Nhà Nghiêng, Lún Nứt Công Trình - Nguyên Nhân Và Giải Pháp

Hiện nay các khái niệm về lún và lún lệch đã trở nên thông dụng với người dân. Lún là công trình bị chuyển vị thẳng đứng từ trên xuống dưới của đất nền, kéo theo móng và cả bản thân công trình, thường được đo bằng milimét. Lún xảy ra do sự nén chặt của đất nền dưới tác dụng của trọng lượng toàn bộ công trình. Còn khái niệm lún lệch hay còn gọi lún tương đối là chuyển vị thẳng đứng không đều đưa đến chuyển vị ngang gây nghiêng nhà. Tất cả các công trình xây dựng đều bị lún, miễn là trong giới hạn cho phép.

Trong các văn bản quy phạm pháp luật xây dựng hiện hành đã quy định độ lún tối đa cho phép từng loại nhà và công trình (phần lớn từ 8 đến 30 cm). Ngoài trị số độ lún tuyệt đối, còn quy định lượng chênh lệch tối đa cho phép về độ lún tương đối của các điểm trong nền, độ nghiêng, …

Một số hình ảnh về nhà nghiêng

nhà lún lệch - khảo sát địa chất

Căn nhà nghiêng 726A Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.26, Q.Bình Thạnh đã tháo dỡ một tầng

nhà lún lệch 2 - khảo sát địa chất

Căn nhà số 226 Chu Văn An, P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM (giữa) bị nghiêng hẳn sang một bên - Ảnh: MINH ĐỨC

nhà lún lệch 3 - khảo sát địa chất

Ngôi nhà 197 Chu Văn An, phường 26 nghiêng hẳn sang bên trái và dựa vào nhà 195, làm nhà này cũng bị nghiêng theo

nhà lún lệch 4 - khảo sát địa chất

Phố nhà nghiêng trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 25, những căn nhà "lắc lư" nằm tựa vào nhau

nhà lún lệch 5 - khảo sát địa chất

Phòng giao dịch Thanh Đa của ngân hàng Vietcombank của chi nhánh Bình Thạnh số 612, trên đường Xô Viết Nghệ Tỉnh, cũng không đứng vững

A. Nguyên nhân

Hiện tượng lún nứt công trình nhìn chung đều liên quan đến quy mô, kết cấu công trình và đất nền. Công trình có thể bị lún nhiều nhưng không bị phá hoại nếu không xảy ra sự lún lệch và đặc biệt là khả năng chịu đựng được biến dạng của kết cấu công trình.

Phần lớn các công trình sau khi xây dựng xong bị lún nứt thường liên quan đến các yếu tố chủ quan khi nhận thức về đất nền và công trình trong các khâu khảo sát địa chất, thiết kế và thi công xây dựng. Các trường hợp công trình đã xây dựng và ổn định lâu dài, bỗng nhiên bị lún nứt thường liên quan đến những tác động khách quan làm thay đổi trạng thái ứng xử của công trình và đất nền.

Có hai nguyên nhân chính gây lún nứt khi xây chen công trình: sự chênh lệch (hoặc bị xáo trộn) về địa tầng và sự khác nhau rõ rệt giữa tải trọng tác dụng (tải trọng thẳng đứng và tải trọng nằm ngang) lên mỗi công trình.

1. Yếu tố về địa tầng:

- Không tiến hành nghiêm túc việc điều tra, khảo sát công trình lân cận và dự báo các tác động đối với khu vực xung quanh do thi công công trình mới.

- Không phát hiện hoặc nhận định không chính xác quy luật phân bố không gian (theo chiều rộng và chiều sâu) của cấu tạo địa tầng, đặc biệt là các lớp đất yếu nằm trong vùng ảnh hưởng của tải trọng công trình. Nguyên nhân chủ yếu là do hoạch định mật độ khảo sát chưa đủ bao quát, đặc biệt ở những nơi có điều kiện địa chất dự đoán biến động mạnh.

- Đánh giá không chính xác các đặc trưng tính chất cơ lý của các lớp đất hoặc không cung cấp các số liệu cần thiết cho thiết kế (thí nghiệm cơ học đất)

2. Yếu tố về tải trọng:

- Thiết kế biện pháp thi công đào đất, tầng ngầm chưa coi trọng áp lực ngang do công trình hiện hữu có khả năng gây phụ thêm.

- Thiết kế kiến trúc bất cân đối dẫn đến tải trọng không đều (lệch tâm của tải trọng bên trên và của móng): do xu hướng muốn tận dụng không gian nên nhà được đưa ra phía không gian công cộng dẫn đến sự lệch tâm của tải trọng công trình.

