Nhà Tần – Wikipedia Tiếng Việt
Có thể bạn quan tâm
Tần秦 | |||||||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Tên bản ngữ
| |||||||||||||||
221 TCN–206 TCN | |||||||||||||||
Quốc kỳ Truyền quốc tỷ | |||||||||||||||
Tổng quan | |||||||||||||||
Vị thế | Đế quốc | ||||||||||||||
Thủ đô | Hàm Dương | ||||||||||||||
Ngôn ngữ thông dụng | Tiếng Hán thượng cổ | ||||||||||||||
Chính trị | |||||||||||||||
Chính phủ | Quân chủ chuyên chế | ||||||||||||||
Hoàng đế | |||||||||||||||
• 221 TCN–210 TCN | Tần Thủy Hoàng | ||||||||||||||
• 210 TCN–207 TCN | Tần Nhị Thế | ||||||||||||||
• 207 TCN–206 TCN | Tần Tử Anh | ||||||||||||||
Thừa tướng | |||||||||||||||
• 221 TCN–208 TCN | Lý Tư | ||||||||||||||
• 208 TCN–207 TCN | Triệu Cao | ||||||||||||||
Lịch sử | |||||||||||||||
• Thống nhất Trung Hoa | 221 TCN | ||||||||||||||
• Tần Thủy Hoàng qua đời | 210 TCN | ||||||||||||||
• Đầu hàng Lưu Bang | 206 TCN | ||||||||||||||
Kinh tế | |||||||||||||||
Đơn vị tiền tệ | Tiền Bán Lượng | ||||||||||||||
|
Một phần của loạt bài về | ||||||||||||||||
Lịch sử Trung Quốc | ||||||||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
| ||||||||||||||||
Tiền sử
| ||||||||||||||||
Cổ đại
| ||||||||||||||||
Đế quốc
| ||||||||||||||||
Hiện đại
| ||||||||||||||||
Liên quan
| ||||||||||||||||
|
Nhà Tần (221 TCN - 206 TCN) là triều đại kế tục nhà Chu và trước nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc. Nhà Tần được đặt tên theo nước Tần - nước đã chiến thắng trong thời Chiến quốc (nay thuộc tỉnh Cam Túc và tỉnh Thiểm Tây), thiết lập bởi Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Hoa.
Ở thời kỳ Chiến Quốc, nhà Tần nổi lên là thế lực mạnh nhất nhờ các cải cách của Thương Ưởng vào thế kỷ IV TCN. Vào giữa và cuối thế kỷ III TCN, nhà Tần thực hiện một loạt chiến dịch xâm chiếm, đầu tiên là chấm dứt nhà Chu, sau đó xâm chiếm sáu quốc gia lớn còn lại, chấm dứt thời kỳ Chiến quốc. Mặc dù chỉ tồn tại ngắn ngủi trong 15 năm, nhà Tần đã để lại ảnh hưởng rất lớn tới các triều đại sau của Trung Hoa, đánh dấu sự khởi đầu của Trung Hoa đế quốc, một giai đoạn chỉ chấm dứt cùng với sự kết thúc của nhà Thanh vào năm 1912. Tên gọi mà phương Tây gọi Trung Quốc ngày nay (China) được cho là xuất phát từ nhà Tần (Qin).
Nhà Tần, dưới sự dẫn dắt của Tần Thủy Hoàng và thừa tướng Lý Tư, tìm cách thiết lập một nhà nước thống nhất bằng chính quyền trung ương tập quyền và một hệ thống quân đội lớn được hỗ trợ bởi một nền kinh tế ổn định.[1] Chính quyền trung ương tìm cách loại bỏ quyền lực của giới quý tộc và địa chủ và giành quyền kiểm soát trực tiếp với nông dân, lực lượng chiếm đa số trong cơ cấu dân số và lao động. Điều này cho phép các dự án lớn đầy tham vọng, ví dụ như việc xây dựng kết nối các bức tường thành ở phía bắc, đặt nền móng cho Vạn Lý Trường Thành.[2]
Nhà Tần thực hiện một loạt các cải cách lớn về hành chính, kinh tế, và văn tự, chẳng hạn như thống nhất và chuẩn hóa hệ thống chữ viết, tiền tệ, đo lường, đi lại và giao thương. Tuy có những cải cách lớn như vậy, nhà Tần áp dụng trường phái Pháp gia và muốn dập tắt các trường phái tư tưởng khác mình. Những sử gia Nho giáo thời nhà Hán mô tả triều đại nhà Tần là một chế độ độc tài chuyên chế, trong đó điển hình là đốt sách và chôn sống nhiều học giả có tư tưởng khác biệt, chấm dứt thời kỳ tự do tư tưởng. Ngoài ra nhà Tần đã mở cuộc chính phạt xuống phía Nam khiến lãnh thổ mở rộng xuống tận khoảng cực Nam Quảng Tây hoặc thậm chí có thể tận miền Bắc Việt Nam ngày nay.
Sau khi Tần Thủy Hoàng qua đời, hai người cận thần là Lý Tư và Triệu Cao đã âm mưu đưa người con thứ của hoàng đế lên ngôi thay vì người con cả. Vì sự yếu kém của người kế vị và sự đàn áp, bóc lột kinh hoàng của thời Tần Thủy Hoàng, nhiều cuộc nổi dậy nổ ra, tiến tới việc chấm dứt triều đại nhà Tần, mở ra nhà Hán.
Lịch sử
[sửa | sửa mã nguồn]Nguồn gốc và thời kỳ đầu lập quốc
[sửa | sửa mã nguồn]Vào thế kỷ IX trước Công nguyên, Tần Phi Tử, người được cho là hậu duệ của pháp quan thời thượng cổ là Cao Dao, được trao quyền cai trị thành Tần. Thành phố Thiên Thủy ngày nay là nơi tọa lạc của thành này. Trong thời kỳ trị vì của Chu Hiếu vương, vị vua thứ tám của nhà Chu, khu vực này được gọi là nước Tần. Vào năm 897 trước Công nguyên, dưới thời Chu Thiệu cộng hòa, khu vực này trở thành một vùng phụ thuộc được dùng làm nơi chăn nuôi và lai tạo ngựa.[3] Một trong những hậu duệ của Tần Phi Tử là Tần Trang công được Chu Bình Vương, vị vua thứ 13 của nhà Chu sủng ái. Con trai của Trang công tức Tần Tương công được phong làm tướng và cử đi về phía đông đánh Tây Nhung. Sau khi đuổi được quân Tây Nhung lui về Kỳ Sơn và được cấp đất phong hầu, ông chính thức thành lập nhà Tần.[4]
Nhà Tần lần đầu tiên bắt đầu một cuộc viễn chinh quân sự vào miền trung Trung Quốc vào năm 672 trước Công nguyên dù họ không tham gia vào bất kỳ cuộc xâm lược lớn nào do mối đe dọa từ các bộ lạc lân cận. Tuy nhiên, đến đầu thế kỷ thứ IV trước Công nguyên, các bộ tộc lân cận đều đã bị khuất phục hoặc bị chinh phục, tạo tiền đề cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa bành trướng nước Tần.[5]
Nước Tần phần lớn nằm ở châu thổ sông Vị, nơi người Khuyển Nhung đã huỷ diệt nền văn minh nhà Chu và buộc Chu Bình Vương phải dời đô vào năm 770 TCN. Tần là một trong 17 nước nhỏ tạo thành nền văn minh nhà Chu và bị các nước khác coi là thấp kém, bán khai vì nó thu hút nhiều người Khuyển Nhung. Tần còn giữ được tinh thần thượng võ và tính mạnh mẽ của những người chăn thả du mục và là cầu nối thương mại giữa nền văn minh nhà Chu và các vùng đất du mục ở Trung Á, một nền thương mại sẽ góp phần vào sự giàu mạnh của Tần.
Trở thành cường quốc
[sửa | sửa mã nguồn]Trong thời Chiến Quốc, Thương Ưởng (361-338 trước Công nguyên), một người ủng hộ trường phái Pháp gia đã trở thành thừa tướng của nước Tần. Với tư cách thừa tướng, Thương Ưởng đã bắt đầu tổ chức nhà nước Tần theo các nguyên lý của Pháp gia. Ông thuyết phục vua Tần áp dụng luật pháp cho mọi người dân. Với việc này, ông ủng hộ việc sử dụng người có thực tài hơn là áp dụng cha truyền con nối. Ông thưởng cho những người can đảm ngoài mặt trận. Ông không khinh thường thương nghiệp của Khổng giáo mà khuyến khích thương mại và lao động. Ông khuyến khích chế tạo vải vóc để trao đổi với các nước khác. Ông đe doạ bắt làm nô lệ bất kỳ một người nào đủ sức khoẻ mà không chịu làm việc. Và ông khuyến khích nhập cư: ông mời những người tài năng và học thức từ nước khác đến Tần, ông trao cho những người nông dân tới từ nước khác một mảnh đất hoang, hứa miễn đi lính cho họ. Thương Ưởng cũng giúp xây dựng kinh đô Hàm Dương của nhà Tần từ giữa thế kỷ IV trước Công nguyên. Kinh đô mới gần giống với kinh đô của các nước khác thời đó.[6]
Rất nhiều người từ nước khác đến Tần, làm tăng sức dân của Tần và sản xuất lương thực và làm quân đội của nó mạnh mẽ thêm. Quy mô của quân đội đã trở nên lớn hơn – quân đội không còn là những đội quân trong tay tầng lớp quý tộc nữa. Với việc những người dân thường đổ xô vào quân đội Tần, Tần vương đã có thể giảm bớt quyền lực của giới quý tộc và địa chủ. Trong một chiến dịch mang tính cách mạng, vua Tần chia các lãnh địa bên trong của mình thành các quận huyện được quản lý bởi các quan chức được chỉ định hơn là bởi tầng lớp quý tộc – trong khi việc phân chia quyền lực của giới quý tộc ở các nước khác dưới thời nhà Chu chỉ được tiến hành một cách tuần tự.
