Nhà Có Bầy Con Gái – Lá

Nhà có bầy con gái – Hồng Thủy 

NXBTreStoryFull_28102014_111042

Cuốn này là một truyện dài nằm trong “Tuyển truyện hay dành cho thiếu nhi” của NXB Trẻ.

Ưu điểm: 

– Tên truyện: Đối với cá nhân mình, tên truyện này rất cuốn hút. Cái tên đem đên một sự gần gũi, bình dị mà lại khơi gợi sự tò mò cho độc giả.

– Nội dung và giọng văn: Nội dung truyện xoay quanh nhân vật chính là bé Hà, một cô bé có  một bà chị gái và tới hai cô em gái. Câu chuyện bắt đầu từ ngày gia đình Hà chuyển về xóm Cồn, nơi mà mọi thứ thật lạ lẫm với cô bé, từ cảnh vật, hàng xóm láng giềng tới một núi công việc nhà mà Hà phải làm như rửa bát, quét nhà, chăm em… Thông qua lối kể truyện tự nhiên, gần gũi nhưng có sự chọn lọc trong cách dùng từ, đặc biệt là các tính từ miêu tả, tác giả Hồng Thủy rất khéo léo xây dựng nên một không gian, không khi truyện chân thực, sống động. Người đọc dù lạ hay quen với vùng sông nước cũng bỗng thấy cái đơn sơ, bình dị nơi đó thân thương đến lạ. Và người đọc lại thấy, các nhân vật bé nhỏ dù rất hồn nhiên nhưng đều mang cá tính riêng mà thiếu đi là mất đi một phần của câu chuyện. Toàn truyện không có nhiều tình tiết gay cấn hay nút thắt nào đặc biệt nhưng lại gây dựng nên gần như toàn cảnh cuộc sống một thời của cô bé Hà, ấy là những lần tụ tập “đồng bọn” trèo cây xem chim, chơi những trò gắn liền với cuộc sống trẻ em thôn quê như: thả diều, bắt dế, cầu trượt rơm, đá lon, bỏ khăn, ông đi qua bà đi lại…; những khi các chị em dắt díu nhau đi tìm bố mẹ, những lúc tị nạnh vì miếng ăn; những sự kiện đình đám như được đi học rồi đến thi vượt lớp, khi bà ngoại chuyển đi… Tất cả đều mang những cảm xúc vừa hồn nhiên lại có phần sâu lắng với người đọc. Đọc truyện, có khi mình thấy buồn cười, có lúc lại thấy cảm động. Phải nói đây là một sự khắc họa đời sống khá tuyệt.

Nhược điểm: 

– Từ ngữ: Có thể do tác giả dùng từ rất thật với đời sống người dân lao động nên có một số từ và câu khá thô hoặc tục đối với các bạn nhỏ. Ví dụ như từ “vú”, như việc em gái xưng hô với chị mình là “tao”-“mày”, nhân vật trong truyện chủ yếu gọi nhau là “con” này, “thằng” kia, có đứa con khi nói về mẹ thì dùng từ “bả” hay khi tức giận, nhân vật dùng từ “tỳ tiện” để miêu tả em mình. Đặc biệt có câu sau cần cần nhắc trước lúc cho các bạn nhỏ đọc truyện: “Đồ chó chết! Mày rồi cũng giống cái quân súc sinh là thằng ba mày. Tao cầu cho nó chết rục xương!”.

Đặt vào đời sống dân lao động, nơi được chọn làm nôi sinh của truyện thì không phải chuyện lạ kì, thực chất là việc rất bình thường. Tuy nhiên, có nhiều bạn nhỏ rất dễ bị ảnh hưởng khi đọc truyện, các bạn dễ nhớ những câu nói tục lắm nên phải hết sức cẩn thận khi quyết định cho các bạn đọc một cuốn đầy rẫy những từ ngữ “dân dã” như trên.

– Có đôi chỗ, giọng kể của tác giả trau chuốt, văn vẻ hơn nhưng tạo thành một tác dụng phụ là khiến nhân vật chính mới học lớp 3 của chúng ta dường như già dặn hơn tuổi khá nhiều.

Vậy, với rất nhiều ưu điểm nhưng lại đi kèm với cái khuyết điểm to đùng bên trên,  cá nhân mình sẽ không cho bạn nhà mình đọc cuốn này. Ít nhất cho đến khi bạn học lớp 7, lớp 8.

Điểm truyện thiếu nhi: 2.5/5

Điểm nếu dành cho người lớn: 4/5

Từ khóa » Ta Có Một Bầy Họa Thủy Review