Nguyễn Xuân Phúc – Wikipedia Tiếng Việt
Có thể bạn quan tâm
Nguyễn Xuân Phúc | |
---|---|
Nguyễn Xuân Phúc năm 2022 | |
Chức vụ | |
Chủ tịch nướcCộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam | |
Nhiệm kỳ | 5 tháng 4 năm 2021 – 18 tháng 1 năm 20231 năm, 288 ngày |
Phó Chủ tịch nước | Võ Thị Ánh Xuân |
Tiền nhiệm | Nguyễn Phú Trọng |
Kế nhiệm | Võ Thị Ánh Xuân (quyền)Võ Văn Thưởng |
Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng An ninhTổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Việt Nam | |
Nhiệm kỳ | 5 tháng 4 năm 2021 – 18 tháng 1 năm 20231 năm, 288 ngày |
Phó Chủ tịch | Phạm Minh Chính |
Tiền nhiệm | Nguyễn Phú Trọng |
Kế nhiệm | Võ Thị Ánh Xuân (Quyền)Võ Văn Thưởng |
Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư phápTrung ương | |
Nhiệm kỳ | 5 tháng 4 năm 2021 – 18 tháng 1 năm 20231 năm, 288 ngày |
Tiền nhiệm | Nguyễn Phú Trọng |
Kế nhiệm | Võ Thị Ánh Xuân (Quyền)Võ Văn Thưởng |
Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt NamPhó Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh | |
Nhiệm kỳ | 7 tháng 4 năm 2016 – 5 tháng 4 năm 20214 năm, 363 ngày |
Chủ tịch nước | Trần Đại Quang (2016 – 2018)Đặng Thị Ngọc Thịnh (Quyền 21 tháng 9 – 23 tháng 10 năm 2018)Nguyễn Phú Trọng (2018 – 2021) |
Phó Thủ tướng |
|
Tiền nhiệm | Nguyễn Tấn Dũng |
Kế nhiệm | Phạm Minh Chính |
Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN | |
Nhiệm kỳ | 1 tháng 1 năm 2020 – 31 tháng 12 năm 2020365 ngày |
Tổng Thư ký | Lâm Ngọc Huy |
Tiền nhiệm | Prayut Chan-o-cha |
Kế nhiệm | Hassanal Bolkiah |
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ | |
Nhiệm kỳ | 3 tháng 8 năm 2011 – 7 tháng 4 năm 20164 năm, 248 ngày |
Thủ tướng | Nguyễn Tấn Dũng |
Tiền nhiệm | Nguyễn Sinh Hùng |
Kế nhiệm | Trương Hòa Bình |
Ủy viên Bộ Chính trịkhóa XI, XII, XIII | |
Nhiệm kỳ | 19 tháng 1 năm 2011 – 17 tháng 1 năm 2023 11 năm, 363 ngày |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ | |
Nhiệm kỳ | 2 tháng 8 năm 2007 – 3 tháng 8 năm 20114 năm, 1 ngày |
Tiền nhiệm | Đoàn Mạnh Giao |
Kế nhiệm | Vũ Đức Đam |
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chính phủ | |
Nhiệm kỳ | 1 tháng 6 năm 2006 – 2 tháng 8 năm 20071 năm, 62 ngày |
Chủ nhiệm | Đoàn Mạnh Giao |
Ủy viên Trung ương Đảngkhóa X, XI, XII, XIII | |
Nhiệm kỳ | 24 tháng 4 năm 2006 – 17 tháng 1 năm 2023 16 năm, 267 ngày |
Tổng Bí thư | Nông Đức Mạnh (2001 – 2011)Nguyễn Phú Trọng (2011 – nay) |
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ | |
Nhiệm kỳ | tháng 3 năm 2006 – tháng 5 năm 2006 |
Tổng Thanh tra | Quách Lê Thanh |
Đại biểu Quốc hội Việt Namkhóa XI, XIII, XIV, XV | |
Nhiệm kỳ | tháng 6 năm 2007 – 18 tháng 1 năm 2023 |
Đại diện | Quảng Nam (2002 – 2007)Quảng Nam (2011 – 2016)Hải Phòng (2016 – 2021)Thành phố Hồ Chí Minh (2021 - 2023) |
Tỉ lệ | khóa XI: khóa XIII: 94,59 %khóa XIV: 99,48 %khóa XV: 96,65 % |
Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng NamChủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam | |
Nhiệm kỳ | 2001 – 2006 |
Kế nhiệm | Nguyễn Đức Hải |
Vị trí | Quảng Nam |
Thông tin cá nhân | |
Quốc tịch | Việt Nam |
Sinh | 20 tháng 7, 1954 (70 tuổi)Quế Xuân, Quế Sơn, Quảng Nam, Quốc gia Việt Nam |
Nơi ở | Hà Nội |
Dân tộc | Kinh |
Tôn giáo | Không |
Đảng chính trị | Đảng Cộng sản Việt Nam12/5/1982 |
Vợ | Trần Thị Nguyệt Thu[1] |
Cha | Nguyễn Văn Hiền |
Họ hàng |
|
Con cái |
|
Học vấn | Cử nhân Kinh tế |
Alma mater | Trường Đại học Kinh tế Quốc dânHọc viện Hành chính Quốc giaĐại học Quốc gia Singapore |
Website | nguyenxuanphuc.chinhphu.vn |
Chữ ký |
Nguyễn Xuân Phúc (sinh ngày 20 tháng 7 năm 1954 tại Quảng Nam) là một chính trị gia người Việt Nam. Ông nguyên là Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ năm 2021 đến khi bị miễn nhiệm do phải chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để thuộc cấp phạm pháp, tham nhũng gây hậu quả rất nghiêm trọng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa XI, XII, XIII, Đại biểu Quốc hội Việt Nam các khóa XI, XIII, XIV, XV. Ông từng giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh Việt Nam. Ông cũng đảm nhiệm ghế Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN nhiệm kỳ 2020.[2] Nguyễn Xuân Phúc gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày 12 tháng 11 năm 1983.
