tiêu đề ra. Lần tới khi đặt mục tiêu cho năm mới, bạn hãy suy nghĩ và áp dụng theo nguyên tắc SMARTER và so sánh kết quả đạt được so với trước đây.
3. Một số ví dụ về nguyên tắc SMARTER
Ví dụ 1 – Gia tăng thu nhập
S – Cụ thể: Tôi muốn gia tăng thu nhập.
M – Đo lường: Tôi muốn gia tăng thu nhập lên 300 triệu đồng một năm.
A – Khả thi: Với nguồn thu và khả năng làm việc hiện tại, tôi muốn gia tăng thu nhập lên 300 triệu đồng một năm.
R – Liên quan: Với nguồn thu và khả năng làm việc hiện tại, tôi muốn gia tăng thu nhập lên 300 triệu đồng một năm, để gia đình có cuộc sống tốt hơn.
T – Đúng lúc: Với nguồn thu và khả năng làm việc hiện tại, tôi muốn gia tăng thu nhập lên ít nhất 25 triệu đồng mỗi tháng, để gia đình có cuộc sống tốt hơn.
E – Đánh giá: Do tình hình dịch bệnh nên nguồn thu từ cho thuê nhà của tôi bị ảnh hưởng. Nhiều khả năng mục tiêu đạt 25 triệu đồng mỗi tháng và tổng 300 triệu đồng một năm khó đạt được.
R – Điều chỉnh lại: Tôi sẽ nhận thêm 1 công việc bán thời gian để gia tăng thu nhập lên ít nhất 25 triệu đồng mỗi tháng, để gia đình có cuộc sống tốt hơn.
Ví dụ 2 – Cải thiện khả năng chốt đơn hàng
S – Cụ thể: Tôi muốn cải thiện khả năng chốt đơn hàng.
M – Đo lường: Tôi muốn cải thiện khả năng chốt đơn hàng lên ít nhất 80%.
A – Khả thi: Với kỹ năng, kinh nghiệm bản thân và chất lượng sản phẩm hiện tại, tôi muốn cải thiện khả năng chốt đơn hàng lên ít nhất 80%.
R – Liên quan: Với kỹ năng, kinh nghiệm bản thân và chất lượng sản phẩm hiện tại, tôi muốn cải thiện khả năng chốt đơn hàng lên ít nhất 80%, để gia tăng doanh thu cho công ty.
T – Đúng lúc: Với kỹ năng, kinh nghiệm bản thân và chất lượng sản phẩm hiện tại, tôi muốn cải thiện khả năng chốt đơn hàng lên ít nhất 80% trong quý IV-2020, để gia tăng doanh thu cho công ty.
E – Đánh giá: Thực tế thực hiện mục tiêu, tôi nhận thấy tỷ lệ chốt đơn hàng theo dạng combo rất cao lên đến 80%. Trong khi đó, các đơn hàng lẻ, tỷ lệ chốt đơn ít hơn chỉ đạt 70%.
R – Điều chỉnh lại: Tôi sẽ khuyến nghị công ty tập trung tạo ra nhiều set combo sản phẩm phù hợp nhu cầu khách hàng nhằm cải thiện khả năng chốt đơn hàng lên ít nhất 85% trong quý IV-2020, để gia tăng doanh thu cho công ty.
Ví dụ 3 – Tuyển dụng nhân sự
S – Cụ thể: Tôi muốn tuyển đủ số lượng nhân sự theo nhu cầu của công ty.
M – Đo lường: Tôi muốn tuyển 5 Lập trình viên .NET theo nhu cầu của công ty.
A – Khả thi: Với tình hình CV ứng tuyển hiện nay, tôi muốn tuyển 5 Lập trình viên .NET theo nhu cầu của công ty.
R – Liên quan: Với tình hình CV ứng tuyển hiện nay, tôi muốn tuyển 5 Lập trình viên .NET theo nhu cầu của công ty, nhằm kịp thời phát triển sản phẩm mới.
T – Đúng lúc: Với tình hình CV ứng tuyển hiện nay, tôi muốn tuyển 5 Lập trình viên .NET hoàn thành xong trước 15/10/2020, theo nhu cầu của công ty, nhằm kịp thời phát triển sản phẩm mới.
E – Đánh giá: Đến ngày 7/10/2020, tôi mới tuyển được 1 Lập trình viên .NET. Thời gian còn lại, việc tuyển dụng đủ 5 Lập trình viên có khả năng không hoàn thành.
