Nhà Sư Góp Sức Xây Dựng Cầu Bê Tông Nông Thôn - Báo Kiên Giang

Sư Minh xuất gia năm 1979, khi mới 17 tuổi. Tu tập kinh kệ, học điều hay từ nhà Phật, sư Minh hướng đến làm điều tốt, mong muốn giúp ích cho phật tử và người dân trong phum, sóc. Nhiều năm trước chứng kiến người dân trong xã đi lại khó khăn, nhất là khi trời mưa, học sinh đi học trên con đường đất, qua cầu khỉ hoặc có nơi còn chưa có cầu, phải đi lại bằng xuồng, ghe hết sức vất vả, sư Minh mong muốn góp sức giúp đỡ.

Năm 2007, sư Minh bắt đầu góp công sức làm cầu, đường giúp nhân dân. Lúc ấy, sư vận động phật tử đóng góp đổ đá xô bồ, làm đường bê tông một số tuyến đường trên địa bàn xã để phục vụ nhu cầu đi lại trước mắt của người dân. Sau đó, sư tiếp tục đứng ra vận động một số phật tử góp ngày công xây dựng cầu bê tông.

Không học ngành xây dựng, nhưng với tấm lòng mong muốn giúp ích cho người dân, sư Minh chịu khó học hỏi từ một phật tử về cách thiết kế, xây dựng cầu bê tông nông thôn. Sư Minh tự thiết kế và hướng dẫn phật tử xây dựng cầu nông thôn trên địa bàn xã Thủy Liễu, địa bàn các huyện Gò Quao, Giồng Riềng, An Minh, Vĩnh Thuận… Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận Tổ quốc, từ năm 2007 đến nay, sư Minh cùng phật tử đã thiết kế, thi công hơn 100 cây cầu nông thôn.

Sư Minh cho biết: “Lúc đầu tôi vận động phật tử và nhà hảo tâm làm cầu, đường. Sau này nhà hảo tâm muốn xây dựng cầu nông thôn ở đâu sẽ tài trợ kinh phí, tôi đứng ra thiết kế và vận động phật tử góp công xây dựng. Nơi nào nhà hảo tâm tài trợ thiếu kinh phí, tôi vận động phật tử, người dân đóng góp thêm để hoàn thành cầu. Mong muốn lớn nhất của tôi là xây được những cây cầu chắc chắn cho người dân đi lại dễ dàng”.

Thượng tọa Lý Long Công Danh còn được gọi là sư Minh đi trên cây cầu do chính sư thiết kế và góp ngày công xây dựng.

Về xã Thủy Liễu, chúng tôi đi qua cả chục cây cầu bê tông nông thôn, có cây cầu nhỏ dài chừng 5-7m, nhưng có những cầu bê tông lớn dài đến 20-25m, rộng 2,5-3,5m là do chính sư Minh thiết kế và cùng phật tử góp công xây dựng. Những cây cầu do sư Minh thiết kế và xây dựng ước chi phí khoảng 1/3 so với phải thuê thiết kế và nhân công. Không chỉ xây dựng cầu, sư Minh còn vận động đồng bào phật tử, người dân phum, sóc tăng cường tình đoàn kết xóm làng, siêng năng lao động, vươn lên, cho con cái học hành.

Đồng chí Võ Văn Hoàng - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Thủy Liễu cho biết sư Minh được nhân dân tín nhiệm bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân xã Thủy Liễu 5 nhiệm kỳ liên tiếp, đại biểu Hội đồng nhân dân huyện Gò Quao 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Hiện sư là đại biểu Hội đồng nhân dân xã và huyện Gò Quao. Cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã tạo điều kiện để sư xây dựng cầu giao thông nông thôn giúp nhân dân đi lại dễ dàng.

Chỉ tay về một cây cầu nông thôn, ông Huỳnh Văn Chiệu, ngụ ấp Thạnh Hòa 1, xã Thủy Liễu nói cây cầu này là do sư Minh cùng phật tử góp ngày công xây dựng. Trước đây không có cầu, học sinh đi học bằng xuồng, người dân đi ruộng phải lội qua sông. Nhờ sư Minh xây dựng cầu, người dân đi lại dễ dàng. Ông Chiệu cho biết: “Những năm qua, sư Minh bắc nhiều cầu nông thôn cho người dân trong xã đi lại. Sư nhiệt tình, không ngại khó khăn, chúng tôi rất quý sư”.

Những ngày thời tiết không thuận lợi, sư Minh và đồng bào phật tử vẫn miệt mài xây dựng cầu. Từ đầu năm 2021 đến nay, sư và phật tử xây dựng được 9 cây cầu nông thôn và đang tiếp tục triển khai xây dựng những cây cầu mới. Sư Minh quả quyết: “Nếu còn sức khỏe, tôi còn xây dựng cầu cho nhân dân đi lại thuận tiện”.

Bài và ảnh: THU OANH

Từ khóa » Thiết Kế Cầu Bê Tông Nông Thôn