Nhà Xí Liệt Truyện - Tạp Chí Đẹp

Toilet quán cafe So Hot

Ở Trung Quốc xưa, thời Từ Hy Thái hậu, chuyện đi vệ sinh của bà thường đựng trong một cái bô bằng vàng. Khi Thái hậu xong, thái giám cung kính đội cái bô vàng ấy lên đầu để mang đổ tại một nơi riêng biệt. Vua Bảo Đại khi đi nghỉ ở Đồ Sơn, mỗi lần đi vệ sinh thường được đưa đi bằng thuyền tới nơi thoáng mát giữa biển khơi… Ở Nhật Bản, mỗi khi đi vệ sinh xong, thường có bảng phân tích y tế chính xác các chỉ tiêu sinh hóa… Thế mới biết, chuyện toilet quan trọng như thế nào…

Nhà xí công cộng

Nhắc đến nhà… xí liệt truyện, hẳn là không ít người chợt nhớ lại những năm tháng đã qua, những kỷ niệm thời ấu thơ của mình.

Khi Bảo tàng Dân tộc học tổ chức triển lãm thời bao cấp, mọi người được nhìn ngắm những kỷ vật, đồ dùng, vật dụng mà chỉ thời ấy mới có. Tôi cũng đi xem triển lãm, nhưng ngó nghiêng mãi, mà không thấy một chút tăm hơi gì về cái nhà vệ sinh công cộng. Không hiểu vì lý do gì, hay vì tế nhị, mà không có mô hình một nhà vệ sinh công cộng nào cả.

Thiếu nó, quả là thiếu đi mảng lớn của xã hội và cuộc sống thời bao cấp. Những cảm xúc lẫn lộn lại ùa về với 1001 kiểu nhà xí và các câu chuyện xoay quanh.

Một người bạn ngậm ngùi kể lại chuyện nhà xí ở phố Quán Sứ, về chuyện một lần đi vệ sinh tức thở quá anh đành đốt chỗ giấy báo mang theo thì bất ngờ bùng lên một ngọn lửa xanh từ phía bể phốt bốc thẳng lên chỗ hai hòn gạch hình chữ V, và thế là alê, ba chân bốn cẳng anh chạy bật ra khỏi nơi… rùng rợn ấy.

Còn ngày xưa, nhà ở nông thôn tuy đất thì rộng, nhưng hình như không có tư duy cần phải có một cái nhà xí để làm gì, thích thì ra bờ ra be, ra đồng ra ruộng, ra bờ ao, cầu tõm.

Còn nếu có một cái thì cũng đến tận cùng của sự sơ sài và đơn giản… và mất vệ sinh nữa. Không hiểu sao, các nhà vệ sinh ở nông thôn thường được xây ở gần giếng, và tro là thứ được dùng đắc dụng để khử mùi.

Chẳng tính nông thôn, nói ngay thành thị với các nhà xí công cộng. Có “public”, mới nảy sinh cái chuyện người ta rủ nhau đi… vệ sinh.

Nhà nào may mắn tức là nhà ấy không ở cạnh nhà xí, không thì ám ảnh cả đời. Của dùng chung không ai khóc, nhà xí chung, người trước bày thì người sau cũng vậy.

Vừa hết chỗ, vừa chờ lâu

Người ta lấy tay bịt chặt miệng, nhón chân, đi theo kiểu chiến thuật bởi sơ sẩy một tí là thôi rồi, đã dính “chưởng”. Chỗ nào cũng có người chồm hổm, cái có cửa, cái không. Người ta cũng không dám soi người ngồi kia là ai nữa, vì thật là vô duyên.

Vẫn tồn tại nhà xí công cộng trong phố cổ Hà Nội

Có một chỗ tàm tạm đành nhường nhịn cho người nào mót hơn (mà phải là người thân). Chỗ chưa có ai thì bẩn quá. Không thể duyệt được, đành phải chạy kiểu chiến thuật tót ra ngoài chờ người kia ra. Họ không dám đi đâu xa bởi hở ra là lại có người mới chiếm chỗ như chơi…

Ức lắm! Giữa trưa hè nắng gắt phải đứng sát cái nhà xí công cộng ấy, mũi thì bịt không thở được, có cái gì để phe phẩy cho không khí trong trong một chút để còn canh chỗ kẻo có người khác đến xí mất thì khổ.

