Nhạc Cụ Truyền Thống Của Các Dân Tộc Tây Nguyên : Sự Quyến Rũ ...

Tây Nguyên được mọi người biết đến không chỉ vì cồng chiêng-di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại-mà Tây Nguyên còn có "kho tàng" nhạc cụ truyền thống vô cùng độc đáo và phong phú về mặt chủng loại. Nét độc đáo không chỉ thể hiện ở chỗ chất liệu chế tác nguyên sơ mà còn thể hiện ở màu âm mộc mạc mà quyến rũ lòng người.

T'rưng

T'rưng là tên gọi theo tiếng Jrai để chỉ một nhạc cụ họ tự thân vang - chi gõ. Phổ biến nhất là loại T'rưng làm bằng những ống nứa dài ngắn, to nhỏ khác nhau sắp xếp theo một hệ thống nhất định. Tất cả những ống nứa được chọn làm đàn phải giữ kín một đầu mắt , đầu kia của mỗi ống được vát đi một phần để tạo ra âm thanh vừa ý. Tất cả ống nứa, sau khi chỉnh âm được kết lại với nhau thành một dàn bởi hai sợi dây và được kê lên giá đỡ. Tiếng T'rưng vừa khỏe vừa vang xa, thể hiện những tác phẩm có tốc độ vừa phải hoặc nhanh vui rất có hiệu quả. Màu âm của T'rưng trong sáng và ấm áp. Khi dùng dùi lướt nhanh trên đàn nhiều lần tạo cho ta cảm giác như có tiếng suối chảy róc rách.

Teh đing

Nhạc cụ được dùng phổ biến trong các buôn-làng các dân tộc ở vùng Bắc Tây Nguyên, thường được gọi là Ching đing hoặc Đing đuk. Thoạt nhìn, Teh đing giống như những ống của đàn T'rưng thảo ra. Thực ra đó là một loại nhạc cụ độc lập, có chức năng thể hiện tiết tấu, dùng đệm cho hát, múa. Là một nhạc cụ dân gian được các nghệ nhân chế tác một cách tự do nên không có một âm thanh nào chuẩn cho tất cả các Teh đing. Dù Teh đing có 3 ống hay 5 ống cùng chỉ có vẻn vẹn 2 âm thanh (2 nốt nhạc). Khi biểu diễn tay trái nghệ nhân cầm ngày đầu ống có mắt bịt kín, tay phải cầm dùi (hoặc ống) gõ vào thân ống, cách đầu vát khoảng 20 cm. Teh đing thường được sử dụng trong các cuộc vui với những bài có tốc độ vừa phải và hơi nhanh. Tiết tấu càng nhanh, âm thanh càng thôi thúc, rộn ràng, phù hợp với tính chất nguyên sơ của một công cụ dùng để xua đuổi chim thú, bảo vệ mùa màng.

K'ní

Là một trong những nhạc cụ thường được các chàng trai Tây Nguyên sử dụng như một phương tiện biểu đạt cảm của mình đối với người yêu trong những đêm hò hẹn. Đàn K'ní được mắc duy nhất một sợi dây và bầu cộng hưởng. Thân đàn K'ní nhỏ, không có độ vang nên các nghệ sĩ đã dùng một sợi chỉ nối trực tiếp dưới dây đàn, còn một đầu buộc vào một miếng kim loại hoặc nhựa mỏng. Khi biểu diễn, các nghệ nhân ngậm một miếng kim loại ấy vào miệng và sử dụng đôi môi điều chỉnh âm sắc tiếng đàn cho phù hợp với nội dung bản nhạc. Âm thanh của tiếng đàn không chỉ được thể hiện thông qua đôi tay mà còn được thể hiện thông qua vật chuyền âm từ vòm họng qua môi và sợi chỉ đến thân đàn và ngược lại. Nhờ sự kết hợp tài tình ấy mà âm thành đàn K'ní vừa đục lại vừa trong, nhẹ nhàng lảnh lót, đôi khi nghe như người hát.

Đing goong

Là một trong những nhạc cụ thực sự độc đáo, thể hiện tính đặc thù của kho tàng âm nhạc dân gian các dân tộc Bắc Tây Nguyên nói chung và người Jrai noi riêng. Đing goong ra đời từ rất sớm, và chủ của nó không ai khác ngoài cư dân bản địa Tây Nguyên. Là một nhạc cụ có âm vực khá rộng, Đing goong vừa có thể biểu diễn độc tấu, vừa có thể đệm hát. Khi biểu diễn, nghệ nhân dùng 2 tay vừa giữ đàn ở trước bụng theo độ chếch 45o vừa dùng 2 ngón tay cái và hai ngón trỏ để gảy, do đó, có thể nói, Đinh goong là một dàn cồng chiêng thu nhỏ. Nhờ sự tác động của các ngón tay lên các sợi dây, từ những sợi dây truyền qua thân đàn đến bầu cộng hưởng, khiến Đinh goong có âm thanh độc đáo, vừa rộn ràng mà có lúc lại man mác buồn. Một trong những người đã có công giới thiệu Đinh goong trên sân khấu chuyên nghiệp của nước ta là nghệ sĩ Thảo Giang.

Bro

Bro chỉ là một ống lồ ô, dài khoảng 80-90 cm, đường kính 6-8 cm. Để tạo bầu cộng hưởng cho đàn, người ta gắn vào thân đàn một quả bầu khô đã được khoét một lỗ thoát âm ở dưới. Đối diện với quả bầu là 2 sợi dây đàn. Dưới 2 sợi dây, nghệ nhân gắn 4 cái phím được làm bằng gỗ hoặc tre già. Khi diễn tấu nghệ nhân úp quả bầu vào bụng, thỉnh thoảng họ mở ra úp vào để tạo nên tiết tấu đặc biệt của âm thanh. Màu âm của Bro hơi trầm buồn, âm thanh hơi rè và đục. Bro là một nhạc cụ dành cho nam giới sử dụng trong những buổi uống rượu cần hoặc sang nhà mới. Đặc biệt các ông chồng thường dùng Bro đệm cho vợ hát, hoặc vừa hát vừa đàn cho vợ con nghe trong lúc nghỉ ngơi, nhất là trong đêm khuya thanh vắng.

Klông pút

Đó là một loại đàn được làm từ những ống nứa hoặc lồ ô thông suốt cả hai đầu, to nhỏ, dài ngắn xếp cạnh nhau, thường dành cho nữ giới. Trong dân gian, Klông pút thường có từ 5 đến 9 ống. Ống ngắn nhất dài từ 40-50 cm, đường kính dài từ 4-5 cm. Ống lớn dài từ 100-130 cm, đường kính từ 5-8 cm. Tất cả được xếp thành một dàn rồi kê lên giá đỡ. Khi biểu diễn nghệ nhân dùng hai bàn tay khum lại, vỗ trước miệng ống, luồng không khí ùa vào miệng ống sẽ phát ra âm thanh. Một kiểu chơi khác là nghệ nhân dùng lòng bàn tay vỗ trực tiếp vào đầu miệng ống. Đến nay, Klông pút đã được cải tiến đáng kể. Âm vực của nó đã được mở rộng, âm sắc chuẩn xác, có khả năng thể hiện được những bản nhạc phức tạp với mọi trạng thái tình cảm của con người.

K.L

Báo Gia Lai

Từ khóa » Nhạc Cụ Truyền Thống Của Tây Nguyên