Ông Nguyễn Xuân Phúc đã lần lượt kinh qua các chức vụ trong Đảng và Nhà nước, tham gia Bộ Chính trị lần đầu tiên vào năm 2011 sau Đại hội Đảng lần thứ XI. Ngày 7 tháng 4 năm 2016, ông Phúc trở thành Thủ tướng thứ 8 của Chính phủ Việt Nam. Nhiệm kỳ Thủ tướng của ông đã chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế thần kỳ của Việt Nam, thậm chí nền kinh tế của đất nước còn tăng trưởng bất chấp Đại dịch COVID-19 vào năm 2020 nhờ những biện pháp chống dịch nghiêm ngặt dẫn đến việc mở cửa kinh tế sớm sau khi Đại dịch tạm thời ổn định. GDP Việt Nam năm 2020 tăng 2,91%, đưa Việt Nam là nước duy nhất có tăng trưởng dương trong 6 nền kinh tế lớn tại Đông Nam Á và vượt lên trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 4 trong ASEAN, đứng thứ 37 thế giới, trong khi các nước khác trên thế giới phải chịu đối mặt với suy thoái kinh tế do tăng trưởng âm và cũng như chủ trì thành công Hội nghị ASEAN năm 2020. Ông cũng tạo nhiều niềm tin đối với các nhà lãnh đạo thế giới, đặc biệt là Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzō và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Vào ngày 5 tháng 4 năm 2021, Nguyễn Xuân Phúc trở thành Chủ tịch nước thứ 11 của Nhà nước Việt Nam. Nhiệm kỳ của ông đã để lại dấu ấn ngoại giao đặc sắc như thành công thuyết phục các nước lớn chia sẻ vaccine năm 2021, nâng cấp quan hệ ngoại giao Đối tác Chiến lược toàn diện với Hàn Quốc năm 2022.
Ngày 18 tháng 1 năm 2023, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 3, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua việc miễn nhiệm chức vụ chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 - 2026 và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Xuân Phúc, khiến ông trở thành nguyên thủ quốc gia cũng như lãnh đạo chủ chốt (Tứ trụ) đầu tiên bị cho thôi chức do phải chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, gây hậu quả rất nghiêm trọng.[3] Trước đó, 17 tháng 1 năm 2023, Trung ương đã chấp thuận cho ông Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021–2026 do chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 phó thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; 2 phó thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự.[4] Nguyên nhân ông từ chức được cho là cấp dưới của ông dính phải bê bối tham nhũng trong Vụ sai phạm tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á và Vụ chuyến bay "giải cứu" công dân trở về nước do đại dịch COVID-19.
Xuất thân và giáo dục
Thân thế
Ông sinh ngày 20 tháng 7 năm 1954, tại làng Hương Quế, xã Quế Xuân, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam)[5]. Ông được gọi theo thông lệ miền Nam là Bảy do là người con thứ sáu và là con út trong gia đình.
Cha ông là Nguyễn Văn Hiền (sinh năm 1918, hiện đang sinh sống tại phường Thuận Phước, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng), hoạt động cho chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước năm 1954, tập kết ra Bắc theo Hiệp định Genève. Ông cùng mẹ và các anh chị ở lại quê nhà, thuở nhỏ theo học ở trường làng. Mẹ và các anh chị của ông hoạt động bí mật cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, một người chị của ông bị quân đội Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa giết sau một trận đánh vào năm 1965. Năm 1966, mẹ ông cũng bị giết. Ông sống cùng người chị gái tại quê nhà một thời gian, sau đó được những người đồng chí của cha mẹ ông bí mật đưa ra Bắc học theo chế độ của học sinh miền Nam (năm 1967).[6]
Ông hiện sống tại phường Thuận Phước, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng và khi làm việc tại Hà Nội ông cư trú ở Nhà công vụ số 11 Chùa Một Cột, phường Điện Biên, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.[Ghi chú 1]
Giáo dục
Nguyễn Xuân Phúc theo học phổ thông cơ sở ở quê nhà Quảng Nam, Đà Nẵng. Giai đoạn 1966 – 1968, ông lên Chiến khu cách mạng, được Đảng đưa ra miền Bắc đào tạo. Ông theo học phổ thông, đồng thời là Bí thư Đoàn trường cấp III những năm 1968 – 1972, tốt nghiệp giáo dục phổ thông 10/10 năm 1972.[Ghi chú 2]
Từ năm 1973, ông ra thủ đô Hà Nội, theo học tại Đại học Kinh tế Quốc dân, tham gia hoạt động trong phong trào Đoàn thanh niên, từng làm Bí thư Chi đoàn. Đến năm 1978, ông tốt nghiệp Cử nhân kinh tế Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội với chứng chỉ ngoại ngữ Anh văn B, Nga văn B.[7] Những năm 1990, ông theo học ngành Quản lý hành chính Nhà nước tại Học viện Hành chính Quốc gia. Đến năm 1996, ông được cử theo học ngành Quản lý Kinh tế tại Đại học Quốc gia Singapore.[8]
Ngày 12 tháng 5 năm 1982, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, chính thức là ngày 12 tháng 11 năm 1983.[2]
Sự nghiệp địa phương
Tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng
Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1978, Nguyễn Xuân Phúc trở về quê nhà và được nhận vào làm việc tại tỉnh nhà (bấy giờ là Quảng Nam – Đà Nẵng). Từ năm 1980 đến 1993, ông lần lượt công tác với các chức vụ Cán bộ Ban Quản lý kinh tế tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, Chuyên viên, Phó Văn phòng rồi Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm Bí thư Đảng ủy Cơ quan, Đảng ủy viên Đảng ủy khối Dân Chính Đảng Quảng Nam – Đà Nẵng khóa I, II, Chủ tịch Hội khoa học kinh tế Quảng Nam – Đà Nẵng.
Năm 1993, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Du lịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Từ năm 1993 đến 1996, ông lần lượt giữ các chức vụ Giám đốc Sở Du lịch, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, Tỉnh ủy viên khóa XV, XVI tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.
Tỉnh Quảng Nam
Năm 1997, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng được chia tách thành tỉnh Quảng Nam[Ghi chú 3] và thành phố Đà Nẵng, thành phố trực thuộc trung ương, ông được phân công công tác ở Quảng Nam. Từ năm 1997 đến 2001, ông là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVII, XVIII, Phó Chủ tịch rồi Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam kiêm Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VI; kiêm Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Quảng Nam.[2]
Năm 2001, Nguyễn Xuân Phúc được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam. Ông cũng kiêm nhiệm Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Nam – một liên hiệp khoa học kỹ thuật kết nối trí thức tỉnh. Thời gian này, ông bắt đầu lãnh đạo lĩnh vực hành pháp quê nhà Quảng Nam, thực thi pháp luật, phát triển tỉnh.
Giai đoạn 2004 – 2006, ông tiếp tục cương vị là Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam khoá XIX; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Bí thư Ban Cán sự Đảng ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam khoá VII; Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam khoá VII.
Sự nghiệp Trung ương
Văn phòng Chính phủ Việt Nam
Tháng 3 năm 2006, Thủ tướng Phan Văn Khải bổ nhiệm Nguyễn Xuân Phúc làm Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, tương đương cấp Thứ trưởng. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng năm 2006, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.[9] Tháng 6 năm 2006, ông được điều động sang giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chính phủ. Đến tháng 8 năm 2007, ông được Quốc hội phê chuẩn giữ chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Việt Nam.[10] Ông công tác ở vị trí phụ tá Chính phủ Việt Nam những năm 2007 – 2011.
