Nhạc Cụ Cổ Truyền VN – Sênh Tiền/Sinh Tiền | Đọt Chuối Non

Đọc các bài cùng chuỗi, xin click vào đây.

Chào các bạn,

Hôm nay mình giới thiệu đến các bạn nhạc cụ Sênh Tiền/Sinh Tiền của người Việt/Kinh.

Sênh Tiền là nhạc cụ chi gõ, xuất hiện ở Việt Nam ít nhất vài trăm năm nay. Thời cổ xưa nhạc cụ này còn có tên Phách Sâu Tiền hay Phách Quán Tiền (Sênh trong tiếng Nôm là Phách). Cũng có tên khác là Sinh Tiền.

Sênh Tiền là một loại Sênh có gắn những đồng tiền vào nên được gọi là Sênh Tiền.

Sênh Tiền.
Sênh Tiền.

Cấu trúc Sênh Tiền gồm có 3 thanh gỗ cứng (thường là gỗ trắc hay gỗ cẩm lai). Thanh gỗ thứ nhất và thanh gỗ thứ hai được nối liền bằng một sợi dây da ngắn. Thanh thứ nhất trên đầu có 2 cây đinh nhỏ, mỗi đinh xuyên qua lỗ 3 đồng tiền, đầu đinh có núm để giữ các đồng chinh không rớt ra khi đánh. Mặt thanh thứ nhất (dưới 2 cây đinh) có 1 đoạn dài khoảng 13 cm gồm 10 hàng răng cưa lồi lõm, khía theo chiều ngang. Thanh thứ hai giống như thanh thứ nhất nhưng chỉ có 1 cây đinh gắn các đồng tiền. Cả hai thanh này có phần cuối cùng bằng gỗ, không răng cưa, dùng để làm tay cầm. Hai thanh dài khoảng 28 cm, ngang khoảng 3 cm dày khoảng 8mm, còn thanh thức ba ngắn hơn, dài khoảng 20 cm.

Thanh thứ ba ngắn hơn một ít, có khứa răng cưa bên cạnh, cạnh trái khứa từ đầu đến giữa, cạnh phải từ đầu đến cuối.. Thanh thứ ba không có cọc tiền và răng cưa trên mặt, nhưng lại có hàng răng cưa ở hai cạnh hông. Cạnh phải từ đầu đến giữa là răng cưa, còn cạnh trái có răng cưa từ gốc đến giữa. Mỗi cạnh có 10 răng cưa. Thanh này gọi là Con Dao.

sinhtien1

senhtien4

senhtien5

Khi diễn tấu Sênh Tiền nghệ nhân dùng 2 đến 3 ngón tay phải kẹp vào giữa 2 mặt của Con Dao, tay trái cầm 2 thanh có dây nối. Thanh có 2 cọc tiền nằm trên thanh có 1 cọc tiền, hai thanh này so le nhau (thanh trên hơi lùi xuống, thanh dưới nhô ra), mục đích để 3 cọc tiền sát nhau. Ngón cái đặt trên mặt thanh trên, bốn ngón còn lại đỡ thanh dưới. Khi rập và mở 2 thanh này âm thanh phách và đồng tiền sẽ phát ra. Tay phải uyển chuyển như múa, cầm Con Dao quẹt cạnh răng cưa vào 2 bên cạnh của hai thanh kia hoặc quẹt đi quẹt lại 2 đầu của Con Dao vào mặt hàng răng cưa của thanh trên, tiếng sột soạt sẽ phát ra.

Ngoài ra nghệ nhân còn có thể sử dụng Con Dao, gõ đầu, gõ cạnh và mặt của nó vào 2 thanh của tay trái hoặc đưa Con Dao vào giữa 2 thanh đang mở ra, lắc gõ nhanh vào 2 thanh ấy, hoặc đưa cao tay trái lắc nhanh hai thanh khiến những đồng tiền kêu leng keng. Cuối một bản nhạc hay cuối một nửa đoạn thường sử dụng kỹ thuật lắc giữa hai thanh phách tiền. Đây là một số cách sử dụng Sênh Tiền, tùy trường hợp khi diễn tấu nghệ nhân sẽ áp dụng cách lắc gõ như thế nào.

Sênh Tiền được dùng trong Dàn Nhạc Cung Đình, Chầu Văn, Ca Huế, Bát Âm, Hát Sắc Bùa, Hát Ẩ Đào… Người ta dùng nó để hòa tấu, giữ nhịp hoặc làm đạo cụ múa.

Sistrum.
Sistrum của người Ai Cập.
Zilli Masa của người Hy Lạp.
Zilli Masa của người Thổ Nhĩ Kỳ và người Hy Lạp.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Sênh Tiền là nhạc cụ tổng hợp 3 loại nhạc cụ gõ trên thế giới (cái Quẹt, cái Phách và Vòng Lắc).

Trên thế giới tương tự Sênh Tiền/Sinh Tiền có Sistrum của dân tộc Ai Cập thời cổ đại, và Zilli Masa có xuất xứ từ Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.

Dưới đây mình có trích đoạn bài “Nhạc cụ thường dùng trong nghệ thuật hát xẩm” và 6 clips diễn tấu Sênh Tiền/Sinh Tiền để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.

