Nguyện Vọng Chính đáng Của Người San Chí, Sán Chí

Việc cải chính dân tộc tại Thái Nguyên cần thấu tình, đạt lý và đáp ứng được mong muốn, nguyện vọng của đồng bào. Ảnh: Huy Bình.

Việc cải chính dân tộc tại Thái Nguyên cần thấu tình, đạt lý và đáp ứng được mong muốn, nguyện vọng của đồng bào. Ảnh: Huy Bình.

Thừa nhận sai sót

Theo điều tra dân số, nhà ở năm 2019, tỉnh Thái Nguyên có gần 40.000 người khai là dân tộc Cao Lan, San Chí, Sán Chí.

Thời gian gần đây, người dân đang có các giấy tờ hộ tịch đã được cấp trong đó ghi thành phần là dân tộc Cao Lan, San Chí, Sán Chí có thắc mắc và đề nghị được hướng dẫn khai là dân tộc gì, bởi trong danh mục 54 dân tộc Việt Nam được ban hành kèm theo Quyết định số 121 -TCTK/PPCD, ngày 02/3/1979 của Tổng cục Thống kê không có dân tộc San Chí, Sán Chí. Từ đó, gây rất nhiều khó khăn cho nhóm dân tộc này khi khai báo thiết lập giấy tờ hộ tịch và các giấy tờ khác có liên quan cho công dân.

Trước tình trên, ngày 5/4/2021, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành văn bản 1363/UBND-NC về việc cải chính hộ tịch, cách ghi thành phần dân tộc. Ngày 21/5/2021, Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên có văn bản số: 521/STP- HCTP  Hướng dẫn việc cải chính dân tộc như sau:

“Hiện nay, việc ghi tên thành phần dân tộc vẫn thực hiện theo danh mục các dân tộc Việt Nam, ban hành kèm theo Quyết định số: 121- TCTK/PPCD, ngày 02/3/1979 của Tổng cục Thống kê. Các cơ quan đăng ký hộ tịch ghi đúng tên thành phần dân tộc trong danh mục này. Đối với các trường hợp người dân có các giấy tờ hộ tịch đã được cấp trong đó ghi thành phần dân tộc là “Sán Chí”, “San Chí” trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên không đúng với thành phần dân tộc trong danh mục là “Sán Chỉ” nên xác định là có sai sót trong việc ghi thành phần dân tộc khi thiết lập các giấy tờ cho công dân. Vì vậy, các trường hợp sai sót nêu trên được cải chính thành dân tộc Sán Chỉ theo danh mục các dân tộc Việt Nam.”

Hướng dẫn trên của Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên không nói gì đến dân tộc Cao Lan và lại hướng dẫn cải chính dân tộc cho số người dân có giấy tờ hộ tịch ghi là dân tộc San Chí, Sán Chí thành dân tộc Sán Chỉ.

Người dân thuộc công đồng 3 dân tộc San Chí, Sán Chí và Cao Lan khẳng định việc cải chính này vẫn không giải quyết được tận gốc về việc ghi thành phần dân tộc trong giấy tờ hộ tịch và các giấy tờ khác có liên quan cho công dân, mặt khác người dân thấy không có căn cứ pháp lý hay căn cứ khoa học nào để cải chính dân tộc San Chí hay Sán Chí thành Sán Chỉ cả.

Trang phục của dân tộc Sán Chay, xã Na Mao, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Huy Bình.

Trang phục của dân tộc Sán Chay, xã Na Mao, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Huy Bình.

Cơ sở khoa học

Theo Quyết định số 121 - TCTK/PPCD, ngày 2/3/1979 của Tổng cục Thống kê, trong danh mục 54 dân tộc Việt Nam không có tên gọi dân tộc San Chí, Sán Chí mà chỉ có dân tộc Sán Chay. Theo đó, dân tộc Sán Chay có các nhánh gồm Cao Lan, Sán Chỉ, Mán Cao Lan, Hờn Bạn, Sơn Tử.