Phó Thủ tướng Việt Nam
Tháng 1 năm 2011, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc được tái cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, được bầu vào Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, trở thành Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, vị trí quan trọng lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Sau đại hội, ông được đề cử cho vị trí Phó Thủ tướng Chính phủ. Đến ngày 03 tháng 8 năm 2011, tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa XIII, Nguyễn Xuân Phúc được Quốc hội phê chuẩn làm Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Việt Nam.[11]
Thời kỳ 2011 – 2016, ông giữ vai trò là Phó Thủ tướng thường trực, xử lý trực tiếp các nhiệm vụ, trọng trách của Chính phủ Việt Nam cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng chuyển giao vị trí thời điểm khác nhau như Hoàng Trung Hải (2011 – 2016), Nguyễn Thiện Nhân, Vũ Văn Ninh (2011 – 2016), Trương Hòa Bình (từ 2016), Phạm Bình Minh (từ 2013), Vương Đình Huệ (2016 – 2020), Vũ Đức Đam (từ 2013), Trịnh Đình Dũng (từ 2016).[11]
Đại biểu Quốc hội
Đại biểu Quốc hội khóa XI, XIII tỉnh Quảng Nam
Năm 2001, Nguyễn Xuân Phúc được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa XI, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế – Ngân sách của Quốc hội khóa XI. Ông cũng bắt đầu là Đại biểu Quốc hội từ thời điểm này cho đến nay. Giai đoạn 2004 – 2006, ông tiếp tục là Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế – Ngân sách Quốc hội khoá XI.
Ngày 22 tháng 5 năm 2011, Nguyễn Xuân Phúc trúng cử Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIII nhiệm kì 2011 – 2016 tại đơn vị bầu cử số 02 tỉnh Quảng Nam gồm huyện Duy Xuyên, huyện Quế Sơn, huyện Nông Sơn, huyện Thăng Bình, huyện Hiệp Đức và thành phố Hội An với tỉ lệ 94,59% số phiếu hợp lệ.
Đại biểu Quốc hội khóa XIV thành phố Hải Phòng
Ngày 22 tháng 5 năm 2016, Nguyễn Xuân Phúc trúng cử Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIII nhiệm kì 2016 – 2021 tại đơn vị bầu cử số 03 thành phố Hải Phòng gồm các quận Kiến An, Đồ Sơn, huyện An Lão, Tiên Lãng và Vĩnh Bảo với tỉ lệ 99,48% phiếu bầu tán thành.
Đại biểu Quốc hội khóa XV thành phố Hồ Chí Minh
Ngày 23 tháng 5 năm 2021, Nguyễn Xuân Phúc trúng cử Đại biểu Quốc hội tại thành phố Hồ Chí Minh[12] tại đơn vị bầu cử số 10 (gồm huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn).[13]
Chiều ngày 18 tháng 1 năm 2023, Quốc hội đã cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV (thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh) đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.[3]
Thủ tướng Chính phủ (2016–2021)
Bài chi tiết: Chính phủ Việt Nam 2016–2021Năm 2015, tại Hội nghị lần thứ 14, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, Nguyễn Xuân Phúc được đề cử là một trong các ứng viên cho chức vụ Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021, kế nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.[14] Ông trở thành Thủ tướng đầu tiên của Việt Nam sinh ra sau thời kỳ Chiến tranh Đông Dương. Đến tháng 1 năm 2016, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 12, tái đắc cử Ủy viên Bộ Chính trị.
Ngày 07 tháng 4 năm 2016, với số phiếu tán thành là 446 phiếu, chiếm 90% đại biểu, Nguyễn Xuân Phúc trúng cử chức vụ Thủ tướng Chính phủ, kế nhiệm Nguyễn Tấn Dũng điều hành Chính phủ Việt Nam.[15] Đến ngày 13 tháng 6 năm 2016, ông thôi giữ chức Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, kế nhiệm ông là Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình.[16]
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ba trợ lý là Đỗ Ngọc Huỳnh,[Ghi chú 4] Bùi Huy Hùng, Cao Xuân Thành và hai Thư ký Thủ tướng là Cấn Đình Tài và Nguyễn Hoàng Anh.[17] Đến cuối năm 2008, ông bổ nhiệm thêm Nguyễn Duy Hưng làm Trợ lý, có tất cả bốn trợ lý, đều cấp hàm Vụ trưởng.[18] Với công tác lãnh đạo Chính phủ, chỉ huy hành pháp Nhà nước, tính đến cuối nhiệm kỳ, đầu năm 2021 ông phối hợp cộng tác với các Phó Thủ tưởng Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Trịnh Đình Dũng và Vũ Đức Đam.
Trong giai đoạn 2016 – 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, đối mặt với nhiều sự kiện lớn của đất nước, bao gồm động lực phát triển kinh tế – xã hội, sự biến thiên tai, dịch bệnh và khó khăn chung của cả nước.
Chương trình hành động
Chính phủ kiến tạo: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong nhiệm kỳ của mình đã đề ra khái niệm Chính phủ kiến tạo mới so với Chính phủ điều hành trước đó. Chính phủ này có bốn đặc điểm chính là:
1. Chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật, chính sách, thể chế tốt để nuôi dưỡng phát triển kinh tế chứ không chỉ điều hành trên những gì pháp luật có sẵn;
2. Nhà nước không làm thay thị trường;
3. Kiến thiết môi trường kinh doanh thuận lợi;
4. Siết chặt kỉ luật cán bộ, xây dựng chính quyền điện tử.[19]
Kinh tế
Tổ tư vấn kinh tế
Với mục đích nghiên cứu, phân tích, tìm kiếm phương án phát triển kinh tế đất nước, Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhiệm kì 2016 – 2021 được thành lập với 15 người,[Ghi chú 5] sau đó vào cuối tháng 11 năm 2017 bổ sung thêm một thành viên là Trần Hoàng Ngân.[20] Tháng 4 năm 2018, Nguyễn Xuân Thắng xin rút, Tổ tư vấn còn 15 thành viên. Danh sách Tổ tư vấn gồm có:[21]
- Vũ Viết Ngoạn, Tiến sĩ Tài chính (Hoa Kỳ, hệ từ xa), nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia được bổ nhiệm làm Tổ trưởng Tổ Tư vấn.
- Trần Ngọc Anh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chính sách công (Hoa Kỳ), Đại học Indiana (Mỹ).
- Vũ Thành Tự Anh, Tiến sĩ Kinh tế học (Hoa Kỳ), Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý thuộc Đại học Fulbright Việt Nam.
- Vũ Bằng, Tiến sĩ Kinh tế, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
- Nguyễn Đình Cung, Tiến sĩ Kinh tế (Việt Nam), Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.