Đáng chú ý, trường phái Pháp gia của nhà Tần khuyến khích cách đánh trận thực tế và tàn nhẫn.[7] Trong thời Xuân Thu, một tư tưởng được chấp nhận rộng rãi là trong chiến tranh không được hành xử một cách tiểu nhân, các tướng chỉ huy tôn trọng những gì họ tin là quy tắc vàng trên chiến trường.[8] Một ví dụ điển hình là khi Tống Tương công đánh nhau với nước Sở trong thời Chiến Quốc, ông từ chối một cơ hội để tấn công địch khi họ đang băng qua sông. Sau khi quân Sở băng qua sông và dàn trận, Tấn Tương công bị đánh bại. Sau đó, khi các quân sư của ông trách ông vì sự lịch sự quá mức với kẻ thù, ông vặn lại, "Hiền nhân không đè bẹp kẻ yếu đuối, cũng không ra lệnh tấn công cho đến khi kẻ thù hình thành hàng ngũ của họ".[8]
Nhà Tần không coi trọng điều này, luôn tận dụng điểm yếu của đối phương để giành thắng lợi. Một nhà quý tộc ở nước Ngụy đã chỉ trích nước Tần là "tham lam, ngoan cố, hám lợi và không hề chân thành. Nước Tần không biết gì về các quy tắc, cách hành xử trong các mối quan hệ, đạo đức và nếu thấy có lợi, họ sẽ từ bỏ những mối quan hệ thân thiết như những con thú".[9] Nhờ trường phái Pháp gia này, cộng thêm việc lãnh đạo hiệu quả, sử dụng nhân tài từ các nước khác và ít có sự phản kháng từ trong nước khiến nước Tần trở nên hùng mạnh.[10]
Một lợi thế khác của nhà Tần là họ có một đội quân đông đảo, hiệu quả.[chú 1] và những vị tướng có tài. Họ cũng sử dụng những phát triển mới nhất về vũ khí và vận tải, thứ mà nhiều kẻ thù của họ thiếu. Những phát triển sau này cho phép khả năng cơ động cao hơn trên một số dạng địa hình khác nhau, vốn phổ biến ở hầu hết các vùng của Trung Quốc. Như vậy, về cả tư tưởng và thực tiễn, nhà Tần đều vượt trội hơn hẳn các nước khác về mặt quân sự.[11]
Cuối cùng, nhà Tần có một lợi thế địa lý do màu mỡ và vị trí chiến lược, được bảo vệ bởi những ngọn núi khiến nước này có một thành trì tự nhiên.[chú 2] Sản lượng nông nghiệp tăng đã giúp nhà Tần duy trì được một đội quân lớn với lương thực và tài nguyên thiên nhiên;[12] Vị Hà được xây dựng vào năm 246 trước Công nguyên đặc biệt có ý nghĩa về mặt này.[13]
Khi Tần Hiếu Công chết, Thương Ưởng bị bỏ lại mà không có sự bảo vệ nào ở triều đình. Những kẻ thù ghen tức và đói quyền lực trong triều đình hành quyết Thương Ưởng, nhưng sự giàu mạnh và sức mạnh của Tần vẫn còn đó. Các vị vua đời sau của Tần nhận ra những lợi ích mà biến pháp của Thương Ưởng đem lại. Do đó vị vua kế nghiệp Tần Hiếu công là Tần Huệ Văn công vẫn duy trì biện pháp và chỉ giết Thương Ưởng để xoa dịu giới quý tộc. Quân Tần bắt đầu giành thắng lợi trong những trận đánh lớn. Năm 311 TCN, Tần mở rộng về phía nam chống lại những kẻ du mục và ở đó họ lập ra thành phố Thành Đô. Năm 256 TCN, Tần mở rộng tới lãnh thổ vốn thuộc nhà Chu - một vùng xung quanh Lạc Dương gồm khoảng 30.000 người và 36 làng. Một hoàng tử nhà Chu phản công, gắng sức chiếm lấy ngôi nhà Chu cho mình. Quân đội Tần đánh bại ông ta và nhà Chu chấm dứt.
Xâm lược các nước thời Chiến Quốc
[sửa | sửa mã nguồn] Bài chi tiết: Chiến tranh thống nhất Trung Hoa của TầnCuối thời Chiến Quốc, còn lại 7 nước chính tranh giành quyền lực là Triệu, Ngụy, Hàn, Sở, Yên, Tề, Tần. Những người cai trị những nước này đều xưng vương thay vì tước hiệu nhỏ hơn ở giai đoạn trước. Tuy vậy, không ai khẳng định rằng mình nắm "Thiên mệnh" như là những vị vua nhà Chu và cũng không có quyền hiến tế — họ giao việc này cho các vị vua nhà Chu.[14]
Năm 246 TCN, Triệu Chính, con trai 13 tuổi của Tần Trang Tương Vương kế ngai vàng. Sau 16 năm cai trị, Tần Vương Chính bắt đầu cho tiến hành những chiến dịch xâm chiếm cuối cùng.
Trước cuộc chinh phục của họ vào thế kỷ IV và III trước Công nguyên, nhà Tần đã phải chịu một số thất bại. Thương Ưởng bị Tần Huệ Văn Vương xử tử vào năm 338 trước Công nguyên do mối hận thù cá nhân từ thời còn nhỏ. Cũng có một cuộc xung đột nội bộ về sự kế vị của Tần vào năm 307 trước Công nguyên, điều này đã phân tán phần nào sức mạnh của nhà Tần. Tần bị đánh bại bởi một liên minh của các nước khác vào năm 295 trước Công nguyên và ngay sau đó lại phải chịu một thất bại khác trước nước Triệu vì phần lớn quân đội của họ lúc đó đang phòng thủ chống lại Tề. Tuy nhiên, chính khách hiếu chiến Phạm Thư (范 雎) lại sớm lên nắm quyền thừa tướng ngay cả khi vấn đề kế vị đã được giải quyết, ông bắt đầu chính sách bành trướng từ nhà Tấn và nhà Tề, tiếp đó chinh phục các quốc gia khác.[15]
Năm 230 TCN, Tần xuất quân đánh Hàn và chiếm thủ đô của họ là Tân Trịnh cùng năm đó. Hàn từng bị Tần đánh bại nhiều lần, lại là nước nhỏ yếu nhất trong 7 nước nên là nước đầu tiên bị diệt. Hàn Vương An sợ hãi vội thu hết sổ sách, địa đồ trong nước sang đầu hàng nộp đất.
Năm 229 TCN, Tần Vương Chính ra lệnh điều quân lên đánh nước Triệu. Tướng Triệu khi đó là Lý Mục đẩy lui được quân Tần. Tần vương bèn dùng kế ly gián, sai người đút lót cho gian thần nước Triệu là Quách Khai, xúi Quách Khai nói rằng Lý Mục đang có âm mưu tạo phản. Triệu U Mục Vương nghe lời gièm pha, bèn giết chết Lý Mục. Tần chớp thời cơ Lý Mục chết và nước Triệu bị động đất vào năm 229 TCN để dồn ép quân Triệu đến đường cùng. Năm 228 TCN, quân Tần chiếm kinh thành Hàm Đan, bắt sống Triệu Vương Thiên.
Năm 227 TCN, sau khi bị Kinh Kha ám sát hụt, Tần Vương Chính hạ lệnh cho quân Tần dưới sự chỉ đạo của Vương Tiễn và phó tướng Mông Vũ tấn công vào đất Yên. Yên Vương trong thế bị dồn ép đã giết Thái tử Đan (người đã ra lệnh cho Kinh Kha ám sát Triệu Chính), dâng thủ cấp để cầu hòa. Quân Tần chấp nhận lời cầu hòa và không xâm lược Yên trong vòng 3 năm tiếp theo.
Năm 225 TCN, Vương Bí chỉ huy quân Tần đánh kinh đô Đại Lương (nay gọi là Khai Phong) của Ngụy, cho quân dẫn nước sông Hoàng Hà làm ngập thành khiến hàng vạn binh lính và dân thường thiệt mạng. Ngụy Vương Giả không chống nổi phải ra hàng.
Năm 222 TCN, quân Tần dưới sự chỉ huy của Vương Bí tấn công vào Liêu Đông, tiêu diệt tàn dư của quân Yên từ trận chiến trước, bắt giữ Yên Vương Hỉ và đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của nước Yên. Diệt Sở ????? Năm 221 TCN, Doanh Chính lấy cớ Tề Vương Kiến đem 30 vạn quân phòng thủ ở biên giới phía tây là hành động gây hấn, bèn sai Vương Bí mang quân từ nước Yên tiến thẳng xuống phía nam tiến vào kinh đô Lâm Truy. Nước Tề suốt mấy chục năm không động binh đao, dân quen liềm hái hơn cung nỏ vì vậy thấy quân Tần hùng hậu tiến vào thì mau chóng tan vỡ. Tề Vương Kiến quyết định không gây chiến và đầu hàng quân Tần. Cả sáu nước hoàn toàn bị thôn tính.