- Dự báo không đúng độ lún của công trình hiện hữu do ảnh hưởng của việc đào hố móng khi thi công công trình mới.

- Đánh giá không đầy đủ ảnh hưởng do chất tải nặng (vật liệu xây dựng, đối trọng để ép cọc hoặc để nén tĩnh,...) trong phạm vi giáp với công trình hiện hữu.

- Đánh giá không toàn diện mức ảnh hưởng gây ra do sự thay đổi lớn chiều dày tầng đất yếu theo chiều sâu và trên diện trong khu vực điều kiện địa chất công trình phức tạp.

Ngoài hai yếu tố trên, còn một số tác động khác từ bên ngoài như: sập hang động ngầm (karst), hạ mực nước ngầm, lún do tải trọng của đất san lấp tạo mặt bằng,…

B. Một số giải pháp cơ bản

1. Tuân thủ nghiêm túc các quy định tại Điều 8 của Thông tư 39/2009/TT-BXD ngày 09/12/2009 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn về quản lý chất lượng xây dựng nhà ở riêng lẻ. Theo đó, cần khảo sát và đánh giá đầy đủ về tình trạng các công trình hiện hữu liền kề cả về phần nổi cũng như phần chìm. Việc khảo sát và đánh giá phải làm đúng các qui định hiện hành, có ghi hình ảnh để lưu trữ và lập biên bản có xác nhận đầy đủ của các bên liên quan. Cụ thể:

- Hợp đồng thuê tổ chức kiểm định chuyên nghiệp tiến hành kiểm tra các nhà xung quanh công trình trước khi khởi công, trong đó bao gồm: đo cao độ các sàn nhà; đo độ nghiêng; đo các hư hỏng hiện hữu nếu có (nứt , thấm …).

- Hợp đồng với đơn vị tư vấn thiết kế có kinh nghiệm để thiết kế biện pháp thi công nền móng (có thể thuê 2 đơn vị tư vấn độc lập: đơn vị thiết kế phần thân công trình và đơn vị thiết kế thi công nền móng).

2. Khi thi công phải thường xuyên tiến hành song song việc theo dõi kích thước hình học và biến dạng của công trình đang xây dựng cùng với theo dõi độ biến dạng của công trình liền kề để có giải pháp ngăn chặn kịp thời sự cố đáng tiếc có khả năng xảy ra.

3. Không sử dụng hoặc hạn chế tối đa việc dùng biện pháp hạ mực nước ngầm khi thi công công trình xây chen vì rất dễ ảnh hưởng đến sự lún công trình liền kề.

4. Cần có biện pháp chống thành vách bằng cừ thép hoặc cừ bê tông ứng lực trước đối với trường hợp thi công sát nhà bên có tải lớn tác động lên đất (hoặc quy mô cao tầng hơn) cũng như khi công trình làm hố móng sâu hơn đáy móng nhà bên. Thiết kế tường cừ phải chú ý đến văng chống và neo đảm bảo biến dạng trong phạm vi được phép. Biện pháp thi công phải được Chủ nhiệm dự án phê duyệt để làm cơ sở pháp lý để thực hiện.

5. Sử dụng các giải pháp đơn giản dễ thi công cho hệ thống tường vây: móng cọc nhồi tạo lỗ kiểu xoay hoặc tường neo đất.

Đối với giải pháp móng cọc nhồi tạo lỗ kiểu xoay để chống vách nên để lại ống vách cho những cọc sát nhà liền kề hiện hữu. Móng cọc nhồi đào bằng máy gàu ngoạm phải làm cừ chắn đủ sâu tại đường phân giới khu đất và không nhất thiết thu hồi sau khi làm xong móng công trình. Đối với giải pháp neo tường chắn trong đất thì cần được thoả thuận của cơ quan có thẩm quyền và Chủ sử dụng đất (công trình) liền kề.

6. Khi gặp công trình liền kề hiện hữu có nguy cơ sập đổ trong quá trình thi công, Nhà thầu thi công cần kịp thời thông qua Chủ đầu tư phối hợp với chủ sở hữu công trình hiện hữu đưa ra các giải pháp hợp lý mà các bên cùng chấp nhận được. Việc chống đỡ cho công trình liền kề hiện hữu trong quá trình thi công là một trong những biện pháp xử lý cần làm ngay.

Sưu tầm - tổng hợp

Từ khóa » Tiêu Chuẩn Lún Lệch