Nhạc Chế: Vui Thôi, đừng Làm Quá!

Giống như một quy luật bất thành văn, ca khúc hit nào sau khi ra mắt cũng được chế lời, được “hô biến” thành ca khúc mới, mang thông điệp khác đến mức không thể nhận ra so với bản gốc. Số đông cho rằng, giá trị lớn nhất mà nhạc chế mang lại là niềm vui, sự thư giãn, tuy nhiên, cũng còn nhiều vấn đề đặt ra cần phải bàn luận khi niềm vui này trở nên quá đà.

Nghệ sĩ chân chính bức xúc với nhạc chế

Là một ca sĩ sở hữu nhiều bài hit, tất nhiên Tuấn Hưng đã quá quen với việc sản phẩm của mình bị chế. Tuy nhiên, những ngày gần đây, khi một ca khúc của anh bị chế theo hơi hướng thô thiển, tục tĩu, nam ca sĩ đã có những chia sẻ thẳng thắn trên trang facebook cá nhân. Cụ thể, khi thấy clip “hiện tượng mạng” Hoa Vinh cover bản hit Độc thoại của mình, Tuấn Hưng viết: “Tình cờ được nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận gửi cho cái link bài hát này nghe xong hết hồn. Ca sĩ này là ca sĩ nào nhỉ. Nhìn mặt có vẻ ngông nghênh và bất cần lắm cho nên mới dám lấy bài hát của mình ra để chế lời như vậy. Đọc xuống phía dưới chỉ thấy tên là Hoa Vinh. Không biết đi hát đâu chưa?... Không rõ vì lý do gì mà lại chế lời bài hát rồi hát công khai như vậy, chắc định câu like hoặc cũng có khả năng nó muốn va với với mình chăng?”.

Cuối dòng trạng thái, Tuấn Hưng nhấn mạnh anh sẽ làm cho rõ ràng câu chuyện này, đồng thời gắn thẻ facebook tác giả bài hát là nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận. Phía dưới phần bình luận, nhiều người cũng ủng hộ thái độ quyết liệt của Tuấn Hưng khi thấy “hiện tượng mạng” làm xấu đi ca khúc bằng những từ ngữ thô tục. Trước sự “dằn mặt” của đàn anh, Hoa Vinh đã phải gọi điện xin lỗi, giải thích việc chế lời tục tĩu.

Là một ca sĩ sở hữu nhiều bài hit, Tuấn Hưng đã quá quen với việc sản phẩm của mình bị chế.

Là một ca sĩ sở hữu nhiều bài hit, Tuấn Hưng đã quá quen với việc sản phẩm của mình bị chế.

Bản chế hot hơn bản gốc

Nhạc chế, chưa bàn đến chuyện hay - dở, nhưng rõ ràng, thể loại này vẫn có được lượng khán giả nhất định và đang dần tạo thành một trào lưu, tồn tại song song với nhiều trào lưu âm nhạc khác trong thị trường âm nhạc. Không ít “ngôi sao nhạc chế” đã xuất hiện. Đáng chú ý là những bản nhạc chế thường “ăn theo” ca khúc hit nào đó đang thịnh hành trên các bảng xếp hạng âm nhạc.

Đình đám nhất phải kể đến ca khúc chế Despacito (phiên bản Đại học) (chế từ ca khúc có số lượng người xem nhiều nhất thế giới hiện nay - Despacito của ca sĩ người Puerto Rico Luis Fonsi và Daddy Yankee). Nói về tình trạng học thi của các sĩ tử, Despacito (phiên bản Đại học) đã thu hút hơn 10 triệu lượt người xem trên youtube.