Thời kỳ Chiến Quốc kết thúc. Doanh Chính trở thành vua của toàn Trung Hoa. Ông lấy tước hiệu là Thủy Hoàng Đế (始皇帝)[16][chú 3], trở thành hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa, vượt qua các thành tựu của các vị vua nhà Chu.[17] Việc chinh phục sáu nước, Tần Thủy Hoàng đã sử dụng tài thuyết phục hiệu quả và chiến lược lấy làm gương. Ông củng cố vị trí thống trị độc tôn của mình sau sự thoái vị của thừa tướng Lã Bất Vi. Các nước do hoàng đế thành lập được giao cho các quan lại tận trung thay vì đặt gánh nặng lên người thuộc hoàng tộc.[17] Vị tân hoàng đế ra lệnh tịch thu tất cả vũ khí không thuộc quyền sở hữu của nhà Tần và nấu chảy. Số kim loại thu được đủ để xây dựng mười hai bức tượng lớn tại kinh thành Hàm Dương.[18]
Thời đại Tần Thủy Hoàng
[sửa | sửa mã nguồn] Bài chi tiết: Tần Thủy HoàngDưới sự lãnh đạo của ông và thừa tướng Lý Tư, Tần Thủy Hoàng đã tạo ra một triều đình được coi là kiểu mẫu cho các triều đại sau của Trung Quốc. Để tránh họa chư hầu cát cứ đời nhà Chu, hoàng đế loại bỏ phong đất đặt chư hầu[19] mà triệt để thi hành chế độ quận huyện, chia cả nước thành 36 quận (郡) (sau đó tăng lên 40 quận);[20] quận thú, huyện lệnh do triều đình bổ nhiệm, có thể bị điều động bất cứ lúc nào. Nhằm suy giảm quyền lực của tầng lớp quý tộc, ông tịch thu đất đai của họ và phân chia chúng cho nông dân. Nhằm tạo thuận lợi cho việc thu thuế, triều đình thu thuế trực tiếp từ nông dân mà không cần qua tay tầng lớp quý tộc.
Tần Thủy Hoàng cũng bắt tay vào các chiến dịch đầy tham vọng nhằm tiêu chuẩn hoá hệ thống tiền tệ, đi lại, đo lường, và văn tự. Ông cùng Lý Tư đưa những trường phái Pháp gia khắc nghiệt nhất vào thực thi. Các luật lệ của nhà Tần rất chặt chẽ và khắc nghiệt, đặc biệt đối với người trong triều đình. Hình phạt cho tham nhũng dành cho mọi thành viên triều đình là tử hình. Hoàng đế và những cận thần theo trường phái pháp gia thời đó tin vào việc tập trung hoá về ý thức hệ, lo ngại bất kỳ một tư tưởng nào khác ngoài Pháp gia có thể dẫn tới việc nổi loạn. Vì thế, mọi trường phái tư tưởng khác bị đàn áp, đặc biệt là Nho giáo, chấm dứt thời kỳ tự do tư tưởng. Nhà Tần cũng mạnh tay đối với thương mại, cấm chủ nghĩa trọng thương, đánh thuế nặng đối với thương nhân, và hành quyết các thương nhân vì những lỗi nhỏ nhất.
Trong những năm cầm quyền của mình, Tần Thủy Hoàng và thừa tướng Lý Tư đã thống nhất đơn vị đo lường và tiền tệ trên toàn Trung Hoa. Hoàng đế cũng cho thống nhất chiều dài trục bánh xe để tiện việc vận chuyển đường bộ, xây dựng thêm nhiều hệ thống đường sá, kênh mương kết nối các vùng miền với nhau để người dân được thuận tiện hơn trong việc đi lại.[21][22]
Thời Chiến Quốc, văn tự ở mỗi nước ít nhiều có những sự khác nhau. Quan lại Tần đi cai trị đất đai chư hầu cũ nhiều khi không hiểu được văn tự tại địa phương, khó làm tốt việc. Vì vậy, Tần Thủy Hoàng ra lệnh mọi văn bản trên toàn quốc đều sử dụng một loại văn tự được chuẩn hóa bởi Lý Tư, nhờ đó mà thống nhất được chữ viết trên toàn quốc.[21]
Ở phía Bắc, tộc người Hung Nô thường xuyên quấy nhiễu biên giới. Để chống người Hung Nô xâm lấn, Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh xây dựng một bức tường phòng thủ rộng lớn,[20][23] huy động hàng triệu người đã xây được một hệ thống tường thành khổng lồ, là tiền thân của Vạn Lý Trường Thành hiện tại. Trường Thành được xây kết nối nhiều khúc tường thành đã được xây dựng bởi các nước Tần, Triệu, Yên, trải dài hơn 5000 km từ Lâm Thao (nay thuộc tỉnh Cam Túc) ở phía tây đến Liêu Đông (nay ở tây bắc Liêu Dương, tỉnh Liêu Ninh) ở phía đông,[24] tạo nên một mạng lưới tường thành nối các tuyến phòng thủ ở sông tới những vách đá không thể vượt qua. Uớc tính có đến hàng trăm ngàn người,[25] thậm chí có thể lên tới một triệu người[26][27] đã chết khi xây trường thành thời nhà Tần.
Một trong những công trình lớn mà Tần Thủy Hoàng cho xây dựng là cung A Phòng nằm ở phía nam sông Vị.[28] Ước tính triều đình đã phải dùng hơn 70 vạn người để xây dựng cung A Phòng và lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Ngay từ khi xây dựng, cung A Phòng đã là một công trình gây tranh cãi, làm hao tiền, tốn của, kiệt quệ sức dân và mang tới cho vị hoàng đế không ít lửa hận thù từ muôn dân trăm họ. Không chỉ vậy, Tần Thủy Hoàng còn xây thêm khoảng hơn 200 cung điện xung quanh kinh đô.[cần dẫn nguồn]
Nhìn chung, mặc dù đạt được những thành tựu lớn, Tần Thủy Hoàng thời đó bị nhiều người căm hận. Những quý tộc bị tước hết quyền lợi, đối xử cay đắng căm hận ông. Những trí thức chống đối tư tưởng của ông căm ghét ông. Ông còn bị căm hận vì là một kẻ chinh phục và đánh thuế nặng nề, đặt ra nhiều luật lệ hà khắc, ép nhiều dân thường lao động đến chết để xây dựng những đại dự án của ông.
Mở rộng về phía nam
[sửa | sửa mã nguồn] Bài chi tiết: Chiến tranh Tần–ViệtNăm 214 TCN, Tần Thủy Hoàng để lại 10 vạn quân ở phía bắc và đưa hơn 50 vạn quân xuống phía nam để chinh phục lãnh thổ của các bộ lạc phía nam. Trước những sự kiện dẫn đến sự thống trị của Tần đối với Trung Quốc, họ đã chiếm được phần lớn Tứ Xuyên ở phía tây nam. Quân Tần không quen thuộc với địa hình rừng rậm, bị đánh bại bởi chiến thuật đánh du kích của các bộ lạc phía nam, mất hơn 10 vạn quân. Tuy thua trận ở những chiến dịch đầu tiên, quân Tần đã thành công trong việc xây dựng hệ thống kênh đào, giúp vận chuyển rất nhiều quân lương để củng cố đội quân trong cuộc tấn công thứ hai vào miền nam. Sau đó, quân Tần chinh phục thành công các vùng đất thuộc các tỉnh Phúc Châu, Quảng Đông, Quế Lâm. Sau những chiến thắng ở miền Nam, Tần Thủy Hoàng đã cho di chuyển hơn 10 vạn tù nhân và những người bị đi đày đến các khu vực mới này nhằm thuộc địa hóa chúng. Trong việc mở rộng ranh giới của đế chế, Tần Thủy Hoàng đã cực kỳ thành công ở phía nam.[18]
Các chiến dịch chống Hung Nô
[sửa | sửa mã nguồn] Bài chi tiết: Các chiến dịch chống Hung Nô của nhà TầnNhà Tần đôi khi được mở rộng về phía bắc nhưng hiếm khi có thể giữ được đất đai lâu dài. Các bộ lạc ở những nơi này được Tần gọi chung là người Hồ. Họ đã thoát khỏi sự thống trị của Trung Quốc trong phần lớn triều đại nhà Tần.[29] Do bị cấm giao thương với nông dân nước Tần, bộ tộc Hung Nô sống ở vùng sa mạc Ngạc Nhĩ Đa Tư ở tây bắc Trung Quốc thường xuyên đột kích họ buộc nhà Tần phải trả đũa. Sau các chiến dịch do tướng Mông Điềm chỉ huy, khu vực này đã bị chinh phục vào năm 215 trước Công nguyên và nền nông nghiệp được thiết lập; những người nông dân bất bình sau đó nổi dậy. Triều đại nhà Hán kế vị cũng mở rộng sang sa mạc Ngạc Nhĩ Đa Tư do dân số quá đông nhưng đã làm cạn kiệt tài nguyên của nơi này trong quá trình đó. Biên giới của vương triều đã được mở rộng theo nhiều hướng; Tân Cương hiện đại, Tây Tạng, Mãn Châu, Nội Mông và các khu vực ở phía đông nam đều xa lạ với nhà Tần và ngay cả những khu vực mà họ kiểm soát quân sự cũng khác biệt về văn hóa.[30]
Văn hóa và xã hội
[sửa | sửa mã nguồn]Đời sống nhân dân
[sửa | sửa mã nguồn]Mặc dù có những nỗ lực của chính quyền nhà Tần để cải cách giới quý tộc từ thời nhà Chu, phần đông giới quý tộc vẫn có một cuộc sống xa hoa hơn nhiều so với dân thường. Những sự khác biệt này giữa các vùng ở địa phương được xem là trái với sự thống nhất mà chính quyền nhà Tần muốn hướng đến.[31]
Dân thường và dân làng nông thôn, những người chiếm hơn 90% dân số,[32] rất hiếm khi rời khỏi các ngôi làng hoặc trang trại nơi họ sinh ra. Các hình thức việc làm phổ biến có sự khác biệt theo khu vực, nhưng phần lớn họ làm nông nghiệp. Nghề nghiệp thường là cha truyền con nối; thường công việc của một người cha được truyền lại cho con trai cả của ông sau khi ông qua đời.[33] Lã Thị Xuân Thu đã đưa ra ví dụ khi những thường dân bị ám ảnh bởi sự giàu có vật chất, thay vì theo đuổi lý tưởng "tạo ra vật chất để phục vụ cho mình", họ lại "tôn thờ vật chất".[34]
Nông dân hiếm khi xuất hiện trong văn học nhà Tần. Nhiều học giả và những người có địa vị cao hơn ưa thích sự phồn vinh của các thành phố và sự lôi cuốn của chính trị. Một ngoại lệ đáng chú ý là Thần Nông, một vị thần huyền thoại trong lịch sử, người đã dạy rằng các hộ gia đình nên tự gieo trồng thực phẩm. "Một lần anh không cày, ai đó trên thế giới sẽ đói. Một lần chị không dệt, ai đó trên thế giới sẽ lạnh". Nhà Tần khuyến khích điều này; một nghi lễ được thực hiện vài năm một lần bao gồm các quan chức quan trọng trong chính quyền thay phiên nhau cày trên cánh đồng đặc biệt để tạo ra một mô phỏng về lợi ích và hoạt động của chính quyền trong nông nghiệp.[33]
Vào thời nhà Tần, chế độ nô lệ ở Trung Quốc bắt đầu có động lực và được sử dụng.
