Nhà Nước Tư Sản Là Gì? - Luật Hoàng Phi

Mục lục bài viết

Toggle
  • Sự ra đời nhà nước tư sản
  • Đặc điểm của nhà nước tư sản
  • Hình thức nhà nước tư sản

Trong lịch sử xã hội loài người đã có bốn hình thái kinh tế xã hội, ứng với mỗi hình thái kinh tế xã hội là bốn kiểu nhà nước. Vậy Nhà nước tư sản là gì?

Sự ra đời nhà nước tư sản

Từ thế kỷ XV – XVII, ở phương Tây, chế độ phong kiến lâm vào thời kỳ khủng hoảng ngày càng trầm trọng. Quan hệ kinh tế tư bản chủ nghĩa hình thành và phát triển. Giai cấp tư sản ra đời, là giai cấp tiến bộ, đại diện cho lực lượng sản xuất mới.

Giai cấp tư sản lãnh đạo quần chúng nhân dân lao động, tiến hành cách mạng tư sản, lật đổ chế độ phong kiến, thiết lập nhà nước tư sản. Nhà nước tư sản ra đời thông qua ba hình thức sau:

– Nhà nước tư sản ra đời thông qua các cuộc cách mạng tư sản được tiến hành dưới hình thức khởi nghĩa vũ trang, lãnh đạo các cuộc cách mạng tư sản là giai cấp tư sản nhưng lực lượng chủ yếu của cách mạng tư sản là giai cấp công nhân, nông dân và người lao động khác trong xã hội.

Bằng con đường bạo lực, cách mạng tư sản xóa bỏ khá triệt để chế độ và trật tự phong kiến, thiết lập nền dân chủ tư sản, điển hình có Hà Lan, Anh, đặc biệt là cuộc cách mạng tư sản Pháp.

– Thông qua các cuộc cải cách xã hội, nhà nước tư sản từng bước hình thành, trên cơ sở sự thỏa hiệp giữa giai cấp tư sản đang lên và tầng lớp quý tộc phong kiến già nua, nhưng chưa hoàn toàn từ bỏ vị trí của mình trên trường chính trị.

Nhưng do áp lực của phong trào quần chúng cách mạng, giai cấp tư sản từng bước thâu tóm quyền lực. Những nhà nước tư sản ra đời bằng con đường này là Đức, Tây Ban Nha, Nhật Bản,…

– Sự hình thành các nhà nước tư sản ở những vùng đất mới như Hoa Kỳ, Canada, Ôxtrâylia diễn ra vào thế kỷ XVIII – XIX.

Ở những miền đất này, giai cấp tư sản hình thành từ những người châu Âu di cư, đã dùng vũ lực, cơ chế nhà nước tư sản tiêu diệt và lấn áp các thổ dân với chế độ thị tộc của họ và thiết lập chế độ tư bản chủ nghĩa.

Nhà nước tư sản là gì? Nhà nước tư sản là kiểu nhà nước ra đời, tồn tại và phát triển trong lòng hình thái kinh tế – xã hội tư bản chủ nghĩa, Cơ sở kinh tế của nhà nước tư sản là phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sắn xuất, nền kinh tế hàng hoá – thị trường.

Đặc điểm của nhà nước tư sản

Nhà nước tư sản là gì? đã được giải thích ở nội dung trên theo đó nhà nước tư sản có các đặc điểm sau:

– Thiết lập nguyên tắc chủ quyền nhà nước trên danh nghĩa thuộc về nhân dân;

 – Cơ quan lập pháp là cơ quan đại diện của các tầng lớp dân cư trong xã hội do bầu cử lập nên;

– Thực hiện nguyên tắc phân chia quyền lực và kiềm chế, đối trọng giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp;

– Thực hiện chế độ đa nguyên, đa đảng trong bầu cử nghị viện và tổng thống; hình thức chính thể phổ biến của nhà nước tư sản là cộng hòa và quân chủ lập.

Hình thức nhà nước tư sản

Nhà nước tư sản cũng được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng nói chung, chỉ có hai hình thức cơ bản nhất là hình thức cộng hoà và hình thức quân chủ lập hiến.