Người ở ngoài thì chờ đợi trong tâm trạng vậy, người ở trong thì cũng… trần gian lắm nỗi éo le. Ngồi thì phải rung rung… mông. Ối giời, các sinh vật ở đây, loài nào cũng thuộc loại nhìn thấy là phải rú lên rồi.

Thôi thì tay bịt miệng, tay kia cầm tờ giấy mà phe phẩy trong phạm vi nhanh chóng cho xong thì có phải phúc đúc không, chứ táo bón thì khổ biết bao. Kẻ giải quyết xong, cắm đầu một mạch chạy xa cái nhà xí đó, rồi thở hắt ra… và lại vẩn vơ chờ kẻ kia.

Khi kẻ kia xong thì cùng về, lúc đi qua bể nước nhòm thấy cái gàu liền múc nước kì cọ sạch sẽ. Còn hiếm nước công cộng thì lại phải vác dép, bấm chân xuống bếp mà tắm rửa cho sạch sẽ cho hết cái mùi ám khí.

Nhà xí công cộng bẩn vậy đó, nên nảy sinh quá nhiều giải pháp nửa khóc nửa cười. Cái bô chỉ giải quyết được với các cháu nhỏ, chứ người lớn thì thật là khó chịu. Với các bà, có khi là đi vào giấy, rồi gói lại, giúi vào đống rác, rồi vác đi đổ.

Bất hạnh thay, lúc nào không có rác, thì chỉ còn trơ lại gói “của quý”, và lúc ấy thân chủ cứ là mặt đỏ nhừ vì đành vác ra giữa thanh thiên bạch nhật mà đổ. Tệ hơn, và thảm hơn, đó là cảnh từ trên bếp gác 3 – ném viu một bọc xuống rệ đường, sát bếp của tầng 1.

Không may bọc ấy vướng vào đâu đó bị bục ra… và vàng ơi, vàng ơi… thôi mênh mông… Tức thì cửa sổ nhà tầng 1 ngó ra, chõ miệng lên chửi um xùm, còn cửa sổ nhà tầng 3 trốn kỹ ngượng ngùng…

Chuyện người gánh phân

Hình ảnh người múc, gánh phân, đã đi vào lịch sử và văn học. Thời xưa, người nào phải làm công việc hót phân là mạt hạng nhất.

Cánh cửa nhà vệ sinh phố Thụy Khuê

Vua Lê trong một tối vi hành, tình cờ gặp một người đàn ông gánh phân nghèo khổ, cảm thương bèn tặng ông hai câu đối: “Khoác một áo bào, đảm đang khó khăn thiên hạ/ Vung ba thước kiếm, tận thu lòng thế gian”.

Trong kinh Phật, có câu chuyện về người hót phân Ni Đề thuộc tầng lớp tiện dân. Kiếp trước, Ni Đề vốn là Như Lai Ca Diệp nhưng mắc tính ngạo mạn, coi thường người khác nên phải chịu kiếp 500 năm gánh phân người trên lưng.

Một lần Ni Đề đang gánh phân trên đường thì gặp Đức Phật, ông tránh sang một bên, luống cuống thế nào, bị vấp ngã, làm cả thùng phân đổ vào người nhưng Ni Đề vẫn không dám ngước mặt lên nhìn Đức Phật.

Về sau, Ni Đề trở thành người tu hành theo Đức Phật và từ người gánh phân đã đạt chứng ngộ cảnh giới A La Hán.

