Nhà Nước Là Gì? Nguồn Gốc Nhà Nước? - Luật Hoàng Phi

Mục lục bài viết

Toggle
  • Nhà nước là gì?
  • Nguồn gốc nhà nước?
  • Nhà nước ra đời khi nào?
  • Đặc điểm của nhà nước pháp quyền
  • Bản chất của nhà nước như thế nào?
  • Quyền lực nhà nước là gì?
  • Quản lý nhà nước là gì?
  • Chính quyền nhà nước là gì?

Để hình thành nên những nhà nước, đất nước như ngày hôm nay cả thế giới đã phải trải qua một thời gian dài biến đổi và hình thành nên nhà nước.

Với mục đích và đặc điểm ở mỗi vùng miền,  châu lục khác nhau thì nguồn gốc hình thành nhà nước khác nhau.

Do vậy để hiểu rõ nhà nước là gì? Nguồn gốc nhà nước? Đặc điểm của nhà nước pháp quyền là gì? Bản chất của nhà nước như thế nào? Quý độc giả hãy theo dõi bài viết của chúng tôi dưới đây.

Nhà nước là gì?

Nhà nước là một tổ chức xuất hiện và gắn liền với sự ra đời của giai cấp, nhà nước là cơ quan nắm giữ quyền lực, chính trị của xã hội quyết định những vấn đề trọng yếu của đất nước và thực hiện điều hành, vận hành hoạt động của nhà nước của xã hội.

Nhà nước sẽ có vùng lãnh thổ nhất định, nhà nước sẽ tổ chức ra một bộ máy chính quyền nắm giữ mọi quyền lực của đất nước, thiết lập các chính sách chính trị- xã hội, ban hành và yêu cầu mọi người dân thực hiện pháp luật, điều tiết tất cả các hoạt động của đất nước.

Nhà nước thường được thiết lập thành một bộ máy bao gồm các cơ quan thực hiện các nhiệm vụ chuyên trách trong các lĩnh vực như các cơ quan nhà nước thực hiện quyền lập pháp tức cơ quan quyền lực nhà nước, cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan thực hiện quyền tư pháp.

Nhà nước là tổ chức duy nhất mang tính chất quyền lực nhà nước, đây chính là đặc điểm cơ bản để có thể nhận diện nhà nước với các tổ chức xã hội khác.

Về phương diện bản chất, Nhà nước là một tổ chức đặc biệt của quyền lực chính trị, chăm lo các lợi ích chung cho sự phát triển của xã hội phù hợp với lợi ích giai cấp mình.

Về phương diện chính trị – hành chính, Nhà nước là một bộ phận trung tâm của hệ thống chính trị, là chủ thể duy nhất nắm giữ quyền quản lý nhà nước trên toàn xã hội, phân biệt với các tổ chức khác trong xã hội qua các đặc điểm:

– Nhà nước có chủ quyền quốc gia. Nhà nước là đại diện chính thức cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân, là đại diện chính thức của toàn xã hội, là chủ thể của luật quốc tế;

– Nhà nước tổ chức dân cư theo các đơn vị hành chính – lãnh thổ, không phụ thuộc vào chính kiến, huyết thống, nghề nghiệp hay giới tính. Nhà nước thực hiện việc quản lý thống nhất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội;

– Nhà nước là chủ thể duy nhất có quyền ban hành hoặc công nhận các quy tắc xử sự chung được gọi là pháp luật. Pháp luật do Nhà nước ban hành hoặc công nhận có giá trị áp dụng bắt buộc đối với tất cả mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân;

– Nhà nước có bộ máy cưỡng chế, bao gồm lực lượng cảnh sát, quân đội, nhà tù, tòa án,… làm nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ chế độ;

– Nhà nước là chủ thể duy nhất có quyền phát hành tiền và thu các loại thuế.

Nguồn gốc nhà nước?

