Nhà Kính Phủ Trắng đồi, Sinh Thái Đà Lạt Ngày Càng Biến Dạng

Nhà kính phủ trắng đồi, sinh thái Đà Lạt ngày càng biến dạng

Theo dõi KTMT trên

Đà Lạt là địa phương đi đầu cả nước trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Những năm qua, nhà kính đã đem lại nhiều giá trị cho người dân. Nhưng việc phát triển "nóng" nhà kính đã khiến cho cảnh quan, môi trường của thành phố này bị biến dạng.

Nhà kính phủ trắng đồi, sinh thái Đà Lạt ngày càng biến dạng - Ảnh 1
Đà Lạt được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nhiều lợi thế. (Ảnh: Internet)

Với khí hậu mát mẻ quanh năm, có rừng thông ngay trong thành phố cùng hệ thống đồi núi, thung lũng, hồ, suối, thác… Đà Lạt là đô thị duy nhất ở Việt Nam được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nhiều lợi thế để phát triển đô thị. Thế nhưng, những năm qua sự phát triển “nóng” nhà kính đã tác động tiêu cực đến khí hậu và cảnh quan của thành phố du lịch này.

Vì quá chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp công nghệ cao bằng phương thức trồng trong nhà kính, nhà lưới, tại TP.Đà Lạt nhiều năm qua, các hộ dân làm nhà kính khắp nơi, phát triển một cách tự do, ồ ạt, mất kiểm soát. Khắp nội ô thành phố và cả vùng ven, nông nghiệp xanh biến mất, chỉ thấy toàn màu trắng nhà kính bao phủ, tạo nên tổng thể kiến trúc biến dạng, mất hẳn vẻ đẹp vốn có.

Theo Bộ NN&PTNT, từ năm 2010 đến nay Lâm Đồng đã mất 90.000ha rừng. Diện tích che phủ rừng nội ô của Đà Lạt đang dưới 45%, trong khi diện tích nhà kính không ngừng tăng.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng, hiện nay toàn tỉnh có 60.000 ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm 21% diện tích canh tác, góp phần đưa giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích của địa phương tăng cao, đạt 178 triệu đồng/ha/năm.

Trong đó, diện tích nhà kính trên toàn tỉnh cũng tăng lên nhanh chóng, nếu như năm 2010 chỉ 1.170 ha thì đến nay đã là 4.025 ha và chủ yếu để sử dụng canh tác rau, hoa. Bên cạnh mặt tích cực, nhà kính cũng gây ra những hệ lụy nhất định đối với cảnh quan, môi trường. Một số loại cây trồng không nhất thiết phải trồng trong nhà kính nhưng người dân vẫn trồng.

Nhà kính phủ trắng đồi, sinh thái Đà Lạt ngày càng biến dạng - Ảnh 2
Việc phát triển nóng nhà kính trong những năm qua khiến cảnh quan, môi trường Đà Lạt bị ảnh hưởng nghiêm trọng. (Ảnh: Internet)

Nhà kính là nguyên nhân gây lũ lụt?

Theo các chuyên gia, việc phát triển ồ ạt nhà kính khiến lũ ở Đà Lạt và vùng lân cận thuộc tỉnh Lâm Đồng có tần suất ngày càng dày hơn trong 8 năm qua.

Tiến sĩ Lâm Ngọc Tuấn, nguyên trưởng khoa môi trường Đại học Đà Lạt, nhận định các tác nhân trên khiến hệ số thấm, thoát nước giảm nghiêm trọng, chỉ cần một trận mưa có cường độ trung bình nhưng kéo dài đã khiến lũ lớn xảy ra khắp nơi.

Theo ông Tuấn, về lý thuyết, những vùng đất có nhà kính hệ số thấm nước bằng 0. Có nghĩa mưa đổ xuống thì rơi trên những tấm nilon và đổ ào ào ra suối trong thời gian ngắn khiến nước dâng cao đột ngột tạo lũ với tốc độ chảy mạnh, dù mưa không to nhưng vẫn xảy ra lũ, lụt.