Kiến trúc
[sửa | sửa mã nguồn]Kiến trúc thời Chiến Quốc có một số khía cạnh nổi bật. Các bức tường thành, được sử dụng để phòng thủ, được xây dài hơn. Một số bức tường thứ cấp đôi khi cũng được xây dựng để tách các quận khác nhau. Những công trình có cấu trúc lớn được xây dựng để tạo ra cảm giác về quyền lực tuyệt đối. Nhiều ngôi nhà, tòa tháp, cổng trụ lớn được xây dựng ở thời kỳ này.
Triết học và văn học
[sửa | sửa mã nguồn]Văn tự của Tần là chữ tượng hình, giống như văn tự của nhà Chu trước đó.[35] Tuy vậy, văn tự ở các nước khác thời Chiến Quốc ít nhiều có những sự không tương đồng. Thừa tướng Lý Tư đã tiêu chuẩn hóa hệ thống chữ viết để có cách viết thống nhất trên toàn Trung Hoa. Đây là một trong những thành tựu lớn nhất trong cuộc đời của ông, đặt nền móng cho sự thống nhất văn hóa Trung Quốc trong hàng ngàn năm.[36]
Hàng trăm trường phái tư tưởng bao gồm Nho gia, Đạo gia, Pháp gia nở rộ trong thời Xuân Thu và Chiến Quốc. Tuy nhiên, sau khi Tần Thủy Hoàng lên ngôi vào năm 221 TCN, ông và cận thần của mình quyết định cai trị với một triết lý duy nhất là Pháp gia và đàn áp các trường phái tư tưởng khác. Trường phái Pháp gia thời nhà Tần bài trừ chế độ phong kiến cũ và khuyến khích các hình phạt nghiêm khắc, đặc biệt là khi không tuân lệnh hoàng đế. Quyền cá nhân bị gạt đi khi chúng mâu thuẫn với mong muốn của chính quyền, thương nhân và học giả không được coi trọng và thích hợp để loại bỏ.[37] Ít nhất một trường phái tư tưởng là Mặc gia dần bị xóa bỏ. Mặc dù hệ tư tưởng của nhà Tần và Mặc gia có những điểm tương đồng về một số khía cạnh nhất định, có thể những người theo trường phái này đã bị quân đội của nhà nước tìm kiếm và giết chết qua các hoạt động bán quân sự.[38]
Một trong những việc đàn áp nổi bật hồi đó là đốt sách chôn nho. Tần Thủy Hoàng ra lệnh đốt bỏ hết phần lớn các sách đương thời, chỉ giữ lại những cuốn sách bói toán, nông nghiệp, y học, thần thoại, và lịch sử nhà Tần.[39] Kẻ nào không tuân lệnh mà lén lút giữ sách thì bị phạt nặng. Sử ký Tư Mã Thiên ghi lại, có 460 Nho sĩ bị chôn sống ở Hàm Dương vì sở hữu sách cấm vào năm 212 TCN.[39][40] Tuy nhiên, một số nhà Hán học hiện đại cho rằng việc "chôn sống các học giả" không phải là nghĩa đen mà chỉ đơn giản là "giết chết họ".[41]
Chính quyền và quân sự
[sửa | sửa mã nguồn]Chính quyền nhà Tần là một bộ máy quan liêu, được quản lý bởi một hệ thống cấp bậc của các quan chức, tất cả đều phục vụ Thủy Hoàng Đế. Nhà Tần áp dụng những lời dạy trong cuốn Hàn Phi Tử. Tất cả các khía cạnh của cuộc sống đã được chuẩn hóa, từ các phép đo lường và ngôn ngữ đến những chi tiết thực tế hơn, chẳng hạn như chiều dài của trục xe.[16]
Những vùng lãnh thổ do hoàng đế được giao cho các quan lại thay vì giới quý tộc như hồi trước. Tần Thủy Hoàng và các cận thần của mình đưa ra nhiều luật lệ mới, thay đổi chế độ phong kiến ở Trung Quốc bằng một chính quyền tập trung, quan liêu. Hình thức chính quyền này được các triều đại sau này sử dụng để tham khảo cho cấu trúc chính quyền của họ.[42] Dưới hệ thống này, cả quân đội và chính quyền đều phát triển mạnh vì những cá nhân tài năng có thể được dễ dàng xác định hơn. Tuy nhiên, có những trường hợp lạm dụng hệ thống này. Một viên chỉ huy đã ra lệnh cho người của mình tấn công nông dân nhằm cố gắng tăng số lượng "kẻ cướp" mà anh ta đã giết; cấp trên của anh ta cho phép điều này vì cũng muốn thổi phồng số liệu của mình.[43]
Tướng quân đất nung (Trái), Sĩ quan cấp trung của đội quân đất nung ở Tây An (Phải)Tần Thủy Hoàng cũng giúp cải thiện quân đội mạnh mẽ hơn, mặc dù nó vốn đã trải qua những cải cách sâu rộng.[44] Quân đội nhà Tần đã sử dụng những vũ khí tối tân thời bấy giờ. Việc phát minh ra kiếm trong thời Chiến Quốc là một bước tiến lớn. Thời đầu kiếm chủ yếu được làm bằng đồng, nhưng đến thế kỷ III TCN, nước Tần đã sử dụng thanh kiếm sắt mạnh mẽ hơn. Nỏ được ra đời vào thế kỷ V TCN và cho thấy là có sức mạnh và độ chính xác lớn hơn cung thời trước.[8] Nhà Tần cũng có những kỵ binh và chiến xa vô cùng mạnh mẽ trên chiến trường.
Nhà Tần cũng sử dụng các phương pháp vận chuyển và chiến thuật được cải tiến. Nhà Triệu lần đầu tiên thay thế xe ngựa bằng kỵ binh vào năm 307 trước Công nguyên nhưng sự thay đổi này nhanh chóng được các nước khác áp dụng vì kỵ binh có khả năng cơ động cao hơn trên địa hình Trung Quốc.[45]
Ngoài ra, Tần Thủy Hoàng cho xây dựng và kết nối thành hệ thống những bức tường thành lớn ở phương bắc để chống người Hung Nô, đặt nền móng cho Vạn Lý Trường Thành sau này. Ông còn cho xây dựng đội quân đất nung để canh gác mình khỏi những linh hồn xấu xa trong khu lăng mộ đồ sộ của mình.
Tín ngưỡng
[sửa | sửa mã nguồn]Tín ngưỡng phổ biến thời nhà Tần, và suốt những triều đại khác của Trung Hoa, là sự tin tưởng vào thần linh và âm giới. Người Trung Quốc thực hiện những nghi thức hiến tế động vật trong nỗ lực liên lạc với một thế giới khác mà họ tin là tồn tại song song với thế giới mình đang sống. Người chết được hiểu là chuyển dịch từ thế giới này sang thế giới bên kia. Những nghi thức được tạo ra nhằm đảm bảo cho cuộc du hành sang thế giới bên kia của linh hồn người đã khuất và mong họ sẽ ban phước lành cho mình từ thế giới đó.[46]
Các hoạt động tín ngưỡng thường được tổ chức tại các đền thờ địa phương và các khu vực linh thiêng, trong đó có các bàn thờ tế lễ. Trong một buổi tế lễ hoặc nghi lễ khác, những giác quan của tất cả những người tham gia sẽ bị làm mờ đi bởi khói, nhang và âm nhạc. Người chủ trì việc hiến tế sẽ nhịn ăn và thiền định trước một sự hy sinh để làm mờ đi các giác quan của mình và tăng khả năng nhận thức các hiện tượng của thế giới bên kia. Những người tham gia khác cũng được yêu cầu tương tự mặc dù không nghiêm ngặt.