Nguồn gốc nhà nước theo các quan điểm khác nhau thì nguồn gốc nhà nước được hình thành từ các yếu tố khác nhau, nguồn gốc nhà nước được thể hiện thông qua hai quan điểm lớn như sau:

– Các quan điểm phi Mác- xít về nguồn gốc nhà nước điển hình:

+ Theo học thuyết thần quyền thì nhà nước ra đời do sự sắp xếp của thượng đế, thượng đế là người đã tạo ra nhà nước nhằm bảo vệ trật tự xã hội, duy trì sự phát triền của nhân loại.

+ Theo học thuyết gia trưởng nhà nước được ra đời từ mô hình của một gia đình, gia tộc mở rộng về mặt quyền lực.

+ Theo học thuyết bạo lực thì nhà nước được ra đời từ các cuộc chiến tranh, tranh giành lãnh thổ của các thị tộc, và thị tộc chiến thắng sẽ tạo nên một cơ quan là nhà nước để cai trị nô lệ.

+ Theo học thuyết khế ước xã hội thì nhà nước ra đời do việc những người cùng nhau ký kết tạo nên một thỏa thuận hay khế ước, để tất cả cùng hoạt động sinh sống trong khuôn khổ đó.

– Quan điểm Mác – Lê nin về nguồn gốc nhà nước:

+ Theo quan điểm này nhà nước không xuất hiện hay ra đời từ những yếu tố siêu nhiên, mà nhà nước ra đời khi xã hội đã phát triển đến một cột mốc nhất định. Nhà nước ra đời gắn liền với sự xuất hiện của các giai cấp trong xã hội, các giai cấp này có sự đối kháng với nhau.

+ Nhà nước thực hiện nhiệm vụ điều tiết xã hội, thực hiện và bảo vệ các lợi ích chung trong toàn xã hội.

Nhà nước ra đời khi nào?

Nhà nước ra đời từ khi xã hội phân chia giai cấp. Giai cấp nào thì nhà nước đó. Do trong xã hội nguyên thủy không có phân chia giai cấp, nên trong xã hội nguyên thủy không có Nhà nước.

Cho đến nay, đã có 4 kiểu Nhà nước được hình thành: Nhà nước chủ nô, Nhà nước phong kiến, Nhà nước tư sản, Nhà nước vô sản (Nhà nước xã hội chủ nghĩa)

Đặc điểm của nhà nước pháp quyền

Nhà nước pháp quyền có những đặc điểm chính như sau:

Nhà nước pháp quyền mang đặc điểm là biểu hiện của chế độ dân chủ, tức là xây dựng nhà nước thực thi quyền dân chủ và bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân.

Nhà nước tổ chức và thực hiện mọi hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Hiến pháp chính là đạo luật gốc, đạo luật cơ bản để hình thành nên hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia, điều chỉnh nhà nước đảm bảo quyền dân chủ của nhà nước.

Nhà nước tôn trọng, đề cao, đảm bảo quyền con  người trong thực hiện các lĩnh vực trong xã hội. Do đó tất cả hoạt động của nhà nước đểu phải dảm bảo quyền con người, tạo điều kiện để mọi người dân thực thi theo pháp luật.

Nhà nước pháp quyền luôn hoạt động theo nguyên tắc dân chủ có phân công quyền lực và kiểm soát quyền lực nhà nước.

Do đó các hoạt động của bộ máy nhà nước phải đảm bảo cho nguyên tắc dân chủ, tức là dân làm chủ, sử dụng bộ máy kiểm soát quyền lực để tránh xảy ra sự làm quyền, nhũng nhiễu khi sử dụng quyền lực nhà nước.

Thực hiện chính sách hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật minh bạch, trong sạch đảm bảo cân bằng các hoạt động trong xã hội.

Bản chất của nhà nước như thế nào?

– Bản chất của nhà nước là những giá trị cốt lõi, giá trị bên trong của nhà nước, nhà nước thể hiện bản chất như sau:

+ Nhà nước mang bản chất giai cấp được thể hiện qua việc nhà nược thành lập nên bộ máy cưỡng chế, thiết lập pháp luật và yêu cầu, bắt buộc tất cả các giai cấp trong xã hội phải thực hiện theo.

+ Bộ máy cưỡng chế của nhà nước chính là công cụ quan trong để thiết lập, duy trì sự thống trị và trật tự xã hội.