R – Điều chỉnh lại: Tôi sẽ sử dụng dịch vụ headhunter để tuyển dụng đủ 5 Lập trình viên .NET trước ngày 15/10/2020, theo nhu cầu của công ty, nhằm kịp thời phát triển sản phẩm mới.
Ví dụ 4 – Tập luyện tăng cơ, giảm mỡ
S – Cụ thể: Tôi muốn tăng lượng cơ bắp và giảm lượng mỡ cơ thể.
M – Đo lường: Tôi muốn tăng 5% cơ bắp và giảm 5% lượng mỡ cơ thể.
A – Khả thi: Với khối lượng tập luyện hiện nay, tôi muốn tăng 5% cơ bắp và giảm 5% lượng mỡ cơ thể.
R – Liên quan: Với khối lượng tập luyện hiện nay, tôi muốn tăng 5% cơ bắp và giảm 5% lượng mỡ cơ thể, để có sức khỏe tốt hơn.
T – Đúng lúc: Với khối lượng tập luyện hiện nay, tôi muốn tăng 5% cơ bắp và giảm 5% lượng mỡ cơ thể mỗi năm, để có sức khỏe tốt hơn.
E – Đánh giá: Kết thúc quý III-2020, sau hai đợt dịch bệnh và bị cách ly xã hội, tôi đã không thể tập luyện theo đúng kế hoạch và mục tiêu tăng cơ, giảm mỡ khó thực hiện được.
R – Điều chỉnh lại: Tôi sẽ duy trì tập luyện tại nhà với các bài tập chống đẩy, plank, squat và chạy bộ trên máy để giảm được 2kg trọng lượng cơ thể trong quý IV-2020.
Ví dụ 5 – Ra mắt sản phẩm
S – Cụ thể: Tôi muốn sớm ra mắt sản phẩm phần mềm nhân sự mới.
M – Đo lường: Tôi muốn ra mắt phần mềm nhân sự mới trước 31/12/2020.
A – Khả thi: Với nhân lực và chất lượng team sản phẩm hiện nay, tôi muốn ra mắt phần mềm nhân sự mới trước 31/12/2020.
R – Liên quan: Với nhân lực và chất lượng team sản phẩm hiện nay, tôi muốn ra mắt phần mềm nhân sự mới trước 31/12/2020, nhằm kịp đưa sản phẩm ra thị trường trong quý I-2021.
T – Đúng lúc: Với nhân lực và chất lượng team sản phẩm hiện nay, tôi muốn ra mắt phần mềm nhân sự mới trước 31/12/2020, sớm trước kế hoạch cũ 1 tháng, nhằm kịp đưa sản phẩm ra thị trường trong quý I-2021.
E – Đánh giá: Kết thúc tháng 10/2020, tôi nhận thấy tiến độ hoàn thành sản phẩm đang đạt được 29% tiến độ. Để hoàn thành sản phẩm đúng hạn, tôi cần tuyển dụng thêm ít nhất 2 nhân sự Lập trình viên có 3 năm kinh nghiệm trở lên.
R – Điều chỉnh lại: Tôi sẽ tuyển dụng thêm ít nhất 2 Lập trình viên có 3 năm kinh nghiệm trở lên bổ sung cho team sản phẩm, để ra mắt phần mềm nhân sự mới trước 31/12/2020, nhằm kịp đưa sản phẩm ra thị trường trong quý I-2021.
Ví dụ 6 – Cải thiện chất lượng bữa ăn trưa
S – Cụ thể: Tôi muốn nhân viên có bữa ăn trưa thuận tiện, ngon miệng.
M – Đo lường: Tôi muốn 100% nhân viên hài lòng với bữa ăn trưa thuận tiện, ngon miệng của công ty.
A – Khả thi: Với kinh phí và nguồn lực hiện nay, tôi muốn 100% nhân viên hài lòng với bữa ăn trưa thuận tiện, ngon miệng của công ty.
R – Liên quan: Với kinh phí và nguồn lực hiện nay, tôi muốn 100% nhân viên hài lòng với bữa ăn trưa thuận tiện, ngon miệng của công ty.
T – Đúng lúc: Với kinh phí và nguồn lực hiện nay, tôi muốn ngay trong tháng 10/2020 tiến hành khảo sát và 100% nhân viên hài lòng với bữa ăn trưa thuận tiện, ngon miệng của công ty.
