Nhà Thơ Hoàng Nhuận Cầm: "Phượng Vẫn Hồng Như Máu Những ...
Có thể bạn quan tâm
Vanvn- Hoàng Nhuận Cầm đã đi một chặng đường thi ca tròn nửa thế kỷ, thơ anh từng đồng hành cùng cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc, rồi lại trở về với thế giới riêng tư của thân phận, của kiếp người. Đi hết cái chung để đến cái riêng và rồi lại hòa vào cái chung…
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm sinh ngày 7 tháng 2 năm 1952, vừa vĩnh biệt chúng ta vào hồi 16h30 phút ngày 20 tháng 4 năm 2021 (tức ngày 9 tháng 3 âm lịch), sau một cơn đau tắc nghẽn phổi mãn tính, để lại nỗi bàng hoàng tiếc thương cho bao thế hệ độc giả.
Công chúng biết đến Hoàng Nhuận Cầm không chỉ với tư cách một nhà thơ. Ông còn là một diễn viên với các vai diễn ấn tượng, trong đó phải kể đến vai bác sĩ Hoa Súng trong chương trình Gặp nhau cuối tuần, mang lại bao tiếng cười sảng khoái, thích thú cho đông đảo khán giả.
Hoàng Nhuận Cầm còn là tác giả kịch bản, nhà biên kịch, biên tập phim, phê bình điện ảnh. Nhiều bộ phim do ông viết kịch bản đã giành được những giải thưởng cao trong nước như “Đêm hội Long Trì”, “Hà Nội mùa đông 1946”, “Mùi cỏ cháy”… Thế nhưng, sau hết, nhắc đến Hoàng Nhuận Cầm là người ta nghĩ đến thơ nhiều nhất, bởi cả cuộc đời ông đã tận hiến cho thơ, yêu thơ say đắm hết mình.
1. Hoàng Nhuận Cầm xuất hiện trên thi đàn khi mới 19 – 20 tuổi và ngay lập tức giành Giải nhất Cuộc thi thơ của Báo Văn Nghệ 1972-1973 với chùm 4 bài thơ: “Nghe chim kể chuyện trên đồi chốt”, “Thư mùa thu”, “Anh bộ đội và tiếng nhạc la”, “Nhật ký”. Thơ của người lính trẻ Hoàng Nhuận Cầm mang vẻ trong trẻo lãng mạn, hồn nhiên của một thanh niên vừa rời ghế nhà trường để bước vào cuộc chiến tranh vệ quốc.
Tôi bắt gặp rất nhiều tiếng hát trong thơ anh: “Chung quanh đây nhiều chồi non dịu mát/ Sẽ là nơi tôi thức đợi mặt trời/ Sẽ là nơi tôi hát và đánh giặc (…) Con suối hát những điều tôi chửa hát/ Mưa rơi đều, tiếng rất nhỏ và rung” (Những câu thơ viết đợi mặt trời); “Mùa thu này ta hát khắp Trường Sơn/ Tiếng hát, làm ta nhớ tiếng trống tuổi măng non” (Thư mùa thu). Và ngay cả tiếng ve kêu cũng trở thành một tiếng hát xanh non của những chàng trai mang tuổi thanh xuân phơi phới, xếp bút nghiên lên đường ra trận: “Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu/ Dẫu hòn bi lăn hết vòng tuổi nhỏ/ Trong những ba lô kia ai dám bảo là không có/ Một hai ba giọng hát chú ve kim” (Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu).
Sau 1975, Hoàng Nhuận Cầm tiếp tục có những bài thơ trận mạc ấn tượng, gây xúc động lòng người bởi cảm xúc cháy bỏng, nồng nàn, da diết, thấm đượm chất bi hùng và kiêu hãnh tự hào: “Đêm trong suốt áp ngực vào phương ấy/ Gặp lại mùi cỏ cháy suốt thời trai/ Ngôi sao rơi trên dãy kẽm gai dài/ Cái vùng đất không tiếng gà cất gáy/ Bao hăng nồng cỏ cháy rát hoàng hôn… Chỗ Hiến nằm giờ trời nắng heo may/ Chỗ Thi ngủ bình minh rơi tím đất/ Mặt trận xưa, đồng trưa đưa cỏ mật/ Ôi chiến hào tha thiết tuổi hai mươi” (Phương ấy).
Chiến tranh biên giới nổ ra, Hoàng Nhuận Cầm viết những câu thơ kiêu dũng lạ thường, khơi dậy tình yêu tổ quốc mãnh liệt, thiết tha: “Tôi không thể nào mang về cho em/ Trên những đồi biên cương chảy máu/ Mắt đồng đội sau những ngày chiến đấu/ Khẩu súng ghì nóng bỏng đất Hòa Vang/ Thương yêu quá Việt Nam/ Lựu đạn bay lẫn trong bầy chim sẻ…/ Sẽ còn in như dao khắc lòng tôi/ Dáng đồng đội ngã trong giờ chiến đấu/ Ngực áp sát cột biên cương đỏ máu/ Mà môi cười tha thiết – Việt Nam ơi…” (Tôi không thể nào mang về cho em)
2. Sau những bài thơ trận mạc hào hùng, Hoàng Nhuận Cầm của thời bình chinh phục người đọc với những bài thơ tình mê đắm ngọt ngào. Anh đã trở thành một biểu tượng của thơ tình sinh viên. Bao thế hệ nâng niu chép những bài thơ của anh vào sổ tay như báu vật.
