Nhà Tuyển Sinh đại Học Yale Bật Mí 10 Bí Mật Tuyển Sinh Của Những ...

Các tiêu chí chọn lựa năm nay của các nhà tuyển sinh, làm cách nào để tăng tỉ lệ được chấp nhận, và làm cách nào để hồ sơ của mình nổi bật trong số hàng trăm, hàng nghìn hồ sơ khác là mối quan tâm lớn nhất của cả phụ huynh và học sinh trong chặng đua nước rút của hành trình nộp hồ sơ vào đại học Mỹ.

Nguyên là cựu đại diện tuyển sinh Đại học Yale đồng thời là chuyên gia tư vấn tuyển sinh với 17 năm kinh nghiệm dẫn dắt học sinh chuẩn bị hồ sơ đại học, tôi đã từng gặp nhiều gia đình chưa nắm bắt chính xác những gì thật sự diễn ra sau cánh cửa phòng tuyển sinh của các trường đại học. Mỗi tuần, nhóm của tôi, bao gồm những người từng làm công tác tuyển sinh ở các trường đại học lớn nhất cả nước đều có một buổi họp để cùng đánh giá các hồ sơ và gửi câu trả lời tới các ứng viên.

Qua những buổi họp này- và cả kinh nghiệm của tôi khi tuyển sinh tại đại học Yale- tôi đã dần hiểu được quá trình lựa chọn kỹ càng và phức tạp của những trường đại học danh tiếng. Sau đây là 10 bí mật mà tất cả học sinh và phụ huynh cần biết về cách hồ sơ của họ được đánh giá trên bàn tuyển sinh.

1. Rất nhiều trường đại học đánh giá hồ sơ dựa trên một bảng tiêu chí rõ ràng.

Một bộ hồ sơ thường bao gồm rất nhiều phần: bài luận, điểm tổng kết, thư giới thiệu, hoạt động ngoại khoá,… Liệu các trường đại học có xem xét hết những phần đó không?Thực tế là rất nhiều các trường đại học đánh giá hồ sơ dựa trên một bảng tiêu chí rõ ràng cho từng hạng mục. Các trường đại học sẽ có các điểm chuẩn cho từng phần của bộ hồ sơ ( thường được lấy dựa trên điểm chuẩn của kỳ tuyển sinh năm trước) và chấm điểm hồ sơ các ứng viên dựa trên các thang điểm đó. Phương pháp này giúp đẩy nhanh tiến độ xem xét hồ sơ khi nhanh chóng chỉ ra thí sinh đó có những điểm nào phù hợp và chưa phù hợp với các tiêu chí tuyển sinh của trường.

2. Khả năng chi trả có thể  ảnh hưởng tới khả năng được nhận của bạn

Có nhiều trường đại học có những điều luật tuyển sinh dựa trên khả năng chi trả học phí của thí sinh để quyết định xem có nhận thí sinh đó vào học hay không. Điều này không có nghĩa là họ chỉ nhận những học sinh giàu có vào học. Thực chất, đây là một điểm có lợi cho những thí sinh giỏi cần một khoản hỗ trợ tài chính lớn. Bằng cách nhận những thí sinh đạt đủ các tiêu chí tuyển sinh và không cần hỗ trợ tài chính, các trường đại học sẽ có thêm một nguồn nữa để cấp học bổng và hỗ trợ cho các sinh viên giỏi nhưng điều kiện tài chính chưa cho phép để chi trả học phí của trường.

3. Xếp hạng trong lớp không quan trọng như bạn nghĩ

Trong những năm gần đây, các nhà tuyển sinh không còn quá để tâm tới xếp hạng trong lớp của những ứng viên nữa. Dựa trên bảng khảo sát NACAC State of College Admission vào năm 2014, thay vì 31% như 10 năm trước, nay chỉ còn có 15% các trường đại học xếp thứ hạng trong lớp của một học sinh vào nhóm “ khá quan trọng”, đa số xếp con số này vào mức độ quan trọng trung bình. Một học sinh đứng đầu trong lớp không có nghĩa là hồ sơ của học sinh đó sẽ nổi bật hoàn toàn so với những học sinh đứng trong top 15. Cách cho điểm ở các trường trung học có sự khác nhau, do đó, thường không giúp ích cho việc so sánh các hồ sơ. So với xếp hạng, điểm AP hoặc các lớp dự bị đại học có vai trò quan trọng hơn trong việc thể hiện khả năng của một học sinh.