Đặc biệt mình có 1 clip nhạc cụ Sistrum của người Ai Cập giới thiệu đến các bạn.

Mời các bạn

Túy Phượng

(Theo Wikipedia)

xam7_nhạc cụ xam

Nhạc cụ thường dùng trong nghệ thuật hát xẩm

Nói đến hát Xẩm, người ta thường nghĩ ngay đến hình ảnh một người khiếm thị với cây đàn nhị trên tay, đưa đẩy những tiếng đàn làm nao lòng người nghe. Nhị là một nhạc cụ quan trọng, đóng vai trò chủ đạo không thể thiếu trong nghệ thuật hát Xẩm. Ngay như nghệ nhân Hà Thị Cầu khi kể chuyện đời hát Xẩm của mình cũng không bao giờ quên nhắc về cây nhị. Nhưng bên cạnh nhị còn có nhiều nhạc cụ khác nữa mà chúng ta hiếm khi được nhìn thấy một cách đầy đủ. Một nhóm hát Xẩm đông người mới hay dùng thêm những nhạc cụ khác, còn về cơ bản, bộ nhạc cụ đơn giản nhất để hát Xẩm chỉ gồm đàn nhị và sênh.

xam13_sênh

Sênh

Có hai loại là: Sênh sứa hoặc Sênh tiền.

Sênh tiền: là một cặp phách hai lá bằng gỗ cứng. Lá phách thứ nhất gọi là “lá phách kép“, lá phách thứ hai gọi là “lá phách đơn“. Lá phách kép gồm hai thanh gỗ một dài (25 cm), một ngắn (11 cm) được gắn úp vào nhau bằng một miếng da hay một bản lề. Phía đầu thanh dài có gắn các cọc tiền chinh. Lá phách đơn dài 25 cm có các đường rǎng cưa ở cạnh và ở mặt lá phách.

Khi đánh phách, tay trái cầm lá phách kép, tay phải cầm lá phách đơn vừa đập, vừa ung, vừa quẹt tạo ra các tiết tấu nghe rất rộn ràng. Sênh tiền chủ yếu dùng đệm nhịp điệu ở các dàn nhạc tế, lễ, dàn đại nhạc cung đình và nhạc múa cổ truyền.

Sênh sứa: là loại phách gồm hai miếng tre giống như hình chiếc lá, chiều dài khoảng 14cm, chiều ngang đoạn giữa khoảng 5cm, bề cật tre là lưng, bề ruột tre là mặt. Cặp Kè tiếng trong, dòn, vui tươi, có những tiếng rung rất độc đáo.

Khi biểu diễn Sênh Sứa, người chơi cầm đôi Cặp Kè trong lòng bàn tay, hai mặt lưng ấp vào nhau, cặp kè thường sử dụng hai đôi, cầm ở hai tay, với bàn tay điêu luyện, lúc mở lúc nắm vào, lúc rung các ngón tay, lúc tay này nắm tay kia mở, lưng cặp kè gõ vào nhau, tạo nên tiết tấu và hiệu quả âm thanh hấp dẫn.

Sênh Sứa thường được sử dụng trong Ban nhạc Xẩm, đi cùng với Mõ tre nghe rất bình dị, hài hòa.

Phách.
Phách.

Phách

Phách là nhạc cụ gõ, xuất hiện trong nhiều thể loại ca, múa nhạc ở Việt Nam từ lâu đời. Phách có nhiều loại và tên gọi khác nhau. Trong hát xẩm phách gọi là cặp kè; trong cải lương và dàn nhạc tài tử phách là song lang; trong ca Huế phách là sênh, còn trong dàn nhạc tuồng, đám ma, múa tôn giáo và múa dân gian người ta mới gọi là phách…

Nhiệm vụ của phách là giữ nhịp cho dàn nhạc, người hát hoặc múa. Nhịp của phách đơn giản trong cải lương, nhưng phức tạp và biến tấu trong những dàn nhạc sân khấu.

oOo

Diễn tấu Sinh Tiền – NS Trần Quang Hải:

Nhạc Cụ Dân Tộc Hòa Tấu – Trống, Mõ, Sinh Tiền, Sênh Sứa, Thanh La, Chập Chõa bắt đầu ở phút 11:37: https://www.youtube.com/watch?v=QdeFALZD2DU

Diễn tấu Sênh Tiền/Sinh Tiền trong Ca Huế (1):

Diễn tấu Sênh Tiền/Sinh Tiền trong Ca Huế (2): https://www.youtube.com/watch?v=ZO0I4LrZUFk

Diễn tấu Sênh Tiền/Sinh Tiền trong Ca Huế (3): https://www.youtube.com/watch?v=5SFQRLznlEo

Diễn tấu Sênh Tiền/Sinh Tiền trong Nhã nhạc cung đình Huế: https://www.youtube.com/watch?v=jroHJQj9lA0

How to Play a Sistrum

Share this:

  • Facebook
  • Email
  • More
  • Print
  • Twitter
  • Reddit
Like Loading...

Related

Từ khóa » Nhạc Cụ Sênh