Những bài thơ, những câu thơ của anh dường như không có tuổi, bất cứ lúc nào đọc lại vẫn cuốn chúng ta vào một thế giới mê ảo nồng nàn: “Anh đã yêu em, em đã xa rồi/ Cây bàng hẹn hò chìa tay vẫy mãi/ Anh nhớ quá mà chỉ lo ngoảnh lại/ Không thấy trên sân trường chiếc lá buổi đầu tiên”. (Chiếc lá đầu tiên), “Chần chừ mãi cuối cùng em cũng nói/ Rằng bồ câu không chết trẻ bao giờ/ Anh sợ hãi bây giờ anh mới nhớ/ Em hay là cơn bão tự ngàn xa” (Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến), “Tình yêu đến trong đời không báo động/ Trái tim anh chưa lỗi hẹn bao giờ/ Viên xúc xắc mùa thu ru trong cỏ/ Mắt anh nhìn sáu mặt bão mưa giăng” (Viên xúc xắc mùa thu).
Sau này, thơ tình Hoàng Nhuận Cầm có thêm những xót xa day dứt của đổ vỡ chia lìa: “Tưởng chẳng còn gì để mất Vân ơi/ Lọ mực đổ lên trái tim tan nát/ Tình yêu không giống như trong bài hát/ Mọi sự trở về đều cay đắng như nhau” (Mây cuối trời), “Cơn mưa đêm vật vã/ Cơn bão vừa đi qua/ Tuổi hai mươi con gái/ Em ném ra biển xa/ Anh quên mất lời ca/ Nốt nhạc trầm như đá” (Trong căn nhà thật buồn).
3. Bên cạnh thơ trận mạc và thơ tình, không thể không nhắc đến những bài thơ, câu thơ khắc khoải về thân phận của Hoàng Nhuận Cầm. Từ tập “Xúc xắc mùa thu” đến tập “Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến”, người đọc nhiều lần thấy nhà thơ nói về cái chết, nghĩ về cái chết: “Mai tôi từ giã mọi người/ Tiễn nhau một ngọn lửa thời xa xưa” (Viết ngày mùng 7 tháng 2), “Một mai chết hết ăn năn/ Tôi nằm xuống đất không cần thở than” (Một mai).
Nhiều lần thi sĩ bày tỏ cảm nhận về sự hư vô, ngắn ngủi của kiếp người, cũng là của cả tình yêu. Khi ấy, ta thấy hình ảnh cát bụi xuất hiện trở đi trở lại: “Ta như hạt cát thổi bay ngang đời” (Viết ngày mùng 7 tháng 2), “Xác thân cát bụi từ khi lọt lòng” (Gió linh cảm), “Buồn vui rồi cũng về cát bụi/ Ai hát khi trời xanh bắt tôi” (Vé trở về), “Một trang giấy gió cát biền biệt bay” (Ngủ quên), “Rồi một thoáng gặp tôi/ Ôm cây đàn vỡ nát/ Rồi một lần gặp em/ Hai lưng trần dính cát/ Đi qua vùng sa mạc/ Âm u như tình yêu/ Đi qua vùng phì nhiêu/ Cây xanh như đau khổ...” (Trăng phía ấy).
Thế nhưng, Hoàng Nhuận Cầm vẫn là một tiếng thơ yêu đời thiết tha. Anh nói với người khác: “Đừng bao giờ chán nản em ơi/ Hãy gìn giữ những vui buồn đã có” (Dưới màu hoa rất đỏ). Anh nói với chính mình trong sự mạnh mẽ và cứng cỏi của khí phách: “Ta phải sống như là không thể chết/ Trái tim yêu như chưa bị bạc tình/ Dòng thơ viết âm thầm trong bóng tối/ Mỗi đêm trường toé loé một bình minh” (Giai điệu lạc quan). Anh tình tự với nỗi buồn, xem nỗi buồn là sợi dây thân thiết để níu kéo anh với đời sống này: “Tôi có đủ nỗi buồn để sống/ Như sớm mai lại thêm một nỗi buồn/ Một nỗi buồn lẽ ra không nên có/ Nhưng nếu không buồn có lẽ lại buồn hơn” (Nỗi buồn để sống).
