Nhà Trường Là Gì? Mục Tiêu, Nhiệm Vụ, Tổ Chức Và Hoạt động

1,9K Mục lục ẩn 1. Khái niệm về nhà trường 2. Mục tiêu giáo dục của nhà trường 3. Tính chất và nguyên lý giáo dục của nhà trường. 4. Nội dung, phương pháp giáo dục. 5. Nhiệm vụ và quyền hạn của nhà trường 6. Tổ chức, hoạt đông của nhà trường

1. Khái niệm về nhà trường

Nhà trường là cơ quan giáo dục chuyên nghiệp, có đội ngũ các nhà sư phạm được đào tạo một cách chính quy, nội dung chương trình được chọn lọc, phương pháp giáo dục phù hợp với lứa tuổi, có phương tiện kỹ thuật phục vụ cho giáo dục. Mục đích giáo dục của nhà trường phù hợp với xu thế phát triển xã hội và thời đại. Bằng kiến thức và phương pháp khoa học, bằng hình thức tổ chức các hoạt động sư phạm hợp lý, giáo dục nhà trường tạo nên bộ mặt tâm lý cá nhân phù hợp với những chuẩn mực giá trị xã hội và thời đại.

2. Mục tiêu giáo dục của nhà trường

Để thực hiện chiến lược giáo dục, mỗi quốc gia đều có một hệ thống giáo dục của mình. Hệ thống giáo dục quốc dân là mạng lưới các trường học được xây dựng để tiến hành giáo dục thế hệ trẻ và đào tạo nhân lực theo yêu cầu của xã hội. Hệ thống trường học được xây dựng thống nhất trên phạm vi cả nước, được xắp xếp thành các cấp học, ngành học, với các loại hình đào tạo… nhằm thỏa mãn nhu cầu học tập của nhân dân. Dù ở cấp độ vĩ mô hay cấp độ vi mô, ở cấp trung ương hay địa phương, ở cấp học, trường học hay ngành học, cụ thể hơn là bài học, trong giáo dục luôn đặt ra bốn vấn đề cơ bản:

  • Giáo dục để làm gì? -> Mục tiêu giáo dục.
  • Giáo dục cái gì? -> Nội dung giáo dục.
  • Giáo dục như thế nào? -> Phương pháp giáo dục.
  • Kết quả giáo dục ra sao? -> Đánh giá hiệu quả, chất lượng giáo dục.

Đây là những phạm trù cơ bản của giáo dục nói chung, nó có mối quan hệ thống nhất, biện chứng với nhau.

Việc xác định mục tiêu, xây dựng nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục của từng cấp học là nhằm cụ thể hóa đường lối, chiến lược phát triển giáo dục của đất nước. Giáo dục trung học phổ thông nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam.

Điều 2, chương I – Những quy định chung của Luật giáo dục đã nêu rõ mục tiêu giáo dục: (Điều 2, Luật giáo dục, 2005)

Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

3. Tính chất và nguyên lý giáo dục của nhà trường.

– Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, tính dân tộc, tính khoa học, tính hiện đại lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng.

– Hoạt động giáo dục phải được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.

4. Nội dung, phương pháp giáo dục.

Căn cứ vào mục tiêu, tính chất, nguyên lý giáo dục để xây dựng nội dung, phương pháp giáo dục:

  • Nội dung giáo dục phải đảm bảo tính cơ bản, toàn diện, thiết thực, hiện đại, hướng nghiệp và có hệ thống; coi trọng giáo dục tư tưởng và ý thức công dân; kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hoá dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại; phù hợp với sự phát triển về tâm sinh lý lứa tuổi của người học.
  • Phương pháp giáo dục phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh; phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học, bồi dưỡng phương pháp tự học, khả năng làm việc theo nhóm; rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học

Nội dung, phương pháp giáo dục được thể hiện thành chương trình giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định ban hành. Ở đây, sách giáo khoa là văn bản thể hiện mục tiêu, nguyên tắc giáo dục, cụ thể hóa nội dung, phương pháp giáo dục được quy định trong chương trình giáo dục. Sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn và duyệt trên cơ sở thẩm định của hội đồng quốc gia thẩm định để sử dụng chính thức, thống nhất, ổn định trong giảng dạy, học tập ở nhà trường. Việc xuất bản, in và phát hành sách giáo khoa do nhà nước quản lý.