+ Nhà nước mang bản chất xã hội được thể hiện qua mối tương quan giữa nhà nước và xã hội, nhà nước sinh ra giải quyết các vấn đề phát sinh trong đời sống xã hội. Thực hiện các vấn đề phục vụ mục đích cho xã hội như đường xá, cầu, cống, trường học, bệnh viện…

Như vậy nhà nước chính là một tổ chức mang bản chất giai cấp và bản chất xã hội.

– Với nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam có mang những đặc trưng riêng và bản chất riêng điển hình:

+ Nhà nước Việt Nam là nhà nước do dân, vì dân, tất cả vì nhân dân, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân.

+ Nhà nước Việt Nam mọi hoạt động được dựa trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật.

+ Nhà nước Việt Nam thực hiện duy trì và đảm bảo vị trí tối cao của pháp luật trong đời sống xã hội, mọi hoạt động vận hành trong khuôn khổ pháp luật.

+ Nhà nước Việt Nam mang bản chất của giai cấp công nhân, đứng đầu là Đảng Cộng sản Việt Nam.

+ Nhà nước ta mang bản chất công dân thể hiện tính nhân dân và tính dân tộc.

Quyền lực nhà nước là gì?

Quyền lực nhà nước là quyền lực gắn liền với sự ra đời của nhà nước, theo đó nhà nước được áp dặt ý chí và buộc những chủ thể khác trong xã hội phải phục tùng mệnh lệnh của mình nhằm đảm bảo an ninh, duy trì trật tự xã hội.

Quyền lực Nhà nước lớn mạnh đến đâu còn phụ thuộc vào sức mạnh vũ trang, kinh tế, uy tín,… của chính nhà nước đó trong xã hội.

Quản lý nhà nước là gì?

Quản lý nhà nước là hoạt động thực thi quyền lực nhà nước do các cơ quan nhà nước thực hiện nhằm xác lập một trật tự ổn định, phát triển xã hội theo những mục tiêu mà tầng lớp cầm quyền theo đuổi, bao gồm toàn bộ hoạt động của cả bộ máy nhà nước từ lập pháp, hành pháp đến tư pháp vận hành như một thực thể thống nhất.

Chấp hành, điều hành, quản lý hành chính do cơ quan hành pháp thực hiện đảm bảo bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước.

Chính quyền nhà nước là gì?

Chính quyền là bộ máy điều hành, quản lí công việc của nhà nước. Chính quyền được phân thành chính quyền trung ương và các cấp chính quyền địa phương.

Chính quyền trung ương là tập hợp tất cả các cơ quan nhà nước trung ương. Chính quyền địa phương là tập hợp tất cả các cơ quan nhà nước địa phương. Chính quyền địa phương gồm có chính quyền cấp tỉnh, chính quyền cấp huyện và chính quyền cấp xã.

Trên thế giới có một số quốc gia nhỏ tới mức không có chính quyền địa phương, ví dụ, Singapore, Brunei, Vatican… vấn đề quản trị quốc gia này ở góc độ nào đó là khá đơn giản bởi vì chỉ có một cấp chính quyền nằm ở trung ương điều hành công việc của toàn bộ quốc gia.

Ở Việt Nam có 3 cấp đơn vị hành chính, ở mỗi cấp đều có chính quyền địa phương và các đơn vị hành chính được phân chia theo mô hình tổ ong. Như vậy mỗi mét vuông lãnh thổ Việt Nam đều thuộc thẩm quyền của 4 cấp chính quyền, gồm chính quyền trung ương, chính quyền địa phương cấp tỉnh, chính quyền địa phương cấp huyện và chính quyền địa phương cấp xã. 

Nội dung chia sẻ trên đây về nhà nước là gì? Hy vọng là những thông tin hữu ích đối với quý vị. Nếu cần hỗ trợ hãy liên hệ với chúng tôi Luật Hoàng Phi 1900 6557 để gỡ bỏ mọi thắc mắc.

Từ khóa » Sự Ra đời Tồn Tại Của Nhà Nước