4. Hoàng Nhuận Cầm có nhiều câu thơ gan ruột viết cho con. Những câu thơ bật ra từ cái nghèo, từ sự hy sinh thầm lặng của người cha, miễn sao con thỏa được ước mơ: “Ta đã thực vào đời bằng nước mắt/ Để con ta mơ mộng ngủ bên đàn/ Ta đã đi như mèo trên phố vắng/ Gọi tên con như gọi các thiên thần/ Có một nốt không bao giờ con biết tới/ Là nỗi buồn cha đã nuốt thay con (…)/ Cha khao khát sau này, thích gì con hát thế/ Dẫu cha thành xác pháo để mừng con” (Nhớ ngày mai).
Kể cả trong đời thực lẫn trong thơ, chính những đứa con là động lực để Hoàng Nhuận Cầm lao động, cống hiến và sáng tạo. Anh được tiếp thêm sức mạnh từ chính các con: “Nếu sống thêm nhiều năm/ Bố sẽ làm hơn nữa/ Cho đến khi ra đi/ Không bao giờ thất hứa/ Các con là Ngọn Lửa/ Các con là Mầm Xanh/ Các con xòe tay đỡ/ Cho Bố chưa lìa cành” (Các con là ngọn lửa).
Trong số hơn 20 bài thơ di cảo của anh mà tôi đang lưu trữ được, cũng có những câu thơ cho con thật cảm động. Con cái và thơ ca là hai thứ để thi sĩ nương tựa vào suốt cả đời mình: “Các con ngủ như nụ hoa thanh khiết/ Chuyện chưa vui, cũng đừng nghĩ ngợi gì/ Bao giông tố trong đời cha nhận hết/ Nhận âm thầm cho tới phút ra đi/ Thơ đã nói hộ cha bao ý nghĩ/ Chỉ có Thơ là không thể chia lìa/ Bài hay nhất, nếu cha chưa làm kịp/ Đành gửi vào trong những ánh sao khuya…” (Những ánh sao khuya)
Hoàng Nhuận Cầm đã đi một chặng đường thi ca tròn nửa thế kỷ, thơ anh từng đồng hành cùng cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc, rồi lại trở về với thế giới riêng tư của thân phận, của kiếp người. Đi hết cái chung để đến cái riêng và rồi lại hòa vào cái chung.
Tôi muốn gửi tới độc giả một bài thơ đặc biệt nằm trong di cảo của Hoàng Nhuận Cầm, đó là một khát vọng ấp ủ trong trái tim của nhà thơ – chiến sĩ, khép lại thù hận và rộng mở một vòng tay yêu thương: “Đêm đêm con gái anh vẫn thường đọc những vần thơ của tôi/ Và tôi biết anh đã gãy cánh bay ngay giữa bầu trời/ Những viên đạn của cuộc tao chiến ấy/ Viên đạn nào tôi đã bắn anh rơi/ Những vần thơ, những vần thơ của tôi/ Chắc chắn không làm anh sống lại/ Nhưng nụ cười, nụ cười anh gửi cô con gái/ Sẽ mãi còn qua ngang trái trần gian…” (Dưới một vòm trời hòa hợp).
ĐỖ ANH VŨ
Xem thêm:- Thống nhất lòng người
- Chu Giang Phong – Người đi thơ ở lại
- Nhà thơ Thanh Thảo trao học bổng “Thầy tôi”
- Nhà văn Trầm Hương bàn về hai chữ “Tự do”
- Tại sao đọc sách cũng… nguy hiểm?
Từ khóa » Thi Sĩ Hoàng Nhuận Cầm
-
Nhà Thơ Hoàng Nhuận Cầm đột Ngột Qua đời - Báo Tuổi Trẻ
-
Hoàng Nhuận Cầm Và Những Bài Thơ Tiên Tri Viết Về Sự Ra đi Của Mình
-
Những Tác Phẩm Làm Nên Tên Tuổi Của Thi Sĩ Hoàng Nhuận Cầm
-
Nhà Thơ Hoàng Nhuận Cầm Và Những Bài Thơ Còn Mãi
-
Thi Sĩ Hoàng Nhuận Cầm - Cơ Quan Ngôn Luận Của Bộ Y Tế
-
Chúng Ta Sẽ Không Bao Giờ Quên Thi Sĩ Tài Hoa Hoàng Nhuận Cầm
-
Nhà Thơ Hoàng Nhuận Cầm Trong Hình ảnh "Bác Sĩ Hoa Súng" Cách ...
-
Nhà Thơ Hoàng Nhuận Cầm Qua đời - VnExpress
-
Nhà Thơ Hoàng Nhuận Cầm đột Ngột Qua đời - Báo Người Lao động
-
Nhớ Anh - Thi Sĩ Hoàng Nhuận Cầm - Hội Nhà Văn Hà Nội
-
Tiễn đưa Nhà Thơ Hoàng Nhuận Cầm - Tin Tức Xuất Bản - Zing News
-
Nhớ Nhà Thơ Hoàng Nhuận Cầm Trong “Đôi Bạn Văn Chương”