Nhà Văn Đỗ Bích Thúy Và Họa Sĩ Lê Thiết Cương Làm Sách ủng Hộ ...

Vanvn- Nhà văn Đỗ Bích Thúy, người tự nhận mình là đứa con của núi rừng đã cùng lúc ra mắt 4 cuốn sách: Tiếng đàn môi, Bóng của cây sồi (tái bản), Người yêu ơi (tiểu thuyết cùng tên với kịch bản phim) và tản văn Thương nhau như người thân ngày 13.4 tại Hà Nội. Trong đó có hai cuốn tái bản và hai cuốn in lần đầu. Hai cuốn tiểu thuyết, một tập truyện ngắn và một tập tản văn. Hầu hết là về miền núi và dân tộc thiểu số.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy

Sau tròn 20 năm sống và làm việc tại Hà Nội, nhà văn Đỗ Bích Thúy đã xuất bản 21 cuốn sách. Trong đó có 6 tiểu thuyết, các tập truyện ngắn, tản văn, truyện thiếu nhi. Phần lớn các tác phẩm của Đỗ Bích Thúy viết về đề tài dân tộc thiểu số và miền núi.

Có một điều đặc biệt trong sự nghiệp của Đỗ Bích Thúy đó là hầu hết những tác phẩm viết về đề tài miền núi suốt hơn 20 năm qua đều được viết  khi cô đang ở dưới miền xuôi, từ khi rời xa quê hương Hà Giang xuống Hà Nội học đại học. Như cây bị bứng ra khỏi rừng nhưng Đỗ Bích Thúy vẫn viết về những rẻo cao xa thẳm vời vợi trong ký ức với một bút lực dồi dào như dòng sông Nho Quế chảy mãi không dừng.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy quan niệm: “Khi đã lùi xa một vùng văn hóa, một vùng đất đã gắn bó, sẽ có một quãng nhìn lại qua không gian, qua thời gian, sẽ mang đến một cảm xúc mạnh mẽ hơn, tinh tế hơn, sâu sắc hơn và nhiều chiều hơn về vùng đất ấy”. Đó có lẽ là lý do mà khi Đỗ Bích Thúy phải rời xa mảnh đất Hà Giang thì nữ nhà văn viết nhiều và dồi dào về miền núi đến vậy.

Các tác phẩm của Đỗ Bích Thúy viết về đề tài dân tộc thiểu số và miền núi

Khi bắt đầu viết, những tác giả trẻ thường có xu hướng tập trung viết về những thứ xảy ra xung quanh, những thứ lấp lánh trong ký ức, những thứ khiến người viết nhớ và ám ảnh nhất. Khi người viết trưởng thành sẽ viết chuyên nghiệp hơn, biên độ sẽ mở rộng và tầng nghĩa dày dặn lên từ chính sự lựa chọn ban đầu. Và nhà văn Đỗ Bích Thúy cũng thuộc trường hợp này khi viết về miền núi.

Với Đỗ Bích Thúy, viết về miền núi là một lợi thế khi không có quá nhiều người viết. Trên văn đàn hiện tại, số tác giả viết về miền núi để lại dấu ấn cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay trong khi đây là một vùng văn hóa màu mỡ.

“Hạnh phúc nhất đối với một người cầm bút là được cày xới trên thửa ruộng rất ít người đã bước qua. Chọn viết về đề tài miền núi là may mắn trời cho. Và tôi đã chọn đúng ngay từ đầu. Tôi không phiêu lưu và mất thời gian vào những đề tài khác mà có thể chẳng có thành quả”, nhà văn Đỗ Bích Thúy chia sẻ.

Với việc ra mắt cùng  lúc 4 cuốn sách, Đỗ Bích Thúy nói rằng, cho đến giờ thì chị mong muốn bạn đọc không chỉ được đọc những cuốn sách là sản phẩm của lao động văn chương thực thụ, mà còn là những cuốn sách đẹp. Do đó, cả 4 cuốn lần này đều được hoạ sĩ Lê Thiết Cương chăm sóc về mỹ thuật, theo một tinh thần thống nhất với cuốn in trước đó – tập tản văn Tôi đã trở về trên núi cao, in năm 2019.

Mỗi bìa sách đều được chăm chút về mặt mỹ thuật bởi họa sĩ Lê Thiết Cương

Lê Thiết Cương là một cái tên đã quá quen thuộc với công chúng yêu hội hoạ. Đỗ Bích Thuý kỳ vọng với sự giúp đỡ của anh, bạn đọc sẽ dần có được trong tay bộ sách xuyên suốt một phong cách mĩ thuật tối giản, tinh tế và sang trọng.

Cũng trong lần xuất bản này, 1 trong 4 cuốn, tập truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, ngoài 2.000 bản in thường còn có 100 bản đặc biệt được đánh số từ 1-100. Bản đặc biệt có các minh hoạ trên giấy dó của hoạ sĩ Lê Thiết Cương, các bản viết tay của tác giả. Thay vì in, phần tranh bìa và tên tác giả, tác phẩm được thêu trên vải lanh bọc bìa cứng. Bìa áo được in bằng giấy mỹ thuật chất lượng cao. Đây là một món quà đặc biệt được hoạ sĩ và nhà văn dành cho những bạn đọc có nhu cầu sưu tầm sách đẹp.

Bên cạnh đó, một phần tiền bán sách sẽ được chuyển thành quà tặng cho trẻ em miền núi, trong những dự án mà cả hoạ sĩ Lê Thiết Cương và nhà văn Đỗ Bích Thúy đều đã dành nhiều tâm huyết trong những năm qua.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy chia sẻ: Tôi không coi văn chương là món nợ. Văn chương là văn chương, cuộc sống là cuộc sống. Viết văn khiến tôi thấy hạnh phúc. Hưng phấn do việc lao động chữ nghĩa mang lại nó không giống bất kỳ thứ hưng phấn nào trên đời. Vì thấy hạnh phúc khi được lao động mà tôi cứ viết mãi, chưa từng nghĩ bao giờ thì mình dừng lại. Thậm chí tôi nghĩ, nếu như một ngày nào đó không viết gì nữa có lẽ là ngày buồn bã nhất trong cuộc đời mình”.

MAI AN

Xem thêm:
  • Sức hấp dẫn bài thơ “Ăn còn – Quả còn” của Dương Khâu Luông
  • Truyện ngắn của hội viên mới Trần Thị Tú Ngọc
  • Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên – Thời đã xa mà rất gần
  • Nhà Trần duy trì hôn nhân cận huyết, vì sao con cháu vẫn thông minh?
  • Thấy gì qua trải nghiệm ChatGPT?

Từ khóa » đỗ Bích Thúy