– Hình thức chính thể:

+ Chính thể quân chủ lập hiến

Hình thức chính thể quân chủ lập hiến là hình thức quá độ khi giai cấp tư sản chưa giành được thắng lợi hoàn toàn và đây chính là hình thức thỏa thuận giữa giai cấp tư sản và tầng lớp quý tộc phong kiến.

Ngày nay, hình thức chính thể quân chủ lập hiến vẫn tồn tại và trở thành một trong những hình thức chính thể phổ biến. Điển hình là Anh, Nhật Bản, Hà Lan, Tây Ban Nha,…

+ Chính thể cộng hòa tổng thống

Trong hình thức này, tổng thống là người nắm quyền lực chính trị. Tổng thống do nhân dân trực tiếp bầu hoặc do đại hội cử tri bầu ra theo nhiệm kỳ. Khi thực hiện quyền lực nhà nước, tổng thống độc lập với nghị viện và có quyền ngang bằng với nghị viện.

+ Chính thể cộng hòa đại nghị

Chính thể cộng hòa đại nghị hay còn gọi là chính thể cộng hòa nghị viện. Đặc điểm của mô hình này là thủ tướng là người nắm quyền lực chính trị và là người quyết định và chịu trách nhiệm về đường lối chính trị của chính phủ. Thủ tướng luôn là thủ lĩnh của đảng chiếm ưu thế trong nghị viện, vì vậy, quyền hạn của thủ tướng là rất lớn.

Ngoài chính thể cộng hòa tổng thống và cộng hòa đại nghị, còn tồn tại hình thức chỉnh thể cộng hòa hỗn hợp (hay cộng hòa lưỡng tính).

Điểm đặc trưng của chính thể cộng hòa hỗn hợp là xây dựng chính quyền hành pháp mạnh nhưng có các cơ chế kiểm tra và giám sát thích hợp để hạn chế đến mức tối đa sự lạm dụng quyền lực.

– Hình thức cấu trúc

+ Nhà nước đơn nhất

Hình thức này phổ biến nhất của nhà nước tư sản. Hình thức đơn nhất tồn tại ở Pháp, Thụy Điển, Nga, Đức, Đan Mạch, Nhật Bản, Phần Lan,…

Đặc điểm cơ bản của nhà nước đơn nhất là chỉ có một chính phủ, một hiến pháp, một quốc tịch, một hệ thống pháp luật thống nhất, một hệ thống cơ quan nhà nước ở trung ương thống nhất (gồm lập pháp, hành pháp, tư pháp), các cơ quan chính quyền địa phương được tổ chức và hoạt động theo quy định chung của chính quyền trung ương.

+ Nhà nước liên bang

Hình thức cấu trúc liên bang được áp dụng ở Hoa Kỳ, Canada, Úc, Thụy Sỹ,… Trong các nhà nước liên bang có nhiều nước thành viên (bang). Ở mỗi bang có hiến pháp và các đạo luật riêng của bang do cơ quan lập pháp của bang ban hành. Trong cơ cấu tổ chức, các bang đều có các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Tuy nhiên, các bang không có chủ quyền riêng và không có quyền tách khỏi liên bang. Nhà nước liên bang có hiến pháp và hệ thống pháp luật của mình. Hiến pháp và các đạo luật của nhà nước liên bang có hiệu lực trên toàn lãnh thổ và có hiệu lực cao nhất, là cơ sở của toàn bộ hệ thống pháp luật liên.

+ Nhà nước liên minh

Nhà nước liên minh là sự liên kết giữa các quốc gia độc lập vì những nhiệm vụ chính trị, quân sự hoặc kinh tế bằng hiệp ước do các thành viên liên minh thỏa thuận, như liên minh ở Mỹ từ 1776 – 1787, Đức 1876, Liên minh Thụy Sỹ 1848, hiện nay có liên minh Châu Âu.

Chính quyền liên minh có cơ cấu tổ chức không chặt chẽ và chỉ gây được ảnh hưởng mang tính quyền lực đối với các nước thành viên trong một số lĩnh vực nhất định.

Từ khóa » Nguyên Nhân Ra đời Của Nhà Nước Tư Sản