Hình ảnh những người hót phân thường hay gặp trong các tác phẩm của nhà văn Tô Hoài và một số nhà văn khác. Trong một truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, anh Móng thề với người yêu: “Nếu tôi không chung thủy với em thì suốt đời tôi đi hót cứt!” hoặc một số câu thơ trào phúng quen thuộc…

Đúng là lúc nào lỡ gặp các bác Cổ Nhuế lấy phân xì xoẹt ở phía đằng sau thì ôi thôi, sợ phải biết, vừa bẩn, vừa khó chịu, lại mùi kinh hoàng đến phát bệnh. Rau dưa thời ấy, ít dùng phân hóa học, lý do vì phân bắc phân xanh đầy ra đấy.

Những năm trở lại đây hình ảnh người lấy phân đã mất dần đi. Giờ đây mới có những đội thông tắc hút bể phốt với chiếc xe có màu vàng đặc chủng với chiếc vòi sun sun mà từ xa đã thấy mùi…

Từ xổm đến bệt

Chuyện từ nhà xí, nhà vệ sinh, lên đời thành WC, toilet… từ hố xí xổm lên đời thành bồn cầu bệt cũng là một bước tiến cười ra… nước mắt.

Hồi đầu mới xuất hiện loại bệt, cách thức sử dụng còn quá xa lạ. Còn nhớ một thầy giáo dẫn học sinh đi dự hội nghị, khi được sắp xếp nghỉ tại một khách sạn khá sang trọng, thầy giáo phải tập hợp các em lại, và dặn dò các em không được ngồi dẫm cả chân lên bồn cầu, bởi lỡ nó mà vỡ thì phải đền.

Một gia đình nhà nọ, thuộc diện tiên tiến lại nhà giàu, xây được biệt thự ba tầng, mỗi tầng một toilet xịn. Khách ở quê ra, chồng được giao nhiệm vụ giới thiệu cho bác giai (vợ phụ trách bác gái) cách thức sử dụng các phòng, đèn, toilet.

Ngày hôm sau, hai vợ chồng đi làm về, vợ đẩy cửa toilet tầng hai, thì ôi thôi, thấy giữa toilet đẹp đẽ ấy là một đống… hiên ngang. Tá hỏa, vợ trách chồng: “Anh phụ trách phòng ấy, mà không hướng dẫn các bác cẩn thận, giờ thì anh đi mà dọn!”.

Tìm hiểu kỹ, thì ra các bác bảo là sao người ta làm cái này chỗ để chân chả có, chênh vênh lắm, may mà còn bám được vào cái bồn kia không thì ngã chết à.

Chưa kể, toilet trở thành phương tiện để trả thù nhà khác khi hai nhà dùng chung một đường ống, nhưng vì bắt ép nhà kia phải nhường chút đất ở lối đi mà không được.

Nhà này bèn tìm cách bịt đường ống toilet lại để trả thù cho nhà kia không còn đường mà đi…! Nhà kia có cháu nhỏ đang lúc đi dở dang, biết chuyện, buồn bực ngao ngán mà rằng: “Đồ hèn! Bịt cả đít người ta!”.

Đến bây giờ, ở khu phố cổ Hà Nội, vẫn còn tồn tại những nhà xí công cộng thời bao cấp. Chưa kể một số nơi thiếu trầm trọng nhà vệ sinh, lý do đất đai chật hẹp đắt đỏ, và hệ thống cống rãnh bể phốt vô cùng khó khăn.

Xin nêu một ví dụ về hai quán café cạnh Nhà Thờ Lớn. Trong hai quán sát nhau ấy, chỉ có một quán có toilet và nó chỉ có diện tích nhỏ xíu vừa đủ bồn cầu và bồn rửa mặt. Người nào béo thì khổ, không biết xoay xở thế nào với cái toilet ấy.

Quán bên cạnh không có toilet, khách (nhất là khách Tây) ngây thơ chạy sang quán hàng xóm hỏi có thể cho đi nhờ toilet không, nhưng chị chủ quán lạnh lùng lắc đầu. Nghĩ mà… tội quá!

Sự thiếu ý thức, vô văn hóa, phóng uế bừa bãi, những bức tường, bờ rào, gốc cây cũng trở thành nơi giải tỏa. Chính những bóng tối trong nhà vệ sinh nơi công cộng, đã dần biến thành những tụ điểm của tệ nạn xã hội.