4. Nhà trường thực sự quan tâm tới mong muốn được nhận của bạn Quản lý quá trình nhập học là một bước quan trọng trong quá trình tuyển sinh của các trường đại học. Mục tiêu của họ không chỉ là lựa chọn một lớp sinh viên tài giỏi, toàn diện mà còn phải đảm bảo rằng những sinh viên được chọn cũng sẽ quyết định trở thành sinh viên chính thức của họ. Đó là lý do một thí sinh khẳng định rõ ràng mong muốn được nhận sẽ có nhiều khả năng được chọn. Để thể hiện niềm yêu thích của mình với trường, nếu có thể, hãy dành thời gian đến thăm quan trường hoặc tìm hiểu kĩ để nộp một hồ sơ với những điểm nổi bật tương đồng với phong cách và văn hoá riêng của trường.

5. Các trường đại học cũng có những tiêu chí riêng trong quá trình tuyển sinh, và một số ứng viên đặc biệt sẽ được ưu tiên lựa chọn để đáp ứng những tiêu chí đó

Như bạn đã thấy, quá trình đánh giá hồ sơ phức tạp hơn là suy nghĩ “ những thí sinh thông minh nhất sẽ được nhận.” Các trường đại học cũng có những tiêu chí riêng trong quá trình tuyển sinh và ưu tiên hàng đầu dành cho các vận động viên, con cái các gia đình có nhiều đóng góp tài chính cho trường. Điều này không có nghĩa là chỉ cần một thí sinh là vận động viên hay xuất thân từ gia đình giàu có sẽ chắc chắn được nhận, nhưng những yếu tố đó sẽ là những điểm cộng lớn cho hồ sơ của thí sinh này. Sẽ có nhiều người cho rằng tiêu chí ưu tiên trên rất không bằng, vì không phải thí sinh nào cũng có người thân là cựu sinh viên của trường đại học họ mơ ước được nhận, tuy nhiên đây là một thực tế mà ai cũng nên biết.

6. Các nhà tuyển sinh không thích các chiêu trò gây ấn tượng

Viết những bài luận kì quặc, gửi những giấy tờ trường đại học không yêu cầu, và rất nhiều các chiêu trò nhằm gây ấn tượng khác không phải là cách thông minh để khiến nhà tuyển sinh chú ý đặc biệt đến hồ sơ của bạn. Thực tế, những “mánh lới” đó còn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng được nhận của bạn. Mỗi nhà tuyển sinh thường phải đọc qua hàng nghìn hồ sơ theo thứ tự, vì vậy họ luôn rất bận rộn. Bắt họ đọc thêm những giấy tờ không cần thiết không chỉ làm họ chậm tiến độ công việc của mình mà còn thể hiện rằng thí sinh đó không biết tuân thủ hướng dẫn nộp hồ sơ đã ghi rõ ràng trên trang web của trường.

7. Bạn không được nhận, không có nghĩa là bạn không đủ khả năng

Kì tuyển sinh năm trước, có 42000 thí sinh nộp hồ sơ vào đại học Stanford, ngôi trường với tỉ lệ chấp nhận 5%. Chắc chắn sẽ là một nhận định sai khi nghĩ rằng tất cả 95% còn lại đều là những thí sinh không có khả năng. Tuy nhiên vì mỗi trường đại học chỉ có thể nhận một số lượng sinh viên nhất định, nên họ đôi khi phải từ chối rất nhiều ứng viên tiềm năng khi đã có đủ số sinh viên cần thiết.