Làm mờ các giác quan là một yếu tố trong việc làm cầu nối linh hồn. Những người này sẽ rơi vào trạng thái hôn mê hoặc thực hiện các điệu nhảy để phô diễn sức mạnh siêu nhiên. Nhà sử học người Hán Tư Mã Thiên đã khinh miệt những thực hành như vậy, coi chúng là những mánh khóe lừa đảo.[47]
Bói toán cũng là một hình thức tín ngưỡng phổ biến. Một tập tục cổ xưa ở thời nhà Tần bẻ xương hoặc đập vỡ mai rùa để dự báo về tương lai. Có nhiều hình thức bói toán khác nhau ở thời kỳ đầu này, mặc dù phổ biến vẫn là cách quan sát các hiện tượng tự nhiên. Sao chổi, nhật thực, và hạn hán được coi là điềm báo về những điều sắp xảy ra.[48]
Sự sụp đổ của nhà Tần
[sửa | sửa mã nguồn] Xem thêm: Tần Nhị Thế, Tần Tử Anh, và Triệu CaoBa vụ ám sát vào Tần Thủy Hoàng khiến ông trở nên hoang tưởng và bị ám ảnh bởi sự bất tử. Ông qua đời vào năm 210 TCN trong một chuyến đi đến vùng viễn đông của nhà Tần trong nỗ lực tìm kiếm một loại thuốc trường sinh từ các pháp sư Đạo giáo, những người tuyên bố thuốc tiên bị mắc kẹt trên một hòn đảo được bảo vệ bởi một con quái vật biển. Hoạn quan Triệu Cao và thừa tướng Lý Tư đã che giấu tin tức về cái chết của hoàng đế và âm mưu đưa người con thứ Hồ Hợi, thay vì con cả Phù Tô, lên ngai vàng. Họ tin rằng có thể thao túng Hồ Hợi, từ đó kiểm soát đế quốc một cách hiệu quả. Thật vậy, Tần Nhị Thế khá dễ bảo và ham chơi. Ông xử tử nhiều quan lại và anh chị em của mình, không quan tâm đến việc nước, tiếp tục cho xây dựng cung điện, mở rộng quân đội, tăng thuế, bắt giữ và sát hại những sứ giả mang đến cho anh ta tin xấu. Kết quả là những người đàn ông khắp Trung Hoa nổi dậy, tấn công quan lại, nuôi dưỡng quân đội và tuyên bố họ là vua của các vùng lãnh thổ bị chiếm giữ.[49] Sau khi Lý Tư bị xử tử vì bị Triệu Cao hãm hại, Triệu Cao quyết định buộc Tần Nhị Thế tự sát vì sự bất tài của ông trong việc cai quản đất nước. Tử Anh, cháu trai của Tần Nhị Thế, lên ngôi và ngay lập tức xử tử Triệu Cao. Tuy nhiên, thế nước khi đó đã như mành treo chuông, ông cũng chỉ tại vị được vỏn vẹn 46 ngày.
Trần Thắng khởi nghĩa
[sửa | sửa mã nguồn]Sau khi Tần Thủy Hoàng qua đời, nhiều cuộc nổi dậy lớn đã nổ ra. Tháng 7 năm 209 TCN Trần Thắng và Ngô Quảng cầm đầu 900 lính thú nổi dậy khởi nghĩa ở làng Đại Trạch thuộc nước Sở cũ. Từ Đại Trạch, quân khởi nghĩa nhanh chóng đánh rộng ra xung quanh và tiến lên chiếm được huyện Trần, tức là trần (nước)|nước Trần cũ thời Xuân Thu, lấy làm kinh đô, gọi là nước Trương Sở (nước Sở mở rộng). Các cánh quân các nơi tự nổi dậy hưởng ứng rất đông. Trần Thắng tập hợp và chia quân đi đánh các nơi. Hai đạo quân chủ lực là Ngô Quảng đánh Huỳnh Dương và Chu Văn đánh vào Hàm Dương, quân đông vài chục vạn người. Thừa dịp có ngọn lửa do Trần Thắng châm, các quý tộc 6 nước Sơn Đông thi nhau nổi dậy khôi phục địa vị.
Những vùng mới bị Tần Thủy Hoàng chinh phục vài chục năm trước coi cái chết của ông là một cơ hội để thoát khỏi sự cai trị của nhà Tần, và một số trí thức đã chống lại sự cai trị của Nhị Thế. Nông dân coi đó là một cơ hội để biểu lộ sự bất bình của họ với chính quyền hoàng đế. Một số dân thường bắt đầu giết quan lại địa phương. Trong số những người dân có những thủ lĩnh địa phương đứng ra lãnh đạo nổi loạn. Và trong một cố gắng nhằm chiếm lại quyền lực cũ, các gia đình quý tộc bắt đầu tổ chức lực lượng quân sự của riêng mình để trở thành quân phiệt cát cứ.
Đầu tiên là hai tướng Trương Nhĩ, Trần Dư dưới quyền Trần Thắng. Hai người cùng bạn Trần Thắng là Vũ Thần đi đánh nước Triệu cũ, nhưng khi chiếm được nửa nước Triệu bèn xui Vũ Thần xưng làm Triệu vương, ly khai khỏi Trương Sở. Vũ Thần sai Hàn Quảng đi đánh nước Yên thì đến lượt Quảng cũng ly khai tự lập làm Yên vương. Một tướng khác của Trần Thắng là Chu Thị đi đánh được đất Nguỵ, thấy Triệu và Yên tự lập cũng rước con cháu nước Ngụy cũ là Ngụy Cữu lên làm Nguỵ Vương. Một quý tộc nước Tề cũ là Điền Đam khởi nghĩa tự lập làm Tề Vương.
Các nước chư hầu này đều lo phát triển cơ đồ riêng, đi đánh các thành trì nhà Tần còn chiếm đóng trên đất mình, không hưởng ứng việc đánh Tần với Trương Sở vương Trần Thắng, do đó ông phải độc lập tác chiến với cánh quân chủ lực của Tần.
Tin quân khởi nghĩa sắp đánh vào kinh thành khiến kinh thành xôn xao, không thể giấu được nữa và cuối cùng Nhị Thế biết tin. Trong lúc nguy cấp, Nhị Thế theo kế của quan Thiếu phủ Chương Hàm, tha tội cho những người làm phu xây Trường Thành và huy động quân của tướng [Vương Ly; 王離] (cháu nội Vương Tiễn) gồm 30 vạn người, giao cho họ vũ khí và đưa ra mặt trận.
Chương Hàm cứu vãn tình thế
[sửa | sửa mã nguồn]Dưới sự chỉ huy của Chương Hàm, quân Tần thắng như chẻ tre. Đầu tiên chặn đứng cuộc tây tiến của cánh quân Chu Văn, đánh bại Chu Văn liền 3 trận, đẩy quân Trương Sở về phía đông. Chu Văn thua mất hết quân mã nên tự sát.
Chương Hàm đánh tới giải vây cho thành Huỳnh Dương đang bị giả vương Ngô Quảng vây hãm lâu ngày không lấy được. Đúng lúc đó thì các tướng cầm cánh quân này cũng nảy sinh mâu thuẫn do không thống nhất chủ trương. Tướng Điền Tang liền giả lệnh Trần Thắng giết Ngô Quảng, nắm lấy quyền chỉ huy và mang quân ra đón Chương Hàm, giao Lý Quy vây Huỳnh Dương.
Chương Hàm đang đà thắng lợi, tiến tới đánh bại giết chết Điền Tang và mang quân tới Huỳnh Dương. Lý Quy không chống nổi cũng tử trận nốt. Chương Hàm đánh như gió cuốn tới kinh thành Trương Sở. Trong khi đó, Trần Thắng dùng người không thoả đáng, sát hại nhiều tướng có công nên nhiều người bỏ ông ra đi. Trên đường đánh tới Trương Sở, Chương Hàm tiêu diệt thêm các cánh quân của Ngũ Từ, Đặng Duyệt. Trần Thắng mang quân chủ lực ra chống Tần. Chương Hàm đánh tới, giết chết tướng Sở là Trương Hạ và quan trụ quốc Sở là Sái Tứ. Trần Thắng bỏ chạy khỏi kinh đô Trương Sở tới Hạ Thành Phụ thì bị người đánh xe là Trang Giả phản bội giết chết, mang đầu hàng Tần để lập công. Chương Hàm giao cho Trang Giả cai quản Trương Sở, đặt theo tên cũ là huyện Trần rồi mang quân đánh Nguỵ.
Ngụy vương Cữu chống Tần không nổi, thừa tướng Chu Thị tử trận. Ngụy cầu cứu Tề. Tề vương Điền Đam mang quân cứu, bị Chương Hàm đánh bại. Đam tử trận, sau đó quân Tần giết nốt Ngụy Cữu. Hàm lại mang quân đánh Tề, muốn diệt nốt cánh quân của em Đam là Điền Vinh.