Ông Hoàng Văn Ninh (Nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Na Mao, huyện Đại Từ) phân tích, dân tộc Sán Chỉ chỉ có tiếng nói khác hoàn toàn với dân tộc Sán Chay. Do đó, cơ quan chuyên môn yêu cầu cải chính dân tộc San Chí và Sán Chí thành Sán Chỉ là không có cơ sở.

Công văn 390 của Ủy ban Dân tộc yêu cầu việc thực hiện cải chính dân tộc đã nêu rõ “Cách ghi mục thành phần dân tộc thì ghi tên nhóm nhỏ hoặc tên gọi khác trước, sau đó mở ngoặc ghi tên chính của dân tộc. Ví dụ Pa Cô (Tà Ôi)”.

Cơ sở thực tiễn

Ông Nông Văn Trân (Nguyên Phó trưởng ban dân tộc tỉnh Thái Nguyên) cho biết, theo quy định của luật hộ tịch, phần khai về dân tộc con cái khai theo dân tộc của cha hoặc mẹ được xác định trong giấy khai sinh và các giấy tờ hộ tịch khác.

Số đồng bào nhóm dân tộc Cao Lan, San Chí, Sán Chí có nhiều đời từ ông, bà, cụ kỵ đã có khai sinh và Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu đều ghi là San Chí hoặc Sán Chí rồi. Đặc biệt, đồng bào dân tộc Cao Lan, San Chí hoặc Sán Chí đều tự gọi mình là người Sán Chay.

Ông Âu Ngọc Hòa (Nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Na Mao, huyện Đại Từ) cho biết, người San Chí hay Sán Chí có ngôn ngữ, văn hóa tương đồng với người Sán Chay. Đồng Bào các dân tộc Cao Lan, San Chí hay Sán Chí cũng như người dân tộc Sán Chay đều cho rằng đó là 3 nhánh nằm trong dân tộc Sán Chay.

"Việc thống nhất tên gọi chung là Sán Chay không làm mất đi truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc mình cũng như được thụ hưởng các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Vậy nên, thực hiện cải chính phải dựa vào dòng chính, dựa vào thực tiễn mới đúng với tâm tư nguyện vọng của bà con. Có một câu nói bằng tiếng dân tộc San Chí mà ngưới Sán Chí nào cũng biết là “Văn sy Sán Chay nhăn” tức là mình là người Sán Chay." Ông Âu Ngọc Hòa nói.

Múa Tắc Xình, điệu múa của đồng bào dân tộc Sán Chay trong lễ hội Cầu mùa xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Huy Bình.

Múa Tắc Xình, điệu múa của đồng bào dân tộc Sán Chay trong lễ hội Cầu mùa xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Huy Bình.

Còn nhánh dân tộc Sán Chỉ, theo nhân dân, đây là một dân tộc khác, không giống người San Chí hoặc Sán Chí cả về ngôn ngữ, đặc trưng văn hóa tộc người. Việc cải chính thành Sán Chỉ là một sự lắp ghép cơ học, khiên cưỡng, như thôn tính, làm mất tên dân tộc San Chí, Sán Chí hay Cao Lan. Thực tế, tại Thái Nguyên cũng không có đồng bào dân tộc Sán Chỉ sinh sống, thực hiện cải chính nói trên theo chỉ đạo của địa phương rõ ràng không có cơ sở cả về khoa học lẫn thực tiễn.

Một số cộng đồng dân cư thuộc các dân tộc Cao Lan, San Chí hay Sán Chí đã đề đạt nguyên vọng, mong muốn là việc thực hiện cải chính dân tộc chỉ cần thêm phần mở ngoặc, rồi thêm tên chính của dân tộc Sán Chay vào là đáp ứng, giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Ví dụ: San Chí (Sán Chay) Sán Chí (Sán Chay).

Làm được như vậy, vừa đảm bảo dựa trên sở cứ khoa học, thực tiễn đời sống, đảm bảo đúng tinh thần chỉ đạo của Ủy ban Dân tộc và cao nhất là đáp ứng mong muốn, nguyện vọng chính đáng của đồng bào.

Từ khóa » Dân Tộc Sán Chay ở Thái Nguyên