E – Đánh giá: Sau khi khảo sát, tôi nhận thấy nhân viên đánh giá bữa ăn khá ngon miệng, đa dạng, đủ chất. Tuy nhiên, các món ăn do làm quá sớm nên khi đưa ra đã bị nguội.
R – Điều chỉnh lại: Tôi sẽ yêu cầu bộ phận hậu cần chuẩn bị kịp lúc để đồ ăn còn nóng, khiến 100% nhân viên hài lòng với bữa ăn trưa thuận tiện, ngon miệng của công ty trong quý IV-2020.
Ví dụ 7 – Giảm biến động nhân sự
S – Cụ thể: Tôi muốn giảm tỷ lệ biến động nhân sự của công ty.
M – Đo lường: Tôi muốn giảm tỷ lệ nhân viên nghỉ việc xuống dưới 5%.
A – Khả thi: Với chính sách lương thưởng, phúc lợi hiện tại, tôi muốn giảm tỷ lệ nhân viên nghỉ việc xuống dưới 5%.
R – Liên quan: Với chính sách lương thưởng, phúc lợi hiện tại, tôi muốn giảm tỷ lệ nhân viên nghỉ việc xuống dưới 5%, để công ty ổn định nhân sự phát triển sản xuất, kinh doanh.
T – Đúng lúc: Với chính sách lương thưởng, phúc lợi hiện tại, tôi muốn giảm tỷ lệ nhân viên nghỉ việc xuống dưới 5% mỗi quý, để công ty ổn định nhân sự phát triển sản xuất, kinh doanh.
E – Đánh giá: Đánh giá tình hình nhân sự quý III-2020 cho thấy nhân sự vẫn tiếp tục nghỉ với lượng lớn ở mức 8% mỗi quý. Lý do là vì mức lương thưởng của công ty vẫn thấp hơn so với thị trường.
R – Điều chỉnh lại: Tôi sẽ tăng 10% lương thưởng hiện tại nhằm giảm tỷ lệ nhân viên nghỉ việc xuống dưới 5% mỗi quý, để công ty ổn định nhân sự phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ví dụ 8 – Tăng doanh số bán hàng
S – Cụ thể: Tôi muốn tăng doanh số bán hàng.
M – Đo lường: Tôi muốn tăng doanh số bán hàng lên ít nhất 5%.
A – Khả thi: Với quy mô và triển vọng kinh doanh hiện nay, tôi muốn tăng doanh số bán hàng lên ít nhất 5%.
R – Liên quan: Với quy mô và triển vọng kinh doanh hiện nay, tôi muốn tăng doanh số bán hàng lên ít nhất 5%, nhằm giúp công ty vượt qua khó khăn thu – chi sau đợt dịch bệnh.
T – Đúng lúc: Với quy mô và triển vọng kinh doanh hiện nay, tôi muốn tăng doanh số bán hàng lên ít nhất 5% mỗi tháng, nhằm giúp công ty vượt qua khó khăn thu – chi sau đợt dịch bệnh.
E – Đánh giá: Sau 1 tháng triển khai mục tiêu, doanh số bán hàng có tăng nhưng không như kỳ vọng. Nguyên nhân là do khách hàng mục tiêu cắt giảm chi tiêu trong giai đoạn kinh tế khó khăn.
R – Điều chỉnh lại: Tôi sẽ mở rộng kênh quảng bá sản phẩm qua Google, Youtube và Facebook nhằm tăng doanh số bán hàng lên ít nhất 5% mỗi tháng, giúp công ty vượt qua khó khăn thu – chi sau đợt dịch bệnh.
Ví dụ 9 – Tăng lưu lượng truy cập website
S – Cụ thể: Tăng lưu lượng truy cập website không mất phí.
M – Đo lường: Tăng 10% lưu lượng truy cập website không mất phí.
A – Khả thi: Với nền tảng nội dung website và cộng đồng khách hàng hiện nay, chúng ta sẽ tăng 10% lưu lượng truy cập website không mất phí.
R – Liên quan: Với nền tảng nội dung website và cộng đồng khách hàng hiện nay, chúng ta sẽ tăng 10% lưu lượng truy cập website không mất phí, nhằm hỗ trợ hoạt động bán hàng của công ty.
T – Đúng lúc: Với nền tảng nội dung website và cộng đồng khách hàng hiện nay, chúng ta sẽ tăng 10% lưu lượng truy cập website không mất phí hàng tháng, nhằm hỗ trợ hoạt động bán hàng của công ty.