Trong khi đó, một người hầu cận của Trần Thắng là Lã Thần đi mộ quân cần vương trở về, đánh chiếm lại huyện Trần, giết Trang Giả báo thù cho Trần Thắng. Một cánh quân Tần đánh tới, Lã Thần không chống nổi phải bỏ chạy, giữa đường lại gặp cánh quân chống Tần của Anh Bố, bèn hợp lại cùng đánh, lại chiếm lại huyện Trần lần nữa. Cùng lúc đó, tướng nước Sở là Hạng Lương khởi nghĩa ở đất Ngô, qua sông Trường Giang đánh Tần. Nghe tin Trần Thắng đã chết, Hạng Lương theo kế của Phạm Tăng, lập dòng dõi vua nước Sở ngày trước lên ngôi, tức là Sở Hoài vương. Sau này Lã Thần và Anh Bố mang quân liên hợp với cánh quân của Sở Hoài vương.
Cánh quân của chú cháu Hạng Lương, Hạng Vũ lớn mạnh nhanh chóng, đánh bại một cánh quân Sở ly khai khác của Tần Gia rồi đánh nhau với Chương Hàm, lần lượt đánh thắng quân Tần hai trận, giải vây cho em Điền Đam là Điền Vinh và vây Chương Hàm ở Định Đào. Do chủ quan khinh địch, lơi lỏng phòng bị, Hạng Lương bị Chương Hàm đánh úp giết chết. Cánh quân Sở do Hạng Vũ, Lưu Bang chỉ huy vốn được Hạng Lương phái đi đánh Huỳnh Dương nghe tin tổng chỉ huy chết trận bèn hợp với cánh quân Lã Thần rút về nước Sở hội với Hoài vương.
Đánh bại Hạng Lương, Chương Hàm mang quân đánh Triệu.
Lưu Bang, Hạng Vũ diệt Tần
[sửa | sửa mã nguồn]Quân Sở rút về khôi phục lực lượng để lấy lại nhuệ khí sau khi cánh quân chủ lực của Hạng Lương bị đánh bại. Hoài vương chia quân đánh Tần, ước hẹn với chư hầu rằng: "Ai vào Quan Trung trước được làm vua Quan Trung". Hoài vương sai Lưu Bang đi đường phía Tây đánh thẳng vào Hàm Dương, sai Tống Nghĩa và Hạng Vũ đi đường phía bắc cứu nước Triệu đang bị Chương Hàm vây hãm.
Nước Triệu sau khi Vũ Thần xưng vương đã xảy ra tranh chấp nội bộ và sau khi Vũ Thần bị giết, dòng dõi nước Triệu cũ là Triệu Yết được lập làm Triệu vương. Chương Hàm mang quân đánh Triệu, vua tôi Triệu bỏ chạy về Cự Lộc. Hàm sai Vương Ly vây bức Cự Lộc, còn mình vận lương thảo tiếp ứng.
Các cánh quân chư hầu như Yên, Tề và tướng Triệu là Trần Dư đóng ngoài thành không dám đánh nhau với Vương Ly để giải vây vì quân Tần quá mạnh. Đang lúc nguy cấp, Hạng Vũ dẫn quân Sở tới cứu, đánh thắng quân Tần liền 9 trận, bắt sống Vương Ly, giết Thiệp Nhàn và Tô Giác. Chương Hàm lui quân, lại bị Hạng Vũ đánh bại thêm một trận nữa ở bến Tam Hộ, sai Tư Mã Hân về thỉnh ý Nhị Thế nhưng Triệu Cao đố kỵ muốn trị tội thua trận. Chương Hàm tức giận bèn đầu hàng Hạng Vũ. Hạng Vũ cho hàng, rồi hợp hai đạo quân Sở, Tần kéo vào Hàm Dương.
Nhưng khi Hạng Vũ đánh xong Chương Hàm thì Lưu Bang, đi theo đường thẳng và không gặp những cánh quân Tần mạnh, đã tiến vào Quan Trung trước. Lưu Bang vốn là đình trưởng (một chức quan nhỏ trông coi an ninh trật tự ở địa phương).
Trong khi đó cung đình nước Tần cũng biến loạn. Triệu Cao thấy việc giặc giã ngày càng nguy cấp và khó giấu diếm, sợ Nhị Thế trị tội bèn chủ động giết Nhị Thế, lập Tử Anh lên ngôi. Tử Anh không muốn bị khống chế bèn lập mưu giết Triệu Cao. Lúc này vận mệnh nhà Tần đã khó cứu vãn được. Các cánh quân chư hầu ào ạt tiến về phía tây, quân Tần không còn sức kháng cự.
Tử Anh lên ngôi cuối tháng 8 năm 207 TCN, được 46 ngày là đầu tháng 10, cánh quân Sở dưới quyền Lưu Bang đã đánh bại quân Tần, tiến vào kinh đô Hàm Dương. Tử Anh ra hàng. Dù bị quân chủ lực của Tần cầm chân, nhưng đội quân của Hạng Vũ cũng tiến vào Hàm Dương không lâu sau đó. Kinh đô Hàm Dương của Tần bị phá hủy, và điều này được các nhà sử học coi là sự kết thúc của nhà Tần.[50] Vua Tần Tử Anh và tất cả các thành viên gia đình hoàng gia nhà Tần bị Hạng Vũ sát hại.
Nhận định
[sửa | sửa mã nguồn]Trong lịch sử Trung Quốc, nhà Tần là vương triều đầu tiên có cương thổ rộng lớn và tàn bạo nhất, nhưng các nhà sử học phương Tây thường kính trọng nhà Tần. Cái tên "China" mà người phương Tây dùng gọi Trung Quốc ngày nay được cho là xuất phát từ những âm phiên chữ Tần khác nhau như Sin, Qin, Chin mà ra. Nhà Tần thi hành chính sách hà khắc, độc đoán và thường là tàn bạo nhưng Tần Thủy Hoàng cũng là nhà lý luận chính trị và là nhà cải cách tài ba đã đưa lại một trong những giai đoạn triều đình mạnh mẽ nhất của Trung Quốc. Mặc dù chỉ tồn tại trong 15 năm, nhà Tần đã để lại những ảnh hưởng vô cùng lớn tới những triều đại sau này của Trung Quốc.
Đặc điểm
[sửa | sửa mã nguồn]Nhà Tần có những đặc trưng riêng trong lịch sử Trung Quốc. Ngay từ thân thế và sự nghiệp của người sáng lập ra nó - Tần Thủy Hoàng - cũng rất đặc biệt và nhiều bí ẩn.
Tần là triều đại đầu tiên bãi bỏ chế độ phân phong chư hầu trước đây, thiết lập chế độ quận huyện để xác lập quyền lực tuyệt đối của hoàng đế.
Tần là triều đại đầu tiên và cũng là duy nhất không áp dụng việc đặt thụy hiệu và miếu hiệu cho các vua. Trái lại, nhà Tần dùng kiểu đếm như phương Tây: Từ Thủy Hoàng là đầu tiên, tới Nhị Thế, Tam Thế... như kiểu "Đệ nhất", "Đệ Nhị"... Về sau không triều đại Trung Quốc nào áp dụng theo cách này.
Nhà Tần đặt ra cách thay đổi lịch, lấy tháng 10 làm đầu năm. Những người cai trị kế tục áp dụng cách tính này còn dùng tới năm 104 TCN.[chú 4] Nhà Tần đặt ra thống nhất hệ thống đo lường, tiền tệ, đi lại, văn tự, và luật pháp, mở rộng các kênh để tưới tiêu và vận chuyển, xây dựng một hệ thống đường sá to lớn, mở rộng đất đai về phía bắc và phía nam. Công lao xây dựng đất nước thống nhất của nhà Tần thật lớn nhưng chính sách tàn bạo và thủ tiêu văn hoá cũng gây ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ cho đời sau.
Nguyên nhân thất bại
[sửa | sửa mã nguồn]Trong Sử ký, Tư Mã Thiên và sau này là Giả Nghị đời Hán viết bổ sung thiên Tần Thủy Hoàng bản kỷ đã phân tích về nguyên nhân thất bại của một triều đại vừa to lớn vừa ngắn ngủi. Đó là bài "Quá Tần luận" nổi tiếng.
“ | Vua Tần đã có công đủ không cần giúp, có lỗi mà không đổi. Nhị Thế nối theo lại bắt chước không thay, làm việc bạo ngược để cho lỗi càng thêm nặng. Tử Anh lên ngôi cô lẻ không có người thân, suy yếu không có kẻ giúp đỡ. Ba vua sai lầm mà rút cuộc không hiểu, đến nỗi mất nước, cũng chẳng đáng ư? Vào thời bấy giờ, trên đời không có kẻ sĩ mưu sâu đạo cao, lại nữa không dám dốc hết lòng trung để rũ bỏ lỗi sai là vì pháp lệnh của nhà Tần có nhiều việc kiêng dè, nói lời trung chưa kịp thốt ra miệng thì thân đã bị giết chóc rồi, cho nên khiến cho kẻ sĩ trong thiên hạ phải cụp tai mà nghe lệnh, xếp chân mà đứng, ngậm miệng mà không nói. Cho nên ba vua làm việc sai cách, tôi trung không dám can ngăn, kẻ sĩ khôn ngoan không dám bày mưu. Kịp lúc thiên hạ đã loạn mà nhà vua còn không biết, há chẳng đáng xót sao! Các vị vua thời xưa biết việc bị che đậy là làm tổn hại đến nhà nước, cho nên sắp đặt công khanh đại phu để nêu rõ hình pháp, cho nên thiên hạ được yên. Vào thời lớn mạnh thì trừ bạo diệt loạn mà thiên hạ chịu phục. Vào lúc suy yếu thì Ngũ bá đánh dẹp mà chư hầu nghe theo. Lúc bị chia cắt thì giữ trong dựa ngoài mà xã tắc được vững. Nhà Tần lớn mạnh là dùng hình pháp nghiêm ngặt mà thiên hạ cúi phục, kịp lúc suy yếu thì trăm họ oán giận mà cả nước làm phản. Trước đây nhà Chu bày ra năm tước phong mà hợp với đạo lớn, dựng nước hơn một ngàn năm không dứt. Nhà Tần trước sau đều lỗi đạo, cho nên không được lâu dài. Do đó thấy rằng đầu mối của an hay nguy cách rất xa nhau. Có lời tục rằng: 'Việc trước không quên là thầy của việc sau'. Cho nên quân tử trị nước phải xem thời xưa để làm gương cho đời nay, xét việc dùng người, tìm cái gốc của thịnh suy, nghĩ cái nên làm của quyền thế, suy cái nguồn của đến hay ở, biến hóa tùy lúc, cho nên vận nước lâu dài mà xã tắc yên ổn. | ” |
Giả Nghị đề cao công thống nhất Trung Hoa, ca ngợi sức mạnh vô địch tiêu diệt 6 nước chư hầu của nhà Tần và đánh giá "Trần Thắng tài năng dưới bậc trung", danh phận còn kém xa 6 nước chư hầu, bản thân ông chỉ nổi lên được 6 tháng đã bị tiêu diệt nhưng ngọn lửa mà ông đốt lên đã huỷ diệt nhà Tần.
