Nhà Toàn 'vịt Giời' Thường Bị Thiên Hạ Chê Cười - Báo Phụ Nữ

Về hỏi bố mẹ cháu xem máy khâu con bướm bao nhiêu tiền, bán cho bác một chiếc? Hồi nhỏ xíu bốn chị em chúng tôi thường được nghe các bác, các cô ở cơ quan bố mẹ hay hàng xóm hỏi như thế; còn bé không hiểu, tôi chạy về hỏi bác máy khâu con bướm là gì?

Bác cười: "Cha bố mày, là bốn đứa vịt giời chúng mày chứ là gì nữa!". Sau này lớn lên tôi mới hiểu người ta hỏi thế là để trêu chọc bố mẹ tôi vì “tội” đẻ ra bốn đứa con gái. Nhà có bốn vịt giời, bốn con bươm bướm, ông đẹp trai nhất nhà nhé… Câu nói đùa cợt đó của nhiều người chúng tôi đã nghe cả nghìn lần. 

Nha toan 'vit gioi' thuong bi thien ha che cuoi
Ảnh minh họa

Bố mẹ có buồn hay tủi thân vì chuyện đó không chúng tôi không rõ, chỉ thấy bố mẹ tảo tần mở cửa hàng tạp hóa ở nhà, buôn bán thêm đủ thứ. Lũ con đi học nửa ngày, nửa ngày còn lại lấy củi, nấu cám heo, nuôi đàn lợn hơn 10 con và cả trăm con gà, gánh nước tưới vườn rau rộng ngút… Rồi “đàn vịt giời” cũng lớn lên, hết cấp III, vào đại học, cao học, giấy khen, bằng khen dán ngập tường nhà…

Nhiều người đến nhà chơi, còn chưa bước vào đã tuyên bố “…bươm bướm thì học làm gì cho lắm!”. May mà bố mẹ vẫn lẳng lặng cho chúng tôi ăn học. Cả bốn chị em thì đứa ít nhất là có hai bằng đại học và bằng cao học; công việc và cuộc sống riêng đứa nào cũng không tệ.

Bố mẹ giờ chẳng còn gì phải lo, yên tâm vui cùng con cháu mỗi khi chúng về thăm hoặc tổ chức các cuộc đi chơi... Bạn bè ông bà giờ đã xuýt xoa: “Nhất ông bà nhé, bốn đứa con gái đều thành đạt”. Thành đạt thế nào thì khó nói nhưng tôi chỉ thầm cảm ơn bố mẹ vì đã lo cho cả bốn con bươm bướm hay bị chê cười nên người.

Trong khi đó, ở những gia đình có con trai, ngày xưa mỗi dịp lễ tết đều được hàng xóm cụng ly khen: “Nhất ông N, bà X… đẻ được mấy cậu  đẹp như tranh, sau này ngồi rung đùi mà hưởng”, thì không được phúc phần như vậy. Một cậu con sau khi làm tài sản gia đình tiêu tan vì nghiện ma túy thì đã chết vì sốc thuốc. Hai cậu còn lại người lái xe thuê, người buôn bán lặt vặt.

Sống chật vật đã đành, hai anh em lại hay xích mích với nhau khiến ông bà lo lắng sọm cả người. Hàng xóm hiện tại của tôi giờ cũng than, có con trai mà con dâu không biết đẻ, sinh ra hai con gái; gia đình họp lại yêu cầu vợ chồng phải đẻ thêm đứa nữa. Lại là con gái. Nuôi ba đứa con vất vả, vợ chồng cãi nhau suốt, chồng bỏ ra cơ quan ở, vợ đang đòi ly hôn.

Nha toan 'vit gioi' thuong bi thien ha che cuoi
 

Kể những chuyện mắt thấy tai nghe này, tôi không nhằm so sánh ai hơn thua ai mà chỉ để thấy nhiều người Việt chúng ta đã thật sự lầm lẫn về vai trò của giới tính. Làm sao có thể bảo đảm cho một tương lai của ai đó bằng giới tính của một vài đứa trẻ?

Thật vô lý mà nhiều người vẫn cứ theo nếp nghĩ đó! Chỉ khi nào chúng ta hiểu ra giới tính không có trách nhiệm gì với việc “bảo kê” cho hạnh phúc của những người sinh thành và của chính những đứa trẻ thì chúng ta mới giải quyết ổn thỏa những mâu thuẫn do chính mình dựng lên. 

Chẳng hiểu có phải vì sinh ra trong gia đình có bốn máy khâu con bướm hay sao mà tôi rất ngại những ngày chúc mừng phụ nữ, 8/3 hay 20/10. Thấy ai nói “sắp đến Ngày Phụ nữ rồi, gặp nhau cái nhỉ” là tôi né.

Những bữa ăn dù thân mật, những câu chúc tụng hay tiệc tùng dù rất dễ thương và đến từ những người mình quý mến nhưng không hiểu sao tôi cứ có cái cảm giác vô lý thế nào.

Bản thân sự chúc mừng vì bạn là phụ nữ hay những câu đại loại: “Vì cô ấy là phụ nữ nên…” hay “Phụ nữ thì làm được gì…” luôn ẩn chứa sự phân biệt, đi ngược với tinh thần bình đẳng giữa người và người mà nhân loại đã thừa nhận từ lâu. 

“Chúc mừng em Ngày Phụ nữ vùng lên nhé?”. Cứ nghe vậy là chúng tôi hay đùa lại với các đồng nghiệp nam: “Đã bao giờ không vùng lên đâu? Vẫn còn phải “vùng lên” nghĩa là đang ở đâu đó thấp hơn. Mà… vùng lên mãi thế này mệt quá, làm ơn cho phụ nữ chúng tôi yên bình, đừng có những lời chúc tụng. Thế thôi là đã đủ lắm rồi! 

Nam Đức

Từ khóa » đàn Vịt Trời Là Gì