- Trần Thọ Đạt, Giáo sư, Tiến sĩ Kinh tế (Úc) và Tiến sĩ Thống kê (Việt Nam), Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân.
- Nguyễn Đức Khương, Giáo sư, Tiến sĩ Tài chính (Pháp), Phó Giám đốc, Trưởng khoa Tài chính, Học viện Quản lý và Quản trị kinh doanh (Pháp).
- Vũ Minh Khương, Phó Giáo sư, Tiến sĩ về Chính sách và Kinh tế (Đại học Harvard, Hoa Kỳ), Đại học Quốc gia Singapore.
- Trần Du Lịch, Tiến sĩ Kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
- Trương Văn Phước, Tiến sĩ Kinh tế (Việt Nam), Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.
- Nguyễn Xuân Thắng, Giáo sư, Tiến sĩ Kinh tế, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (ông rút khỏi Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng từ tháng 4 năm 2018[22]).
- Trần Đình Thiên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Kinh tế chính trị (Liên Xô), Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
- Trần Văn Thọ, Giáo sư, Tiến sĩ Kinh tế (Nhật), Đại học Waseda (Nhật Bản).
- Nguyễn Quang Thuấn, Giáo sư, Tiến sĩ Kinh tế (Nga), Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
- Trần Hoàng Ngân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Kinh tế (Việt Nam), Giám đốc Học viện cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh.
- Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Kinh tế Việt Nam 2016-2021
Kinh tế Việt Nam giữ được đà tăng trưởng cao, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn năm 2016 đến năm 2019 đạt 6,8%, năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng 2,91% là nước duy nhất có tăng trưởng dương trong 6 nền kinh tế lớn tại Đông Nam Á. Nợ công giảm từ khoảng 64,5% GDP vào đầu nhiệm kỳ xuống còn 55,3% GDP và được cơ cấu lại bền vững, an toàn hơn, chuyển dần từ vay nước ngoài sang vay trong nước với kỳ hạn dài hơn và chi phí thấp hơn, nợ xấu còn 3%. Dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục gần 100 tỷ USD, thu hút mạnh đầu tư trong và ngoài nước, phát triển mạnh kinh tế tư nhân.
Đại dịch COVID-19
Cuối năm 2019 – đầu 2020, Đại dịch COVID-19 bùng phát từ Trung Quốc và lan ra thế giới. Tại Việt Nam, chính sách chống dịch được đặt ra và kiên quyết thực hiện. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lãnh đạo chung, phân công cho Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo trực tiếp. Ông chỉ thị yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2,0 m khi giao tiếp; không tập trung quá hai người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.[23] Ngày 01 tháng 4 năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc.[24]
Đối với Biện pháp hỗ trợ người dân, ngày 9 tháng 4 năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 để nhằm chia sẻ những khó khăn, bảo đảm cuộc sống của nhân dân, người lao động cả nước, góp phần ổn định xã hội.[25]
Ngày 24 tháng 4 năm 2020, ông tiếp tục ban hành chỉ thị về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, đồng thời khởi động lại và tiếp tục phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh và ổn định xã hội.[26]
Môi trường
Sự cố Formosa
Bài chi tiết: Cá chết hàng loạt ở Việt Nam năm 2016Lũ lụt miền Trung năm 2020
Từ tháng 10 năm 2020, thiên tai lũ lụt miền Trung năm 2020 diễn ra hay còn được gọi là Lũ chồng lũ, Lũ lịch sử, là một đợt bão, lũ lụt khắp miền Trung Việt Nam, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế của Bắc Trung Bộ, một phần Nam Trung Bộ gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Bắc Tây Nguyên. Đây được xem là một đợt lũ lụt lịch sử mới, được đặt mức báo động IV, thuộc về cấp bậc thiên tai nguy hiểm, rủi ro rất lớn của Việt Nam, ảnh hưởng sâu rộng và tác động gây tổn thất, thiệt hại toàn khu vực, phá hủy, trì hoãn và đẩy ngược nền kinh tế – xã hội của miền Trung Việt Nam. Với vai trò là lãnh đạo tối cao của Chính phủ hành pháp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ huy phương án đối phó thiên tai, giúp miền Trung vượt qua khó khăn, phân công cho các cơ quan Nhà nước, Trung ương, địa phương trực tiếp ứng phó, với phương châm: đoàn kết cả nước cùng hướng về miền Trung.[27]
Thành tích nổi bật
- Xây dựng được Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động.[28]
- Vai trò và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng vững chắc.[29]
Chủ tịch nước (2021–2023)
Ngày 2 tháng 4 năm 2021, Quốc hội Việt Nam phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Thủ tướng đối với ông bằng hình thức bỏ phiếu kín với 446/452 phiếu tán thành (chiếm 92,92%) để chuẩn bị bầu ông vào vị trí Chủ tịch nước.[30] Nguyễn Xuân Phúc vẫn tiếp tục nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đến ngày 5 tháng 4 năm 2021 sau khi Quốc hội bầu Thủ tướng mới thì nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng đối với ông mới có hiệu lực thi hành.
Sáng ngày 5 tháng 4 năm 2021, ông được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước với số phiếu tuyệt đối 468/468 đại biểu.[31] Sau đó vào 9 giờ sáng cùng ngày, Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước, khiến ông trở thành thủ tướng đầu tiên được bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước kể từ năm 1945 đến nay.[32]
Ngày 26/7/2021 ông được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021–2026 với tỷ lệ 96,79% (483/483 đại biểu có mặt biểu quyết tán thành, tổng số đại biểu Quốc hội khóa XV là 499 đại biểu).