Gần đây, Hồ Minh Tài được cư dân mạng gọi là “Thánh chế” với hàng loạt ca khúc chế chục triệu view. Không phải là một ca sĩ chuyên nghiệp nhưng những bản nhạc chế của Hồ Minh Tài thu hút lượng người xem khá lớn. Những ca khúc chế của “Thánh chế” Hồ Minh Tài phải kể đến như 10 tật xấu của chồng (Chế từ ca khúc Duyên phận, sáng tác Thái Thịnh), Tết xa nhà (chế lời từ ca khúc Anh Ba Khía của Sơn Hạ và Nỗi buồn mẹ tôi của Minh Vy), Tết nhà nghèo (chế từ ca khúc Trách ai vô tình)... MiNi Anti cũng là cái tên không xa lạ với những bạn trẻ thích nhạc chế trên youtube. MiNi Anti gồm hai chàng trai sinh năm 1999 có tên là Vũ Duy Minh và Phạm Hải Ninh hiện sống tại Hà Hội. MiNi Anti bắt đầu chế nhạc từ năm 2015 và đến nay đã có khoảng 20 sản phẩm nhạc chế được đăng tải trên youtube.

Chế nhạc thiếu ý thức

Nhạc chế và trào lưu chế nhạc đã được giới trẻ biết đến như một loại hình giải trí nhằm tạo tiếng cười. Nội dung chế ca từ những ca khúc quen thuộc có khi chỉ là vô thưởng vô phạt, có khi nhằm lên án một hiện tượng xã hội. Lời chế hài hước đã giúp những bản nhạc này lan truyền rộng rãi trong giới trẻ và được nhiều người hưởng ứng. Loại bỏ những sản phẩm biến tướng thì nhiều bản chế nhạc Việt đã gây sốt trong cộng đồng mạng trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, nhạc chế cũng giống như một nét văn hóa rất đặc trưng trong giới sinh viên. Họ yêu thích một ca khúc và làm mới nó bằng chính ngôn từ “rất sinh viên”. Nội dung có khi chỉ là vô thưởng vô phạt nhưng đánh trúng tâm lý của những cô cậu ngồi trên ghế giảng đường. Tiếng cười của những bản nhạc chế đó không chỉ để mua vui mà còn lay động sự đồng cảm của biết bao người.

Khi nghe bản nhạc chế Nỗi trăn trở của một sinh viên được sáng tác dựa trên bài Lắng nghe nước mắt của Mr.Siro, tác giả là anh chàng Nhật Anh đã khiến nhiều người phải ngậm ngùi vì vừa nhớ một thời sinh viên đói ăn, gầy vì học, stress vì thi nhưng cũng có nhiều niềm vui khôn xiết. Thế nhưng, để chế nhạc tinh tế, hài hước không hẳn là bạn trẻ nào cũng làm được. Những giai điệu quen thuộc nhưng lời ca được các bạn trẻ “sáng tạo” đầy tính dung tục, bạo hành khiến những người lần đầu tiên nghe không khỏi “choáng” thì lại là những biến tướng đáng chê trách.

Một câu hỏi đặt ra lúc này là những ca khúc nhạc chế kể đang tràn lan trên internet hiện nay đã có được sự đồng ý của nhạc sĩ sáng tác ca khúc hay chưa. Việc chế lời ca khúc mà chưa được phép là hành vi vi phạm quyền tác giả và vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý văn hóa ở đâu? Còn nhớ cách đây không lâu, phần biểu diễn của Yanbi và Mr.T với ca khúc Thu cuối cũng đã từng bị dư luận lên án gay gắt bởi những ngôn từ tục tĩu và đã bị Sở VH- TT&DL địa phương phạt 10 triệu đồng.

Có thể nói, chế nhạc là một hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm quyền tác giả. Dẫu hiện nay rất nhiều bạn trẻ biết điều này nhưng vẫn cố tình chế lại nhạc gốc một cách “vô tư”. Sự “hồn nhiên” này của một bộ phận với trẻ đã dẫn đến việc nhạc chế đang ngày càng phát tán rộng hơn. Điều này không chỉ xâm phạm nghiêm trọng luật pháp mà nó còn có những tác động nguy hại đối với nhận thức và việc cảm thụ âm nhạc của người nghe, đặc biệt là giới trẻ. Giải trí là nhu cầu của tất cả mọi người, tuy nhiên chúng ta cần biết đâu là điểm dừng để nhạc chế không trở thành sản phẩm “rác”. Thiết nghĩ, để có được một đời sống yên ổn và trong lành, nhạc trẻ Việt cần sự quản lý chặt chẽ hơn nữa từ các đơn vị chức năng.

Từ khóa » Ca Có Nhạc Chế