"Ông vua có thể lấy thiên hạ trên lưng ngựa nhưng không thể cai trị thiên hạ trên lưng ngựa". Câu đó rất đúng với nhà Tần. Sau khi thống nhất thiên hạ, thay vì dùng chính sách khoan dung để lấy lòng người, nhà Tần lại tăng cường pháp trị, lấy sự hà khắc để đề phòng sự chống đối của thiên hạ. Do đó, ngoài cái thù mất nước chưa nguôi ngoai, người dân 6 nước còn lại đều căm giận nhà Tần lên gấp bội. 15 năm là vòng xoáy của một triều đại nhưng đối với đời người, ngần ấy thời gian còn chưa qua một thế hệ. Chẳng những thế hệ con em mà ngay thế hệ "mất nước" của 6 nước chư hầu vẫn còn nguyên và mối thù vẫn còn nguyên.
Chương Hàm dù chưa sánh được với Vương Tiễn nhưng cũng là viên tướng giỏi và có lòng tận tụy, tuy nhiên dường như ông càng chữa cháy đám cháy càng lớn. Sự căm hờn của nhân dân đối với chính sách tàn bạo của nhà Tần khiến những người chống đối hết lớp này lại có lớp khác đứng lên, lớp sau mạnh mẽ hơn lớp trước và một mình Chương Hàm không xoay chuyển được tình thế. Chương Hàm đánh diệt Trương Sở, Trần Thắng ngã có Lã Thần nối tiếp. Chương Hàm diệt Ngụy, Ngụy Cữu chết có Ngụy Báo thay. Chương Hàm đánh Tề, giết được Điền Đam lại có Điền Vinh đứng lên. Chương Hàm đánh Sở giết được Hạng Lương thì có ngay Hạng Vũ bật dậy. Những công tích của Chương Hàm có thể làm một bộ phận chư hầu khiếp đảm và cầm chân được Hạng Vũ một thời gian nhưng một mình ông không có đủ ba đầu sáu tay để chặn đường tây tiến của Lưu Bang. Và khi chính quyền Tần u mê, hủ bại quay sang đố kỵ tướng sĩ, phá bỏ nốt bức tường chắn cuối cùng khiến Chương Hàm ngả theo chư hầu, chỉ một đạo quân không hẳn là hùng hậu của Lưu Bang cũng đủ kết liễu nhà Tần. Kết cục của cả ba nhân vật chính của nhà Tần thời hậu Thủy Hoàng là vua Nhị Thế, Lý Tư lẫn Triệu Cao là bài học đích đáng cho đời sau. 15 năm quá ngắn ngủi, Lý Tư và Triệu Cao vừa là khai quốc công thần nhà Tần, vừa là vong quốc tội thần của nhà Tần. Hạng Lương, Hạng Vũ, Trương Lương, Điền Đam... vừa thần tử vong quốc nhưng cũng không lâu sau lại là những người phục quốc. Có lẽ hoàng đế đầu tiên của đế quốc Trung Hoa không thể ngờ rằng số đếm triều đại mình dừng lại ngay ở con số "Nhị Thế".
Tương truyền rằng, thời Tần Thủy Hoàng có câu sấm: "Vong Tần giả Hồ" (Tần mất tại Hồ). Thủy Hoàng ngờ rằng "Hồ" đó là người Hồ, tức người Hung Nô nên đã điều động biết bao nhân công đi xây Vạn Lý Trường Thành để chặn họ kéo xuống phía nam. Nhưng ông không ngờ rằng "Hồ" đó là "Hồ Hợi", đứa con cưng vẫn được lòng ông mới là kẻ làm mất nhà Tần.
Các đời hoàng đế nhà Tần
[sửa | sửa mã nguồn]Tần Thủy Hoàng là vị vua Trung Quốc đầu tiên tuyên bố mình làm Hoàng đế sau khi thống nhất Trung Quốc năm 221 TCN. Vì vậy, năm 221 TCN thường được tính làm năm bắt đầu của nhà Tần. Nhà Tần chỉ tồn tại ngắn ngủi trong 15 năm, và kết thúc bởi những cuộc phản loạn ở khắp nơi, dẫn đến cuộc nội chiến Hán-Sở tranh hùng.
Tên thuỵ / hiệu | Họ tên | Giai đoạn cai trị |
---|---|---|
Tần Thủy Hoàng Đế (始皇帝) | Chính (政)[chú 5] | 221 TCN–210 TCN |
Nhị Thế Hoàng Đế (二世皇帝) | Hồ Hợi (胡亥) | 209 TCN–207 TCN |
Không có | Tử Anh (子嬰) | 207 TCN |
Thế phả nhà Tần
[sửa | sửa mã nguồn]Thế phả nhà Tần | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
|
Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn]- Chủ quyền của Trung Quốc
- Hoàng đế Trung Hoa
- Tần thị (Nhật Bản)
- Tần thời Minh Nguyệt
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]Phụ chú
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Điều này là do lực lượng lao động lớn có sẵn do chính sách địa chủ của họ (do Thương Ưởng thực hiện), được mô tả trong phần văn hóa và xã hội
- ^ Đây là trung tâm của khu vực Quan Trung, còn vùng lưu vực sông Trường Giang được gọi là Quan Đông. Bản chất hiếu chiến của nhà Tần ở Quan Trung đã phát triển thành một câu ngạn ngữ thời Hán: "Quan Trung sinh tướng, Quan Đông sinh thừa tướng." (Lewis 2007, p. 17)
- ^ Theo thói quen của người Trung Quốc hiện đại là bao gồm tên triều đại làm họ nên tên đầy đủ Tần Thủy Hoàng đế. Sau đó, tên này được rút gọn thành Tần Thủy Hoàng vì tên Trung Quốc có bốn ký tự là điều không bình thường.
- ^ Năm 104 TCN, Hán Vũ Đế thay đổi lại cách tính như cũ, lấy tháng giêng làm đầu năm. Nhưng không rõ ranh giới cách tính cũ và mới ra sao: năm 220 TCN (sau năm 221 TCN) bắt đầu từ tháng 10 của năm cũ 221 TCN hay từ tháng 10 năm sau (tức là năm 221 TCN sẽ rất dài tới 21 tháng)? Năm 104 TCN chỉ kéo dài 3 tháng (tháng 10 đến tháng 12) hay kéo dài 15 tháng (tháng 10 năm đó đến tháng 12 năm sau)?
- ^ Theo truyền thống họ người Hoa hiện đại, người ta thường gọi kèm tên của Chính với Doanh (嬴; một trong bát đại tính, nói lên dòng dõi Thiếu Hạo cao quý của các quân chủ nước Tần), Triệu (趙; nơi ông sinh ra và lớn lên), hoặc Tần (秦; nơi ông lập nghiệp) thành Doanh Chính, Triệu Chính, hay Tần (vương) Chính.
Chú thích nguồn tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Tanner 2010, p. 85-89
- ^ Beck, B, Black L, Krager, S; et al. (2003). Ancient World History-Patterns of Interaction. Evanston, IL: Mc Dougal Little. p. 187. ISBN 0-618-18393-0.
- ^ Lewis 2007, p. 17
- ^ “Chinese surname history: Qin”. People's Daily. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 5 năm 2008. Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2008.
- ^ Lewis 2007, pp. 17–18
- ^ Lewis 2007, p. 88
- ^ Morton 1995, p. 45
- ^ a b c Morton 1995, p. 26
- ^ Time-Life Books 1993, p. 86
- ^ Kinney and Clark 2005, p. 10
- ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên morton45
- ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên kinney10
- ^ Lewis 2007, pp. 18–19
- ^ Morton 1995, tr. 25
- ^ Lewis 2007, pp. 38–39
- ^ a b World and Its Peoples: Eastern and Southern Asia, p. 36
- ^ a b “China's First Empire | History Today”. www.historytoday.com. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 4 năm 2017. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2017.
