Nhà Viết Kịch Lưu Quang Vũ - Tượng đài Của Nền Kịch Nghệ Việt Nam
Có thể bạn quan tâm
Đã thành thông lệ, cứ đến dịp tháng 8 hàng năm, Nhà hát Tuổi trẻ lại mang đến cho khán giả một “Mùa diễn kịch Lưu Quang Vũ.”
Đây không chỉ là hoạt động biểu diễn thông thường của các nghệ sỹ, mà còn là mùa diễn tưởng nhớ và vinh danh nhà viết kịch tài ba Lưu Quang Vũ - một hiện tượng sân khấu, một tượng đài của nền kịch nghệ Việt Nam.
Khán giả yêu mến sân khấu kịch cũng có cơ hội thưởng thức những vở kịch kinh điển của ông.
Hiện tượng sân khấu Lưu Quang Vũ
Nhà hát Tuổi trẻ là đơn vị đầu tiên dàn dựng vở kịch đầu tay “Sống mãi tuổi 17” của Lưu Quang Vũ vào năm 1980. Đây là dấu mốc mở ra sự nghiệp sân khấu tuy ngắn ngủi nhưng hết sức sôi động của Lưu Quang Vũ.
Mùa diễn năm nay, Nhà hát Tuổi trẻ mang đến cho khán giả các tác phẩm đặc sắc: “Ai là thủ phạm,” “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” và “Tin ở hoa hồng” với sự tham gia diễn xuất của các gương mặt quen thuộc như nghệ sỹ ưu tú Minh Hằng, nghệ sỹ ưu tú Đức Khuê, Vân Dung, Thu Quỳnh, Bảo Thanh, Thanh Sơn, Bá Anh…
Hoạt động này được kỳ vọng sẽ mang đến không gian nghệ thuật ấn tượng, đánh thức xúc cảm của người xem để cùng nhớ về một tượng đài của nền kịch nghệ Việt Nam.
Những người yêu sân khấu Việt Nam không thể quên vào những năm 80 của thế kỷ XX, những đêm công diễn kịch Lưu Quang Vũ đều chật kín khán giả.
Ai cũng háo hức đi xem kịch Lưu Quang Vũ, để được khóc-cười, vui-buồn theo từng lời thoại, từng lớp diễn trên sân khấu…
Nhiều người trong nghề đánh giá, nhắc đến Lưu Quang Vũ là nhắc đến một “hiện tượng” của sân khấu Việt Nam những năm 80 của thế kỷ XX.
[Nhà hát Tuổi trẻ bắt đầu với “Mùa diễn kịch Lưu Quang Vũ”]
Một cảnh trong vở "Hoa cúc xanh trên đầm lầy." (Ảnh: Nhà hát Tuổi Trẻ)Các tác phẩm của Lưu Quang Vũ không chỉ nhiều về số lượng được dàn dựng và trình diễn, mà còn có giá trị nghệ thuật cao, luôn được bạn bè trong giới văn nghệ, người đọc và người xem đón nhận.
Quả thật, nhìn lại kịch mục trong 8 năm sáng tác của Lưu Quang Vũ (1980-1988), nhà viết kịch tài ba đã có trên 50 tác phẩm sân khấu được sáng tác, dàn dựng, công diễn.
Từ vở kịch đầu tiên “Sống mãi tuổi 17” viết về người anh hùng Lý Tự Trọng do Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng đến bản thảo sân khấu cuối cùng “Chim sơn cầm đã chết” nhiều người không khỏi khâm phục lòng say mê, sức sáng tạo mãnh liệt, sự ấp ủ nung nấu của Lưu Quang Vũ trước cuộc sống.
Các tác phẩm sân khấu, vở diễn của Lưu Quang Vũ hết sức đa dạng, phong phú ở các mảng đề tài, trong những hoàn cảnh, bối cảnh xã hội và lịch sử khác nhau.
Mảng đề tài hiện đại với các vở “Tôi và chúng ta,” “Nếu anh không đốt lửa,” “Bệnh sỹ,” “Cô gái đội mũ nồi xám,” “Lời thề thứ 9,” “Điều không thể mất,” “Hoa cúc xanh trên đầm lầy,” “Lời nói dối cuối cùng,” “Ai là thủ phạm?”…
Những vở diễn mang chất liệu dã sử dân gian, huyền thoại như “Hồn Trương Ba, da hàng thịt,” “Huyền thoại Đam San,” “Nàng Sita,” “Ngọc Hân công chúa”…
Các câu chuyện trong kịch Lưu Quang Vũ có thể xảy ra ở một vùng quê, một mái trường, nhà máy công xưởng hay câu chuyện của những người lính trong chiến tranh, người nghệ sỹ, bác sỹ, người lao động… ở bất kỳ cung bậc, góc cạnh nào của cuộc sống với góc nhìn đa chiều sâu sắc, đi vào ngõ ngách của cuộc sống, góc khuất của tâm hồn con người…
Các tác phẩm của Lưu Quang Vũ được dàn dựng ở các loại hình sân khấu khác nhau: Kịch nói, chèo, cải lương, dân ca kịch, tuồng, thậm chí cả múa rối…
Có những vở mà hàng chục nhà hát và các đoàn nghệ thuật cùng dàn dựng như “Nàng Sita,” “Lời thề thứ 9,” “Bệnh sỹ,” “Trái tim trong trắng,” “Ông vua hóa hổ”…
Nghệ sỹ Nhân dân Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam chia sẻ, những năm 80 của thế kỷ XX, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã tạo nên một kỷ lục hiếm có trong đời sống hoạt động nghệ thuật từ trước đến nay, đó là trong 5 đợt hội diễn sân khấu ông có 8 vở tham gia thì 5 vở được tặng huy chương Vàng, 2 vở được tặng huy chương Bạc.