Ngày 30/8/2022, ông được phân công làm Chủ tịch danh dự của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam[33]
Đại dịch COVID-19
Sáng ngày 27/5/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu "Tôi kêu gọi các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức, kiều bào ta ở nước ngoài... tham gia đóng góp ủng hộ để toàn dân, toàn quân ta sớm chiến thắng dịch bệnh" trong lễ phát động "Đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống Covid-19" do Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tổ chức[34]
Trước tình hình Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận hơn 85.500 ca nhiễm trong đợt dịch thứ tư, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu "Thành phố cần rút kinh nghiệm sâu sắc việc chậm giãn cách mật độ dân cư khi đường phố còn đông. Bởi thực hiện không nghiêm, không kiên quyết sẽ không giải quyết được vấn đề" và chỉ đạo "Bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng khu phố phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy, chính quyền về việc để dân thiếu ăn, đói cơm lạt muối, cùng cực xảy ra ở địa phương mình" vào ngày 30/7/2021[35]
Trong buổi làm việc tại TP. HCM vào sáng ngày 11/10/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo "Các địa phương không được ngăn sông cấm chợ, cản trở các hoạt động, cản trở sự lưu thông hàng hóa dịch vụ và dịch chuyển lao động" và ông cũng cho biết "Báo chí những ngày gần đây nói rất nhiều việc chúng ta cắt khúc địa phương này, địa phương khác. Nhân đây tôi nói lại chuyện pháo đài để mọi tỉnh, huyện, xã, mọi cơ sở hiểu chuyện này, không để tình trạng ngăn sông cấm chợ xảy ra"[36]
Công du Liên bang Nga
Theo cùng ông và phu nhân là đoàn cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Vnukovo ở thủ đô Nga Moscow, bắt đầu chuyến thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 29/11 đến 2/12, theo lời mời của Tổng thống Vladimir Putin.[37][38]
Mục đích chuyến thăm là tăng cường hợp tác giữa hai nước trong phòng chống đại dịch Covid-19, nhất là nghiên cứu, sản xuất vaccine, thuốc chữa bệnh và chia sẻ những kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh.[37]
Trong Tuyên bố chung sau đó, hai bên khẳng định cùng nhau quyết tâm tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga đến năm 2030, coi việc củng cố tin cậy chiến lược là nền tảng cho việc mở rộng và tăng cường hơn nữa hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực[39]. Theo Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi, thời gian hội đàm giữa ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Putin kéo dài gần 4 giờ đồng hồ là hiếm có trong các sự kiện tương tự của Tổng thống Nga.[40]
Việt Nam và Nga ủng hộ việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) năm 2002 và hoan nghênh các nỗ lực sớm thông qua Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Ông Nguyễn Xuân Phúc còn hội kiến với Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga bà Valentina Ivanovna Matviyenko,Chủ tịch Duma Quốc gia Nga ông Vyacheslav Volodin, Thủ tướng Nga ông Mikhail Vladimirovich Mishustin, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga và là Chủ tịch Đảng nước Nga thống nhất ông Dmitry Medvedev.[40]
Ông còn có các hoạt động khác như dâng hoa tại tượng đài Bác Hồ ở Moscow[41] và gặp các doanh nghiệp tại Nga.
Chính sách bơm tiền vào nền kinh tế
Vào ngày 4/1, ông nói rằng:“Nhiều nước đã rất mạnh tay tăng chi ngân sách cho phục hồi kinh tế. Chúng ta phải chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách và tín dụng tăng trong tầm kiểm soát. Phải bơm tiền ra nền kinh tế, giải quyết lao động phục vụ tăng trưởng”[42]
Ông đồng ý với đề xuất trong tờ trình về tăng bội chi, vay quỹ dự trữ nguồn hối, phát hành trái phiếu, hỗ trợ thuê tiền nhà trọ cho người lao động, giảm thuế, phí, giảm trừ thu nhập chịu thuế cho doanh nghiệp, đặc biệt là bố trí vốn ngân sách nhà nước, tăng vốn điều lệ... Cùng với tăng tín dụng, giảm lãi suất tiền tệ mới tạo nên một khối lượng cần thiết để thúc đẩy phát triển nền kinh tế. Những chủ trương như vậy rất cần thiết trong lúc này, để thúc đẩy kinh tế xã hội đất nước phát triển, nhằm phục hồi tăng trưởng, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Nhận định “cầu” của nền kinh tế còn yếu, Chủ tịch nước cho rằng cần tăng tổng “cầu”, nhất là tại những lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, những đối tượng gặp khó khăn cần được hỗ trợ như người nghèo, công nhân.
Chủ tịch nước cho rằng, việc về hỗ trợ tài khóa và tiền tệ để phát triển trong lúc khó khăn này cần thiết nhưng mà nền tảng là phải giữ kinh tế vĩ mô, nhất là chỉ tiêu lạm phát.[43]
Đồng thời, ông lệnh cần thiết kế lại cơ chế khuyến khích và thủ tục tiếp nhận gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, tín dụng cho doanh nghiệp, người dân, làm sao họ tiếp cận một cách nhanh nhất, thuận tiện nhất, chống tham ô, lãng phí tốt nhất.
Xây dựng Nhà nước pháp quyền
Sáng 17/1, tại Thành phố Đà Nẵng, Ban chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ đề: “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trì Hội thảo.[44]
Ân giảm tử tù Đặng Văn Hiến
Ngày 15 tháng 9 năm 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định ân giảm với tử tù Đặng Văn Hiến từ án tử hình xuống án chung thân. Trước đó Đặng Văn Hiến đã bị tuyên án tử hình về vụ tranh chấp đất đai với công ty Long Sơn được xem là trường hợp án oan.[45] Trước đó, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng vào năm 2019 đã có phiếu chuyển đơn gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng liên quan đến tử tù Đặng Văn Hiến.[46] Khi nhận tin Chủ tịch nước ký quyết định ân giảm từ án tử hình xuống án chung thân, bà Khuyên nghẹn ngào nói với báo Pháp luật “Nhận tin này tôi mừng quá, vậy là chồng tôi được sống, tôi xin cảm ơn Chủ tịch nước cùng các cấp thẩm quyền, các luật sư, cơ quan báo chí đã lên tiếng…”. Theo báo Pháp luật từ năm 2018 đến nay vợ tử tù Đặng Văn Hiến và các luật sư (LS) trợ giúp pháp lý đã có nhiều đơn gửi Chủ tịch nước và các cấp thẩm quyền đề nghị: Chủ tịch nước xem xét, đánh giá lại bản chất hành vi của Đặng Văn Hiến, xin được ân giảm án tử hình.[47]
Từ chức và miễn nhiệm
Bài chi tiết: Nguyễn Xuân Phúc từ chức Chủ tịch nướcNgày 17 tháng 1 năm 2023, Trung ương Đảng đã chấp thuận cho ông Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021–2026, theo nguyện vọng cá nhân.[4] Quyết định được Ban chấp hành Trung ương đưa ra trong cuộc họp bất thường vào buổi chiều cùng ngày, sau khi thảo luận và cho ý kiến về nguyện vọng thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu của ông.[48][49]