5. Nhiệm vụ và quyền hạn của nhà trường

Điều 58, Luật giáo dục, 2005 (trang 47,48) quy định :

Nhà trường có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây :

  1. Tổ chức giảng dạy, học tập và các hoạt động giáo dục khác theo mục tiêu, chương trình giáo dục, xác nhận hoặc cấp văn bằng, chứng chỉ theo thẩm quyền ;
  2. Tuyển dụng, quản lý nhà giáo, cán bộ, nhân viên ; tham gia vào quá trình điều động của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với nhà giáo, cán bộ, nhân viên ;
  3. Tuyển sinh và quản lý người học ;
  4. Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực theo quy định của pháp luật ;
  5. Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật theo yêu cầu chuẩn hoá, hiện đại hoá ;
  6. Phối hợp với gia đình người học, tổ chức, cá nhân trong hoạt động giáo dục ;
  7. Tổ chức cho nhà giáo, cán bộ, nhân viên và người học tham gia các hoạt động xã hội ;
  8. Tự đánh giá chất lượng giáo dục và chịu sự kiểm định chất lượng giáo dục của cơ quan có thẩm quyền kiểm định chất lượng giáo dục ;
  9. Các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

6. Tổ chức, hoạt đông của nhà trường

6.1. Các loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo các loại hình sau đây:

a/ Trường công lập do Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên;

b/ Trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động;

c/ Trường tư thục do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước;

Nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân thuộc mọi loại hình đều được thành lập theo quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước nhằm phát triển sự nghiệp giáo dục. Nhà nước tạo điều kiện để trường công lập giữ vai trò nòng cốt trong hệ thống giáo dục quốc dân.

6. 2. Điều kiện, thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập, đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia tách, giải thể nhà trường.

a/ Điều kiện thành lập nhà trường bao gồm:

  • Có đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo đủ về số lượng và đồng bộ về cơ cấu, đạt tiêu chuẩn về phẩm chất và trình độ đào tạo, bảo đảm thực hiện mục tiêu, chương trình giáo dục;
  • Có trường sở, thiết bị và tài chính bảo đảm đáp ứng yêu cầu hoạt động của nhà trường.

b/ Thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập, đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể nhà trường được quy định như sau:

  • Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định đối với trường mầm non, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường phổ thông dân tộc bán trú;
  • Chủ tịch Uỷ ban nhân cấp tỉnh quyết định đối với trường trung học phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường trung cấp thuộc tỉnh;
  • Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định đối với trường cao đẳng, trường dự bị đại học; Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề quyết định đối với trường dạy nghề;
  • Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với trường đại học.
  • Người có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập thì có thẩm quyền đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể nhà trường.
  • Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể về thủ tục thành lập, đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể trường đại học.
  • Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề theo thẩm quyền quy định thủ tục thành lập, đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể nhà trường ở các cấp học khác.

6.3. Tổ chức và hoạt động của nhà trường.

Nhà trường được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật giáo dục nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Điều lệ nhà trường.

Điều lệ nhà trường phải có những nội dung chủ yếu sau đây:

  • Nhiệm vụ và quyền hạn của nhà trường;
  • Tổ chức các hoạt động giáo dục trong nhà trường;
  • Nhiệm vụ và quyền của nhà giáo;
  • Nhiệm vụ và quyền của người học;
  • Tổ chức và quản lý nhà trường; Tài chính và tài sản của nhà trường;
  • Quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ trường đại học; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề ban hành Điều lệ nhà trường ở các cấp học khác theo thẩm quyền.