E – Đánh giá: Sau khi triển khai tháng đầu tiên, công ty nhận thấy mục tiêu hoàn thành được 80%. Lưu lượng truy cập website từ nguồn không mất phí tăng lên 8%.
R – Điều chỉnh lại: Với nền tảng nội dung website và cộng đồng khách hàng hiện nay, chúng ta sẽ tăng 10% lưu lượng truy cập website không mất phí hàng tháng bằng cách đảm bảo tối thiểu mỗi ngày có 1 bài viết có chủ đề khách hàng đang quan tâm, nhằm hỗ trợ hoạt động bán hàng của công ty.
Ví dụ 10 – Giảm biến động nhân sự
S – Cụ thể: Giảm tỷ lệ biến động nhân sự.
M – Đo lường: Giảm tỷ lệ biến động nhân sự xuống dưới 5%.
A – Khả thi: Với nguồn lực, tình hình phát triển hiện tại, chúng ta có thể giảm tỷ lệ biến động nhân sự xuống dưới 5%.
R – Liên quan: Với nguồn lực, tình hình phát triển hiện tại, chúng ta có thể giảm tỷ lệ biến động nhân sự xuống dưới 5%, để ổn định nhân sự phát triển sản xuất, kinh doanh.
T – Đúng lúc: Với nguồn lực, tình hình phát triển hiện tại, chúng ta có thể giảm tỷ lệ biến động nhân sự hàng quý xuống dưới 5%, để ổn định nhân sự phát triển sản xuất, kinh doanh.
E – Đánh giá: Sau quý đầu triển khai mục tiêu, công ty nhận được các phản hồi đề xuất tăng lương, phúc lợi để yên tâm làm việc của 75% nhân viên công ty.
R – Điều chỉnh lại: Với nguồn lực, tình hình phát triển hiện tại, chúng ta sẽ tăng 10% lương, phúc lợi nhằm góp phần giảm tỷ lệ biến động nhân sự hàng quý xuống dưới 5%, để ổn định nhân sự phát triển sản xuất, kinh doanh.
Lời kết,
SMARTER về cơ bản là sự mở rộng, hoàn thiện hơn của mô hình SMART. Nếu SMART giúp bạn thiết lập được một mục tiêu thông minh thì với SMARTER, bạn sẽ cần thêm yếu tố đánh giá và điều chỉnh lại để thực hiện mục tiêu hiệu quả và thực tế hơn. VNOKRs chúc bạn thiết lập và đạt được các mục tiêu với kết quả vượt trội cùng SMARTER.
Tìm hiểu thêm về cách đặt mục tiêu SMART trong video dưới đây của Erica Olsen – COO và đồng sáng lập của OnStrategy
Bài viết của VNOKRs, vui lòng ghi nguồn khi trích dẫn.
Từ khóa » Thiết Lập Mục Tiêu Smarter
-
Nguyên Tắc đặt Mục Tiêu SMART - Blog GoalF
-
Nguyên Tắc SMARTER Là Gì? - Blog GoalF
-
Mục Tiêu SMART Là Gì Và Cách đặt Mục Tiêu SMART - TopCV
-
Nguyên Tắc SMART Về Thiết Lập Mục Tiêu
-
SMART & SMARTER: Nguyên Tắc Xác định Mục Tiêu Hiệu Quả
-
Mục Tiêu Smart Là Gì? Cách Thiết Lập Mục Tiêu Smart Hiệu Quả - Zafago
-
Mục Tiêu SMART Là Gì? Thiết Lập Mục Tiêu SMART - Nef Digital
-
Thiết Lập & Quản Lý Mục Tiêu Chất Lượng: Nguyên Tắc S.M.A.R.T.E.R.
-
Mô Hình Thiết Lập Mục Tiêu SMARTER Và Nguyên Tắc áp Dụng | Học ...
-
Thiết Lập Mục Tiêu SMART - Phạm Thống Nhất
-
Mục Tiêu SMART Là Gì? Nguyên Tắc Thiết Lập Kèm Ví Dụ Chi Tiết
-
Mục Tiêu SMART Là Gì? Các ứng Dụng Và Tầm Quan Trọng - CareerLink
-
Mục Tiêu SMART Là Gì? Ví Dụ Thực Tế Về Mục Tiêu SMART Trong Kinh ...
-
Thiết Lập Mục Tiêu Thông Minh - SMART