Ngày 18 tháng 1 năm 2023, ông đã được Quốc hội miễn nhiệm chức Chủ tịch nước, bà Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước được phân công giữ quyền Chủ tịch nước.[50] Ông là Chủ tịch nước có nhiệm kỳ ngắn nhất của Việt Nam cho tới thời điểm đó. Trước khi từ chức ông vẫn đi chúc tết các nguyên lãnh đạo và thăm gia đình các cố lãnh đạo, hội phật giáo.[51][52][53]
Việc ông từ chức được cho là do chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ có nhiều sai phạm như 2 Phó Thủ tướng (Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh), 3 Bộ trưởng (Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh và Mai Tiến Dũng), gây những hậu quả rất nghiêm trọng. Trong số đó đã có 2 Phó Thủ tướng xin thôi chức, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự.[48][54]
Ngày 4 tháng 2 năm 2023, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức lễ bàn giao công tác giữa nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân. Phát biểu tại buổi lễ, ông đã phủ định việc gia đình mình liên quan đến Vụ án Việt Á:
"Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp Giám đốc Việt Á. Điều này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ ràng."[55]
Tuy nhiên phát ngôn này đã bị gỡ bỏ ở các trang báo ngay sau đó.[56]
Trước đó, ngày 20 tháng 1, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu cao cấp về chính trị thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore phát biểu với đài CNA rằng: "Tôi nghĩ lý do chính là vợ ông ta và một số thành viên trong gia đình ông bị cáo buộc dính líu đến một số vụ bê bối tham nhũng. Trong các tuyên bố chính thức, Đảng không đề cập đến những vấn đề tham nhũng vì tôi nghĩ Đảng muốn giữ thể diện cho ông ấy và để bảo vệ danh tiếng lẫn hình ảnh của Đảng." [56]
Gia đình
Vợ ông là bà Trần Thị Nguyệt Thu.[57][58] Ông có hai con, con gái là Nguyễn Thị Xuân Trang (sinh năm 1986, kết hôn với Vũ Chí Hùng năm 2009), hiện là doanh nhân, cổ đông lớn của trường quốc tế Gateway.[59] Con trai ông là Nguyễn Xuân Hiếu, hiện là Phó Trưởng Ban Đoàn kết tập hợp thanh niên Trung ương Đoàn.[60] Con rể ông, Vũ Chí Hùng hiện là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính Việt Nam.[61]
Ông có anh trai tên Nguyễn Quốc Dũng, sinh năm 1947, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng. Ông có chị gái tên Nguyễn Thị Thuyền (em kế ông Nguyễn Quốc Dũng sinh năm 1952) và một chị gái đầu đi du kích bị lính Mỹ bắn chết.[62]
Phong tặng
- Huân chương Vàng Quốc gia của nước CHDCND Lào (18/7/2017)[63]
- Kỷ niệm chương hoạt động Quốc hội (29/3/2021)[64]
Câu nói nổi tiếng
“ | Chống dịch phải như chống giặc. | ” |
— Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp ngày ngày 27 tháng 1 năm 2020, [65] |
“ | Thành tựu không chỉ đo bằng GDP, mà còn là giá trị xã hội vô hình | ” |
— Phát biểu tại lễ nhậm chức Chủ tịch nước (5/4/2021) |
“ | Tôi đã nói rất nhiều lần rồi, nếu như mất điện, một số đồng chí phải mất chức | ” |
— Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp chính phủ tháng 3 năm 2018 |
Hoạt động Đại biểu Quốc hội
Ngày đắc cử | Quốc hội khóa | Nơi ứng cử/Đoàn Đại biểu | Đảng phái | Tỉ lệ | Nghề nghiệp, chức vụ | Tuổi thắng cử | Ghi chú |
---|---|---|---|---|---|---|---|
19 tháng 5 năm 2002 | Khóa XI | tỉnh Quảng Nam | Đảng Cộng sản Việt Nam | Không có dữ liệu | Phó Bí thư tỉnh ủy; Uỷ viên Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam | 48 tuổi | |
22 tháng 5 năm 2011 | Khóa XIII | Đơn vị bầu cử số 2, tỉnh Quảng Nam | 94,59% | Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ | 57 tuổi | ||
22 tháng 5 năm 2016 | Khóa XIV | Đơn vị bầu cử số 03, thành phố Hải Phòng | 99,48% | Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Cán sự đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Ủy viên thường vụ Quân ủy Trung ương, Ủy viên thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo Nhà nước về Biển Đông - Hải đảo, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực | 62 tuổi | ||
23 tháng 5 năm 2021 | Khóa XV | Đơn vị bầu cử số 10, thành phố Hồ Chí Minh | 96,65% | Ủy viên Bộ Chính trị; Chủ tịch nước; Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng An ninh, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Việt Nam; Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương; | 67 tuổi | Thôi làm Đại biểu Quốc hội từ ngày 18 tháng 1 năm 2023 vì lý do cá nhân[66] |
Chú thích
Ghi chú
- ^ Hội đồng bầu cử Quốc gia năm 2016, Danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV năm 2016 ở 63 tỉnh thành
- ^ Giáo dục phổ thông Việt Nam chia thành một số thời kỳ. Trước năm 1981, giáo dục phổ thông 10/10, đến năm 1981, cuộc cải cách giáo dục bắt đầu, hệ thống giáo dục chuyển từ 10 năm sang 12 năm (bỏ lớp vỡ lòng), trở thành 12/12 cho đến nay.
- ^ Năm 1997, tại kỳ họp thứ X của Quốc hội, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng được chia thành hai đơn vị hành chính độc lập gồm thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Tỉnh Quảng Nam mới có 14 huyện gồm Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Giằng, Hiên, Hiệp Đức, Núi Thành, Phước Sơn, Quế Sơn, Thăng Bình, Tiên Phước, Trà My và hai thị xã: Tam Kỳ (tỉnh lị), Hội An.
- ^ Đỗ Ngọc Huỳnh: Vụ trưởng Vụ Thư ký – Biên tập, Văn phòng Chính phủ, bổ nhiệm tháng 12 năm 2018.
- ^ Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng được thành lập ngày 28 tháng 7 năm 2017 theo Quyết định 1120/QĐ-TTg của Thủ tướng.
Tham khảo
- ^ “BST áo dài Lan Hương ra mắt phu nhân nguyên thủ các nước tới Hà Nội”. Thế giới & Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 16 tháng 1 năm 2017.
- ^ a b c “Tóm tắt tiểu sử Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc”. Chính phủ Việt Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 1 năm 2014. Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2020.
- ^ a b ONLINE, TUOI TRE (18 tháng 1 năm 2023). “Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc”. TUOI TRE ONLINE. Truy cập ngày 18 tháng 1 năm 2023.
- ^ a b VnExpress. “Ông Nguyễn Xuân Phúc thôi làm Chủ tịch nước”. Báo điện tử VnExpress. Truy cập ngày 17 tháng 1 năm 2023.
- ^ Thời điểm năm 1954, tất cả các xã vùng Đông Quế Sơn (thuộc tổng Xuân Phú cũ) gộp thành một xã lớn có tên gọi là xã Quế Xuân. Nguồn: Sách "Việt Nam những thay đổi địa danh và địa giới các đơn vị hành chính : 1945-1997", Nguyễn Quang Ân 1997, UBND huyện Quế Sơn, UBND xã Quế Phú
- ^ “Chuyện chưa kể về Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc”. Báo Giao thông. ngày 8 tháng 4 năm 2016. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 4 năm 2016. Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2020.
