Nhà Trọ

(HBĐT) - Cuối chiều, ba đứa tìm được phòng trọ ở nhà cuối ngõ, vừa rộng vừa mát, vừa rẻ, lại gần trường thực tập. Lúc mang quần áo đi tắm, Hồng mới phát hiện ra cái cửa gỗ dán của nhà tắm sắp hỏng, đóng mạnh có khi cũng toang.

Tối, đến lượt Thanh tắm. Đang dội nước thì bỗng cô nghe đánh "uỵch” một cái như có người nào vừa nhảy từ trên tường xuống. Thần hồn át thần tính, Thanh vơ vội quần áo, chạy vào nhà, đúng là nhà giá rẻ không dễ ở.

Sáng hôm sau, Luyến dậy sớm mở cửa, quét dọn, ngắm nghía. Hơn tiếng sau từ nhà chủ đi xuống đã "truyền thông”: Hoá ra, nhà này ngoài bà già còn có một cậu con trai đi làm trên thành phố nhưng không biết bao giờ về. Thất thường lắm.

- Nó nhát lắm. Từ bé đi đâu bám tay mẹ. Chả dám leo trèo bao giờ nên mít chín thối ra đấy. - Bà cụ đi sau lưng Luyến giảng giải thêm.

Ba đưa liếc mắt nhìn nhau cười:

- Thế bác nhận đứa nào thì bác nhận. Bọn con đứa nào cũng sẵn lòng tình nguyện ở lại làm dâu nhà bác, trèo hái mít, hái nhãn cho bác cả đời.

Chiều tối hôm ấy, từ trường thực tập về muộn. Bỗng Thanh giật mình bởi một bóng người vừa lướt qua trước mặt.

- Ai thế? - Thanh hỏi như thét lên cốt để tự trấn an mình.

Người kia chẳng nói chẳng rằng, loáng cái đã mất hút vào khoảng tối mênh mông của vườn trước đôi mắt dài dại của một đứa con gái không đeo kính cận. Cô vào nhà, hai đứa kia chẳng thấy đâu. Chắc người yêu chúng nó đã tìm được đường đến đây. Yêu thời bây giờ là sự cộng sinh, vật chủ là đứa nào không rõ. Lúc này, Thanh mới thấy nổi da gà, rờn rợn: "Thế nãy là người hay ma?”.

Cuối cùng thì những đôi tình nhân cũng phải rời nhau. Đến lượt cái Luyến, cái Hồng thất kinh khi bước vào phòng. Rõ là lúc đi chúng nó quăng quật đám sổ sách bừa bãi mà nay gọn gành ngăn nắp. Nhưng đặc biệt hơn cả, cái nhà tắm đã có cánh cửa mới, mùi gỗ tươi thơm. Tuy có hơi xấu nhưng chắc chắn.

Cái Luyến không dám ngủ cả đêm thắp đèn. Cái Hồng đi ngủ nhờ nhà bạn. Thanh nằm chắp nối lại tất cả. Phải là người, cái dấu chân lấm đất còn in trên cái tường nhà tắm cơ mà. Họ trèo tường vào chứ không mở khoá. Đúng là mất tiền thuê nhà, có người lạ vào không thích chút nào. Nhưng mà, người ấy kể cũng tốt bụng.

Hai đứa kia thì nghĩ khác, nhất định phải trả phòng và chuyển đi.

- May quá chưa ký hợp đồng, chưa đóng tiền. Được hai ngày ở free - cái Luyến nói to như để bà chủ ở nhà trên nghe thấy.

Cái Hồng có vẻ bực bội:

- Thà đắt sắt ra miếng, sòng phẳng như mấy nhà đầu xóm còn hơn. Đằng này nhập nhèm, đã giao phòng rồi còn để người lạ vào. Tao ghét nhất kiểu làm ăn đó. Lượn sớm.

Thanh cũng đã xếp xong đồ lên xe máy, khóa cửa, định mang lên trả nhà chủ thì đã thấy bà đứng ngoài sân từ bao giờ:

- Cháu ơi!

Đoán chừng chủ nhà còn gây khó dễ, Thanh đứng thẳng, bình thản:

- Có việc gì không bác?

- Trước khi đi cháu có thể giúp bác một việc được không cháu?

Sau này, cô cũng chả rõ sao lúc ấy mình lại ngoan ngoãn nghe lời bà đến thế. Cô cẩn thận bắc cái thang, trèo lên hái quả mít chín xuống cho bà thắp hương. Thứ nhựa mít mà lũ trẻ con dùng để bẫy chim lại bén vào chiếc áo của cô giáo sinh thực tập. Nhưng cứ nghĩ đến cảnh bà lão còm cõi mong nhờ ái hái hộ trái mít đầu mùa để thắp hương cho người chồng mất sớm, mọi bực dọc trong cô bỗng lại nguôi ngoai.

Xe đang lăn bánh trên con đường rời vùng biển sau chuyến tập huấn của cả đoàn. Thanh ngồi nhìn ra cửa sổ, nghĩ đến những tổ ấm trong những ô cửa đang sáng đèn. Ở đâu cũng thế, thời nào cũng vậy, người ta phải đối diện với những bữa cơm thường khi ánh "hào quang” của rượu hồng, váy cưới, pháo kim tuyến và những lời "thề non hẹn biển” đã tắt. Phía đầu xe, Hồng ngồi trầm ngâm. Từ ngày lên làm Phó Hiệu trưởng ở một trường chuyên, Thanh đã ít tiếp xúc với nó. Nhan sắc mặn mà sau khi sinh đứa con đầu lòng là đôi cánh giúp nó bay bổng trong sự nghiệp. Thanh biết, nhưng để ngoài tai, chẳng có gì hay ho khi người khác bêu riếu một đứa bạn học.