Tổ chức nhà trường được cơ cấu như sau:

  • Tổ chức Đảng trong nhà trường
  • Ban giám hiệu nhà trường

+ Hiệu trưởng (tiêu chuẩn, vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của Hiệu trưởng được quy định trong Luật giáo dục và Điều lệ nhà trường).

+ Các phó hiệu trưởng.

  • Hội đồng trường: Hội đồng trường đối với trường công lập, hội đồng quản trị đối với trường dân lập, trường tư thục.
  • Hội đồng tư vấn trong nhà trường (do Hiệu trưởng thành lập)
  • Đoàn thể, tổ chức xã hội trong nhà trường.
  • Tổ chức của giáo viên.
  • Tổ chức của học sinh.

6.4. Cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật nhà trường.

Như bất kỳ một quá trình sản xuất nào, trong quá trình dạy học – giáo dục, người ta sử dụng các phương tiện lao động nhất định. Cơ sở vật chất – kỹ thuật trường học là phương tiện lao động sư phạm của các nhà giáo dục và học sinh.

  • Cơ sở vật chất – kỹ thuật trường học là một hệ thống bao gồm cơ sở, thiết bị chung, thiết bị dạy học theo các môn học (thí nghiệm, đồ dùng dạy học bộ môn) và các thiết bị phục vụ các hoạt động giáo dục khác như giáo dục lao động, thẩm mỹ, thể chất.v.v…
  • Cơ sở vật chất – kỹ thuật trường học là một trong những nhân tố quyết định tính hiệu quả của quá trình đào tạo, nhưng điều đó không trở thành hiện thực nếu như cơ sở vật chất – kỹ thuật không được sử dụng.
  • Xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật trường học là cả một quá trình và cần đi theo con đường “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Cần tránh chủ nghĩa hình thức cần đảm bảo tính thiết thực và tiết kiệm.
  • Cơ sở vật chất – kỹ thuật của trường được tổ chức theo hệ thống sau đây:

+ Khu dành cho hoạt động giảng dạy và học tập: phòng học, phòng thí nghiệm, vườn trường (sinh học)…

+ Khu dành cho hoạt động lao động ngoài giờ học: thư viện, sân tập thể dục thể thao, phòng truyền thống, phòng Đoàn – Đội, hội trường…

+ Khu làm việc của Ban giám hiệu, hành chính, giáo viên…

+ Khu vệ sinh…

Các công trình trên cần được bố trí xây dựng đảm bảo tính khoa học, thuận lợi và thẩm mỹ.

– Cơ sở vật chất – kỹ thuật trong trường học phải được tổ chức quản lý theo đúng nguyên tắc của quản lý nhà nước.

+ Hiệu trưởng chịu trách nhiệm chung: lập kế hoạch xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch và kiểm tra kết quả.

+ Hiệu phó phụ trách từng mảng.

+ Mỗi đơn vị có một cán bộ chịu trách nhiệm quản lý.

Tóm lại: Cơ sở vật chất – kỹ thuật trường học có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình đào tạo. Mỗi trường học có một cơ sở vật chất – kỹ thuật tương ứng. Cơ sở vật chất – kỹ thuật của nhà trường luôn không ngừng được đổi mới và hoàn thiện theo điều kiện kinh tế của đất nước ngày càng phát triển và khoa học kỹ thuật ngày càng đạt được những thành tựu rực rỡ.

(Nguồn tài liệu: Hà Thị Mai, Giáo trình Giáo dục học đại cương)

4.5/5 - (2 bình chọn)Bài viết liên quan:
  1. Giáo dục đạo đức học sinh, sinh viên
  2. Khoa học giáo dục là gì?
  3. Những sai lầm mà sinh viên hay mắc phải khi học đại học
  4. Hệ thống các khoa học giáo dục học và mối quan hệ với các khoa học khác

Từ khóa » Trong Nhà Trường Là Gì