- ^ “Tiểu sử tóm tắt của ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021”. Cổng thông tin điện tử Chính phủ Việt Nam. ngày 26 tháng 7 năm 2016. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 5 năm 2018. Truy cập ngày 9 tháng 5 năm 2018.
- ^ “Tóm tắt tiểu sử Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc”. Việt báo. ngày 26 tháng 7 năm 2016. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2020.
- ^ “BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG KHÓA X”. Tư liệu Đảng Cộng sản Việt Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2020.
- ^ “Tóm tắt tiểu sử đồng chí NGUYỄN XUÂN PHÚC, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam”. Báo Nhân dân. ngày 7 tháng 4 năm 2016. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2020.
- ^ a b “Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII (2011-2016)”. Chính phủ Việt Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2020.
- ^ Minh Quân (ngày 23 tháng 4 năm 2021). “Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc ứng cử đại biểu Quốc hội tại TPHCM”. Lao động.
- ^ “Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ứng cử đại biểu Quốc hội tại huyện Củ Chi và Hóc Môn”. BÁO ĐIỆN TỬ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM. ngày 28 tháng 4 năm 2021.
- ^ Đà Trang (ngày 24 tháng 1 năm 2016). “Xác nhận 3 ứng viên Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội”. Báo Tuổi trẻ. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2020.
- ^ Hoàng Thùy, Võ Hải (ngày 7 tháng 4 năm 2016). “Ông Nguyễn Xuân Phúc nhậm chức Thủ tướng”. Vnexpress. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2020.
- ^ “Kiện toàn nhân sự Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia”. Bộ Giao thông Vận tải. ngày 3 tháng 6 năm 2016. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2020.
- ^ “Bổ nhiệm 3 Trợ lý Thủ tướng, Phó Thủ tướng”. Dân trí. ngày 20 tháng 12 năm 2018. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 4 năm 2019. Truy cập ngày 16 tháng 10 năm 2019.
- ^ Phương Hà (ngày 19 tháng 12 năm 2018). “Ông Đỗ Ngọc Huỳnh được bổ nhiệm làm Trợ lý Thủ tướng”. Zingnews. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2020.
- ^ Hồng Trà (ngày 18 tháng 11 năm 2017). “"Chính phủ kiến tạo" tại Việt Nam qua định nghĩa của Thủ tướng”. VnEconomy. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 11 năm 2017. Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2017.
- ^ “Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng có thêm thành viên”. Zing. ngày 30 tháng 11 năm 2017. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 2 năm 2018. Truy cập ngày 17 tháng 5 năm 2018.
- ^ Hiếu Công - Tuệ Minh (ngày 30 tháng 11 năm 2017). “Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng có thêm thành viên”. Zing. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 2 năm 2018. Truy cập ngày 7 tháng 2 năm 2018.
- ^ Chí Kiên (ngày 19 tháng 4 năm 2018). “GS.TS Nguyễn Xuân Thắng rút khỏi Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng”. Chính phủ Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 10 năm 2020. Truy cập ngày 17 tháng 5 năm 2018.
- ^ Viết Tuân (ngày 31 tháng 3 năm 2020). “Việt Nam 'cách ly toàn xã hội' trong 15 ngày”. Vnexpress. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2020.
- ^ “Công bố dịch Covid-19 toàn quốc”. Vnexpress. ngày 1 tháng 4 năm 2020. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 4 năm 2020. Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2020.
- ^ “Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19” (PDF). Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 12 tháng 4 năm 2020.
- ^ “Thủ tướng chỉ thị tiếp tục các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới”. Báo chính phủ Việt Nam. ngày 25 tháng 4 năm 2020. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 4 năm 2020. Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2020.
- ^ “Thủ tướng chỉ đạo tập trung đối phó mưa lũ lớn tại miền Trung”. Báo chính phủ. ngày 9 tháng 10 năm 2020. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 10 năm 2020. Truy cập ngày 12 tháng 10 năm 2020.
- ^ “Xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân”. baochinhphu.vn. 22 tháng 10 năm 2020.
- ^ “Uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao”. dangcongsan.vn. 3 tháng 3 năm 2021.
- ^ Hoàng Thùy. “Miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc”. VnExpress. ngày 2 tháng 4 năm 2021. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 4 năm 2021. Truy cập ngày 2 tháng 4 năm 2021.
- ^ Đặng Chung (ngày 5 tháng 4 năm 2021). “Ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu giữ chức Chủ tịch Nước với số phiếu tuyệt đối”. Lao động. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 4 năm 2021. Truy cập ngày 5 tháng 4 năm 2021.
- ^ “VN: Ông Nguyễn Xuân Phúc thành tân Chủ tịch nước lịch sử”. BBC tiếng Việt. ngày 5 tháng 4 năm 2021. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 4 năm 2021. Truy cập ngày 5 tháng 4 năm 2021.
- ^ “Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ Việt Nam”. Báo Người lao động.
- ^ “Phát động quyên góp ủng hộ phòng, chống Covid-19”.
- ^ “Chủ tịch nước: 'TP HCM phải thực hiện nghiêm giãn cách'”.
- ^ “Chủ tịch nước: Các địa phương không được 'ngăn sông cấm chợ'”. VnExpress. ngày 11 tháng 10 năm 2021.
- ^ a b “Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm Nga”. VNExpress. ngày 29 tháng 11 năm 2021.
- ^ “Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Matxcơva, bắt đầu chuyến thăm Liên bang Nga”. Tuổi trẻ online. ngày 29 tháng 11 năm 2021.
- ^ “Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kết thúc thành công chuyến thăm Liên bang Nga”. Tuổi trẻ online. ngày 3 tháng 12 năm 2021.
- ^ a b “Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kết thúc rất thành công chuyến thăm chính thức Liên bang Nga”. Báo Quân đội nhân dân. ngày 3 tháng 12 năm 2021.
- ^ “Chủ tịch nước dâng hoa tại Tượng đài Bác Hồ ở Moscow”. BÁO ĐIỆN TỬ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM. ngày 1 tháng 12 năm 2021.
- ^ “Chủ tịch nước: "Phải bơm tiền ra nền kinh tế, giải quyết lao động phục vụ tăng trưởng"”. VOV. ngày 4 tháng 1 năm 2022.
- ^ “Chủ tịch nước: 'Không cách nào khác, phải bơm tiền ra nền kinh tế'”. VTC News. ngày 4 tháng 1 năm 2022.
- ^ “Hội thảo quốc gia về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”. Cổng thông tin điện tử Bắc Kạn. ngày 17 tháng 1 năm 2022.
- ^ “Tử tù Đặng Văn Hiến được Chủ tịch nước ân giảm xuống án chung thân”. Tiền phong. ngày 15 tháng 9 năm 2022.