- ^ a b Morton 1995, p. 47
- ^ Imperialism in Early China. CA. 1600BC - 8AD'. University of Michigan Press. ISBN 0-472-11533-2, 9780472115334. p 43-44'
- ^ a b Haw, Stephen G. (2007). Beijing a Concise History. Routledge. ISBN 978-0-415-39906-7. p 22 -23.
- ^ a b Chang, Chun-shu Chang. (2007). The Rise of the Chinese Empire: Nation, State, and Imperialism in Early China, CA. 1600BC - 8AD. University of Michigan Press. ISBN 0-472-11533-2, 9780472115334. p 43-44
- ^ Veeck, Gregory. Pannell, Clifton W. (2007). China's Geography: Globalization and the Dynamics of Political, Economic, and Social Change. Rowman & Littlefield publishing. ISBN 0-7425-5402-3, 9780742554023. p57-58.
- ^ Li, Xiaobing. (2007). A History of the Modern Chinese Army. University Press of Kentucky, 2007.ISBN 0-8131-2438-7, 9780813124384. p.16
- ^ “The Great Wall of the Qin Dynasty”. China Highlights.
- ^ Slavicek, Louise Chipley; Mitchell, George J.; Matray, James I. (2005). The Great Wall of China. Infobase Publishing. p. 35. ISBN 978-0-7910-8019-1.
- ^ Evans, Thammy (2006). Great Wall of China: Beijing & Northern China. Bradt Travel Guide. Bradt Travel Guides. p. 3. ISBN 978-1-84162-158-6.
- ^ "Defense and Cost of The Great Wall". Paul and Bernice Noll's Window on the World. p. 3. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2011.
- ^ Chang, Kwang-chih. Xu, Pingfang. Lu, Liancheng. Allan, Sarah. (2005). The Formation of Chinese Civilization: An Archaeological Perspective. Yale University Press. ISBN 0-300-09382-9, 9780300093827. pg 258.
- ^ Lewis 2007, p. 129
- ^ Lewis 2007, p. 5
- ^ Lewis 2007, p. 11
- ^ Lewis 2007, p. 102
- ^ a b Lewis 2007, p. 15
- ^ Lewis 2007, p. 16
- ^ World and its Peoples: Eastern and Southern Asia, p. 34
- ^ Bedini 1994, p. 83
- ^ Borthwick, p. 17
- ^ Readings in Classical Chinese Philosophy, p. 61
- ^ a b Li-Hsiang Lisa Rosenlee. Ames, Roger T. (2006). Confucianism and Women: A Philosophical Interpretation. SUNY Press. ISBN 0-7914-6749-X, 9780791467497. p 25.
- ^ Wood, Frances. (2008). China's First Emperor and His Terracotta Warriors. p 33.
- ^ Bodde, Derk (1986). "The State and Empire of Ch'in". In Twitchett, Denis; Loewe, Michael (eds.). The Cambridge History of China, Volume I: the Ch'in and Han Empires, 221 B.C. – A.D. 220. Cambridge: Cambridge University Press. ISBN 0-521-24327-0. p. 72.
- ^ "China's First Empire | History Today". www.historytoday.com. Archived from the original on ngày 17 tháng 4 năm 2017. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2017.
- ^ Chen, pp. 180–81
- ^ Borthwick 2006, p. 10
- ^ Morton 1995, p. 27
- ^ Lewis 2007, p. 178-186
- ^ Lewis 2007, p. 180
- ^ Lewis 2007, p. 181
- ^ Kinney and Hardy 2005, p. 13-15
- ^ Bodde 1986, p. 84
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]Nguồn chính
[sửa | sửa mã nguồn]- World and Its Peoples: Eastern and Southern Asia. Marshall Cavendish. 2007. ISBN 978-0-7614-7631-3.
- Philip J. Ivanhoe and Bryan W. Van Norden, eds. (2005). Readings in Classical Chinese Philosophy. Hackett Publishing. ISBN 0-87220-780-3.
- Breslin, Thomas A. (2001). Beyond Pain: The Role of Pleasure and Culture in the Making of Foreign Affairs. Greenwood Publishing Group. ISBN 0-275-97430-8.
- Bedini, Silvio (1994). The Trail of Time: Shih-chien Ti Tsu-chi: Time Measurement with Incense in East Asia. Cambridge University Press. ISBN 0-521-37482-0.
- Bodde, Derk (1986). "The State and Empire of Ch'in". In Twitchett, Denis; Loewe, Michael (eds.). The Cambridge History of China, Volume I: the Ch'in and Han Empires, 221 B.C. – A.D. 220. Cambridge: Cambridge University Press. ISBN 0-521-24327-0.
- Borthwick, Mark (2006). Pacific Century: The Emergence of Modern Pacific Asia Lưu trữ 2016-05-06 tại Wayback Machine. Westview Press. ISBN 0-8133-4355-0.
- Kinney, Anne Behnke; Hardy, Grant (2005). The Establishment of the Han Empire and Imperial China. Westport, Connecticut: Greenwood Press. ISBN 0-313-32588-X.
- Keay, John (2009). China A History. Harper Press. ISBN 9780007221783.
- Lewis, Mark Edward (2007). The Early Chinese Empires: Qin and Han. London: Belknap Press. ISBN 978-0-674-02477-9.
- Chen Guidi; Wu Chuntao (2007). Will the Boat Sink the Water?: The Life of China's Peasants. Translated by Zhu Hong. PublicAffairs. ISBN 1-58648-441-9.
- Morton, W. Scott (1995). China: Its History and Culture (3rd ed.). McGraw-Hill. ISBN 0-07-043424-7.
- Tanner, Harold (2010). China: A History. Hackett. ISBN 978-1-60384-203-7.
Nguồn phụ
[sửa | sửa mã nguồn]- Sử Ký Tư Mã Thiên, các thiên: Tần Thủy Hoàng bản kỷ, Hạng Vũ bản kỷ, Cao Tổ bản kỷ, Trần Thiệp thế gia, Trương Nhĩ - Trần Dư liệt truyện
Đọc thêm
[sửa | sửa mã nguồn] Wikimedia Commons có thêm hình ảnh và phương tiện truyền tải về Nhà Tần.- Bodde, Derk. (1986). "The State and Empire of Ch'in," in The Cambridge History of China: Volume I: the Ch'in and Han Empires, 221 B.C. – A.D. 220. Edited by Denis C. Twitchett and Michael Loewe. Cambridge: Cambridge University Press. ISBN 0-521-24327-0.
- Cotterell, Arthur. (2007). The Imperial Capitals of China – An Inside View of the Celestial Empire. London: Pimlico. tr. 304 pages. ISBN 978-1-84595-009-5.
- Paludan, Ann. (1998). Chronicle of the China Emperors. London: Thames & Hudson. tr. 224 pages. ISBN 0-500-05090-2.
- Yap, Joseph P. (2009). Wars With The Xiongnu, A Translation from Zizhi tongjian. AuthorHouse, Bloomington, Indiana, U.S.A. ISBN 978-1-4490-0604-4.
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]- Tư liệu liên quan tới Qin Dynasty tại Wikimedia Commons
Tiền nhiệmNhà Chu | Triều đại Trung Quốc221–207 TCN | Kế nhiệmNhà Hán |
| |
---|---|
Thủy Hoàng Đế · Nhị Thế Hoàng Đế · Tam Thế Hoàng Đế | |
Vua Trung Quốc • Tam Hoàng Ngũ Đế • Hạ • Thương • Chu • Tần • Hán • Tam Quốc • Tấn • Ngũ Hồ loạn Hoa • Nam Bắc triều • Tùy • Đường • Ngũ đại Thập quốc • Tống • Liêu • Tây Hạ • Kim • Nguyên • Minh • Thanh |
| |
---|---|
Cổ đại |
|
Trung đại |
|
Hiện đại |
|
Thực dân |
|
- Trung Quốc
- Lịch sử
Tiêu đề chuẩn |
|
---|
Từ khóa » Sơ đồ Bộ Máy Nhà Nước Thời Tần Hán Bộ Máy Nhà Nước Thời Minh Có điểm Khác Biệt Chủ Yếu Là
-
Hán, Bộ Máy Nhà Nước Thời Minh Có điểm Khác Biệt Chủ Yếu Là
-
So Sánh Bộ Máy Nhà Nước Thời Phong Kiến Trung Quốc Thời Kỳ Tần ...
-
So Sánh điểm Giống Nhau Và Khác Nhau Giữa Bộ Máy Nhà Nước Thời ...
-
Điểm Khác Nhau Cơ Bản Về Tổ Chức Bộ Máy Nhà Nước Thời Nhà ...
-
So Sánh điểm Giống Và Khác Nhau Giữa Bộ Máy Nhà Nước Thời Tần ...
-
Giai Thích Sơ đồ Tổ Chức Bộ Máy Nhà Nước Phong Kiến Trung Quốc ...
-
Vẽ Sơ đồ Bộ Máy Nhà Nước ở Trung ương Của Thời Nhà Tần - HoiCay
-
Vẽ Sơ đồ Bộ Máy Nhà Nước ở Trung ương Của Thời Nhà Tần
-
1. Trung Quốc Thời Tần – Hán. - Củng Cố Kiến Thức
-
Nhà Minh – Wikipedia Tiếng Việt
-
Bộ Máy Nhà Nước Của Thời Đường Khác Với Thời Tần Hán ở điểm Nào?
-
Bài 5 : TRUNG QUỐC THỜI PHONG KIẾN Flashcards | Quizlet
-
Chỉ Thị 06/CT-UBND 2022 Tăng Cường Phòng Chống Thiên Tai Tìm ...