"Quan sát các trận lũ trong những năm qua có thể thấy nơi có lũ nặng nhất ở Lâm Đồng là những nơi bạt phá rừng núi để làm nhà kính trồng rau hoa. Chúng ta cần lưu ý, việc phá rừng trồng rau chưa tác hại bằng phá rừng để làm những khu nhà kính. Kết cấu vùng đồi núi bị phá vỡ, dòng chảy, cách thẩm thấu nước đều bị thay đổi theo hướng tiêu cực và hậu quả gánh chịu không chỉ ở nơi có rừng, có nhà kính mà còn cả ở những nơi cách đó hàng chục, hàng trăm cây số" - ông Tuấn phân tích.

Từng chia sẻ với báo Tuổi trẻ, tiến sĩ Vũ Ngọc Long - nguyên viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, người đang nghiên cứu về hệ sinh thái Đà Lạt và các vùng liên quan cho hay, diện tích nhà kính ở Lâm Đồng hiện nay đã gấp 5 lần so với 5 năm trước đó. Hiện trạng xây dựng nhà kính được phát triển một cách tự do và gần như thả nổi tùy vào "sức mạnh" của từng hộ gia đình. Theo ông Long, lũ xuất hiện là hậu quả nhãn tiền của lạm dụng nhà kính.

"Tôi cho rằng Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên cần đánh giá lại toàn diện các yếu tố tác động gây biến đổi cảnh quan, suy giảm hệ số thấm nước, mật độ xây dựng đô thị và cả yếu tố lâu nay chúng ta bỏ ngỏ là tổ chức sản xuất nông nghiệp. Việc đánh giá sẽ cho những cơ sở quan trọng để phòng chống lũ lụt" - ông Long khuyến cáo.

Nhà kính phủ trắng đồi, sinh thái Đà Lạt ngày càng biến dạng - Ảnh 3
Mưa lũ có tần suất ngày càng dày hơn. (Ảnh: Internet)

Phá vỡ cảnh quan

Theo Hiệp hội Hoa TP.Đà Lạt, “các giải pháp công nghệ (trong đó có nhà kính) giúp nhà nông đạt doanh thu lớn (từ 1-3 tỉ đồng/ha/năm), thu nhập trên một diện tích vào loại cao nhất cả nước”.

Tuy nhiên, theo phân tích của PGS-TS Nguyễn Mộng Sinh (nguyên Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa Học và Kỹ thuật Lâm Đồng), việc xây dựng nhà kính mang tính chất phong trào, đại trà với mật độ cao đã phá vỡ cảnh quan của Đà Lạt, làm tăng hiệu ứng nhà kính.

Đà Lạt đang nóng lên với đỉnh nhiệt độ có lúc vượt ngưỡng 30 độ C gây nên tình trạng oi bức khó chịu. Một trong những nguyên nhân là do phát triển “nóng” các nhà kính. Mật độ nhà kính dày đặc che hết diện tích bề mặt của đất khiến nước mưa không thể thấm xuống mà tập trung thành những dòng chảy lớn dẫn đến xói mòn đất sản xuất nông nghiệp; gây ra lũ ống, ngập lụt cục bộ vào những ngày mưa lớn làm bồi lắng ao, hồ, sông, suối…

Theo ông Sinh, trước hết, cần thay đổi tư duy, cách nghĩ, không nên tiếp tục coi nhà màng, nhà kính là hợp phần thiết yếu, là biểu tượng của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Đà Lạt và Lâm Đồng.

Rõ ràng sử dụng nhà kính để canh tác nông nghiệp gần như là điều tất yếu của nông dân TP.Đà Lạt và vùng phụ cận. Không ai có thể phủ nhận những giá trị to lớn mà công nghệ này đem lại, bởi vậy, tìm giải pháp nào để vừa phát triển kinh tế ngành nông nghiệp công nghệ cao, vừa đảm bảo môi trường và cảnh quan đang là bài toán khó...

Đã đến lúc cần có sự đánh giá của các nhà quản lý cũng như quy hoạch vùng phát triển và tiêu chuẩn nhà kính tại nơi sản xuất rau, hoa lớn nhất cả nước này. Đà Lạt là thành phố xanh và nhà kính đã làm mất dần các giá trị vốn có của Đà Lạt, không nên vì lợi nhuận mà đánh đổi môi trường.

Hà Linh

Từ khóa » Hệ Sinh Thái đà Lạt