Sức sống vượt thời gian
Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, đạo diễn và các nghệ sỹ sân khấu, các tác phẩm của Lưu Quang Vũ đã góp phần tạo nên diện mạo một sân khấu mới, sân khấu thời kỳ quá độ, trong đó nhiều tác phẩm có sức sống vượt thời gian, xứng đáng được coi là những tác phẩm kinh điển của sân khấu Việt Nam.
Cho đến nay, sau hơn 30 năm, Lưu Quang Vũ vẫn là nhà viết kịch có số lượng tác phẩm gây chấn động dư luận lớn nhất của Việt Nam.
Sau sự ra đi đột ngột của “hiện tượng Lưu Quang Vũ,” sân khấu Việt Nam vẫn chưa có tác giả nào bù đắp được khoảng trống mà ông để lại.
Nghệ sỹ Nhân dân Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Việt Nam đánh giá, kịch Lưu Quang Vũ đầy ắp tính triết lý, nhưng cũng rất nhân văn, luôn hướng tới các giá trị chân-thiện-mỹ.
Những vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ ra đời như luồng gió mới mang hơi thở của thời đại.
Kịch của ông luôn đề cập đến những vấn đề bức xúc của xã hội, phản ánh các vấn đề thời sự nóng bỏng nhưng không sao chép đời sống một cách máy móc, đơn thuần, mà ông thao thức, đau đáu với mỗi cuộc đời, xã hội.
Nghệ sỹ Nhân dân Thanh Trầm, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ sân khấu Hà Nội đánh giá, cho đến hôm nay, sau hơn 30 năm những vở kịch của Lưu Quang Vũ vẫn còn thấm đẫm tính thời sự với hiện thực xã hội nóng bỏng, vẫn đầy sức sống thời đại, khi thể hiện tâm tư nguyện vọng, trăn trở về cuộc sống.
Xem kịch của ông, người ta nhận thấy những con người, số phận, tính cách, những biến cố và cách xử lý vấn đề, sự việc vẫn đang hiện hữu với đời sống xã hội hiện tại.
Quả thực, cho đến tận hôm nay, nhiều vở kịch của Lưu Quang Vũ vẫn còn nguyên giá trị thời đại. “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” ra đời cách đây hơn 30 năm, nhưng câu chuyện với những vấn đề đặt ra trong vở kịch đến nay vẫn khiến người xem phải trăn trở: Đâu là hạnh phúc đích thực khi con người hôm nay sống phụ thuộc quá nhiều vào máy móc hiện đại?
Phải chăng cuộc sống với bao nỗi lo đã khiến đời sống tinh thần con người trở nên căng thẳng, mệt mỏi, trống rỗng, khiến người ta phải toan tính, lọc lừa nhau…
Trong tác phẩm còn xuất hiện hình ảnh anh công chức mệt mỏi căng thẳng với 1 tuần 6 cuộc họp, tệ nạn chặt chém khách của anh xe ôm, nạn nhậu nhẹt bê tha của cánh mày râu, nạn bạo hành gia đình…
Có thể nói, kịch của Lưu Quang Vũ khiến người xem hiện đại được soi mình trong đó, được đối thoại, gợi mở cách giải quyết, được thức tỉnh tinh thần đến mức có thể thay đổi hành vi, nhận thức và lối sống.
Theo nhà nghiên cứu văn học, phó giáo sư, tiến sỹ Lưu Khánh Thơ, Lưu Quang Vũ được đánh giá là “nhà viết kịch xuất sắc của thời kỳ hiện đại.”
Trong lịch sử sân khấu Việt Nam, thời kỳ Lưu Quang Vũ có lẽ là thời kỳ sôi động nhất, giàu sức sống nhất, thu hút đông đảo người xem nhất.
Lưu Quang Vũ cũng là một trong những người đi tiên phong trong phong trào đổi mới văn hóa văn nghệ, dùng ngòi bút của mình góp phần đem lại những điều tốt đẹp cho con người và xã hội./.
(TTXVN/Vietnam+)Từ khóa » Những Vở Kịch Hay Nhất Của Lưu Quang Vũ
-
Lưu Quang Vũ – Wikipedia Tiếng Việt
-
Công Diễn 5 Vở Kịch Hay Nhất Của Lưu Quang Vũ - Nhà Hát Tuổi Trẻ
-
Top 5 Tác Phẩm Hay Nhất Của Nhà Viết Kịch Lưu Quang Vũ
-
Lưu Quang Vũ Và Những Vở Kịch để đời Khiến Cả Trường Quay Ký Ức ...
-
Kịch Của Lưu Quang Vũ Không Nguôi ám ảnh - Báo Người Lao động
-
Lưu Quang Vũ Và Những Vở Kịch để đời - Tạp Chí Việt Nam - RFI
-
Dựng Lại 10 Vở Kịch Kinh điển Của Lưu Quang Vũ - VietNamNet
-
Top 5 Tác Phẩm Hay Nhất Của Nhà Viết Kịch Lưu Quang Vũ
-
“Sức Sống Kịch Lưu Quang Vũ” - Đảng Cộng Sản Việt Nam
-
Top 5 Tác Phẩm Hay Nhất, để đời Của Nhà Viết Kịch Lưu Quang Vũ
-
Công Diễn 4 Tác Phẩm Nổi Tiếng Của Lưu Quang Vũ Tại Hà Nội - VOV
-
Những Vở Kịch để đời Của Lưu Quang Vũ Sắp Trình Làng - PLO
-
Công Diễn 5 Tác Phẩm Hay Nhất Của Lưu Quang Vũ
-
Chủ Tịch Quốc Hội Xem Kịch Lưu Quang Vũ Về Bệnh Dối Trá, Phô ...