8. Sự đa dạng quan trọng hơn chủng tộc và sắc tộc

Khi tập hợp một lớp sinh viên năm nhất đa dạng, có nhiều người cho rằng đa dạng chủng tộc là điều quan trọng nhất. Tuy nhiên dù chủng tộc và sắc tộc đặc biệt quan trọng, còn nhiều yếu tố khác nhà tuyển sinh cần quan tâm.

Giới tính là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự đa dạng, đặc biệt là khi có nhiều sinh viên nữ nộp hồ sơ hơn sinh viên nam. Ở một số ngành mà đa số các ứng viên nộp là nam, các trường sẽ ưu tiên các ứng viên nữ để cân bằng giới tính.

Sự đa dạng còn bao gồm việc thí sinh tới từ quốc gia nào. Rất nhiều nhà tuyển sinh cho rằng các sinh viên quốc tế có thể đem tới một góc nhìn, quan điểm mới cho cộng đồng sinh viên. Bên cạnh đó, về phương diện tài chính, sinh viên quốc tế cũng được chào đón vì họ có khả năng chi trả mức học phí cao hơn so với sinh viên bản địa.

Sự đa dạng còn bao gồm những điểm đặc biệt trong tính cách và tài năng trong mỗi thí sinh. Câu hỏi bạn cần hỏi bản thân để tìm ra điểm đặc biệt của mình là: “Trải nghiệm và đam mê nào ảnh hưởng tới cách tôi nhìn cuộc sống? Bằng cách nào tôi có thể đóng góp cho cộng đồng sinh viên của nhà trường?”

9. Có một số các lựa chọn khá mơ hồ

Trong quá trình tuyển sinh của một số trường đại học danh giá, đến một thời điểm nào đó, tất cả các hồ sơ tiềm năng trở nên tương đồng. Các nhà tuyển sinh sẽ cố tìm các điểm cộng nhỏ để quyết định xem hồ sơ nào được nhận. Đây là lúc mà chi tiết nào dù rất nhỏ cũng có khả năng ảnh hưởng đến kết quả hồ sơ của thí sinh. Những quyết định ở thời điểm cuối cùng thường rất khó khăn và đôi khi không có một lý do rõ ràng vì sao hồ sơ này được chọn còn hồ sơ còn lại thì bị từ chối. Đôi khi đó là những chi tiết rất mơ hồ như nhà tuyển sinh có thiện cảm về tính cách của ứng viên này hơn. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng tất cả những người được chọn đều xứng đáng, tuy nhiên vì chỉ tiêu có hạn, nhà trường không thể chấp nhận hết số hồ sơ họ nhận

10. Nhà tuyển sinh sẽ cảm thấy thất vọng nếu ứng viên họ yêu thích không được nhận

Trái với suy nghĩ của nhiều người, công tác tuyển sinh là một công việc mang nhiều cảm tính. Khi đọc và đánh giá hồ sơ, nhà tuyển sinh có trải nghiệm được thấu hiểu sâu sắc từng thí sinh qua bài luận, phỏng vấn, thư giới thiệu. Thường thì các nhà tuyển sinh sẽ cố gắng bảo vệ ứng viên họ yêu thích trước hội đồng. Tuy nhiên vẫn có trường hợp hội đồng từ chối ứng viên đó vì một số lý do, và quyết định này sẽ làm nhà tuyển sinh chịu trách nhiệm cho hồ sơ của thí sinh này cảm thấy thất vọng.

Tóm lại, quá trình nộp hồ sơ đại học là một chặng đường dài. Điều quan trọng mà thí sinh nào cũng cần nhớ, là chỉ cần họ làm việc chăm chỉ, tìm hiểu kĩ càng và tìm cho mình một danh sách các trường đại học phù hợp, họ chắc chắn sẽ có nhiều khả năng được chấp nhận và trở thành sinh viên của ngôi trường mình mơ ước

Từ khóa » đại Học Yale Tuyển Sinh Như Thế Nào