Ngược lại, một số trung tâm đặt quá nhiều toilet gần nhau gây mất mỹ quan. Ngày nay, WC trong các công trình lớn ngày càng sạch sẽ, hiện đại hơn, nhưng hầu hết những nơi “bệt” công cộng thì cũng trở thành xổm hết, bởi ý thức của người dân tuy tiến bộ nhưng… rồi đâu cũng vào đấy cả. Nước ta chưa có tư nhân hóa toilet trong khi nước ngoài liên tục thay đổi các hình thức sở hữu toilet.

Thế giới riêng là toilet

Trừ những nơi vẫn còn khổ vì toilet, giờ đây người ta dần biết chơi, biết hưởng thụ, và toilet như một nơi để thể hiện cá tính và sở thích của chủ nhà. Nó không còn bị xếp vào một xó tiết kiệm diện tích, hay một góc hẻo lánh.

Đang dần qua thời toilet bị ghẻ lạnh và thờ ơ. Chỉ riêng nước xịt các loại xịn, thơm nức nở; trong toilet có rải sỏi hoặc có hoa tươi trang nhã. Cảm giác về một toilet sạch sẽ, gần gũi và thân thiện, tiện nghi…

Xem phim Hàn Quốc, thấy nàng diễn viên say rượu, chạy cắm mặt vào toilet mà nôn thốc nôn tháo. Hẳn là cái bồn cầu ấy phải nuột nà thơm tho lắm thì nàng mới có thể ôm chặt lấy nó mà diễn.

Công ty Roto Rooter của Singapore tổ chức cuộc thi thiết kế toilet thế hệ mới, giải thưởng chính là bộ sưu tập nội thất. Ai được sở hữu nó sẽ trở thành chủ nhân của toilet quyền lực gồm một màn hình phẳng HDTV, máy nghe nhạc, giá đỡ, đầu thu tín hiệu truyền hình TiVo, máy chơi game thế hệ mới Xbox và đầu DVD, một laptop, micro, tủ lạnh…

Trang web toilet.net của Nhật Bản có rất nhiều mẫu thiết kế bồn cầu với những hoa văn trang trí trên bề mặt, và đáp ứng toàn bộ nhu cầu về tông và gu của khách. Người Nhật vốn coi cọ rửa sạch sẽ toilet sẽ đem lại điều may mắn.

Ở nước ngoài, có trường đại học buộc phải dán bảng tin lên bồn cầu và cánh cửa toilet vì sinh viên thờ ơ với những thông báo của nhà trường. Nhiều công ty đang có chiến dịch quảng cáo sản phẩm trong toilet.

Đó thực sự là những ý tưởng nghiêm túc và có hiệu quả. Ở Đài Loan, có nhà hàng mang tên Toilet, từ bàn ăn, ghế ngồi cho đến bát đĩa đều hình chiếc bồn cầu. Hà Nội cũng có Toilet Pub, nhưng sau này đổi tên thành Vòi Nước Pub.

Nói vậy, để khẳng định thêm rằng toilet đang được chú trọng hơn trước rất nhiều. Trong hoàn cảnh nào đó, một số người đã lựa chọn toilet là nơi ẩn náu của mình.

Nơi ấy, ta có thể lim dim ngủ, nơi ấy là nơi ta ý nhị thực hiện các cuộc buôn chứng khoán qua điện thoại di động rất kín tiếng. Nơi ấy, là nơi quên, để ngẫm, nơi để… lén… yêu nhau, nơi để khóc, nơi để hét lên, để xả… stress…

Nơi ấy có chiếc giá nho nhỏ xinh xinh đựng sách báo. Nơi ấy, có điện thoại, có gạt tàn thuốc lá, có nhạc lãng mạn du dương, rock giật ầm ầm trong toilet. Thế giới riêng của ta, đã kết nạp thêm một nơi – ấy là toilet!

Tuệ Thư

Ảnh: Sơn Photo, SK, ĐQT

Các tin liên quan

Sài Gòn, where’s the toilet? Bây giờ tôi mới được sống!

Từ khóa » Toilet Ngày Xưa