Còn nhớ lúc đến đây, miền biển đón cô bằng những cơn gió trên mái bết mồ hồi. Một tiệm gội đầu nhỏ, biển đã bợt bạt vì nắng gió, một con bé gầy đét nói giọng vùng biển khó nghe. Khi Thanh đã nằm ngả đầu trên cái giường gội bỗng cô nghe thấy tiếng chân quen thuộc. Phải là ai đó, Thanh chưa nghĩ ra.

Khuôn mặt của Luyến hiện ra ngay trước mắt Thanh. Mặc cho nước rơi vào mắt khi con bé con đang gội dở, cứ để nước nhỏ xuống chiếc áo thun Yody, Thanh ôm choàng lấy Luyến. Nó khắc khổ quá, môi thâm, đôi mắt trắng mệt mỏi. Nó đã li dị ông chồng nghiện ngập. Tháng trước, nó về đưa tang người từng đầu gối tay ấp, con nhà giàu có sau một lần sốc thuốc, một cơn phê cuối cùng. Thanh nghe nói nó cũng từng nghiện nhưng không biết Luyến lưu lạc đến đây. Buồn và tiếc nuối một thứ gì.

Thanh không về thẳng nhà mà bắt taxi đến địa chỉ mà người gửi đã ghi ngoài túi quà. Sau nhiều năm, các vùng quê ngoại ô đã nhập vào thành phố bằng những tên phường lạ hoặc. Nếu như không có con sông Bưởi, Thanh cũng chẳng thể nhận ra nơi đây rất gần với ngôi trường cô từng thực tập. Xe rẽ vào con ngõ, lòng Thanh như có lửa đốt. Xe dừng trước cổng, Thanh sững sờ. Trước mặt là khu vườn xưa với ngôi nhà mái bằng cũ. Cây mít hôm nào vẫn xum xuê trái.

Thanh bước vào, bà cụ đang quét sân đầy lá rụng. Mặt bà cụ đã mờ nhưng hình như vẫn nhận ra tiếng cô.

- Thằng Hải vẫn chưa chịu về đây với bác. Vẫn thoắt ẩn, thoắt hiện và sợ trèo cây.

Thanh đón chén trà xanh từ tay bà sau khi đã cẩn thận đưa tận tay bà gói quà.

- Tại anh Hải bận công việc, mà cháu không ngờ chính anh ấy…

- Nó ân hận là ngày xưa đã trèo vào sửa cánh cửa nhà tắm cho các cháu. Có mỗi cháu chịu nán lại với bác…

- Cháu không ngờ anh ấy biết chúng cháu. Chuyện qua lâu rồi bác nhỉ.

Bà cụ lặng lẽ nhấp ngụm trà:

- Nó biết hết đấy, nó gặp và giúp cái Luyến. Thôi thì mỗi người một cảnh. Hay là, ở lại đây ăn cơm với bác. Giờ có cầu về nhà bác cũng gần.

Thanh không nói gì, đôi gò má cô gái chớm ba mươi vẫn ửng đỏ. Ngoài sân hương mít chín thơm lừng, lại một mùa quả chín đầy ắp trong khu vườn xưa…

Truyện ngắn của Bùi Việt Phương

Họp lớp Hè về bâng khuâng lũy tre làng Những người mẹ... Cha và con

Hè về lại nhớ mo cau

(HBĐT) - Bà nội từ vườn bước vào, trên tay lỉnh kỉnh mấy cái tàu cau vẫn còn tươi. Bố phụ bà lọc bỏ phần cuống và lá, còn lại phần thân rồi mang ra nắng phơi cho khô. Lúc thấy bà cầm tàu cau đi vào sân trong đầu tôi đã hiện lên hình ảnh những chiếc quạt mo cau xinh xắn, dễ thương vào mỗi dịp hè, mất điện bà vẫn thường hay lấy ra phe phẩy tạo làn gió mát.

Bằng lăng chiều hè

Tình xưa

(HBĐT) - Đêm ở biển hóa ra còn lặng lẽ hơn ở làng quê. Lâu lắm tôi đã không còn hứng thú viết về tình yêu, cũng chẳng khoái viết về biển, sóng cứ ì oạp thì mặc sóng, tôi lết đôi dép tổ ong, tay đút túi quần bước đi, chưa bao giờ thấy cuộc đời nhàn nhã và thư thái đến thế.

Chuyện đời thường: Bạn bè

(HBĐT) - Thấy ông ấy đi họp lớp về mà mặt cứ như đeo bị, bà D. dường như đoán ra chuyện gì không vui. Bà tếu táo để xóa đi nỗi u ám trên khuôn mặt ông:

Mùa hạ đất Mường

(HBĐT) - Tôi không sinh ra trên đất Mường nhưng điều ấy cũng đâu làm tôi mất đi những ấn tượng đẹp với mảnh đất này. Hoà Bình ôm trọn một khúc sông Đà thơ mộng nhất, tựa lưng vào những ngọn núi thiêng, ngoảnh mặt ra đón lấy hừng đông và biển cả. Dù được lý giải bằng khái niệm "địa văn hóa” hay "địa chính trị” thì cũng đều nhận ra một điều thú vị: Hòa Bình bao giờ cũng là miền đất ấm.

Tôi là em bác…

Từ khóa » Gỗ Phong Tấm