- ^ “Việt Nam: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ân giảm cho tử tù Đặng Văn Hiến”. BBC NEWS Tiếng Việt. ngày 15 tháng 9 năm 2022.
- ^ “Tử tù Đặng Văn Hiến được Chủ tịch nước ân giảm xuống án chung thân”. Pháp luật online. ngày 15 tháng 9 năm 2022.
- ^ a b Văn Hiếu (17 tháng 1 năm 2023). “Ông Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ chức vụ Đảng, Nhà nước”. VOV. Truy cập ngày 17 tháng 1 năm 2023.
- ^ “Trung ương đồng ý ông Nguyễn Xuân Phúc thôi chức Chủ tịch nước”. VnExpress. Truy cập ngày 17 tháng 1 năm 2023.
- ^ VnExpress. “Bà Võ Thị Ánh Xuân giữ quyền Chủ tịch nước”. Báo điện tử VnExpress. Truy cập ngày 18 tháng 1 năm 2023.
- ^ “Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm, chúc Tết Giáo hội Phật giáo Việt Nam”. Tuổi trẻ online. ngày 16 tháng 1 năm 2023.
- ^ “Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc Tết nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước”. Lao động. ngày 11 tháng 1 năm 2023.
- ^ “Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm, chúc tết gia đình các cố lãnh đạo Đảng, Nhà nước”. Thanh niên. ngày 12 tháng 1 năm 2023.
- ^ Thế Kha (17 tháng 1 năm 2023). “Trung ương đồng ý để Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ”. Báo Dân Trí. Truy cập ngày 17 tháng 1 năm 2023.
- ^ Đức Tuân (4 tháng 2 năm 2023). “Bàn giao công tác của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc”. Báo Chính phủ. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2023.
- ^ a b “Nhiều báo VN gỡ đoạn phát ngôn của ông Nguyễn Xuân Phúc về gia đình và vụ Việt Á?”. BBC. ngày 6 tháng 2 năm 2023. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 2 năm 2023.
- ^ “BST áo dài Lan Hương ra mắt phu nhân nguyên thủ các nước tới Hà Nội”. Thế giới & Việt Nam, Bộ ngoại giao Việt Nam. ngày 27 tháng 10 năm 2016. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 9 tháng 6 năm 2017.
- ^ Hồ Quang Phương (ngày 28 tháng 4 năm 2017). “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Phi-líp-pin dự hội nghị cấp cao ASEAN 30”. Báo Quân đội nhân dân. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 24 tháng 5 năm 2017.
- ^ “Trường quốc tế Gateway trong hệ sinh thái giáo dục "khổng lồ"”.
- ^ “Nguyễn Xuân Phúc chính thức thay Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng”. Báo Người Việt. ngày 7 tháng 4 năm 2016. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 9 tháng 6 năm 2017.
- ^ “Bổ nhiệm ông Vũ Chí Hùng lên chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế”. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 6 năm 2020. Truy cập ngày 4 tháng 6 năm 2020.
- ^ Xuân Huy - Thanh Oai - Tấn Việt (ngày 8 tháng 4 năm 2016). “Chuyện chưa kể về Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc”. Báo Giao thông. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 5 năm 2017. Truy cập ngày 24 tháng 5 năm 2017.
- ^ “Vietnamese leaders given Laos awards”. VTV News. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2021.
- ^ “Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao Kỷ niệm chương hoạt động Quốc hội tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào chiều nay, 29/3”. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 30 tháng 3 năm 2021.
- ^ “Thủ tướng: Chống dịch như chống giặc!”. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2021.
- ^ Viết Tuân (ngày 4 tháng 2 năm 2023). “Ông Nguyễn Xuân Phúc: 'Tôi dứt khoát xin thôi các chức vụ'”. vnexpress.net. Truy cập ngày 9 tháng 6 năm 2023.
Liên kết ngoài
Wikimedia Commons có thêm hình ảnh và phương tiện truyền tải về Nguyễn Xuân Phúc. Wikiquote có sưu tập danh ngôn về: Nguyễn Xuân Phúc- Tiểu sử tóm tắt Lưu trữ 2014-01-22 tại Wayback Machine
- Trang chính thức
Tiền nhiệm:Nguyễn Phú Trọng | Chủ tịch nước Việt Nam2021-2023 | Kế nhiệm:Võ Thị Ánh Xuân (Quyền) |
Tiền nhiệm:Nguyễn Tấn Dũng | Thủ tướng Chính phủ Việt Nam2016-2021 | Kế nhiệm:Phạm Minh Chính |
Tiền nhiệm:Nguyễn Sinh Hùng | Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ2011-2016 | Kế nhiệm:Trương Hòa Bình |
Tiền nhiệm:Đoàn Mạnh Giao | Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ2007-2011 | Kế nhiệm:Vũ Đức Đam |
Tiêu đề chuẩn |
|
---|
| |
---|---|
Danh sách • Chế định | |
| |
|
| |
---|---|
| |
In nghiêng: Quyền Chủ tịch hoặc tương đương |
| |||||||||||||||||||||||||||||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Thủ tướng Việt Nam | Nguyễn Xuân Phúc Ủy viên Bộ Chính trị | Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân PhúcPhó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình | |||||||||||||||||||||||||||||||||||
Phó Thủ tướng |
| ||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Ban Cán sự Đảng |
| ||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Bộ trưởng các bộ |
| ||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Các cơ quan ngang bộ |
| ||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Các cơ quan khác trực thuộc |
|
| |
---|---|
| |
| |
| |
|
| |
---|---|
| |
|
| |
---|---|
| |
| |
|
| |
---|---|
| |
¹ Bộ trưởng Phủ Thủ tướng |
Từ khóa » Ts Nguyen Xuan Phuc
-
Nguyễn Xuân Phúc - Wikipedia
-
TÓM TẮT TIỂU SỬ CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC NGUYỄN XUÂN PHÚC
-
Đồng Chí Nguyễn Xuân Phúc | Ban Chấp Hành Trung ương Đảng
-
Tóm Tắt Tiểu Sử Chủ Tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc - YouTube
-
Chủ Tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc Thăm Trung Tâm Nhiệt đới Việt
-
Đại Sứ Guido Hildner Chào Ra Mắt Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc
-
Chủ Tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc Tiếp Tổng Hội Xây Dựng Việt Nam
-
Nguyễn Xuân Phúc - Tin Tức Cập Nhật Mới Nhất Tại
-
Nguyen Xuan Phuc - The World Economic Forum
-
Chủ Tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc: Trí Thức Phải Miệt Mài Hơn Nữa ...
-
Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc Và đoàn Cấp Cao Chính Phủ Việt ...
-
Chủ Tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc Biểu Dương Ngành Tòa án Quyết ...
-
Tin Tức, Hình ảnh, Video Clip Mới Nhất Về Nguyễn Xuân Phúc